Phan Thế Hải - Blog và khả năng sáng tạo cá nhân

Vừa qua, tôi có hân hạnh được tiếp một ứng viên cho vị
trí biên tập. Là một thanh niên trẻ, anh vừa tốt nghiệp khoa
Chính trị của Học viện Báo chí tuyên truyền. Đọc lướt qua
đơn xin việc, tôi bắt gặp đầy lỗi ngữ pháp. Khi đề cập
đến một số kiến thức căn bản thì khả năng của anh rất
giới hạn. Điều làm tôi chú ý nhất không phải vì những
lỗi ngữ pháp hay văn bằng chính trị – mà ý kiến của anh
cho rằng "blog là điều nhảm nhí"!

<h2>Bụi rậm lý luận</h2>

Khi hỏi về lý luận chính trị Mác–Lê, anh như người mơ
ngủ, chợt bừng tỉnh dậy. Như một cái máy, anh huyên thuyên
rằng Mác–Lê là học thuyết, ưu việt, tiên tiến và đúng
đắn. Rằng, những khó khăn của các nước Đông Âu và hệ
thống các nước xã hội chủ nghĩa là do họ nhận thức sai,
nhưng riêng học thuyết này thì vẫn đúng. Rằng cuộc khủng
hoảng tài chính toàn cầu mới diễn ra cách đây vài năm đã
minh họa cho nhận định của Mác cách đây hơn trăm năm, và đi
lên chủ nghĩa xã hội là xu thế tất yếu của xã hội loài
người…

Nếu tôi không ra hiệu ngừng lại thì có lẽ bài diễn văn
của cậu còn kéo dài. Thực ra thì những điều này tôi đã
được nghe hàng trăm lần ở các diễn đàn khác nhau trong hệ
thống tuyên giáo do các cơ quan Tiệc (Party) tổ chức. Trường
hợp của anh bạn kia cũng không phải là cá biệt, thậm chí nó
đang chiếm một tỷ trọng đáng kể trong các trường đại
học. Đặc biệt là với các chuyên ngành tuyên giáo.

Nhưng điều gì đã làm cho những thanh niên như cậu ấy tự
nguyện xa rời đời sống thực để đi vào cái bụi rậm lý
luận ấy? Phải chăng đó là một sự thành công trong hệ
thống chính trị độc quyền chân lý?

<h2>"Ngôi nhà" tinh thần và xã hội thu nhỏ</h2>

Vài ngày trước tôi có đến Công viên Thống nhất dự một
cuộc offline của các blogger bên Quán Gió. Có thể thấy đó là
một xã hội thu nhỏ với sự đa dạng của cách nghĩ, đa dạng
của nhận thức và đa dạng của cá tính. Hàng ngày gặp nhau
online, đọc các bài viết của nhau, comments, tranh luận chí choé
rồi ra ngoài đời để mặt đối mặt thì thấy thật thú vị
vô cùng.

Ở đó, các quan điểm, cách nhìn nhận được mổ xẻ, đúng
sai. Tuỳ theo sự quan tâm mà họ tụ hội thành từng nhóm, tranh
luận theo chủ đề. Đôi khi người đọc tìm kiếm được ở
trong đó những bài viết sinh động, sắc nét, đầy cá tính
đến ngỡ ngàng. Đơn giản là, vấn đề và thực tiễn ấy
được người viết trải nghiệm, suy ngẫm đến tận cùng của
chân lý. Khi viết ra, mỗi blogger buộc phải cân nhắc, trau
chuốt lại cho chuẩn xác về ngữ nghĩa cũng như về ý tưởng.
Và cũng không khỏi ngạc nhiên khi nhiều người có ngoại hình
khô khan vụng về nhưng lại có trang viết đầy cảm xúc, giàu
chất thơ.

Thực tế blog không phải là một khái niệm mới. Thuật ngữ
này có nguồn gốc từ cặp từ "Web Log" hay "Weblog" dùng
để chỉ một trang tin cá nhân trên mạng, một quyển nhật ký
dựa trên nền web, hay một bản tin trực tuyến nhằm thông báo
những sự kiện xảy ra hàng ngày do chính cá nhân đó quản lý
về nội dung.

Chính vì là trang tin của cá nhân nên nội dung và chủ đề
của blog rất đa dạng. Đây được coi là "ngôi nhà" tinh
thần của người viết. Đời sống xã hội đa dạng thế nào
thì thế giới blog cũng không kém phần phong phú. Trên đó,
những câu chuyện cá nhân, bản tin, danh sách các liên kết
online, những bài tường thuật, nhận định về một bộ phim
hay tác phẩm mới xuất bản đều được bày tỏ một cách
cởi mở, thoải mái mà không sợ bị kiểm duyệt bởi một ai
đó.

Chính vì là "ngôi nhà" tinh thần nên đó là không gian riêng
cho mỗi cá nhân mà họ tha hồ bài trí, sáng tạo, bày tỏ
chính kiến và chia sẻ mà không bị giới hạn bởi không gian
và thời gian. Có những cuộc offline diễn ra ở Hà Nội, nhưng
thu hút được lực lượng blogger sinh sống ở mọi miền trong
cả nước, thậm chí là nhiều bạn đang học tập và sinh sống
ở nước ngoài cũng về tham dự. Họ là những người từng
gặp nhau và trao đổi trên mạng, nay gặp ngoài đời thấy sinh
động, hấp dẫn.

<em><strong>Một ưu thế nổi bật của blog là tính tương tác,
vì sau mỗi bài viết đều có phần lời bình
(comment)</strong></em>. Người đọc có thể "còm" về các vấn
đề mà bài viết đã nêu. Khen, chê, bổ sung, mổ xẻ vấn đề
một cách thoải mái, thậm chí nêu các vấn đề mới để cùng
nhau thảo luận. Thông qua các comments, người viết có thể
thấy được phản ứng của bạn đọc về cách nghĩ, cách
đặt vấn đề của mình. Đó cũng chính là công cụ để đo
phản ứng xã hội thông qua cộng đồng blog. Thậm chí, một
số vấn đề mà xã hội cho là nhạy cảm, không tiện nói ra
thì blog là nơi để người viết có thể bày tỏ một cách
thoải mái, không một chút e dè.

<h2>Đa đạng và trưởng thành của blog Việt</h2>

Sau hơn 5 năm kể từ ngày xuất hiện blog, ở Việt Nam đã có
cộng đồng blog đông đảo lên tới hàng triệu người. Trong
số đó có những blog thu hút được hàng triệu người đọc
mỗi tuần như Blog "Quê choa" của nhà văn Nguyễn Quang Lập
(http://quechoablog.wordpress.com), blog của nhà văn Nguyễn Trọng
Tạo (http://nguyentrongtao.org), v.v…

Tất nhiên, do sự đa dạng của các cá nhân nên không phải blog
nào cũng thú vị và hấp dẫn người đọc. Sự đa dạng này
bao gồm cả những trang blog đăng tải các vấn đề tục tĩu,
không hợp với thuần phong mỹ tục. Có lẽ do hiện tượng này
nên một số người không hiểu hết đời sống của blog đã
có nhận xét cực đoan "thấy nó nhảm nhí" như trường hợp
anh bạn nêu trên.

Bỏ qua những hạn chế đó, không thể phủ nhận được rằng,
blog là công cụ để con người ngày càng gần nhau hơn. Blog
cũng mang lại điều kiện để chúng ta chia sẻ những ý
tưởng, tâm tư, tình cảm và sở thích. Hơn thế, đó là không
gian riêng mà mỗi cá nhân có quyền bày tỏ ý tưởng và
được chia sẻ với cộng đồng thông qua các bài viết và các
sáng tạo nghệ thuật.

Nếu mỗi ngày, bạn online và viết một điều gì đó trên blog,
chắc chắn rằng trình độ diễn đạt của bạn sẽ được
cải thiện trong thời gian rất ngắn. Cùng với đó, việc đọc
và tranh luận trên các blog sẽ giúp cho ta nhìn nhận các vấn
đề một cách thấu đáo, đa chiều và khoa học hơn – tránh
những lý luận cực đoan và độc quyền chân lý.

<em>Phan Thế Hải</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7256), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét