Mạnh Quân - Sao chỉ biết nói “tăng giá điện”?

Tuần trước, các nhân viên PR (công tác truyền thông) của tập
đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có mời một số phóng viên báo
chí gọi là có quan hệ thân thiết với EVN đi thăm công trình
Thủy điện Hòa Bình. Trên con thuyền chở các phóng viên đi
dọc sông Đà, ông Đào Văn Hưng, chủ tịch hội đồng quản
trị của EVN có nói đến tình trạng khô hạn, thiếu nước
ảnh hưởng đến cung ứng điện. Nhưng, vấn đề chính được
ông nhấn mạnh là tình trạng thiếu điện hiện nay là hậu
quả của tình trạng giá điện thấp. Theo ý của ông Hưng là
từ nay đến năm 2012, nhìn thấy rõ thiếu điện mà (EVN) không
làm gì được vì muốn có điện, lẽ phải chuẩn bị để
khảo sát, huy động vốn, thi công.. trước 5-7 năm.

Điều ông Hưng nói về giá điện Việt Nam thấp, không kích
thích các nhà đầu tư ngoài EVN bỏ vốn để phát triển thêm
nguồn điện trong mấy năm qua là không sai. Việc Chính phủ
không điều chỉnh giá điện tăng cao hơn từ năm 2007 đến nay
cũng không phải là một sai lầm bởi năm 2007 là năm lạm phát
tăng quá cao (25-26%), ngay sau đó, các năm 2008-2009, Việt Nam lại
chịu tác động của khủng hoảng tài chính thế giới. Cho nên,
việc tăng giá điện cao đột biến như đề nghị của EVN trong
các năm này mà được chấp thuận cũng sẽ gây thêm rất
nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp khác, tác động xấu đến
nền kinh tế. Cho nên, nói giá điện Việt Nam suốt mấy năm qua
được duy trì ở mức thấp, thu hút được ít vốn đầu tư
ngoài ngành điện là có cơ sở.

Nhưng điều ông chủ tịch hội đồng quản trị EVN nói chỉ
là một khía cạnh của vấn đề. Song song với quá trình vận
động tăng giá thì tập đoàn này lại ngày càng củng cố vị
thế độc quyền với việc thành lập 5 tổng công ty Điện
lực, ngự trị ở Bắc, Trung, Nam, nắm toàn bộ mạng lưới
phân phối, truyền tải điện của quốc gia. Và thực tế, có
lúc xảy ra những câu chuyện: khi nguồn cung điện dồi dào thì
EVN tập trung huy động từ các nhà máy do mình làm chủ đầu
tư mà giảm mua điện từ các nhà máy ngoài tập đoàn. Như PVN
có lúc phải lên tiếng về việc EVN không mua hết sản lượng
điện do các nhà máy điện Cà Mau, Nhơn Trạch của PVN sản
xuất.

Tình trạng độc quyền thường có xu hướng dẫn đến sản
lượng thấp, chất lượng dịch vụ là điều đã được
nhiều nhà kinh tế học rút ra từ lâu và điều này, đến nay,
càng đúng với EVN. Nhìn vào vai trò của EVN từ khâu lập quy
hoạch, tổ chức huy động đến truyền tải, phân phối…thì
các nhà đầu tư ngoài EVN sẽ thấy những rủi ro lớn nếu bỏ
vốn đầu tư vào ngành này, chứ giá điện không hẳn là vấn
đề cốt lõi. Trong năm 2009-2010, báo chí đâu đó vẫn ghi nhận
các vụ việc một số nhà đầu tư làm nhà máy điện nhưng EVN
không tổ chức đấu nối, mua để phát điện lên lưới. Đại
diện các nhà đầu tư nguồn điện của một số tập đoàn
như tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Than-Khoáng sản…còn phàn
nàn, EVN chơi "không đẹp" khi huy động điện phát thử từ
các nhà máy mới của họ với giá quá bèo bọt…

Thế nhưng, trong khi luôn đòi hỏi mức giá điện tăng cao, liên
tục, dự kiến còn điều chỉnh theo quý từ năm 2011 nhưng đề
án tái cơ cấu EVN, do Bộ Công thương được trình lên Chính
phủ từ năm 2009, đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Với
sự trì trệ cố hữu của một tập đoàn như EVN, việc tổ
chức huy động sản lượng điện, ngay chính trong nội bộ tập
đoàn dường như đã trở thành quá sức với tập đoàn này.
Dẫn chứng là trong nhiều công trình, dự án chậm tiến độ so
với quy hoạch điện VI (do EVN xây dựng), có nhiều dự án do
EVN làm chủ đầu tư cũng bị chậm tiến độ từ 6 tháng đến
1-2 năm. Năng lực tổ chức, điều hành yếu nhưng ở mãi vị
trí độc quyền, không sớm được tái cơ cấu, EVN chính là
một lực cản lớn nhất để xây dựng một thị trường
điện cạnh tranh minh bạch, thu hút được nhiều nhà đầu tư
tham gia.

Chính vì những lý do trên, trong một văn bản mới đây gửi
Thủ tướng Chính phủ, bộ Công thương đã thẳng thắn nêu:
tình trạng thiếu nguồn điện hiện nay cơ bản xuất phát từ
"<em>những hạn chế của cơ cấu tổ chức ngành điện hiện
tại</em>". Với cơ cấu tổ chức ngành điện theo mô hình
tích hợp dọc (gồm cả phát, truyền tải, phân phối, mua bán
điện, điều hành hệ thống điện), theo bộ Công thương, sẽ
không tạo ra môi trường minh bạch cho việc thu hút đầu tư
từ các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các nguồn
điên mới để đảm bảo hệ thống có đủ công suất với
dự phòng cần thiết. Do đó, bộ này đề nghị, "<em>để
giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nguồn điện trong tương
lai, đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét thông qua kế
hoạch tái cơ cấu ngành điện, tách khâu phát điện ra khỏi
khâu truyền tải, mua bán và điều độ hệ thống điện để
hình thành cạnh tranh trong khâu phát điện, để giá phát điện
thực sự do thị trường xác lập, mang lại lợi ích cho người
tiêu dùng</em>".

<em>Mạnh Quân</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6528), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét