Tuệ Vân - Về bài viết “Trách Nhiệm Lịch Sử” của Nguyễn Trung

Cựu đại sứ CHXHCNVN tại Thái Lan, ông Nguyễn Trung vừa có
một bài viết góp ý, dài 88 trang, với Đại Hội Đảng kỳ 11.
Với nhan đề <a href="http://danluan.org/node/5041">Trách Nhiệm Lịch
Sử</a>, bài viết đã phân tích những vấn nạn của đất
nước dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam trong
suốt 35 năm qua. Ông cũng đưa ra những khuyến cáo thay đổi
cần thiết trong đường lối của lãnh đạo đảng, trong mục
tiêu phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc.

Nội dung bài viết gồm những điểm gì chính yếu?

Bài viết gồm 5 phần: Tình hình đã chín mùi, Bàn thêm về
chữ "nếu", Đảng đang tự "diễn biến hòa bình", Trách
nhiệm lịch sử, và Thay lời kết: bàn về đa nguyên đa đảng.

Trong phần một: "Tình hình đã chín mùi", ông Nguyễn Trung
nhận định, trước sự thay đổi phức tạp trong mô hình kinh
tế của thế giới dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong các
mối tương quan chính trị, đòi hỏi Việt Nam cần phải có
"tầm nhìn thấu đáo cục diện và xu thế của thế giới
hiện tại - với lý tưởng lợi ích quốc gia là duy nhất và
trên hết." Và, "Đảng phải chủ động tự đổi mới để
đất nước thoát tụt hậu và tránh nguy cơ sụp đổ của
Đảng, cũng là tránh nguy cơ tổn thất và đổ máu cho đất
nước."

Phần hai, "Bàn thêm về chữ "nếu", ông Nguyễn Trung cho
rằng nếu sau chiến thắng 30 tháng 4, đảng cộng sản biết
giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ, thu phục nhân tâm về
một mối, kêu gọi sự đóng góp của toàn dân trong việc hàn
gắn chiến tranh và xây dựng đất nước thì Việt Nam đã
tránh được "cái bẫy Campuchia" do Trung Quốc sắp đặt, và
đã không bị bao vây cấm vận kéo dài cho đến tận giữa
thập kỷ 1990. Nếu sau khi Liên Sô tan rã vào mùa đông 1990-1991
và sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống Xã hội chủ nghĩa,
Trung Quốc chưa ra khỏi chấn động Thiên An Môn (1989), Mỹ bận
rộn với chiến tranh vùng Iraq mà Việt Nam đối nội có chính
sách đoàn kết được dân tộc để xây dựng tổ quốc, đối
ngoại thì hợp tác với mọi quốc gia, thì đã không phải tìm
kiếm một liên minh ý thức hệ với Trung Quốc, dẫn tới tình
trạng Trung Quốc o ép, lũng đoạn Việt Nam như hiện nay. Nếu
đảng CS không thực hiện cuộc cải tạo tư sản ở miền Nam,
nếu đảng không nhân danh giữ vững định hướng xã hội chủ
nghĩa và nhân danh kinh tế quốc doanh là chủ đạo thì đã
không gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc gia. Đảng đã
lập ra bộ ba "tập đoàn kinh tế quốc doanh + nền kinh tế GDP
tỉnh + tư tưởng nhiệm kỳ" với mục đích làm cấu trúc
nền tảng cho duy trì quyền lực của Đảng. Nhưng từng yếu
tố này ngày càng vượt ra ngoài sự kiểm soát của Đảng.

Phần ba, "Đảng đang tự "diễn biến hòa bình" ", ông
Nguyễn Trung hỏi "Có phải từ sau 30 Tháng Tư 1975 quyền lực
trong Đảng dần dần không còn lựa chọn nhiệm vụ phục vụ
lợi ích quốc gia là mục tiêu hàng đầu và tối thượng nữa,
mà đang ngày càng chuyển hẳn sang ưu tiên lựa chọn yêu cầu
duy trì quyền lực của Đảng?" Trả lời, ông nhận xét:
chính sự tha hóa đang diễn ra trong Đảng từng giờ từng ngày,
đẩy lùi Đảng từ vị trí đảng lãnh đạo xuống vị trí
đảng cai trị, đang làm suy yếu Đảng nhanh nhất và toàn diện
nhất. Nếu Đảng không sớm nhận thức vấn đề để sửa
đổi thì một ngày nào đó những tha hóa này sẽ "diễn biến
hòa bình Đảng thành đối kháng dân tộc."

Phần bốn, "Trách nhiệm lịch sử", ông Nguyễn Trung cho
biết: "từ khi đất nước lâm vào khủng hoảng và phải
tiến hành đổi mới, rồi đến sự sụp đổ của các nước
Liên xô Đông Âu, ngày càng có nhiều ý kiến của những
người có tâm huyết với đất nước, yêu cầu Đảng rút ra
những bài học của thực tế này cũng như khai thác các giá
trị của văn minh nhân loại, để xây dựng nên một thể chế
dân chủ của Việt Nam, cho Việt Nam, để sớm đưa đất nước
thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, xây dựng được đất nước
dân chủ, giàu mạnh, công bằng, văn minh." Cho đến nay tuy
nhiên Đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời nào,
ngoài hướng suy nghĩ củng cố sự cầm quyền và nắm quyền
của Đảng.

Trong phần cuối cùng, "Thay lời kết: Bàn về đa nguyên, đa
đảng" ông Trung viết, "dân chủ là phương thức phát
triển, phát huy khả năng, bản lĩnh và vai trò của từng cá
nhân cho lợi ích của chính mình và lợi ích của đất nước.
Sớm muộn phương thức này tất yếu sẽ dẫn tới đa nguyên,
đa đảng." Nhưng tiếp tục con đường định hướng xã hội
chủ nghĩa như đang diễn ra hiện nay, thì sẽ dẫn tới đâu,
không biết - một Thái lan chuyên quyền náo loạn, hay một
Myanmar mới? Chọn lựa nào, không có trả lời. Mặt khác, ông
khẳng định không thể có một Đảng Cộng Sản Việt Nam tồn
tại vĩnh viễn, dù là một đảng trong sạch vững mạnh, khi
không có các thách đố, cọ sát sống còn, không tuân theo các
quy luật của phát triển và đào thải.

Sau cùng ông Trung khuyến cáo: Dân chủ của học hỏi và phát
triển là cả một quá trình đầy cam go. Chọn lựa con đường
dân chủ cho đất nước những người lãnh đạo Đảng ngày nay
phải can đảm chống lại thứ quyền lực trong Đảng cũng là
chống lại quyền lực riêng của chính mình để từ đó xác
lập quyền lực mới của Đảng chỉ là một bộ phận trong
quyền lực của nhân dân và chỉ có lý do tồn tại nếu giữ
được phẩm chất lãnh đạo.

Bài viết của cựu đại sứ Nguyễn Trung, tóm lại, nói lên
sự thiết tha của một đảng viên cộng sản đối với tiền
đồ đất nước, nhưng lời giải thì không có gì ngoài kêu
gọi lãnh đạo đảng can đảm chống lại cái quyền lực hại
dân hại nước đâu đó trong đảng, và chống lại quyền lực
chính mình, cũng như trước đây Võ văn Kiệt, nói những lời
yêu nước thương nòi và khuyến cáo làm lịch sử sau khi về
hưu.

Tuệ Vân
Ngày 24 tháng 8 năm 2010

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6247), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét