Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan (2)

Xã hội Trung Quốc đã thay đổi, và nhà nước đảng trị Trung
Quốc cũng thay đổi. Để còn tiếp tục nắm quyền, Đảng
Cộng Sản Trung Quốc đã phải biết thích ứng hơn, và họ đã
thực thi một số cải cách ấn tượng. Những cải cách này bao
gồm cải cách trong nội bộ đảng, cũng như là hệ thống pháp
luật và hành chính quản trị. Những thay đổi ấy chưa đủ
để đưa Trung Quốc vào con đường dân chủ theo kiểu Tây
phương, nhưng nó thể hiện một cuộc chơi mặc cả giữa nhà
nước và xã hội: một xã hội với giới hạn lớn hơn trong
việc sử dụng quyền lực tùy tiện của nhà nước, tự do cá
nhân nhiều hơn, và gia tăng không gian cho những tác động xã
hôi.

Từ năm 1999, khi lãnh đạo Trung Quốc thay đổi hiến pháp cho
phép bảo vệ tài sản cá nhân và cho phép những nhà tư bản
tham gia vào Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Đảng Cộng Sản Trung
Quốc đã bắt đầu một chương trình cải tổ chính trị nội
bộ. Họ đã củng cố thêm quá trình ra quyết định của tập
thể, đặt nền tảng cho sự cân bằng quyền lợi phe phái, xây
dựng luật lệ cho sự lựa chọn những người lãnh đạo kế
vị trong đảng, và cải thiện hệ thống thăng quan tiến chức
để năng lực được xét đến bên cạnh yếu tố chính trị.
Mặc dù Đảng Cộng Sản Trung Quốc cấm những phê bình từ
ngoài đảng, nó lại cho phép đảng viên tranh luận về tương
lai chính trị một cách cởi mở, đặc biệt là trong Trường
Đảng Trung Ương nơi huấn luyện những lãnh đạo tương lai.

Trong quá trình cải tổ trong đảng, các quan chức Đảng Cộng
Sản Trung Quốc đã phải chú trọng hơn đến việc thu thập
sự ủng hộ trong nội bộ đảng và từ ngoài xã hội, nếu
muốn tiếp tục nắm quyền. Tranh đua tìm kiếm ủng hộ rộng
rãi hơn đã khuyến khích một số cán bộ chấp nhận qui định
thử nghiệm cải tổ chính trị tại địa phương, nhưng những
cải tổ làm gia tăng sự cạnh tranh và sự công khai cũng mang
theo những rủi ro. Những cá nhân tìm cách dành được sự tán
thành chính trị và xã hội (và tranh cãi sự khác biệt thực
sự về chính sách) có thể gây mất đoàn kết trong Đảng
Cộng Sản Trung Quốc. Hậu quả như thế có thể dẫn đến tự
do hóa rộng rãi hơn, những cũng có thể dẫn đến xung đột.
Hơn nữa, nhu cầu cạnh tranh có thể làm một số lãnh đạo dè
dặt hơn để phấn đấu vào những vị trí có khuynh hướng
cải tổ chính trị.

Từ năm 2001, Trung Quốc cũng đã cải tổ sâu rộng hệ thống
pháp luật, nâng cấp luật thương mại, bảo vệ tài sản tư
nhân, bảo vệ quyền công dân, nâng cao nghiệp vụ của hệ
thống tòa án. Khoảng 20.000 người ra trường cử nhân luật
mỗi năm, Trung Quốc hiện tại có khoảng 170.000 luật sư, hơn
13.000 văn phòng luật, hàng ngàn giáo sư luật, và mấy chục
ngàn những người làm việc về ngành luật pháp. Rất nhiều
người thuộc nhóm này ủng hộ phong trào bảo vệ các quyền
con người đang phát triển ngày càng lớn.

Tác động đầy đủ của những cải tổ hiến pháp và luật
pháp có thể mất nhiều năm để thấy được. Từ những năm
đầu của thập niên 2000, những người dân sống ở thành thị
đã sử dụng những quyền được xác định trong Bộ Luật Xây
Dựng 1994 để tham gia quản lý khu vực họ sống. Năm 2008, một
số công dân đã xử dụng Bộ Luật Dân Cử 2000 để kiến
nghị lên Quốc Hội cứu xét lại chính sách thu thuế của Bộ
Tài Chánh. Những cải tổ khác đã tạo ra nhiều kết quả hơn
trông thấy ngay: năm 2010, tòa án Trung Quốc thấy gần 400.000 ca
mới về khiếu kiện bất bình lao động trong nước (khoảng
gấp hai lần rưỡi so với tổng số cho năm 2007), nhờ có Bộ
Luật Lao Động 2008.

Mặc dù có những tiến bộ, những cải tổ luật pháp non nớt
của Trung Quốc vẫn đi kèm với các trường hợp quan chức
lạm quyền, bao gồm cả việc hình sự hóa những vụ bày tỏ
chính kiến chính trị ôn hòa. Trong những năm gần đây, chẳng
hạn, Trung Quốc đã cầm tù một số nhà trí thức và hoạt
động chính trị nổi tiếng vì những tội chính trị -- bao
gồm luật sư Chen Guancheng, nhà hoạt động nhân quyền Hu Jia,
và luật sư Gao Shisheng. Bắc Kinh đã cầm tù nhiều người
khác, kể cả nhà địa chất người Mỹ Xue Feng, về tội phá
hoại "bí mật quốc gia".

Các cải tổ hành chính và quản trị gần đây đã cải thiện
nền hành chính ở Trung Quốc, và những khảo sát doanh nghiệp
trong và ngoài nước như chỉ số Global Competitiveness Report (đo
mức độ cạnh tranh của các nền kinh tế trên thế giới) của
World Economic Forum năm 2010-2011 đã khẳng định điều này. Nhưng
cho dù các cuộc thực nghiệm cho phép thôn xã bầu người lãnh
đạo phần nào đã cải thiện được mức độ giám sát và
nâng cao trách nhiệm của cấp cơ sở, Đảng Cộng Sản Trung
Quốc vẫn từ chối đem các thử nghiệm này áp dụng vào cấp
tỉnh thành và quốc gia. Tương tự, các thử nghiệm với sự
tham gia của công chúng vào các quyết định chính trị ở cấp
tỉnh thành, ví dụ duyệt chi ngân sách, cũng bị giới hạn.

Những thay đổi nói trên sẽ đưa Trung Quốc đi đến đâu?
Một số người ở Trung Quốc (và ngay cả ở phương Tây) tin
rằng Trung Quốc không cần tiếp tục cải tổ. Bắc Kinh, nói
cho cùng, đã duy trì được sự phát triển kinh tế và ổn
định xã hội cơ bản. Nhưng một số lãnh đạo Trung Quốc
trông thấy những nguy cơ nếu duy trì tình trạng hiện tại, mà
diễn văn của ông Ôn Gia Bảo tháng Tám năm 2010 là một bằng
chứng. Nhiều con đường có thể dẫn Trung Quốc hướng về
một tương lai chính trị tự do hơn, nhưng không con đường nào
giúp họ chuyển tiếp nhanh và không đau đớn đến với nền
dân chủ kiểu phương Tây. Đài Loan cũng có một văn hóa chính
trị kiểu Trung Quốc và cung cấp một thí dụ tích cực làm sao
chuyển từ một nhà nước độc đảng Lê-nin-nít sang một hệ
thống dân chủ hơn. Những con đường khác có thể bao gồm
những cải tổ theo sau một cuộc đảo chính mềm, tương tự
như những trường hợp thấy tại Nam Tư, Nga hay Mexico.

Lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng có thể quyết định rằng cải
tổ hệ thống quá rủi ro và có thể không muốn đi bước kế
tiếp – hợp thức hóa những tổ chức xã hội độc lập,
tăng cường sự cách biệt giữa đảng và nhà nước, và mở
cửa hệ thống chính trị hơn nữa để đón nhận phê bình và
giám sát từ xã hội. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn
rằng, những cải cách từng bước nhỏ sẽ được tiếp tục,
trong khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm cách thoát khỏi tình
trạng tiến thoái lưỡng nan xảy ra khi xã hội Trung Quốc phát
triển. Những thay đổi từng bước nhỏ trong quá khứ đã
chứng minh rằng những cải cách tự do hóa sẽ thành công trong
tương lai, nếu chúng thực sự được thử nghiệm. Dĩ nhiên,
mỗi thay đổi này cũng đem lại những nguy cơ cho Đảng Cộng
Sản Trung Quốc, ví dụ như sự xuất hiện của một giai cấp
trung lưu thành thị tích cực hoạt động chính trị hơn, hoặc
khả năng chia tách đến từ nội bộ đảng.

Ngay cả tự do hóa chính trị thành công đi chăng nữa, không ai
có thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ trở nên hòa bình hoặc
chia sẻ nhiều lợi ích với Hoa Kỳ hơn. Trên thực tế, mặt
trái của gia tăng tự do và cởi mở đã được phơi bầy. Một
số tướng lãnh đang dùng báo chí để chất vấn chính sách
ngoại giao của Bắc Kinh và lôi kéo công chúng ủng hộ cho quân
đội. Nhiều giới trẻ có học thức, sử dụng thông thạo
mạng thông tin, lại ủng hộ một thứ chủ nghĩa dân tộc bài
ngoại tại Trung Quốc. Và công chúng Trung Quốc (có lẽ được
ủng hộ ngầm của chính quyền) đang những xung đột giữa
Trung Quốc với các nước láng giềng trở nên tệ hơn, như
trong vụ tranh cãi với Nhật Bản tại biển Đông Trung Hoa. Dù
sao, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi con đường tự do hóa
vẫn nằm trong lợi ích của Hoa Kỳ -- và không chỉ vì đó là
một thành tựu đáng kể của loài người. Một Trung Quốc cải
tổ chính trị sẽ là một thí dụ mang tính khuyến khích cho
những quốc gia khác tại Á Châu và rộng hơn. Nếu được
củng cố vững chắc, một chế độ Trung Quốc tự do sẽ
thịnh vượng và ổn định, và hệ thống chính trị có thể
tốt hơn trong việc điều chỉnh những lỗi lầm trong chính
sách ngoại giao nếu có xảy ra.

Khi chúng tôi viết vào năm 2001, các quan chức Hoa Kỳ lúc đó
đã gọi Trung Quốc là một "kẻ cạnh tranh chiến lược".
Chúng tôi lập luận rằng, ở vị thế của một cường quốc
lớn mạnh hơn, Hoa Kỳ có lựa chọn để không dùng những lời
lẽ không hay như thế và tránh sự cạnh tranh an ninh thái quá
với Trung Quốc. Tuy nhiên, một thập niên sau, sự lựa chọn
để tránh né đối đầu giữa các cường quốc không còn đơn
độc nằm trong tay của Hoa Thịnh Đốn. Với sự lớn mạnh
tương đối về quân sự và kinh tế, Bắc Kinh bây giờ mang
trách nhiệm tương đương [với Hoa Kỳ] trong việc tránh xung
đột. Sự gia tăng quân sự của Trung Quốc tại eo biển Đài
Loan, sự phát triển các tên lửa chống tàu sân bay và hệ
thống tàu ngầm mới của Trung Quốc, những đòi hỏi mở rộng
chủ quyền biển đảo tại khu vực biển Đông và Nam Trung Hoa,
cách diễn giải khái quát của họ về quyền của Trung Quốc
trong những vùng kinh tế đặc quyền mang tính khiêu khích và
ngày càng gia tăng kể từ 2001.

Do đó, Hoa Kỳ sẽ phải dành một thế cân bằng khó khăn hơn.
Hoa Thịnh Đốn nên tiếp tục xây dựng khả năng an ninh (quân
sự) của họ tại Á Châu nhưng cũng tìm kiếm (giải pháp) để
tránh né những khiêu khích không cần thiết, kiềm hãm sự phô
trương đối với Trung Quốc, theo đuổi sự liên lạc thẳng
giữa quân sự đôi bên, Hoa Kỳ nên bền bỉ tìm kiếm giải
pháp chung cho những vấn đề như là năng lượng, tài chánh và
thương mại toàn cầu, và an ninh khu vực trong khi ấy tiếp tục
đảm bảo với Bắc Kinh rằng là Hoa Kỳ không chống đối sự
tăng trưởng của một Trung Quốc hòa bình. Nếu Trung Quốc
không hiểu rằng mình cũng có trách nhiệm giữ kiềm chế, thì
Hoa Kỳ cũng phải cứng rắn đáp lại bất kỳ hành động cố
chấp nào của Trung Quốc. Nếu không làm được thế là sẽ
khuyến khích chủ nghĩa phiêu lưu trong chính sách ngoại giao
của Trung Quốc, mà sẽ làm Trung Quốc sao lãng thách thức thật
sự của quốc gia này: Đó là cải cách chính trị nội tại.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6910), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét