Phan Thế Hải - Bất động sản "giáng" cú đòn vào đồng nội tệ?

Giải mã vấn đề tỷ giá, không thể bỏ qua thị trường bất
động sản. Đó không chỉ là điểm khởi đầu mà còn là một
mắt xích quan trọng trong chuối liên hoàn tác động đến thị
trường nội tệ.

Mấy tháng qua, mỗi buổi sáng, lướt qua các mặt báo, tin đầu
tiên đập vào mắt bạn đọc là các tin về giá cả. Hết
chuyện giá đất, giá nhà đến chuyện giá vàng và cả giá
ngoại tệ, tất thảy đều tham gia một cuộc đua khám phá độ
cao. Chỉ duy nhất một thứ giá đi ngược chiều với cơn lốc
đó: giá đồng nội tệ.

So với vàng, đồng nội tệ rớt giá thê thảm. Cách đây 6
tháng, vào 9/5/2010, giá vàng là 26,8 triệuđ/lượng thì giá vàng
vào ngày 9/11/2010 là 38,1 trđ/lượng, tăng xấp xỉ 42%, hay nói
cách khác, đây là tỷ lệ rớt giá của đồng nội tệ. Tốc
độ rớt giá này vượt xa tất cả những lần rớt giá trước
đó trong vòng hơn chục năm lại đây. Vậy đâu là nguyên nhân
sâu xa của hiện tượng này?

<h2>Khi giá trị bị thất thoát vô hình!</h2>

Về lý thuyết, tiền bạc là thước đo giá trị. Nếu tiền
giấy đảm nhận được chức năng ấy, sự tích luỹ của mỗi
cá nhân được đo bằng lượng tiền mà họ nắm giữ. Trường
hợp giá cả tăng cao, tiền giấy bị mất giá, người sở hữu
tiền bị thất thoát vô hình, người dân phải tìm kiếm
phương tiện khác để bảo toàn giá trị. Một trong những
loại tiền tệ cổ điển nhất, hữu hiệu nhất chính là vàng.

Như đã nói ở trên, là nước đang phát triển, Việt Nam buộc
phải chung sống với lạm phát. Điều này cũng cần thiết để
thúc đẩy vòng quay của tiền tệ. Vấn đề là lạm phát với
tốc độ nào để vừa kích thích người dân đưa tiền vào
lưu thông nhưng không làm cho họ tháo chạy khỏi đồng tiền
luôn luôn là bài toán của những nhà quản lý vĩ mô.

Vì lý do này, một trong những nội dung quan trọng của các kỳ
họp cuối năm của Quốc hội khi thông qua các mục tiêu chính
về phát triển kinh tế, thường không thể bỏ qua chỉ tiêu
lạm phát. Theo đó, trong năm 2010, Chính phủ đặt mục tiêu
lạm phát và được quốc hội thông qua 7%. Tỷ lệ này đã
tính đến các yếu tố về diễn biến xấu của nền kinh tế
toàn cầu dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính.

Thế nhưng, ngay sau 6 tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống
kê, CPI tháng 6 đã tăng 4,78% so với tháng 12/2009. CPI bình quân 6
tháng đầu năm 2010 tăng 8,75% so với nửa đầu năm 2009. Nghĩa
là vượt xa mong muốn chỉ tiêu ban đầu được Quốc hội
thông qua. Điều này báo hiệu một năm giông bão của giá. Vì
lý do này, Chính phủ điều chỉnh mục tiêu về giá cho cả năm
là 8%. Nhưng xem ra đến thời điểm này, hạn mức 8% cho lạm
phát đã bị bỏ lại khá xa.

Nếu như bão lũ ở miền Trung vừa rồi, có thể thống kê
được con số thiệt hại về tài sản khoảng dăm nghìn tỷ
đồng thì thiệt hại do bão giá vẫn là một ẩn số, nhưng
chắc chắn là hệ luỵ của nó đến nền kinh tế còn lớn hơn
nhiều con số dăm ngàn tỷ. Khi đồng tiền bị mất giá,
người dân đổ xô đi mua vàng làm phương tiện cất trữ.

Là nước nghèo, chưa có tích luỹ lớn nhưng hiện VN đang có
khoảng 1.000 tấn vàng dự trữ trong dân (tương đương 50tỷ
USD). Ông Lê Đức Thuý - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính
quốc gia cho rằng, đây là nguồn vốn lớn đang nằm yên không
sinh lời hoặc rơi vào khối kinh tế không chính thức.

Cùng với vàng là ngoại tệ. Tuy không lớn bằng dự trữ vàng
nhưng trong dân hiện vẫn còn găm giữ một lượng ngoại tệ
không dưới chục tỷ USD. Đây là nguồn lực không nhỏ bị
lãng phí trong khi nền kinh tế vẫn trong tình trạng đói vốn
triền miên.

<h2>Bất động sản - hạ tầng của nền kinh tế</h2>

<div class="boxright320"><img src="http://danluan.org/files/u1/Dcung3.jpg"
width="450" height="286" alt="Dcung3.jpg" /></div>
Hơn hai năm trước đây, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
đã bùng nổ được đánh dấu bằng sự kiện Lehman Brothers
sụp đổ (15/09/2008), kéo theo hàng trăm định chế tài chính
khác phải phá sản, gây rối loạn cả thị trường tài chính
toàn cầu. Khi nhìn lại sự kiện này, dẫu còn nhiều ý khiến
khác nhau nhưng vẫn thống nhất chung ở một điểm rằng, mầm
mống đầu tiên tạo nên cuộc khủng hoảng tài chính làm rung
chuyển thế giới xuất phát từ thị trường bất động sản.

Lý do đơn giản, bất động sản là mặt hàng đặc biệt có
tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Thị trường này suy thoái
sẽ khởi đầu cho hiệu ứng domino tác động đến mọi ngõ
ngách của đời sống kinh tế. Trường hợp Việt Nam cũng không
là một ngoại lệ.

Là ngành hàng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, có thể
nói rằng, bất động sản là hạ tầng của nền kinh tế. Đó
cũng là cái lõi có tác động trực tiếp đến thị trường
tài chính và chi phối mạnh mẽ đến thị trường vốn và
đời sống. Đó là chưa nói đến việc, hầu hết các khoản
thế chấp vay vốn ngân hàng là tài sản bất động (hay bất
động sản). Hơn 2/3 những khoản tích luỹ của người dân
đều giành cho việc đầu tư, mua sắm bất động sản.

Bất động sản gần như mối quan tâm thường trực của cá
nhân mỗi khi tiềm lực tài chính được cải thiện hoặc vào
lúc cần sắp xếp lại cơ cấu tài sản nắm giữ. Đặc biệt
là từ khi nền kinh tế mở cửa, cơ chế thị trường được
thừa nhận, cùng với đó, quyền sử dụng đất được công
nhận như là một loại hàng hoá bằng các quy định trong Luật
đất đai năm 1993. Từ đó, ghi nhận việc xã hội xem bất
động sản như một phương tiện cất trữ giá trị ưa thích
bên cạnh vàng và ngoại tệ mạnh.

Là nước đang đô thị hoá với tốc độ nhanh, thị trường
bất động sản VN đang chuyển động nhanh, mạnh và dường như
chưa theo một quy luật nhất định. Dẫu có nhiều thăng trầm
thì bất động sản vẫn là mảnh đất màu mỡ khiến cả nền
kinh tế đều hướng sự tập trung vào đó. Tuy nhiên, riêng các
cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ thì chưa giành sự quan
tâm thích đáng cho thị trường này.

Khởi đầu năm, giá đất ở các đô thị lớn từ chỗ im lìm
đã giao dịch náo nhiệt rồi tăng chóng mặt. Ở các trung tâm
kinh tế lớn của cả nước như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng...
sáu tháng đầu năm, chỗ tăng ít thì vài ba chục phần trăm,
chỗ tăng nhiều lên đến một vài trăm phần trăm.

Điều đáng nói là các cơ quan chức năng chưa dám nhìn thẳng
vào sự thật này mà vẫn cho rằng, đó là thị trường giao
dịch không chính thức. Rằng đó chỉ là cơn sốt bong bóng do
các "cò đất" thổi lên mà không thừa nhận nó như là một
thực tế của đời sống.

Thật lạ kỳ, nhà nước nắm trong tay quỹ đất đô thị,
kiểm soát đầu ra, đầu vào của thị trường bất động
sản, nhưng đã không có những can thiệp kịp thời khiến thị
trường này như con ngựa bất kham. Sự rối loạn của thị
trường bất động sản là cú đánh mạnh vào sự mất giá
của đồng nội tệ.

Chưa hết, đồng nội tệ non yếu lại bị thêm một cú trời
giáng từ thị trường vàng. Cũng cần nói thêm, khi đồng USD
có xu hướng yếu đi, ngay bên kia bờ đại dương, người dân
Mỹ cũng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn của giá trị, đó là
lúc mà vàng lên ngôi, USD mất giá so với vàng.

Thế nhưng, ở VN, đồng nội tệ vẫn bị mất giá trước USD.
Điều này chỉ có thể lý giải được khi đồng nội tệ vì
quá yếu, không chỉ mất giá trước vàng mà còn bị mất giá
với cả một đồng USD đang yếu, bởi trước đó, nội tệ
phải chịu cú giáng quá mạnh từ thị trường bất động
sản.

<h2>Thị trường tài chính - mối liên hệ ngũ hành</h2>

Được biết, chưa có một công trình nào nghiên cứu cụ thể
nào về mối liên hệ trong thị trường tài chính, nhưng rõ
ràng, năm yếu tố không thể thiếu được trong thị trường
này là: Bất động sản - Vàng - Lãi suất - Ngoại tệ - Chứng
khoán. Năm yếu tố này có mối liên hệ hữu cơ với nhau và
đều tác động mạnh mẽ đến thị trường nội tệ. Nói
chính xác hơn là quyết định đến tỷ lệ lạm phát.

Trong hầu hết các nghiên cứu về chỉ số giá, chúng ta quan
tâm nhiều đến các mặt hàng tiêu dùng mà chưa đánh giá đúng
mức sự tác động của năm yếu tố như vừa nêu ở trên,
điều này dẫn đến một thực tế: Chỉ số CPI công bố
thường chỉ tăng một con số, trong khi đó, sự mất giá của
đồng nội tệ so với vàng, USD và bất động sản thường là
2 con số. Thậm chí, còn cao hơn chỉ số CPI nhiều lần.

Điều này giải thích vì sao người dân tháo chạy khỏi đồng
nội tệ để tìm kiếm đến phương tiện cất trữ an toàn
hơn: Vàng và bất động sản. Sự lãng phí nguồn lực đang là
một nguyên nhân làm cho nền kinh tế khó tăng tốc và cất
cánh. Giải mã vấn đề tỷ giá, không thể bỏ qua thị
trường bất động sản. Đó không chỉ là điểm khởi đầu
mà còn là một mắt xích quan trọng trong chuối liên hoàn tác
động đến thị trường nội tệ.

<em>Phan Thế Hải</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7007), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét