Bùi Minh Quốc - Góp ý cho đại hội Đảng XI: Cần trung thực trước hết!

Trong dự thảo cương lĩnh, ở phần văn học nghệ thuật, có
đoạn: "<em>(…) phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống,
lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước, cổ vũ
khẳng định cái đúng, cái đẹp đồng thời lên án cái xấu,
cái ác</em>".

Sao không thấy nêu việc lên án cái giả dối?

Tôi xin phép nhấn mạnh: <em><strong>lên án cái giả
dối</strong></em>.

Ai cũng biết cái ác luôn tìm cách núp dưới mặt nạ cái
thiện để tồn tại và tác oai tác quái, hồi giờ vẫn thế
và luôn mãi thế.Cho nên, lên án cái ác nhất thiết phải gắn
chặt với lên án cái giả dối.Đây là chuyện sơ đẳng về
nhận thức, từ những vị nhiều chữ nghĩa tại cơ quan soạn
thảo văn kiện đến các bà các cô thợ cấy của chúng ta nơi
đồng ruộng ít có điều kiện được đến trường cũng
chẳng chút mơ hồ. Vậy tại sao vấn đề lên án cái giả dối
không được ghi vào cương lĩnh? Có phải là sự sơ xuất của
người sọan thảo và người thông qua văn kiện?

Không, không phải sơ xuất, đây là cố ý né tránh.

Đoạn văn dẫn trên chỉ lặp lại nội dung ghi trong văn kiện
nhiều đại hội trước. Một thời gian dài như vậy mà vẫn
không ghi rõ việc phải lên án cái giả dối thì hiển nhiên là
né tránh chứ không phải sơ xuất.

Khi đã mang trọng trách thiết kế vĩ mô cho sự phát triển
mọi mặt của đất nước mà lại lẩn tránh vấn đề lên án
cái giả dối thì tất nhiên cái ác, cái giả dối cứ ngày
càng bạo phát trên toàn xã hội.

Khí trời, khí trời ta thở
Bị ô nhiễm bởi bao lời dối trá
Phổi ta nám rồi !...Ta dẫu có làm sao
Nhưng lũ trẻ, trời ơi, lũ trẻ
Chúng lớn lên sẽ hít thở thế nào
Nếu dối trá vẫn chồng lên dối trá!

Từ thưở còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã được
nhồi nhét vào đầu những định đề giả dối này:

"<em>Giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách
mạng Việt Nam</em>"

"<em>Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai
cấp công nhân Việt Nam theo chủ nghĩa Mác Lê-nin</em>"

Trong thực tế, tôi không hề thấy có một giai cấp công nhân
nào lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chỉ thấy một giai cấp
công nhân trong thời gian qua (và còn tiếp tục trong thời gian
tới nữa) là đối tượng để lợi dụng mồ hôi xương máu
và danh nghĩa bởi một thực thể chính trị đậm chất nông
dân mang tên là Đảng Cộng sản Việt Nam mà một bộ phận quan
trọng trong giới cầm quyền đã mau chóng trở thành tư bản
(hoang dã) nhờ tích lũy siêu tốc bằng quyền lực độc tài.
Trong thực tế, tôi chưa hề thấy một cán bộ đảng viên nào
tỏ ra nắm vững chủ nghĩa Mác Lê-nin (cứ tạm giả định
rằng chủ nghĩa hoàn toàn đúng), vậy sao có thể coi là Đảng
theo chủ nghĩa Mác Lê-nin, trong khi chỉ thấy tràn lan một thứ
tư tưởng nông dân với tâm lý thích làm vua làm quan cách mạng
– như nhà văn Nguyễn Minh Châu từ năm 1980 đã nhận xét rất
xác đáng. Đồng thời tôi cũng thấy người anh hùng, đảng
viên Phạm Xuân Ẩn chẳng có tí Mác Lê-nin nào đã lập nên
kỳ tích trong sự nghiệp cứu nước. Tôi cũng thấy người anh
hùng bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc đã lập nên kỳ tích cứu dân
(và cứu Đảng) khi dám dũng cảm rời bỏ chủ nghĩa Mác Lê-nin
để thực hiện khoán.

Những điều tôi thấy đó giờ đây ai cũng thấy cả, mà cơ
quan chuẩn bị đại hội càng thấy rõ hơn ai hết, vậy vì
động cơ gì mà cứ mãi khư khư bám giữ lấy những khái niệm
giả dối phản khoa học, phản tiến hóa, biến nó thành cái
vòng kim cô tự trói mình, trói buộc lẫn nhau và trói buộc
toàn xã hội?

Nếu trung thực và dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật thì hãy
cùng nhau tháo gỡ cái vòng kim cô đó đi.

Kêu gọi mọi người góp ý kiến cho dự thảo văn kiện đại
hội 11, nhưng lại đặt ra vùng cấm: "<em>Không đăng và phát
trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến phản
bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác - Lê nin
và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò lãnh đạo của
Đảng;…</em>" (Hướng dẫn số 112 HD/BTGTW ngày 10-09-2010 của
Ban Tuyên giáo) thì đâu phải là thực tâm muốn lắng nghe.

Hãy đặt lời hướng dẫn của Ban Tuyên giáo trung ương bên
cạnh những lời này của chủ tịch Hồ Chí Minh: "<em>Đối
với MỌI VẤN ĐỀ, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của
mình góp phần tìm ra chân lý.Đó là một quyền lợi mà cũng
là một nghĩa vụ của mọi người</em>". Là cơ quan chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tư
tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng khi chuẩn bị đại
hội Đảng lại hướng dẫn mọi người không được làm theo
một ý kiến rất xác đáng của Hồ Chí Minh như nêu trên, vậy
thì Ban tuyên giáo trung ương đã tự thể hiện một tư cách
không đáng tin cậy. Nói thẳng ra, đây bằng chứng về hành vi
chống tư tưởng Hồ Chí Minh, không những thế, còn vi phạm
Hiến pháp. Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung nghiêm khắc nhận xét:
"<em>Hướng dẫn này phản ánh một bước tha hóa mới của
Đảng. Trong nhà nước có chế độ chính trị một đảng,
việc của Đảng cũng là việc của quốc gia, vì thế Hướng
dẫn 112 còn vi phạm điểu 53 của Hiến pháp, ghi rõ: "Điều
53: Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội,
tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa
phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà
nước tổ chức trưng cầu ý dân.</em>"

Qua đây có thể kết luận: rõ ràng không có sự trung thực ở
cơ quan chuẩn bị đại hội.

Tôi e rằng, việc đưa dự thảo lấy ý kiến đóng góp sẽ
lại rơi vào hình thức, làm chiếu lệ, cuối cùng vẫn cứ
giữ nguyên hầu hết như cũ, trong khi đó thì về mặt tổ
chức, vẫn cứ tiến hành những cuộc đại một cách hời
hợt, hình thức, để cốt hợp thức hóa sự sắp đặt ghế
cho một thiểu số quan chức với cung cách tệ hại kéo dài bao
lâu nay: "<em>công tác cán bộ nằm trong tay một người hoặc
một số người tiến hành trong vòng bí mật</em>" như nguyên
phó ban tổ chức Nguyễn Đình Hương từng thẳng thắn vạch
rõ. Đảng gồm 3 triệu đảng viên, phần lớn được coi là
tốt, nhưng lại bầu ra các cấp ủy ngày càng tệ hại, giặc
nội xâm vào cấp ủy ngày càng đông mà nhân dân gọi là
"<em>các đồng chí chưa bị lộ</em>". Tôi e rằng, đại hội
toàn quốc cũng sẽ lại trở thành đại hội của các quan
chức trong Đảng, đại hội của phần lớn "<em>các đồng
chí chưa bị lộ</em>" chứ không phải là đại hội Đảng.

Tôi đề nghị:

(1) Tăng thêm thời gian để đảng viên và nhân dân đóng góp ý
kiến không những cho dự thảo văn kiện mà cả về nhân sự
ở cấp tối cao.
(2) Từng ủy viên bộ chính trị tự phê bình công khai trước
toàn dân và tự nguyện công bố tài sản của mình trên báo
đài để toàn dân nhận xét.
(3) Công bố các ứng cử viên vào chức danh tổng bí thư để
nhân dân nhận xét
(4) Tổ chức bầu Quốc hội trước rồi mới tiến hành đại
hội để thực hiện một bước nhờ dân giúp Đảng lựa chọn
cán bộ.


Đà lạt 30.10.2010
BMQ

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6881), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét