Ngô Nhân Dụng - Dân Mỹ thực thi quyền thay đổi

Mỗi năm bầu cử, lại thấy chính các cử tri đi bỏ phiếu ở
Mỹ là chủ nhân của nước họ. Họ nắm trong tay quyền thay
đổi những đại biểu Quốc Hội hoặc tổng thống, những
người quyết định chính sách quốc gia.

Và người dân Mỹ đã thi hành quyền đó một cách dứt khoát
để thay đổi thành phần Quốc Hội. Các vị đại biểu
"đầy tớ của dân" không thể nào nghĩ địa vị của mình
là do ai ban cho, ngoài lá phiếu của cử tri.

Trong cuộc bỏ phiếu năm nay, đảng Cộng Hòa đã thắng lớn,
thêm nhiều ghế dân biểu ở Hạ Viện và nghị sĩ tại
Thượng Viện. Ngoài ra, số thống đốc các tiểu bang thuộc
đảng Cộng Hòa cũng tăng lên. Ðây là hiện tượng đã diễn
ra nhiều lần: Ðảng đang cầm quyền bị dân chúng bất tín
nhiệm. Năm 2008 Ðảng Cộng Hòa giữ chức tổng thống và
chiếm đa số ở Quốc Hội rồi bị thất cử; lý do vừa vì
chiến tranh vừa vì kinh tế. Năm nay đến lượt đảng Dân Chủ
chịu số phận đó, chính yếu vì kinh tế bết bát.

Gần hai mươi năm trước, cảnh tượng cũng giống năm nay. Năm
1992, Bill Clinton đã đắc cử tổng thống cùng lúc đảng Dân
Chủ của ông chiếm đa số ở Quốc Hội, giống ông Obama năm
2008. Nhưng qua năm 1994, đảng Cộng Hòa đại thắng khi dân bầu
Quốc Hội lại. Năm 1994 có 52% dân chúng Mỹ không thỏa mãn
với sự lãnh đạo của ông Clinton, năm nay tỷ số người bất
mãn đối với Tổng Thống Obama cũng tương tự. Nhưng trước
khi ông Clinton rời ghế tổng thống năm 2000, đảng ông đã thua
ghế ở cả hai viện. Năm đó, Tổng Thống Gorges W. Bush vào Tòa
Bạch Ốc và đảng Cộng Hòa lãnh đạo Quốc Hội. Nhưng sau
đó Cộng Hòa dần dần bị thay thế, năm 2008 đảng Dân Chủ
đại thắng.

Có thể kết luận là trong gần hai chục năm qua các cử tri Mỹ
không ủng hộ cho đảng nào thắng cử nhưng họ chỉ muốn bày
tỏ ý kiến khi bất tín nhiệm đảng cầm quyền. Thấy một
đảng có vẻ cầm quyền khá lâu, dễ sinh lạm quyền, có thể
sẽ thi hành các chính sách thiên lệch, người dân sẽ bắt họ
rời khỏi quyền bính. Như một nhà chính trị nhận xét,
người Mỹ nhìn công việc của các chính trị gia là biết rõ
điều nào họ không thích; nhưng họ chưa biết chắc họ thích
điều gì, khi chưa trông thấy đem ra thi hành. Cho nên họ chỉ
trừng phạt các chính trị gia làm quá trớn, sai ý muốn của
đa số dân.

Theo một cuộc nghiên cứu dư luận của công ty Rasmussen, có 51%
dân Mỹ thấy đảng Dân Chủ quá thiên về xu hướng gia tăng
quyền hạn cho guồng máy nhà nước (big government) và một tỷ
số tương tự lại thấy đảng Cộng Hòa nghiêng về phía giới
tư bản kinh doanh (big business). Cả hai thái độ thiên lệch
đều bị ghét. Nếu đảng nào để lộ rõ bộ mặt bị nghi
ngờ của họ, dân Mỹ sẽ cho nghỉ! Năm nay, có gần 60% dân
Mỹ lo sợ khuynh hướng "chính phủ to lớn" đang giành lấy
quyền chỉ đạo quốc gia. Ða số dân chúng (57%) thấy họ lo
đảng Dân Chủ sẽ đặt ra quá nhiều luật lệ trói buộc
người kinh doanh; trong khi chỉ có 37% lo lắng đảng Cộng Hòa
sẽ không làm luật đủ nghiêm ngặt, để cho các nhà kinh doanh
tự do nhiều quá! Vì thế nhiều đảng Cộng Hòa đã thắng.

Nói chung, trong cuộc bỏ phiếu năm nay có thể nói người dân
không tín nhiệm các đảng chính trị và những đại biểu đang
cầm quyền! Bằng cớ là trong hơn một năm qua một phong trào
chính trị mới thành hình, dưới tên "Ðảng Tiệc Trà" (Tea
Party); họ gây được ảnh hưởng mạnh mẽ trên cả hai đảng
trong mùa bầu cử vừa qua.

Danh hiệu Tea Party cốt nhắc lại một phong trào phản kháng
của dân các thuộc địa Bắc Mỹ phản đối vua nước Anh vào
thế kỷ 18. Khi dân chúng biểu tình chống thuế mới của Anh
hoàng đánh trên trà nhập cảng, họ đã đem các thùng trà ném
xuống biển. Biến cố đó được tặng cái tên là "Tiệc
Trà!" Phong trào phản kháng mới ở Mỹ bắt đầu từ năm 2009
tự chọn tên gọi này càng ngày càng mạnh. Những người tham
dự hăng hái trong Ðảng Tiệc Trà (Tea Party), nhắm phản đối
các chính sách của chính phủ Obama, cũng thường nhận họ ủng
hộ đảng Cộng Hòa, nhưng các người lãnh đạo đảng này
không nhất thiết chấp nhận họ. Trong nội bộ đảng Cộng
Hòa, Tea Party hỗ trợ các ứng cử viên bảo thủ nhất. Nghị
Sĩ Cộng Hòa Bob Bennett, đã đại diện tiểu bang Utah suốt 18
năm và được coi là rất bảo thủ; nhưng ông đã bị gạt bỏ
trong cuộc tuyển cử sơ bộ trong đảng CH năm nay, thua một
ứng cử viên được Tea Party yểm trợ. Những chuyện tương
tự cũng diễn ra ở tiểu bang Alaska, Delaware, Florida; Kentucky,
Nevada, nhóm Tea Party đã ủng hộ những ứng cử viên bảo thủ
hơn các chính trị gia lâu đời của đảng Cộng Hòa, và
người của họ đã trở thành đại biểu cho đảng. Nhiều
người được Tea Party ủng hộ đã thua vì bị cử tri coi là
quá bảo thủ, nhưng phong trào này đã vẽ lại bản đồ chính
trị nước Mỹ trong cuộc bầu cử lớn năm 2012.

Có thể nói chính những người thuộc Tea Party đã gây nên tình
trạng hào hứng trong mùa tranh cử năm nay. Vì họ không những
nhiệt liệt chống đảng Dân Chủ mà còn thách đố cả giới
lãnh đạo đảng Cộng Hòa; nhờ thế đã kích thích cho đảng
Cộng Hòa phấn khởi lên sau cuộc thua trận năm 2008. Tea Party
thành công nhờ tấn công các nhà chính trị chuyên nghiệp kỳ
cựu. Họ bị coi là chịu trách nhiệm về tình trạng kinh tế
suy yếu kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao ảnh hưởng tới hầu
hết dân chúng Mỹ!

Hiện tượng Tea Party cho thấy dân Mỹ trong lúc lo âu về tương
lai quốc gia. Trong một cuộc nghiên cứu dư luận của ABC News,
chỉ có 33% dân Mỹ tỏ ý lạc quan về tương lai, tỷ lệ thấp
nhất trong 36 năm nay.

Một lý do khiến dân chúng chán các đảng chính trị chính vì
các đảng này đã thay đổi hoàn toàn trong nửa thế kỷ qua.
Nhiều nhà nghiên cứu chính trị nhận thấy trước đây trong
mỗi đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ các chính trị gia đều có
thể chia thành hai phái, tả và hữu. Người Cộng Hòa phe tả
có thể bỏ phiếu giống đảng Dân Chủ khi cùng ủng hộ một
dự luật. Ngược lại người Dân Chủ phe hữu nhiều lúc bỏ
phiếu cùng với các đồng viện Cộng Hòa.

Nhưng từ mấy chục năm nay, tình trạng trên biến mất dần,
mỗi đảng có một mầu sắc riêng, ít có người đứng giữa.
Một lý do là vì trong các cuộc bầu cử sơ bộ những cử tri
của mỗi đảng hăng hái đi bỏ phiếu chỉ vì họ nhiệt liệt
theo một lập trường, tức là họ cực đoan hơn những người
khác. Trong đảng Dân Chủ những người nhiệt liệt chống
chiến tranh Iraq đã chọn các ứng cử viên nhất thiết ủng
hộ ý kiến này. Trong đảng Cộng Hòa nhiều người chống hôn
nhân đồng tính kịch liệt đã chọn các ứng cử viên cùng
lập trường đó. Những người trung dung, ôn hòa khó thắng
trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ. Cho nên ứng cử viên do các
đảng đưa ra thường nghiêng về một phía cực đoan, hay ít
nhất họ cũng tỏ ra là hữu hay tả một cách rõ ràng.

Một hậu quả là nhiều cử tri cảm thấy họ không thể ủng
hộ một đảng nào mãi. Họ không trung thành với một đảng
nào cả, không bỏ phiếu theo ý thức hệ tả hay hữu. Họ
chọn người đại diện trong Quốc Hội dựa trên những chủ
trương rõ rệt, về những vấn đề cụ thể. Hiện nay có 38%
cử tri Mỹ tự nhận là "độc lập" không theo đảng nào.
Năm nay Ðảng Cộng Hòa đã thắng nhờ có nhiều cử tri độc
lập năm 2008 ủng hộ Tổng Thống Obama, năm nay đã bỏ phiếu
cho đảng Cộng Hòa để trừng phạt đảng Dân Chủ.

Trong 18 năm, dân Mỹ đã thay đổi đảng nắm quyền ở Quốc
Hội rất nhanh. Vì người Mỹ rất sốt ruột, họ sẽ thất
vọng khi thấy người cầm quyền không giải quyết ngay được
những vấn đề trước mắt. Trong lịch sử nước Mỹ tình
trạng tương tự đã diễn ra nhiều lần, trong những lúc có
chiến tranh hay kinh tế đang suy yếu. Năm 1893 khi đảng Dân Chủ
nắm quyền đã xẩy ra một cuộc khủng hoảng tài chánh. Năm
1894, đảng Cộng Hòa đại thắng, chiếm thêm 135 ghế trong
Quốc Hội. Nhưng hai năm sau đảng này đã mất 48 ghế, mặc dù
năm đó ứng cử viên Cộng Hòa đắc cử tổng thống.

Trước và sau cuộc Ðại Chiến Thứ Nhất, Quốc Hội đổi tay
luôn luôn, mỗi cuộc bầu cử thay đổi trên 20 ghế trong Hạ
Viện, trừ một năm 1916. Năm 1932, sau khi kinh tế đại khủng
hoảng không lối thoát, đảng Dân Chủ đã thắng lớn, dân
chúng cho 101 dân biểu Cộng Hòa ở Hạ Viện cùng với 9 nghị
sĩ Cộng Hòa trên Thượng Viện về vườn. Sau đó là một
thời gian dài đảng Dân Chủ nắm quyền suốt mấy chục năm.
Cho tới khi đảng Cộng Hòa chiếm thêm được 55 ghế trong
cuộc bầu cử 1946, lần đầu tiên họ chiếm đa số kể từ
thời 1930. Hai năm sau, 75 đại biểu Cộng Hòa lại bị thất
cử. Ðến năm 1952, Quốc Hội, cùng với Tòa Bạch Ốc mới
được trao cho đảng Cộng Hòa. Nhưng sau đó 2 năm, đảng Dân
Chủ trở lại kiểm soát Quốc Hội, suốt cho tới năm 1994 mới
thay đổi.

Từ hai năm qua, đảng Dân Chủ nắm ưu thế trong cả hai ngành
lập pháp và hành pháp. Tình trạng thay đổi năm nay tại Quốc
Hội cho thấy người dân Mỹ vẫn sợ một đảng nắm quyền
lâu quá sẽ ỷ y vào sức mạnh của họ, có thể đưa quốc gia
tới những quyết định sai lầm vì không suy tính kỹ càng. Dân
Mỹ muốn sử dụng chế độ phân quyền một cách quyết liệt,
không để cho đảng nào quá mạnh.

Vì thế, từ nay đến năm 2012, nếu đảng Cộng Hòa nắm đa
số trong Hạ Viện không đưa ra được những đạo luật mới
thể hiện những chính sách được đa số dân ủng hộ; nếu
họ bị mang hình ảnh chỉ chống đối Tổng Thống Obama mà
không xây dựng, thì họ sẽ lãnh hậu quả. Cho nên, người ta
hy vọng trong hai năm cuối của nhiệm kỳ ông Obama, cả Tòa
Bạch Ốc và đảng Cộng Hòa sẽ phải tỏ ra có thiện chí làm
việc chung, tương nhượng, thỏa hiệp, chú trọng đến kết
quả hơn là tranh đấu với nhau về chính trị.

Trong thời gian 2 năm tới, ông Obama có thể bắt chước cựu
Tổng Thống Clinton. Năm 1994 đảng Dân Chủ thua tơi tả trong
cuộc bầu cử Quốc Hội, giữa nhiệm kỳ thứ nhất của ông.
Ngay sau đó, Clinton đã bỏ đường lối thiên tả để đi vào
hướng trung dung. Nhờ cuộc ganh đua giữa hai đảng, kiềm chế
lẫn nhau; giữ thế cân bằng trong hai ngành lập pháp và hành
pháp; nên trong những năm sau đó nước Mỹ đã thực hiện
được 2 mục tiêu theo đuổi từ nhiều năm trước mà chưa bao
giờ đạt được. Ðó là cân bằng ngân sách và cải tổ hệ
thống an sinh xã hội đang bị lạm dụng quá đáng. Có thể nói
đó là nhờ người dân đã thi hành quyền bỏ phiếu của họ
một cách sáng suốt.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6921), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét