Nên chăng cần sớm ban hành Luật và Nghị định về biểu tình?

Điều 69 Hiến pháp năm 1992 hiện hành, theo đó công dân có
quyền biểu tình theo quy định của Pháp luật.

Trong quá trình Lập pháp Lập quy, trong quá trình quản lý,
điều hành của cơ quan Nhà nước các cấp đối với mọi mặt
trong đời sống xã hội, nhất là đối với một nước đang
phát triển như ở ta, không thể tránh khỏi những bức xúc
trong dân chúng.

Đành rằng, quá trình giải quyết những thắc mắc trong dân
đã có nhiều Bộ luật, Nghị quyết, Nghị định về khiếu
kiện, khiếu nại, tố cáo v.v... vẫn không thể giải quyết
thấu đáo mọi vấn đề, đó là những chuyện sẽ xảy ra đã
được tiên liệu trước bởi các quy định hiện hành về
giải quyết những quyền này cho công dân không tránh khỏi bất
cập do Việt Nam đang trong quá trình xây dựng cơ chế Lập
pháp, cải cách Hành chính, Tư pháp. Chưa nói là có nơi còn
xảy ra thiếu hiệu quả, thậm chí có biểu hiện tiêu cực,
bất công từ các cá nhân của cơ quan Nhà nước có thẩm
quyền trong việc giải quyết nội dung khiếu kiện, khiếu nại,
tố cáo v.v....

Bởi vậy, biểu tình là việc tất yếu có thể xảy ra, hơn
nữa đó là quyền của công dân. Tuy nhiên, mãi đến thời
điểm này vẫn chưa có Luật và Nghị định điều chỉnh về
việc biểu tình.

Nhiều nước hay tiểu bang trên thế giới họ có quy định rõ
ràng cho biểu tình, về lý do biểu tình, nơi đăng ký biểu
tình, giới hạn địa bàn và thời gian đăng ký được cho phép
tiến hành biểu tình ; quy định thời hạn phải trả lời cho
công dân cho phép hay không cho phép việc biểu tình; nếu quá
thời hạn mà không trả lời hay nếu trả lời mà công dân
thấy không thuyết phục thì khiếu kiện tiếp theo lên cơ quan
nào, cấp nào.

Biểu tình có những hành vi vượt quá giới hạn Luật định
và đuợc cho phép thì Cảnh sát sẽ trấn áp mạnh, thậm chí
có những trường hợp gây nguy hiểm đến Cảnh sát nhất
định có thể bị nổ súng.

Ở Việt Nam thì chưa có. Do đó, nhiều việc đáng tiếc đã
xảy ra trong dân chúng và cho cả một số cơ quan chức năng.

Khi dân chúng muốn biểu tình nhưng thủ tục "không biết đâu
mà lần", tất yếu sẽ tự phát à ơi tụ họp kéo nhau đi, đi
đến đâu thấy dễ và gây tiếng vang hơn thì đến, chưa hẳn
đã đúng nơi gây bức xúc cho họ. Rồi người hiếu kỳ, tò
mò, người bức xúc bị động.v.v...cũng theo đó mà làm cho từ
cuộc biểu tình ban đầu người không đông trở thành càng lúc
càng đông hơn, có khi là dân cư đông đảo của một thành
phố.

Về mặt xã hội, biểu tình kiểu như vậy gây đảo lộn sinh
hoạt của một bộ phận lớn dân chúng, ách tắc giao thông,
dễ xảy ra gây rối trật tự công cộng, cản trở, chống
người thi hành công vụ, và những ảnh hưởng tiêu cực khác
về môi trường.

Về mặt cá nhân ( nhân thân ), có những cán bộ lão thành Cách
mạng, trí thức, cán bộ về hưu có hiểu biết nhất định,
trước những điều bức xúc chung của khu vực dân cư nơi họ
sống mà họ cũng là thành viên trong cộng đồng đó, trách
nhiệm lương tâm khiến họ phải "cố vấn" bày đường chỉ
lối cho dân trong việc khiếu kiện khiếu nại tố cáo, lại
dễ rơi vào trường hợp cơ quan An ninh "khoanh sổ đen" có họ
vào, cho là nhân tố gây bất ổn, vô hình trung "chụp mũ"
người tốt thành "thế lực thù địch".

Về mặt uy quyền cơ quan Nhà nước, khi lực lượng Cảnh sát
được Lãnh đạo Chính quyền điều động giữ trật tự, hay
trấn áp nếu cần, họ rất khó làm nhiệm vụ, nếu trấn áp
quá mạnh sẽ gây bức xúc cho dân, nếu nhu nhược sẽ giảm uy
quyền Nhà nước, bởi lẽ Lãnh đạo hay Chỉ huy Cảnh sát cũng
khó khăn trong việc phân định giới hạn đâu là nên ra tay
kiên quyết, đâu là cần giải thích động viên thuyết phục ;
trong nhiều trường hợp, việc xác đinh giới hạn để quyết
định dùng bạo lực hay chưa bạo lực này thường phụ thuộc
nhiều vào suy nghĩ chủ quan ( sự quyết định mang cá nhân có
phần mạo hiểm để dám chịu trách nhiệm, hay không dám ) của
Lãnh đạo chính quyền, của chỉ huy Cảnh sát trấn áp. Do đó,
hiệu quả đảm bảo trật tự cho công chúng biểu tình gặp
không ít khó khăn, có nơi Lãnh đạo, chỉ huy bị đùn đẩy
trách nhiệm hậu quả cho nhau.

Về mặt chính trị, khi một cuộc biểu tình xảy ra, nhiều
kênh thông tin đưa ra thông tin mang tính chất trái chiều nhau,
thiếu chính xác, gây dư luận băn khoăn nghi ngờ trong và ngoài
nước về bản chất sự việc, về uy tín của Nhà nước Việt
Nam trên trường quốc tế, cản trở hợp tác đối ngoại.

Tình hình là vậy, và cũng không thể nói là không còn xảy ra
chuyện biểu tình trong nay mai, vì vậy để giải quyết đuợc
những vấn đề nảy sinh từ thực tế những cuộc biểu tình
vừa qua cho sau này, cần sớm ban hành Luật và Nghị định về
quyền biểu tình của Công dân đã được ghi nhận trong Hiến
Pháp hiện hành, và cũng để Luật pháp Việt Nam văn minh không
thua kém các quốc gia bè bạn trên thế giới.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5906), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét