Trương Duy Nhất - Tự bó đầu mình

<div class="special_quote">Người Việt hay có thói quen tự bó đầu
mình. Tự đóng khung, tự khoanh vùng, tự cấm đoán, tự biên
tập, tự cột nhốt chính những suy nghĩ trong đầu. Họ
<strong><em>tự cấm mình</em></strong> trước khi chính quyền
cấm.</div>

Tôi quen một người bạn Mỹ. Anh ta đang nghiền ngẫm
một đề tài khá thú vị về thực trạng xã hội Việt Nam và
quá trình xây dựng XHCN ở miền Bắc trong giai đoạn cải cách
ruộng đất.

Với người Việt, khi nghe nhắc đến đề tài này, tôi
cam đoan cứ 9 người thì có đến... 11 người lắc đầu ngoày
ngoạy, xong buông ngay một câu "<em>nhạy cảm</em>"! Tôi đã
"<em>thách</em>" một vị giáo sư đầu ngành rằng: giả sử
tôi đăng ký đề tài cho một luận án tiến sĩ "<em>Phóng sự
(hoặc thơ ca, văn xuôi, văn học) Việt Nam trong giai đoạn cải
cách ruộng đất</em>" liệu anh có dám ok không? Điều tôi
nhận được dĩ nhiên là cái lắc đầu kèm câu "<em>nhạy
cảm</em>" và khuyên nên... tránh!

Hơn nửa thế kỷ rồi. Giỏi lắm chỉ thấy dăm ba phim
truyện và vài cuốn tiểu thuyết bóng gió dựng lôi chuyện
thời này.

Trong khi đó, một đề tài hết sức "<em>nhạy
cảm</em>" kia lại khởi phát từ một người Mỹ. Ngạc nhiên
hơn khi nghe anh tiết lộ: ngay cả Bộ Quốc phòng cũng tạo
điều kiện rất dễ dàng cho anh thoải mái vào tìm sục trong
kho tư liệu quốc phòng.

Rõ ràng, có ai ngăn cấm chuyện này đâu nhỉ? Tôi chưa
thấy chưa nghe về bất kỳ một văn bản chỉ đạo ở bất
cứ cấp nào cấm đoán việc nói- nhắc hay viết- kể chi về
chuyện này. Thậm chí ngay thời đó, đảng đã nhận sai, chính
cụ Hồ Chí Minh đã thừa nhận đảng sai lầm, công khai đứng
ra xin lỗi đồng bào và khóc đấy thôi.

Thế thì tại sao ai cũng ngại, ai cũng né tránh?

Không biết tự bao giờ và vì sao, người Việt hay có
thói quen tự bó đầu mình. Nhiều chuyện chả ai cấm đoán
cả, nhưng tự mình cứ ngăn cấm mình, ngăn cấm cả trong suy
nghĩ, chứ chưa nói đến việc viết hay làm.

Báo chí cũng vậy. Nhà báo/blogger Phan Văn Tú có một
câu nghe khá... chua: "<em>Trong đầu thằng nhà báo Việt nào
hình như cũng có một cái kéo. Nó tự cắt nó trước khi bị
cắt</em>".

Không ít, nếu không muốn nói là đại đa số người
Việt đã nhiễm nếp tự đóng khung, tự khoanh vùng, tự cấm
đoán, tự biên tập, tự cột nhốt chính những suy nghĩ trong
đầu. Họ tự cấm mình trước khi chính quyền cấm. Tự cấm
cả những điều chả ai cấm cả.

Vì thế, một khi có người nghĩ khác, nhìn khác nói
khác một tí là tức khắc bị... nhìn khác ngay! Tôi biết vài
người, lỡ mạnh miệng tí xong chả ai dám ngồi gần vì ai
cũng sợ liên lụy. Hề hơn: khi có người dám nghĩ khác viết
khác một tí (trong đó có tôi) bèn ngay tức thời bị đám
đông im lặng theo nếp tự bó đầu kia qui chụp là "<em>chim
mồi</em>" của an ninh hoặc tình báo!? Bởi theo họ: chỉ có
thể là quân an ninh hay tình báo mới dám viết những điều
"nhạy cảm" thế!

Năm rồi, khi tôi viết "<em><a
href="http://truongduynhat.vnweblogs.com/post/1545/198903">Chấm điểm
Thủ tướng</a></em>", thấy ai cũng sợ. Thậm chí có người
đồn kháo sắp bắt thằng Nhất đến nơi rồi. Nghe mà cứ
buồn cười vãi. Có luật pháp nào lại đi bắt giam một công
dân viết bài chấm điểm, nhận xét về những ưu khuyết cho
Thủ tướng của mình không nhỉ? Chả có qui định nào bắt anh
phải chấm cho Thủ tướng điểm 10 mà không được phép chấm
điểm zero!

Cái nỗi sợ, sống trong sợ hãi, nhìn đâu cũng sợ,
nhìn đâu cũng ra "<em>nhạy cảm</em>" và thói tự trói đầu
mình với một người chả sao, nhưng một khi nó đã nhiễm
thành số đông, thành thói tính của cả một thế hệ, cả
một... dân tộc, thì quả thực nguy nan!


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6873), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét