Nguyễn Vạn Phú - Độ tin cậy của những con số

Trong tuần rồi, hai buổi tranh luận trực tuyến do
<em>Vietnamnet</em> và <em>VnExpress</em> tổ chức về các dự án
khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã cung cấp nhiều thông tin cho
người quan tâm. Phải thừa nhận các quan chức Bộ Công
Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và đại diện chủ đầu tư
là Tập đoàn Than Khoáng Sản (TKV) đã làm đúng chức trách
của mình. <span class="underlined-text">Việc đồng ý tranh luận
công khai như vậy là một bước tiến lớn so với chỉ cách
đây một năm</span>, khi đề tài bauxite Tây Nguyên là đề tài
nhạy cảm. Có tranh luận như vậy, cả bên phản đối và bên
ủng hộ đều phải đưa ra những lập luận, lý lẽ, bằng
chứng để thuyết phục người đọc.

Về hiệu quả kinh tế, đã có nhiều người nhận xét tính
chính xác của các con số do các quan chức và chủ đầu tư
đưa ra như vốn đầu tư, rồi giá thành alumin thay đổi, tăng
quá nhanh trong vòng 1 năm, dự báo giá alumin khá chủ quan…

Ở đây tôi chỉ xin bình luận về một chi tiết nhỏ.

Trong buổi đối thoại trên VnExpress, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ
trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) có nói:

"<em>Việc tăng vốn đầu tư ảnh hưởng không nhiều đến
hiệu quả kinh tế dự án (tăng 25% vốn đầu tư, IRR chỉ
<strong>tăng</strong> 7,12%). Về thuế xuất khẩu, thuế xuất
khẩu alumni có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả kinh tế
của dự án do 100% sản phẩm alumni dự kiến xuất khẩu. Nếu
thuế suất xuất khẩu giảm xuống mức 10%, IRR
<strong>giảm</strong> 12%.</em>"

Dạo này, các quan chức thích dùng khái niệm IRR, thiết nghĩ
cũng nên bỏ công ra tìm hiểu nó là gì.

(Phần dưới là trích lại một bài báo tôi viết cũng đã lâu
rồi, nếu không thích đọc cũng không sao)

<div class="special_quote">Giả thử bạn bỏ ra một khoản tiền ban
đầu là 40 triệu đồng đầu tư vào việc mua máy photocopy và
các chi phí khác để làm dịch vụ sao chụp cho khách hàng trong
khu phố. Cũng giả thử 10 năm tới bạn tính toán và dự báo
số tiền thu được từ dịch vụ này sau khi trừ mọi chi phí
là 7,5 triệu đồng mỗi năm còn năm thứ 10 bạn định thanh lý
chiếc máy được 9,5 triệu nữa. Vấn đề bạn phải quyết
định là so giữa khoản tiền đầu tư ban đầu và các khoản
tiền thu được như thế, dự án dịch vụ photocopy này có
đáng làm không?

Thông thường, người ta dùng cách tính <strong>thời gian thu hồi
vốn</strong> (payback period) bằng cách lấy tổng đầu tư chia cho
dòng tiền hàng năm. Trong dự án nói trên, thời gian thu hồi
vốn đầu tư là 5 năm 4 tháng. Người ta cũng thường đánh giá
dự án có nên thực hiện hay không bằng cách so sánh thời gian
thu hồi vốn vừa tính toán với thời gian thu hồi vốn đã
định trước. Giả thử ở dự án photocopy, bạn dự tính thu
hồi vốn trong vòng 5 năm, nay tính toán thấy mất hơn 5 năm
một chút, có lẽ bạn sẽ quyết định không làm.

Phương pháp "tính rợ" này không giúp ích gì nhiều cho bạn
vì rõ ràng nó không đếm xỉa gì đến "giá trị thời gian"
của dòng tiền. Số năm định trước trong đầu dùng để
đối chiếu so sánh cũng là một con số chủ quan. Loại phương
pháp này chỉ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về khả năng
lời lỗ của dự án.

Áp dụng công thức trong sách giáo khoa, người ta sẽ tính giá
trị hiện tại của dòng tiền tương lai (7,5 triệu đồng/năm
trong 9 năm và 17 triệu đồng năm thứ 10), xem thử vào thời
điểm bây giờ chúng đáng giá bao nhiêu nếu lãi suất dùng
để chiết khấu là 10%.

Giá trị hiện tại = (7,5 x 5,759) + 17 x 0,3<div
class="special_quote"></div>86) = 49,75 triệu đồng.

(Nếu bạn quên vì sao có các con số ở phép tính nói trên, xin
nhắc lại 5,759 là giá trị hiện tại của 1 đồng mỗi năm,
nhận suốt trong 9 năm, chiết khấu cho mức lãi suất 10%/năm;
còn 0,386 là giá trị hiện tại của 1 đồng nhận ở năm thứ
10, dùng lãi suất chiết khấu tương tự).

Nếu lấy 49,75 triệu trừ cho 40 triệu, chúng ta sẽ có con số
9,75 triệu đồng – là <strong>giá trị hiện tại thuần</strong>
(net present value) mà dân tài chính thường gọi tắt là NPV. Như
vậy NPV là giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai của
một dự án trừ đi chi phí đầu tư ban đầu. Thông thường
người ta nói NPV bằng 0 hay lớn hơn thì dự án ấy chấp nhận
được; còn nếu NPV là số âm thì thôi, đừng tơ tưởng gì
đến nó nữa.

Chúng ta thấy yếu tố quan trọng ở đây là mức lãi suất
chiết khấu. Giả thử thay vì bỏ 40 triệu đồng đầu tư vào
dịch vụ photocopy, chúng ta gởi quách vào ngân hàng cho khoẻ,
lãi suất hàng năm là 8%. Còn đã ra làm ăn, mức lãi phải cao
hơn, ở đây là 10% chẳng hạn. Như vậy, mức lãi suất chiết
khấu được chọn làm sao để phản ánh chi phí sử dụng
đồng vốn, dù nó là của mình (cơ hội bỏ qua khi đem tiền
đó làm chuyện khác) hay đi vay của người khác (ắt phải cao
hơn mức lãi suất đi vay).

Vì thế, để dễ hình dung, người ta dùng một phương pháp
khác nữa, gọi là <strong>tỷ suất thu nhập nội bộ</strong>
(internal rate of return) mà sách vở thích gọi tắt là IRR để
tính hiệu quả dự án. IRR chính là mức lãi suất chiết khấu
nói ở trên, được chọn làm sao để NPV bằng 0. Trong dự án
photocopy giả định từ đầu đến giờ, nếu dùng lãi suất
chiết khấu 10% thì NPV là 9,75 triệu. Cứ tăng IRR lên dần,
đến 14,99% (cứ cho là 15% đi) thì NPV bằng 0. Tiêu chuẩn để
chọn làm hay không làm một dự án là so sánh IRR của nó với
lãi suất sử dụng đồng vốn, cao hơn thì chấp thuận, thấp
hơn thì từ chối còn bằng nhau thì làm chả đáng bỏ công.

Con số IRR được giới quản lý khoái nhất vì dễ hình dung.
Giả thử trình bày trước các thành viên trong công ty, bạn nói
dự án này có NPV là 20 triệu (trong khi số vốn đầu tư lên
đến tiền tỷ) chắc chẳng ai có ấn tượng gì. Trong khi đó
nếu nói IRR của dự án là 25,6%, chà, sẽ có tiếng xuýt xoa
bên dưới, dự án này được đấy. Nhưng giới tài chính cũng
đều biết phương pháp tính IRR có nhiều nhược điểm, không
thể trình bày hết ở đây.</div>

Bây giờ chúng ta đọc lại câu nói của ông Quân: "<em>Việc
tăng vốn đầu tư ảnh hưởng không nhiều đến hiệu quả kinh
tế dự án (tăng 25% vốn đầu tư, IRR chỉ tăng 7,12%). Về
thuế xuất khẩu, thuế xuất khẩu alumni có ảnh hưởng quan
trọng đến hiệu quả kinh tế của dự án do 100% sản phẩm
alumni dự kiến xuất khẩu. Nếu thuế suất xuất khẩu giảm
xuống mức 10%, IRR giảm 12%.</em>"

Rõ ràng ông Quân nói sai rồi. Vốn đầu tư tăng thì IRR sẽ
giảm chứ sao lại tăng; và thuế giảm thì IRR sẽ tăng, sao
lại giảm?

Chính vì thế, những con số khác mà các quan chức và đại
diện chủ đầu tư đưa ra đều có độ tin cậy thấp.

Lấy ví dụ, trong báo cáo về các dự án bauxite của Chính phủ
gởi tới Quốc hội vào năm ngoái, tức là văn bản trả lời
chính thức về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy
Hoàng có cung cấp một số thông tin về hiệu quả kinh tế của
các dự án này như sau:

- Hiệu quả kinh tế của dự án được tính toán dựa trên cơ
sở dự báo, phân tích và lựa chọn giá bán alumin bình quân cho
cả giai đoạn tồn tại của dự án <strong>362 USD/tấn</strong>.

- Tỷ lệ hoàn vốn nội tại (IRR) là <strong>11,4%</strong> (Tân
Rai) và <strong>10,6%</strong> (Nhân Cơ).

Trong khi đó, các con số mới đưa ra tuần này lại quá khác:

- Giá bán khi thì tính là <strong>315 USD/tấn</strong> alumin (Dự
án Lâm Đồng) và <strong>330 USD/tấn</strong> alumin (Dự án Nhân
Cơ); khi thì đưa ra giá trung bình để tính toán hiệu quả là
335 USD/tấn; khi thì dựa vào dự báo lên đến 340-650 USD/tấn
trong giai đoạn 2011-2020; khi thì đưa ra giá bán bình quân thực
tế của năm 2010 chỉ là 210 USD/tấn…

- IRR của Nhân Cơ nay chỉ còn là <strong>8,24%</strong>.

Những điều cơ bản, dễ tính như trên mà còn có độ tin cậy
thấp thì làm sao tin tưởng được vào những kế hoạch bảo
vệ môi trường, là mối quan tâm lớn nhất của người dân
hiện nay?

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6868), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét