Mẹ Nấm - Nhân phẩm con người

<strong>Nhân phẩm</strong> chính là những giá trị phản ánh và
tạo nên phẩm chất của từng cá nhân. Mỗi con người đều
có những giá trị nhất định. Không ai có quyền chà đạp
hay tước đoạt nhân phẩm của người khác. Đó là bài
học "Tôn trọng nhân phẩm" mà tôi đã được học ngày
trước, còn thực tế hiện nay thì sao?

Xem báo, coi tin tức hàng ngày, người ta dễ dàng nhận
thấy rằng, các giá trị căn bản của con người trong xã
hội Việt Nam hiện tại đang bị xem nhẹ.

Báo chí và truyền thông có thể dễ dàng hạ nhục
người khác bằng nhiều cách thức, nhiều thủ đoạn.

Những người thừa hành luật pháp có thái độ coi
thường nhân phẩm của người khác. Tôi không phát biểu
điều này chỉ vì sau khi xem đoạn clip hạ nhục một cô
gái điếm đang gây nhiều tranh cãi trên Facebook của bạn
bè.

Đây là những trải nghiệm mà tôi đã chứng kiến hàng
ngày.

Nếu ai đã bị tạm giữ (giam), hẳn sẽ trải qua cái cảm
giác bị làm nhục ngay ở ngày đầu tiên mới bước chân
vô trại giam bằng hình thức tra hỏi và lục xét thân
thể trước sự chứng kiến của người thừa hành công
vụ, đó là hình thức làm nhục con người vô hình trung
tước đoạt luôn ý thức về bản thân của người bị
làm nhục.

Tôi còn nhớ, khi bị gọi đi chụp hình và lăn tay để lưu
hồ sơ trong trại tạm giữ, tôi đã phản ứng, vì hôm
đó là ngày thứ 6 của hạn tạm giữ, và tôi chưa bị
kết án. Nhưng họ vẫn tiến hành. Và tôi, đã có vài
tấm hình mỉm cười trong chiếc áo tù. Trong giai đoạn
chưa có sự kết án của tòa án, thì mọi công dân vẫn
có quyền bình đẳng trước pháp luật và xã hội,
vậy mà, vô tình hay cố ý, người ta đã tước đi
quyền làm người của những người dính dáng đến
luật pháp trước phiên tòa xét xử?

Làm nhục người khác khi họ phạm tội (lỗi) là một
cách cư xử thô bạo và sẽ làm mất đi ý thức về
quyền con người, khiến cho tính hướng thiện trong mỗi
con người bị mài mòn dần đi, đó là cách tiêu diệt
một xã hội nhân văn hữu hiệu.

Vậy thì kêu gọi xây dựng một xã hội tương thân,
tương ái để làm gì, khi luôn tự cho mình cái quyền
xúc phạm và chà đạp lên nhân phẩm của người khác?

Xã hội chúng ta ngày càng trở nên vô cảm hơn, bởi
vẫn còn có nhiều người cho rằng tước đoạt nhân
phẩm của những người phạm tội (lỗi) là chuyện
đương nhiên phải có.

Nếu con người là trung tâm phát triển của xã hội, thì
con người được quyền sống xứng với phẩm giá của mình

Không một lý lẽ nào có thể biện minh cho việc chà đạp
lên phẩm giá của con người ở bất kỳ hình thức nào.

Quyền căn bản của con người không phải là quà tặng của
bất kỳ một ai trên trần gian này.

Quyền căn bản đó không phải đi xin xỏ hay chờ đợi thời
gian hay tranh đấu mới có được.

Quyền căn bản của con người được Tạo Hóa ghi khắc nơi
phẩm giá của con người, gắn liền với bản tính của con
người và đó là những quyền bất khả xâm phạm!

Quyền căn bản của con người cần phải được nhìn nhận và
thăng tiến ngay cả về mặt pháp lý hay hiến pháp.

Một quốc gia, một chính thể tự cho mình cái quyền xâm phạm
những quyền căn bản này của con người đó là một chính
thể, quốc gia tàn ác, vô nhân tính, độc tài, không xứng với
một quốc gia văn minh tiến bộ, dân chủ, pháp quyền và hiến
pháp.

Một quốc gia văn minh, dân chủ và pháp quyền phải biết tự
giới hạn chính mình trước những quyền căn bản này của
phẩm giá con người.

Chính phẩm giá con người là thước đo mức độ nhân bản,
pháp quyền và hiến pháp của một quốc gia là điểm quy chiếu
tối hậu cho mọi mục tiêu xã hội.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7040), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét