Văn VN lần thứ VIII)
Các bạn đồng nghiệp Việt Nam thân mến,
Cách đây gần hai thập kỷ, Aziz Nesin tôi được các bạn độc
giả Việt Nam biết đến như một người "thích đùa". Vâng,
tôi đã phải trả giá cho sự bông đùa của mình bằng nhiều
năm ngồi bóc lịch sau song sắt. Nhà cầm quyền ở nước tôi
không thích đùa. Những tín đồ Hồi giáo cực đoan ở Thổ
Nhĩ Kỳ không thích đùa. Các bạn may mắn hơn tôi vì được
sinh ra và hành nghề cầm bút ở một xứ sở con người luôn
lạc quan, mơ mộng và hài hước.
Chẳng có một dân tộc nào trên thế giới rầm rập đi tìm
lối tắt khi trong tay chỉ có chiếc la bàn "made in China". Sau
mấy chục năm loanh quanh không tìm được lối ra, các bạn vẫn
vui vẻ quay về vị trí xuất phát và không ngừng tìm cách
"đón đầu". Các bạn đã rút ngắn được đáng kể con
đường dẫn đến kho tàng tri thức loài người. Nước Mỹ
luôn tự hào là một trong những cường quốc trên thế giới,
có những trường đại học hàng đầu như Havard, MIT… nhưng
họ vẫn phải mất từ 7 đến 10 năm mới đào tạo xong một
tiến sĩ. Tiến sĩ của Việt Nam không cần biết tiếng Anh,
bảo vệ thành công luận án trong vòng sáu tháng.
Con người cất cánh bay lên được vì đã dám ước mơ. Và
cũng chỉ ở Việt Nam, ước mơ đã sải cánh suốt rộng dài
đất nước. Ngành giáo dục của các bạn mơ có những trường
đại học mang đẳng cấp quốc tế. Sinh viên nước ngoài đến
du học ở Việt Nam phải qua mấy kỳ phỏng vấn mới xin
được visa. Các nước sẽ được cấp quota gửi sinh viên sang
nhờ Việt Nam đào tạo. Ngành đường sắt mơ một ngày có
đường tàu cao tốc. Bước lên tàu từ sân ga Hàng Cỏ, chưa
kịp viết hết một khổ thơ đã tới ga Hòa Hưng. Ngành điện
mơ những lò phản ứng hạt nhân. Bán điện cho các nước láng
giêng lạc hậu. Ngành khoáng sản mơ giấc mơ bô-xít. Bùn đỏ
biến thành hồ nước trong veo. Vinashin mơ sẽ cho hạ thủy
những con tàu hiện đại đi khắp đại dương. Thị trường
chứng khoán Việt Nam sẽ làm chao đảo cả phố Wall. Ngân hàng
Thế giới sẽ chọn Việt Nam làm Hội sở.
Nếu chỉ số hạnh phúc của Liên Hiệp quốc lấy tiêu chí hài
hước làm trọng thì Việt Nam sẽ đứng trong "top ten" các
dân tộc hạnh phúc trên thế giới. Chỉ có ở đất nước
của các bạn, "thế giới ngày mai" mới đeo cặp đu dây qua
sông tới lớp. "Vì lợi ích mười năm trồng cây", các bé
gái tuổi vị thành niên thành món quà của thầy hiệu trưởng
gửi tới cho bạn bè trên tỉnh. "Tiên học lễ", nữ sinh
lột quần áo nhau quay phim đưa lên youtube. Cô giáo túm vào chỗ
kín của học sinh nam. Trò hư phải thay nhau liếm ghế. "Hậu
học văn", quay cóp được nâng lên thành nghệ thuật. Thầy ra
bài, thầy thu tiền, thầy cho đáp án trước ngày thi. Trò thuê
người học thay, thuê người viết luận văn, bằng giả bày
như rau dưa ngoài chợ.
Chỉ có ở đất nước của các bạn, cảnh sát gọi người vi
phạm giao thông vào góc đường làm luật. Cò kè cưa đôi.
Người anh hùng bỗng chốc trở thành tội phạm vì mấy chục
triệu quỹ đen. Kẻ tham nhũng tiền tỷ tỷ được xem xét vì
có nhân thân tốt. Chưa tranh tụng trước tòa đã biết bao
nhiêu năm nằm khám. Tử tù sinh con trong phòng biệt giam.
Chỉ có ở đất nước của các bạn, bê tông mới được đúc
bằng cốt tre. Cầu vượt đang xây dầm đã lao xuống đất.
Hầm đường bộ thành sông trong thành phố. Đường chưa bàn
giao đã sụt, lún, chân chim.
Chỉ có ở đất nước các bạn, mới có thủ tướng chân tình
"ba năm qua tôi chẳng kỷ luật ai". Các nghị sĩ hồn nhiên
đồng thuận. Anh bạn láng giêng – tặng nhau cả 16 chữ vàng
vẫn là "nước lạ". Chiến sĩ hòa bình bờ đông canh giữ
cho giấc ngủ bở Tây.
Chỉ có ở đất nước các bạn, người viết bằng mọi giá
chen chân vào Hội Nhà văn. Một phần ba số hội viên muốn
được làm lãnh đạo. Đại hội không bàn chuyện văn chương,
chỉ lo bầu bán. Ai cần Hội Nhà văn? Hội Nhà văn cần ai?
Các bạn may mắn hơn tôi, mỗi buổi sáng vào mạng đọc tin,
có thể tìm thấy hàng trăm ngàn đề tài để viết. Cả một
dân tộc thích đùa. Tác phẩm không hấp dẫn mới là chuyện
lạ.
Vẫn biết Đại Hội mới bắt đầu, nhưng chắc chắn sẽ
thành công rực rỡ. Chúc các bạn có một Ban chấp hành mới,
hoạt động không cần tiền thuế của dân. Chúc các bạn có
nhiều tác phẩm đoạt giải Nobel, tất cả nhà văn sống
được bằng ngòi bút.
(Ngàn lần xin lỗi nhà văn Aziz Nesin vì vụ "đạo" tên này)
___________________
Aziz Nesin sinh năm 1915. Ông được đề cử cho nhiều giải văn
chương ở Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgari và Liên Xô cũ. Tác phẩm
của ông được dịch ra trên ba mươi thứ tiếng. Về cuối
đời, ông là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ duy nhất sống được bằng
thu nhập từ viết sách. Năm 1972, ông lập ra quỹ Nesin. Mỗi
năm, quỹ này chọn ra bốn trẻ em nghèo, đưa về chăm sóc,
nuôi cho ăn học từ cấp cơ sở, hết phổ thông trung học,
đại học hoặc đào tạo nghề. Ông tặng cho Quỹ toàn bộ
tiền bản quyền in ấn, dịch thuật và sử dụng các tác phẩm
của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước khác trên thế
giới. Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 1995 vì một cơn đau tim.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5952), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét