Trần Phúc Tâm - Chuyện chiêu hiền đãi sĩ ở nước Việt Nam

Cứ mỗi kỳ đại hội, bầu bán, dù là cấp quốc gia hay cấp
cơ sở, chạy đến gần là y như rằng lại rộ lên việc vinh
danh nhân tài hay "rải thảm đỏ" mời gọi nhân tài về giúp
dân, giúp địa phương, giúp nhà nước. Nghe qua, nghĩ vội thấy
cảm động lắm, yêu chế độ lắm, lòng tràn đầy hy vọng
đất nước ta đi lên phơi phơi phới, hóa rồng hóa hổ đến
nơi rồi. Khi phút hưng phấn xúc động qua đi, nhìn lại thực
trạng, thì ...

<center>* * *</center>

Không rõ nước Việt ta có nhiều người mắc bệnh đa cảm hay
không? Riêng tôi, mỗi lần nghe bài hát Thăm Bến Nhà Rồng của
nhạc sĩ Trần Hoàn, đến đoạn "<em>lúc rời tàu ai đưa tiễn
người đi, hay chỉ một mình Bác khăn gói biệt ly</em>" là trong
tâm lại rưng rưng lệ. Cảm cho số phận vất vả long đong
của một con người, buồn cho cái nhân tình thế thái của
người Việt mãi không sửa đổi cho khá lên được. Lúc hàn vi
thì phải lang thang khắp nơi, có chút chức danh thì từ đồng
chí cho đến cấp trên xúm vào đấu tố quyết liệt vì không
đồng quan điểm. Thế mà khi có chức lớn, có quyền to, có uy
danh vang vọng thì từ trên xuống dưới ca ngợi hết lời, đôi
khi đến mức lố bịch. Chết rồi còn bị trưng xác giơ ảnh
kêu danh, chủ yếu nhằm lợi dụng uy tín để bảo vệ cho
quyền lợi cá nhân một số người.

Sau Bác Hồ kinh yêu vĩ đại, cũng có cả ngàn, cả vạn con
người khốn khổ, vì hoàn cảnh khốc hại mà phải vượt biên
tìm đường sống, bởi vậy bị qui tội là "phản động", lỡ
bị chính quyền bắt được thì tất bị tù đày, đấu tố
đến khốn khổ. Thế mà, khi "lũ phản động" ấy ăn nên làm
ra, khấm khá ở xứ người, có danh, có tiền thì không những
được xóa tội "phản động" mà còn được vinh danh là "khúc
ruột ngàn dặm".

Trước Bác Hồ kính yêu, cụ Nguyễn Sinh Sắc, lúc nhỏ tuổi
cha mẹ mất sớm, họ hàng làng xóm nào có coi ra gì, phải nhờ
một thày đồ tốt bụng và đầy nghĩa khí ở làng bên nuôi
nấng dạy dỗ cho lớn khôn, lại gả cả cô con gái độc nhất
cho làm vợ, sự chăm sóc và bồi bổ học hành thật là tận
tình Đến khi cụ Sắc đỗ đạt, có tiếng có danh thì bỗng
nhiên được làng xưa quê cũ đòi "người của làng tôi", rồi
tổ chức đón rước linh đình, lại còn ưu ái dựng nhà, cấp
ruộng.

Trước nữa, đọc sử sách thấy có ghi lại chuyện của Trạng
Trình. Lúc Nguyễn Bỉnh Khiêm còn sức khỏe, còn tràn đầy
nhiệt tình phục vụ triều đình thì nhà vua chẳng giao cho
chức quyền đủ uy lực làm việc. Dâng sớ diệt gian thần,
cải cách triều chính thì vua không nghe. Bực quá, Trạng phải
xin nghỉ, không thiết làm việc nữa. Ấy vậy mà đến khi
Trạng Khiêm "ngỏm củ tỏi" thì vua tôi triều đình nhà Mạc
lại tổ chức phúng viếng linh đình, tấn phong nào là Quốc
Công, nào là Thượng Thư, nào là tể tướng Mạc triều. Hỡi
ôi! với cái xác không còn hồn vía thì những danh phong ấy nào
có tác dụng gì, chỉ là triều đình dựa hơi uy danh của
Trạng để quyến rũ, lừa gạt người khác phục vụ cho quyền
lợi của triều đình mà thôi.

Trở lại thời bây giờ. Tướng Giáp bảo đừng đập hội
trường Ba Đình nhưng người ta cứ đập, bảo đừng đào
bauxit nhưng người ta cứ đào. Đau nhất là bao năm qua đại
tướng và một số đồng sự không ngừng khiếu kiện, yêu
cầu đảng và nhà nước phải xét lại vụ T4 để trả lại
sự trong sạch cho đại tướng và các anh em thì người ta không
thèm xét lại minh oan. Ấy thế mà vẫn leo lẻo nào mừng thọ,
nào luôn luôn lắng nghe, luôn luôn tiếp thu, luôn luôn trân
trọng ...

<center>* * *</center>

Ngày xưa, nhà Mạc nổi tiếng mở nhiều khoa thi, lấy nhiều
tiến sĩ. Có vẻ sùng học thuật, trọng trí thức lắm. Nhưng
sự thật thì những ý kiến của các trạng nguyên, tiến sĩ vua
chỉ xem qua, khen hay nhưng không làm theo. Các bậc đại trí
thức ấy, người chán ngán xin từ quan như Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Nguyễn Dữ, Giáp Hải, Giáp Trừng. Người bỏ theo quân Lê -
Trinh như Nguyễn Thiến, Phùng Khắc Khoan.

Ngày nay, người ta không ngừng hô hào mời gọi các trí thức
đóng góp ý kiến cho đảng và nhà nước, mời gọi các trí
thức nước ngoài về làm việc. Nhưng thực tế, viện IDS buộc
phải "tự tử", thầy giáo Đỗ Việt Khoa thành "mất dạy,
không thức thời", Nguyễn Tiến Trung, Lê Thị Công Nhân, Trần
Huỳnh Duy Thức cùng một số nhà văn, nhà báo lên tiếng chống
tham nhũng, đòi dân chủ phải chịu cảnh tội tù. Tại sao lại
có nghịch cảnh vừa mời gọi, vừa tiêu diệt ấy?

Thực chất, người ta chỉ muốn trí thức là vật trang trí, là
cây cảnh bonsai, là mành rèm đối trướng làm đẹp mặt chế
độ, giúp người ta giữ được uy quyền và danh lợi của bản
thân và bè nhóm chứ không thực sự muốn tạo điều kiện
để trí thức phát huy tài năng làm lợi cho dân, giúp ích cho
nước. Trí thức trong cơ quan nhà nước không khác gì những
đứa trẻ trong lồng vải đỏ ở truyện Tây Du Ký (*).

Trí thức trong nước, trải bao đắng cay, hiểu rõ bài vở và
tâm địa của các sếp rồi, nên không mắc lừa, không tin,
không để bị lợi dụng, không thiết làm việc cho các sếp
nữa. Thế là, không lừa gạt được người quen, các quan lại
vung vít tìm cách mời gọi, lừa mị những đám trí thức khác
- chưa hiểu rõ tâm địa của các quan, để lợi dụng, để
các quan và bè nhóm cùng con cháu tiếp tục giữ được quyền
uy mà thủ lợi cá nhân...

<em>Lòng vả cũng như lòng sung</em>
<em>Lãnh đạo nhớn bé đều chung một lòng</em>
<em>Lính quèn chỉ húp nước trong</em>
<em>May ra mới được chút rong rêu thừa</em>
<em>Khôn ngoan biết mấy cho vừa</em>
<em>Còn nghe theo đảng còn thua thằng đần</em>
<em>Cho dù tài giỏi trăm phần</em>
<em>Tín nghe lãnh đạo cực thân khổ đời</em>
<em>Cho dù ngang dọc đất trời</em>
<em>Tin theo lãnh đạo cực đời khổ thân</em>

<center>* * *</center>

Sở dĩ nhiều trí thức bị người cầm quyền lừa là bởi
hoặc do ý thức chính trị chưa sâu, hoặc là tinh thần chủ
động kém, hoặc là do cả hai nguyên nhân ấy. Vì thế nên cứ
nghĩ là phải bám vào những kẻ lãnh đạo mới có thể giúp
ích cho nước, làm lợi cho dân. Bởi vậy mới hay bị gạt, bị
lừa bằng những lời hứa hão, chính sách suông, hình thức tôn
vinh mồi chài giảo hoạt phù phiếm.

Nay là lúc người trí thức Việt Nam cần đổi mới tư duy
nhận thức, bớt đi phần duy cảm duy tình, tăng thêm phần duy
lý logic, bớt tư duy định tính mà tăng tư duy định lượng,
bớt phần sùng tín mê muội và thụ động của văn hóa Á
Đông, tăng phần giác ngộ, khoa học và chủ động của văn
hóa Ấn - Âu.

Luôn luôn chủ động mình tự dùng mình và tiến tới có thể
dùng người khác. Chưa đến thời thì học hành nghiên cứu,
trao đổi thông tin, cùng mọi người bồi dưỡng tinh thần và
ý chí ngày thêm tiến bộ, vững mạnh. Gặp thời thì tùy sức,
tùy khả năng mà phát huy thực hành khoa học kỹ thuật, làm
kinh tế hay làm chính trị, góp phần xây dựng nước mạnh dân
giàu, bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn chủ quyền lãnh
thổ.

___________________

(*) Để biết thêm về chuyện này, mời quý vị tham khảo bài
viết Cứu Trẻ Nước Tỳ Kheo tại địa chỉ
http://vn.360plus.yahoo.com/PHUC-TAM/article?mid=175

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6271), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét