Bút Lông - Một thủ tục, ba mục tiêu

Khi đề cập tới trách nhiệm quản lý tập đoàn Vinashin một
số đại biểu Quốc hội đã đề nghị lập Uỷ ban lâm thời
để điều tra. Đây là lần đầu tiên nhiều đại biểu cùng
yêu cầu thực hiện một quyền giám sát của Quốc hội sau khi
luật đã quy định… bảy năm!

Tại khoản 5 điều 7 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội
có quy định cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí
nguyện vọng nhân dân có quyền thành lập Uỷ ban lâm thời
để điều tra về một vấn đề nhất định. Lâu nay, đại
biểu chỉ quen sử dụng một biện pháp khác để giám sát là
chất vấn, trong khi nếu kết hợp với kết quả làm việc của
Uỷ ban điều tra thì hiệu quả sẽ rất cao.

Trong thực tế hoạt động chất vấn đã diễn ra khá nhiều,
song việc lập Uỷ ban điều tra thì chưa lần nào. Cuối năm
2003 đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) từng đề nghị lập
Uỷ ban điều tra về giáo dục. Tâm sự với người viết khi
đó, đại biểu Dũng cho biết sở dĩ phải đề nghị điều tra
vì ông cho rằng việc quản lý của bộ trưởng Giáo dục &
Đào tạo Nguyễn Minh Hiển khi đó không kiên quyết, không chặt
chẽ. Vì thế Quốc hội cần điều tra để xác định rõ chất
lượng nền giáo dục, từ đó có biện pháp chấn chỉnh.

Lần đó đại biểu Đức Dũng đã đơn độc và chất lượng
giáo dục sau 7 năm chưa khá lên và cũng chưa có ai đề nghị
như đại biểu Dũng. Có lẽ ngoài lý do lập Uỷ ban điều tra
chưa từng có tiền lệ còn vì quy định về điều kiện khá
chung chung. Điều 12 của luật chỉ ghi "<em>khi xét thấy cần
thiết</em>" nên không rõ việc thất thoát cả trăm ngàn tỷ
đồng mồ hôi nước mắt của nhân dân trong quản lý Vinashin
đã đủ "<em>sự cần thiết</em>" cho việc xác định địa
chỉ trách nhiệm hay chưa?!

Lần này Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Lê Quang Bình nói
rằng việc đại biểu đề xuất này "là đúng luật" và
"xác đáng" nên ông ủng hộ, song với những thực tiễn
trên, việc tiến hành một thủ tục như thế là khá khó khăn.

Ra đời một điều luật nhà lập pháp thường hướng tới
đón trước hoặc đưa những tình huống thực tế vào quy củ.
Vì thế không nên vì chưa có tiền lệ hay quy định chưa cụ
thể mà cứ để một quy định tiến bộ nằm yên trên giấy,
dù bảy năm đã trôi qua. Hơn nữa, việc điều tra rõ trách
nhiệm chỉ là biện pháp, không phải là mục tiêu phế truất
người này, hạ bệ người kia. Và qua đó mới minh định rõ
Chính phủ có bao che Vinashin không; Quốc hội có trách nhiệm
liên quan không, tránh việc các bên nói qua, nói lại không cần
thiết!

Một thủ tục có thể giải quyết ba mục tiêu, tại sao lại
chần chừ?

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6903), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét