Hoàng Tuấn - Thời của thương hiệu "Quốc"

Sau khi có Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy, Quốc hiệu, Quốc lễ
ở thời kỳ dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì sau
đó tất nhiên có Quốc tang. Sau rất nhiều Quốc tang thì đến
thời Quốc gia hưng thịnh dần lên. Do hưng thịnh mà người ta
đâm ra lại hay nghĩ nhiều hơn đến chữ Quốc. Bởi vì hưng
thịnh thì đi với phát triển, to lớn, nhiều giàu sang, phú
quý. Thế nên chữ "Quốc" không chỉ còn là một danh xưng, một
hình thức, một mỹ từ thuần túy. Nó ngày càng gắn với ý
nghĩa "Quốc gia đại sự" và đương nhiên là gắn nhiều với
cái gì đó từa tựa như phát triển, to lớn, nhiều giàu sang,
phú quý. Thành ra chữ Quốc đắt khách, vì lắm thứ ngày nay
muốn "tằng tịu" với chữ Quốc.

Ai có quyền cắt đặt, se duyên, cưỡng ép chữ Quốc gắn với
cái gì thì quyền - lợi cũng vì thế mà nom có cái gì to to
lớn lớn kèm theo. Thế thôi thì cũng chưa tệ. Cái tệ hại là
từ khi người ta ít quan tâm đến ý nghĩa thực sự của chữ
Quốc phải gắn với cái gì và sau khi gắn bó đó, nó sẽ là
cái đẹp đẽ hơn hay xấu xí đi. Chẳng hạn, khi se duyên chữ
Quốc này với loài hoa - vì chẳng ai sở hữu hoa cả - nên
Quốc hoa nếu được quyết định cũng ít nhiều có vẻ đẹp
và hương thơm nếu chưa muốn nói đến thâm ý cao siêu bên
trong. Nhưng những gì đã từng được quyết định mỗi năm
một lần giữa chữ Quốc với chữ hậu để làm nên chữ mới
hơn là Hoa hậu lại khiến người ta cảm nhận đó không phải
là một cuộc se duyên mà là một trò tằng tịu. Bởi khi đại
diện cho Quốc gia về vẻ đẹp toàn phần của người phụ nữ
Việt (công-dung-ngôn-hạnh), các hoa hậu ấy chỉ thấy khoe
được cái số đo vòng 1, 2, 3 và thêm phần chân dài đến nách
mà chưa chắc khuôn mặt đã ra gì (phần dung nhan) mà chỉ số
IQ cũng như các yêu cầu ứng đáp khác thì (công, ngôn và
hạnh) thì thật là buồn chảy nhớt. Xin không bàn thêm về
"ngôn" vì khi phải xuất ngôn các quốc hậu này còn ấm ớ hơn
một bầy ngô ngọng. Tư duy thì là thứ quá xa xỉ vì có những
câu hỏi giản dị về năng khiếu đã được biết trước
nhưng quốc hậu tương lai cũng phải rỉ tai ban giám khảo là
để khi khác, chỗ nào khuất nẻo, ít người... em đây mới
tâm tình sau. Về "công" nghe ra từ chữ "ngôn" đã thấy không
có tí gì ngoài mấy vòng lượn lờ uốn éo. Nói như dân đàn
ông chính cống, mấy em này có mỗi một công năng là ... lên
giường. Còn về "hạnh" thì in ít bàn thôi nhé. Từ húy kỵ
thời nay đấy. Có em chưa nhận giải gì và cả sau khi nhận
giải, người ta phải cố ngăn chặn mọi nguồn thông tin để
không lộ ra em ấy cặp bồ với ông lớn này, bị vợ ông ấy
tung bằng chứng, đánh ghen hay hồ sơ về em trong đường dây
này nọ, công an họ có cả... nhưng chả hiểu sao, họ chả
nói. Thành ra, chữ Quốc gắn với chữ hậu lúc này nghe thấy
nhiều nỗi buồn chảy nhớt hơn là cái gì đó đẹp đẽ. Chữ
Quốc khi gắn với "mỹ nữ" (thuần túy là cái đẹp hình thể)
chẳng vì thế mà sang lên ngược lại có anh ánh một nỗi
buồn quốc thể.

Nhưng vì lợi nhuận, tiền bạc và phú quý, các công dân cứ
cố lên. Thế nên người ta không chỉ bàn chuyện Quốc hoa, có
ông còn âm mưu đưa ra Quốc thơ nghe giới thiệu thì cũng đầy
ý vị kiểu thơ thẩn nhưng đằng sau là vô số những âm mưu
làm ăn và xin nguồn tài trợ. Thành ra, đang hình thành một
phong trào "cứ xin được là được" còn nó đến đâu, sau đó
ra làm sau thì... kệ!

Thiên hạ xôn xao, còn đến quốc gì nữa đây??? Thiên hạ ta
thán, còn đến quốc gì nữa đây???

Thì liền có câu trả lời. Trong Quốc hội (cái tên này thì cũ
rồi) người ta buộc phải quyết một thứ Quốc mới mà tôi
tạm đặt tên cho nó là Quốc đất. Quốc đất chứ không
phải là Cuốc đất. Vâng Quốc đất chắc là có nghĩa mảnh
đất đại diện về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
cho đất nước. Trước kia thì Hà Nội được coi là Quốc
đất. Ấy nhưng mà cái xu hướng thời thượng gắn chữ Quốc
cho mọi thứ khiến cho người ta không bằng lòng với những gì
đã có. Thế nên, Hà Nội cũ có khả năng không tiếp tục
được giữ danh hiệu Quốc đất. Người ta định gắn nó cho
vùng Ba_Vi. Phù! May mà Quốc hội không gật. Thế mà cũng chưa
hết chuyện. Cũng trong Quốc hội vừa qua một phen sóng gió.
Ấy là họ phải lắc đầu ngầy từ chối cái dự án Đường
sắt cao tốc Bắc - Nam. Cái này thì có liên quan gì đến chữ
Quốc không? Dạ, xin thưa có. Nó gắn ở cái chỗ khác. Ấy là
Quốc nợ. Vâng. Nợ quốc gia đến ngưỡng ấy là kinh lắm
rồi, xin không nợ thêm nữa.
Mới đây, có ông Vụ trưởng một Vụ nọ của Bộ Giáo dục
đào tạo còn ra một văn bản "quyết" cho một môn phái võ
được trở thành "Quốc võ". Tất nhiên, chẳng ai tìm thấy
chữ Quốc võ trong quyết định của ông này. Nhưng khi ông ấy
quyết cho môn võ Vivonam được dạy đại trà trong các trường
học rồi còn quyết cho ra làm môn thi đấu chính thức tại
hội khỏe Phù Đổng, ấy thì nó tự nhiên đã là Quốc Võ.
Cái vụ này còn đang lình xình nhiều lắm. Bởi ông ấy không
biết, có nhiều ứng cử viên nặng ký hơn cho thương hiệu
"Quốc" mà các ông này định quyết đi.

Ông ấy quả là chẳng khôn ngoan tí nào. Đến ngay như chuyện
tưởng như mười mươi là Quốc đạo mà còn khó khăn lắm
lắm. Ai cũng bảo đạo Phật là Quốc đạo từ lâu rồi, nó
ăn vào máu huyết, hòa cùng hơi thở mọi thời đại... Ấy
vậy mà các đạo khác cũng tị nạnh nhiều lắm. Truyền thống
và giá trị của các tôn giáo không thấy nói đến loại giá
trị "tị nạnh" hay "hiềm tị" bao giờ, ấy vậy mà cứ liên
quan đến chữ Quốc là thành ra gay go to. Đạo đi đằng đạo
lúc nào chả hay.
Nhân thời buổi nhiễu nhương này. Cá nhân tôi cũng thấy lo
lắng lắm. Nhỡ chả may đang lúc thời buổi hưng thịnh, đất
nươc phát triển mà các nhà cứ thi nhau gắn chữ Quốc vào
mình không phải lúc nào cũng hay ho đâu nhé. Chẳng hạn, tôi
băn khoăn lắm, nhỡ mà mấy ông bên Hội họa sẽ tạo hình
Việt Nam, tức là mấy ông họa sĩ ấy mà cũng nổi máu lên
đòi... Thế thì nó sẽ đương nhiên có một thứ... Quốc họa.
Lúc đó thì thảm họa.

Ở đời, chuyện phiếm thì nhiều chuyện tử tế chả mấy.
Chẳng có thứ gì muốn gắn với chữ Quốc mà lại không đi
kèm những toan tính, lợi lộc. Ấy thế nên không cẩn thận
với đám quần thần loại này thì nguy to. Chữ Quốc là Quốc
hồn của một dân tộc nên không thể tùy tiện. Bởi nó chẳng
phải chỉ là quyền quyết định của một hai hay một nhóm
người mà còn ảnh hưởng cả dân tộc. Giá mà người ta có
tâm huyết với chữ Quốc như loài Quốc ngoài đồng thì quý
biết bao. Con chim Quốc cứ lang thang trong tự do và mải miết
kêu Quốc, Quốc,... Nó không định làm thương hiệu cho nó để
kiếm tiền. Nó đang kêu lên bằng tình yêu hoàn hảo và vô
điều kiện. Tiếng kêu của nó làm đẹp từng ánh chiều,
thấm đẫm Quốc hồn nơi thửa ruộng, bờ mương. Có lẽ, nếu
lấy loài chim Quốc này ra làm tiêu chuẩn để cấp thương
hiệu Quốc cho những kẻ đang nhiều ham hố thì chắc chắn sẽ
có nhiều kẻ bỗng đổi thương hiệu của mình thành ra...
Quốc lủi. Và bọn này lủi mất.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5904), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét