Tạo:</strong> Nhà văn Lê Hoài Nguyên tên thật là Thái Kế
Toại, nguyên Đại tá công an, công tác tại A25 (chuyên theo giõi
văn nghệ sĩ và văn hóa) đã gửi tới NTT.ORG một chuyên luận
dài về Nhân Văn Giai Phẩm. Các bạn hãy đọc nó như đọc
một "góc nhìn" về sự thật.</div>
<h2>VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN MỘT TRÀO LƯU TƯ
TƯỞNG DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH MẠNG VĂN HỌC KHÔNG THÀNH</h2>
<h2>I – Mấy vấn đề có tính phương pháp luận</h2>
Hiện nay còn tồn tại nhiều cách đánh giá về vụ Nhân
Văn-Giai Phẩm. Có người cực đoan cho rằng cốt lõi đây là
vụ án chính trị phản động không dính líu gì đến văn học,
mà chỉ có một số anh em văn nghệ sĩ bị lôi kéo vào (1).
Người thì cho là một vụ án văn học, oan sai về văn học (2).
Tất nhiên là để bảo vệ các khuynh hướng đánh giá không
phải dễ dàng, mà phản bác hoàn toàn cũng cần hết sức thận
trọng.
<div class="boxright300"><img src="/files/u1/nhanvan-300x156.jpg" width="300"
height="156" alt="nhanvan-300x156.jpg" /></div>
Với tất cả những gì đã xảy ra nên coi đây là một trào
lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không
thành thì đúng hơn. Để đi tìm cách cắt nghĩa nó. Gìn giữ
những gì nó đặt ra, nó để lại cho nền văn học nước nhà.
Còn nếu coi là vụ án chính trị thì không cần tốn giấy mực
để viết về nó trong lịch sử văn học làm gì.
Xem xét từ cốt lõi các vấn đề chủ yếu, tức là hồn cốt
vụ án, tức là hình thái của nó, các điều kiện lịch sử
của nó, các nhân vật của nó, các vấn đề nó đặt ra cho xã
hội đều thực sự là tư tưởng và văn học.
Vài vấn đề về phương pháp luận:
- Đánh giá NVGP trong tiến trình tư tưởng Việt Nam từ 1945-
1948- 1954-1960 cho đến 1986- và nay 2010. Tiến trình tư tưởng
cách mạng VN có đặc điểm riêng, khi du nhập chủ nghĩa Mác
Lênin. Trước khi ngả hẳn , thuần hóa chủ nghĩa Mao, nó có
trạng thái lưỡng phân và giao tranh giữa tư tưởng dân chủ
với tư tưởng cộng sản, tư tưởng toàn trị với tư tưởng
pháp quyền (3).
- Các vấn đề của NVGP đặt ra đều có nguồn gốc từ các
thời kỳ trước đó, NVGP xuất hiện vào lúc hội đủ điều
kiện cả khách quan và chủ quan. Vì mang tính tất yếu, những
gì mà NVGP chưa làm xong thì các thế hệ sau sẽ tiếp tục
phải làm.
- Đánh giá bản chất của NVGP còn phải dựa trên tập quán
hành xử chính trị của hệ thống XHCN, của xã hội Việt Nam
trên cơ sở thể chế hiện hành. Tức là không thể tin cậy
vào các lượng thông tin chính thống, vì loại thông tin đó đã
bị biến dạng và thường là không phản ánh trung thực, toàn
diện bối cảnh xã hội lúc đó, không phản ánh đúng bản
chất các sự việc. Cần phải tiếp cận NVGP từ nhiều phía,
nhiều nguồn tư liệu khác nhau trong và ngoài nước, quan trọng
nhất là thông tin của những người trong cuộc.
- Xem xét vụ NVGP phải lấy việc xem xét nội dung văn học
của nó, cái nội dung ấy phản ánh tình trạng văn học lúc
đó thế nào, chứ không lệ thuộc vào việc nhà nước công
bố nó là chống đối, tức chống đối là không có giá trị
văn học. Từ trước đến nay những người viết về NVGP gần
như theo quan niệm này và đã không xem xét giá trị văn học
của các sáng tác.
Vậy ta có thể tạm khái quát như sau:
<div class="special_quote"><em>NVGP trước hết là một trào lưu tư
tưởng, một cuộc cách mạng văn học đòi hỏi dân chủ hóa
ở miền Bắc Việt Nam năm 1954- 1960 có nguồn gốc và đã xảy
ra trong nội bộ Đảng CSVN, trong bộ máy Chính phủ Kháng chiến
chống Pháp do Hồ Chí Minh lãnh đạo trong quá trình đi từ chủ
nghĩa dân chủ tư sản đến chủ nghĩa cộng sản hình thái Mao
Trạch Đông (1948 – 1954), bùng phát vào thời điểm đặc biệt
1955 trên các lĩnh vực triết học, tư tưởng, pháp luật, giáo
dục, văn học nghệ thuật, báo chí chủ yếu trên các ấn
phẩm báo Nhân Văn , Sáng Tạo, Trăm Hoa, Tự Do Diễn Đàn, Đất
Mới- Chuyện Sinh Viên, Văn… và các sách dạng tạp chí Giai
Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu, Giai phẩm Mùa Đông, Sách
Tết, Vũ Trọng Phụng… do khởi xướng hầu hết là số văn
nghệ sỹ, trí thứctài năng, có nhiều công lao trong kháng
chiến chống Pháp, trong quân đội, bị đàn áp và xét xử công
khai bằng một vụ án chính trị hoạt động gián điệp lật
đổ chính quyền nhân dân với cái tên Nhân Văn-Giai Phẩm,
tiếp theo là việc xử lý bằng các hình thức trừng phạt nội
bộ với hàng trăm giáo sư, thày giáo, sinh viên, nhà văn, nghệ
sỹ điện ảnh sân khấu, nhạc sỹ, họa sỹ, kiến trúc sư,
phóng viên, xuất bản, cán bộ lãnh đạo, nhân viên một số
bộ ngành, cơ quan nhà nước…</em></div>
Sau khi bị đàn áp, NVGP không chết ngay lập tức, nó còn tồn
tại dai dẳng trong một số sáng tác của Phùng Cung, Hoàng Cầm,
Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan… thậm chí cả Nguyễn Chí
Thiện (4), nhóm Văn nghệ Chân đất ở Hà Nội những năm 70- 80
(5),cho đến vụ Hoàng Cầm, Hoàng Hưng bị bắt năm 1983 (6), cho
đến lúc Đổi mới, trao Giải thưởng Nhà nước, Giải
thưởng Hồ Chí Minh cho một số nhân vật chủ chốt của vụ
NVGP 50 năm về trước. Còn mục tiêu tự do tư tưởng, tự do
sáng tác, dân chủ xã hội pháp quyền, cách tân nghệ thuật mà
NVGP đã đặt ra thì vẫn đang là câu hỏi cho các thế hệ
người Việt Nam cho đến hôm nay…
Để có thể xem xét vụ NVGP một cách thỏa đáng không bị
ràng buộc về khía cạnh vụ án chính trị, tôi chọn cách nhìn
nó với tư cách là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách
mạng văn học.
<h2>II – Các tiền đề dẫn đến vụ NVGP</h2>
<h3>1- Bối cảnh chính trị Việt Nam 1945- 1954 và những tác
động của quá trình Mao hóa hệ tư tưởng phản ánh vào đời
sống văn học nghệ thuật.</h3>
Phản ánh của các sử gia Việt Nam về Cách mạng Tháng Tám
1945 và giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp là một
cách viết sử đơn giản, dường như chỉ lấy mục đích
tường thuật các chiến thắng quân sự của chính phủ Hồ Chí
Minh với nguồn sử liệu nghèo nàn, một phía, hoặc với những
đánh giá không khách quan. Khác với các sử gia Việt Nam, các
sử gia nước ngoài, chủ yếu là phương Tây, có nguồn tư
liệu từ hai phía, nhất là hồ sơ của Pháp, Nga, Trung Quốc
hồ sơ các cuộc phỏng vấn trực tiếp các cá nhân tham gia các
sự kiện lịch sử, từ chỗ đứng khách quan với phương pháp
tư duy phức tạp hơn họ có thể nhìn ra tiến trình lịch sử
đó dưới nhiều góc độ khác nhau đặc biệt là sự vận
động của hệ tư tưởng ở những người cộng sản Việt Nam
đã tạo ra tình trạng phân hóa nội bộ trong giới lãnh đạo
và quần chúng, tạo ra các chính sách trước sau mâu thuẫn, các
màu sắc chính trị đối ngoại, các vụ án kiểu như NVGP (7)…
Có hai điểm làm cho quá trình Mao hóa hệ tư tưởng ở VN dùng
dằng ở trạng thái lưỡng phân trong một thời gian dài:
- Một là trong thời điểm 1945 Việt Minh giành được chính
quyền trong tương quan cùng có nhiều lực lượng quốc gia yêu
nước tham gia. VM không đủ thế lực quản lý đất nước khi
họ chưa có được sự công nhận, hậu thuẫn của phe XHCN, Hồ
Chí Minh vẫn còn phải tính toán con đường tồn tại trong
khối Liên hiệp Pháp. Xu thế này phản ánh trong chính bản
Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh đọc tại Ba Đình ngày
2-9-1945 và trong thành phần chính phủ liên hiệp sau đó. Ngay
cả khi cuộc chiến toàn quốc đã nổ ra, 19-12-1946, Việt Minh
lập một chính phủ mới hoàn toàn là của họ nhưng vẫn còn
một tỷ lệ lớn là thành phần trí thức do Pháp đào tạo,
đã từng cộng tác với chính phủ Trần Trọng Kim, thuộc các
đảng Dân chủ và Xã hội, trong đó có các nhân sự chủ chốt
của các ngành tư pháp, y tế, giáo dục, xã hội, thậm chí cả
một phần công an, quân đội nữa. Phương án muốn duy trì bộ
mặt khả ái của chính sách cai trị để đi theo khối Liên
hiệp Pháp còn được đẩy mạnh vào các thời điểm giữa năm
1947, giữa năm 1957 khi miền Bắc VN vẫn còn hy vọng hiệp
thương thống nhất đất nước(8).
- Quá trình xây dựng nhà nước VNDCCH theo hướng dân chủ bị
biến dạng và bị phá vỡ bởi sự thắng lợi của CNXH châu Á
ở Trung Quốc. Không phải HCM không thấy hết mặt trái của
chủ nghĩa Mao nhưng do rất cần nguồn viện trợ và do Stalin
không mặn mà với ông, giao hẳn trách nhiệm cho cách mạng Trung
Quốc giúp đỡ cách mạng Việt Nam, ông phải mở cửa cho các
cố vấn cộng sản Trung Quốc mang theo chủ nghĩa Mao xâm nhập
vào đất nước. Điều này dẫn đến sự lệ thuộc của cộng
sản Việt Nam vào cộng sản Trung Quốc, tạo cơ hội cho Mao áp
đặt hệ tư tưởng của ông ta lên Hồ Chí Minh và những
người cộng sản Việt Nam (9).
Bề mặt của quá trình này thể hiện ở các mâu thuẫn trong
nội bộ cộng sản Việt Nam, ở các cuộc chỉnh huấn, cải
cách ruộng đất, tranh luận về văn học, luật pháp, tư pháp,
ở các cuộc thanh trừng những trí thức kiên trì với tư
tưởng dân chủ mới hoặc CNXH chân chính như Vũ Đình Hòe, Vũ
Trọng Khánh, Nguyễn Hữu Đang. Lĩnh vực giải hóa luật pháp
và NVGP là điển hình của quá trình đó.
Đối với văn nghệ do cộng sản Việt Nam lãnh đạo Trường
Chinh là người đã đưa các quan điểm văn nghệ của Mao Trạch
Đông vào hoạt động Văn hóa Cứu quốc từ năm 1943, kiên trì
bảo vệ nó cho tới khi đổi mới, đã tạo ra rất nhiều vụ
án văn nghệ khác, là nhân tố chính làm cho nền văn nghệ
Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền nhưng tụt hậu so
với sự phát triển chung của nhân loại.
Trong thời kỳ ban đầu Trường Chinh không thể chi phối được
mọi hoạt động của VHCQ do đa số những người thực hiện
là các trí thức có ảnh hưởng tư tưởng DCTS. Do điều kiện
kháng chiến, VM không thể thành lập bộ máy văn hóa riêng để
áp đặt đường lối của mình. Mâu thuẫn đã bộc lộ ra
giữa Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh ngay từ lúc tổ chức
Hội nghị VHCQ toàn quốc tháng 10 năm 1946 và có thể nói kết
thúc bằng Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ II xóa bỏ
VHCQ thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam hoàn toàn theo quỹ đạo
của đường lối văn nghệ Maois vào thời điểm tháng 7-1948
(10). Từ thời diểm này sự rạn nứt trong đội ngũ văn nghệ
kháng chiến càng trở nên trầm trọng hơn. Nhiều người bắt
đầu bỏ về thành, số lượng nhiều hơn khi các cuộc chỉnh
huấn theo kiểu Mao mở ra (11). Số này sau trở thành lực
lượng nòng cốt của văn nghệ Sài Gòn : Tạ Tỵ, Mai Thảo,
Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ, Phạm Duy, Võ Phiến,
Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh …Trong
số VNS ở lại vùng kháng chiến các cuộc tranh luận về tự do
sáng tác và dân chủ vẫn còn diễn ra với các ông Trương
Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Tô Ngọc Vân, Văn Cao, Sỹ Ngọc…
Có khi trở thành đòn đánh nhau công khai như việc phê bình thơ
không vần của Nguyễn Đình Thi, tranh lập thể của Văn Cao,
Tạ Tỵ… Tuy vậy trong bộ máy của Chính phủ kháng chiến Hồ
Chí Minh vẫn không có Bộ Văn hóa, Hội Văn nghệ đã phải làm
thay chức năng cho bộ này cho tới tháng 2-1955. Đa số văn nghệ
sĩ trong kháng chiến đều gia nhập quân đội và thuộc quản
lý của Phòng Văn nghệ quân đội với các chính sách văn nghệ
được quân sự hóa dưới sự lãnh đạo của các chính ủy.
Hy vọng về một cuộc sống thoải mái hơn về vật chất và
tinh thần sau khi hòa bình lập lại bị héo úa về cuộc Cải
cách ruộng đất và những khó khăn trong đời sống, do cách
thức quản lý xã hội như hộ khẩu, cải tạo tư sản, thương
nghiệp quốc doanh…Trong văn nghệ đó là tệ lãnh đạo chính
trị thô bạo, ép buộc tuyên truyền một chiều, tệ bè phái
cơ hội, tác phong lãnh đạo hống hách, sáng tác đơn giản sơ
lược …
<h3>2 – Bối cảnh quốc tế, cuộc cách mạng dân chủ lần
thứ nhất của phe XHCN tác động đến CMDC ở Việt Nam.</h3>
Sau 1945 không phải Liên Xô đã hoàn toàn chi phối được chính
quyền các nước Đông Âu. Ở một vài nước vẫn còn chính
phủ DCTS. Đến đầu những năm 50 các cuộc chính biến cộng
sản ở các nước này nổ ra lật đổ các chính phủ DCTS thì
mới có được một hệ thống XHCN thuần nhất theo sự lãnh
đạo của Liên Xô.
Cũng như ở Liên Xô toàn bộ các nước XHCN dưới sự chỉ
đạo của Stalin đã bộc lộ các mâu thuẫn gay gắt trong nội
bộ lãnh đạo các ĐCS, giữa nhân dân, trí thức, văn nghệ sĩ
với ĐCS về các vấn đề pháp quyền dân chủ… Chỉ đợi
đến lúc Stalin chết thần tượng Stalin mới bị hạ bệ, bị
kết tội về những tội ác đã gây ra trong thời kỳ cai trị
Liên Xô bằng chế độ độc tài và các cuộc thanh trừng nội
bộ đẫm máu. Trong Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản
Liên Xô tháng 2-1956 Tổng bí thư Khơ Rút sốp đã đọc báo cáo
tổng kết thời Stalin và đề xuất chiến lược mới cho phe
XHCN chung sống hòa bình cũng có nghĩa là mở ra cho các nước
xã hội chủ nghĩa một thời kỳ dân chủ (12).
Không phải đợi đến khi Khơ Rút Sốp chính thức tuyên bố,
ở các nước XHCN đều đã có các yếu tố đòi hỏi phải
cải cách dân chủ. Nhưng tiếc rằng khi hoa dân chủ nở rộ
ngọn sóng dân chủ đã làm cho các ĐCS ở đây lo sợ về nguy
cơ khủng hoảng. Các phần tử bảo thủ đã tìm mọi cách làm
cho những người khởi xướng, ủng hộ cải cách do dự rồi
lật ngược thế cờ. Một số cuộc nổi dậy bị đàn áp, các
văn nghệ sĩ cấp tiến bị xử lý, thậm chí bị kết tội
hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Có thể gọi đó
là Cuộc cách mạng dân chủ XHCN lần thứ nhất. Sau hai mươi
năm cuộc Cách mạng dân chủ lần thứ hai đã nổ ra cũng khởi
đầu từ Liên Xô với ngọn cờ Công khai- Cải tổ của Goóc Ba
Chốp Tổng bí thư ĐCSLX và đã dẫn đến sự sụp đổ của
hệ thống XHCN .
Vậy cuộc cải cách dân chủ lần thứ nhất ở Việt Nam chính
là Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm một trào lưu tư tưởng, trong
đó theo truyền thống Á Đông đặc trưng cơ bản của nó là
phản ứng và xử lý về ngôn từ chứ không phải là một vụ
án gián điệp, một vụ bạo loạn. Tất nhiên khi yêu cầu cách
mạng này đặt lên vai văn học thì từ bên trong văn học xuất
hiện những yêu cầu thay đổi về hình thức để đáp ứng
yêu cầu xã hội.
<h3>3- Bối cảnh văn nghệ miền Bắc 1945-1954.</h3>
Nền văn nghệ Việt Nam vốn từ vốn từ một nền văn nghệ
nho giáo bắt đầu được hiện đại hóa với chữ quốc ngữ,
đỉnh cao là Thơ Mới và Tự Lực Văn Đoàn. Hai phong trào văn
học này làm cho văn học Việt Nam vươn tới một nền văn học
có các phương pháp sáng tác của văn học hiện đại thế
giới cả về ngôn ngữ, nhân vật, thi pháp biểu hiện, chủ
nghĩa cá nhân…
Nếu nói về tiến trình văn học, Cách mạng Tháng Tám 1945 đã
làm gián đoạn, nếu không nói là đứt đoạn quá trình hiện
đại hóa của văn học Việt Nam. Ở đây không nói toàn bộ
nền văn học mà là bộ phận văn học do những người cộng
sản Việt Nam thực hiện quản lí. Các chính sách về VHVN của
ĐCSVN bị ảnh hường nặng nề chủ nghĩa Mao, sau nữa là chủ
nghĩa Lê nin, Stalin đã đoạn tuyệt gần như hoàn toàn với quá
khứ nhất là bộ phận di sản văn nghệ quan trọng nhất, 1930-
1945, đã tuyệt đối hóa chức năng tuyên truyền, lấy quần
chúng công nông binh làm mục tiêu, làm thước đo giá trị của
văn nghệ, đã thủ tiêu mọi ý tưởng thể hiện nghệ thuật
bằng ký hiệu nghệ thuật của người nghệ sĩ. Chính vì vậy
người ta mới cường điệu việc tìm đường, nhận đường
cho văn nghệ sĩ, gọi nó cuộc lột xác đau đớn, là cuộc
sống mới với câu tuyên ngôn giết chết cái cũ trong con
người họ.
Chính vì thế, văn nghệ kháng chiến đã đánh mất nhiều tài
năng trong các cuộc chỉnh huấn, các cuộc phê bình nội bộ
tâm hồn tiểu tư sản hoặc phê bình mạt sát các loại hình
nghệ thuật hiện đại. Một bộ phận đáng kể trí thức, văn
nghệ sĩ có tư tưởng tự do trong đó đa số là gốc Bắc đã
ly khai văn nghệ kháng chiến. Còn các văn nghệ sĩ tiền chiến
thì co mình lại, hoang mang không biết viết cái gì, vẽ cái gì.
Lớp văn nghệ sĩ do công nông binh sinh ra chưa thể trở thành
những cây bút có tầm vóc. Nhìn vào chất lượng các Giải
thưởng văn nghệ trong kháng chiến thì thấy rõ điều đó, có
thể gọi là xuất sắc với vài bài thơ, một vài tiểu thuyết
có phần đơn giản.
Bước sang giai đoạn hòa bình trong khi bộ máy quản lí vẫn
còn đang theo quán tính cũ, thì cuộc sống đã đặt ra những
vấn đề mới.
<div class="special_quote"><em>Cách mạng đã chuyển giai đoạn.
Thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, ai cũng biết
là một thời kỳ có nhiều biến chuyển sâu sắc triệt để
hơn tất cả các thời kỳ cách mạng trước. Cuộc sống thay
đổi rất nhanh và một điều làm cho nhiệm vụ của nhà văn
trở nên phức tạp hơn, là công cuộc cải tạo xã hội chủ
nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc còn đương
tiến hành, khó phân biệt trong đó cái gì đương xây dựng
chưa xong, và cái gì đương đổ sụp…</em>
<em>Như Phong - Nhìn lại bước đường đã qua, Tuyển tập Như
Phong.</em></div>
Trong bối cảnh văn học riêng của miền Bắc như thế, trong
bối cảnh văn học thế giới, văn học Sài Gòn đang chuyển
sang các chủ nghĩa hiện đại, bối cảnh cuộc cách mạng dân
chủ của toàn phe XHCN tất các văn nghệ sĩ phải đặt ra việc
cách tân văn học cả nội dung và hình thức. Đặc biệt của
NVGP là sứ mệnh cải cách lại do chính những trí thức, văn
nghệ sĩ con đẻ của cách mạng, những người đã ở tuyến
đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp khởi xướng.
Nếu cố thoát ra khỏi lối mòn, nhìn theo tiến trình phát
triển văn học thế giới, có thể thấy rằng ở Việt Nam nhóm
thơ Xuân Thu Nhã Tập của Nguyễn Xuân Sanh đã báo hiệu sự
bế tắc của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực phê
phán để chuyển qua chủ nghĩa siêu thực. Đó không phải là
dòng văn học tiêu cực mà là tích cực theo ý nghĩa nó là một
cố gắng của những nhà văn đi tìm lối thoát đưa văn học
Việt Nam tiến lên.
Tiếp theo mọi người còn nhớ sau trong những ngày mấp mé bờ
vực chiến tranh của nước Việt Nam mới tiếp tục xuất hiện
nhóm thơ Dạ Đài của Trần Dần, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng,
Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch… Trong Bản Tuyên Ngôn Tượng
Trưng nhóm Dạ Đài đã nói rõ thái độ phủ định văn học
giai đoạn cũ và không dấu diếm ý đồ muốn tạo ra một dòng
văn học mới:
<div class="special_quote"><em>Vì thế, cái thi ca cổ rích, cái thi ca
tĩnh của tiền nhân ngâm vịnh, của bọn lãng mạn khóc bạn
chẳng làm chúng ta quên, ví chẳng có thể đẩy đưa chúng ta
theo những nhịp điệu bồng bềnh của bản thanh âm hoàn
vũ.</em>
<em>Thế cho nên chúng tôi – thi sĩ tượng trưng – chúng tôi
sẽ đón về đây tất cả những thế giới quay cuồng, chúng
tôi sẽ bắt một vầng trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ
đi, một chế độ phải tàn vong và một bài thơ phải vô cùng
linh động.</em></div>
Trần Dần thủ lĩnh của nhóm Dạ Đài sau mười năm, ở một
ngã ba, ngã tư thời đại lại đã được trời đất cho nguồn
cảm hứng về một cuộc lột xác cho nền văn học.
Hẳn là Trần Dần đã mang cái khát vọng sôi sục ấy vào các
trường ca <em>Cách mạng Tháng Tám</em>, <em>Đi-Việt Bắc</em>,
<em>Nhất định thắng</em>… và lôi cuốn các người bạn cùng
theo. Trong nhật ký Ghi 1954 ông viết:
<div class="special_quote"><em>Lúc tôi muốn một thứ Thơ dễ dãi.
Lúc một thứ Thơ không có vần. Lúc một thứ Thơ như một
hạt ngọc. Lúc một thứ Thơ kể chuyện. Lúc một thứ Thơ gồ
ghề. Lúc một thứ Thơ hiền lành, có cái khỏe của những
bắp thịt hồng. Lúc một thứ Thơ na ná như của anh lính, nó
mát mà lành, nó hiền mà khỏe, nó thực tế. Lúc là một thứ
Thơ na ná như bài nói của anh cán bộ, nó đả thông, nó giục
giã, nó lý luận.</em>
<em>Tôi thích Thơ thời sự, theo sát cái hồi hộp, lo lắng của
Đảng tôi, dân tôi, triệu triệu quả tim dân chúng và quân
đội, chiến sĩ và cán bộ, lãnh tụ và quần chúng.</em>
<em>Tôi lại cũng thích Thơ không thời sự, Thơ bao trùm đất
nước và thời gian, Thơ ăn lấn sang mọi thế kỉ, và Thơ
nhập cả vào cái biện chứng bao la của sự vật.</em>
<em>Vì vậy bây giờ tôi muốn một thứ Thơ nào đó lấy đề
tài ngay ở nhịp đập trước mắt của trái tim dân tộc Việt
Nam. Nhưng trong đề tài đó tôi đào mãi đào mãi tới khi tôi
tìm thấy quả tim Nhân Loại. Đó là thực sự mà cũng là ý
muốn của tôi. Quả tim dân tộc tôi có nghĩa là quả tim Nhân
Loại. Nhịp đập của nó là nhịp đi của Biện Chứng. Cái
ngày hôm nay là dồn ép của hàng triệu năm về trước và mở
ra triệu thế kỷ về sau. Tôi muốn một thứ Thơ nào đó vạch
ra được sự thực đó. Hạt bụi, sợi tóc mây là cả một vũ
trụ. Một khoảnh khắc là cả lịch sử của trần gian. Một
thắc mắc của em là tất cả lo âu nhân loại.</em></div>
Qua những dòng này không ai có thể nghĩ đó là một quan niệm
suy đồi. Cách mạng đã cho Trần Dần một quan niệm thơ ca
mới mẻ và rất biện chứng, rất tích cực đối với cuộc
sống.
Như vậy có lẽ trước tiên NVGP đi từ cảm hứng của một
cuộc cách mạng văn học, bị kích thích bởi thời cuộc Việt
Nam 1954- 1956. Tuy vậy, vẫn phải nói thêm rằng nếu không có
cái thời cuộc đó sẽ không có NVGP!
Trong NVGP trào lưu tư tưởng chính trị và trào lưu tư tưởng
văn học gặp nhau đã tạo ra một sức mạnh xã hội to lớn
làm chính quyền nhìn thấy một nguy cơ đe dọa nguy hiểm cần
phải loại bỏ hơn là để nó tồn tại. Lúc ấy miền Bắc
Việt Nam chưa đủ điều kiện để làm một cuộc cải cách
dân chủ, một cuộc cải cách văn học.
Ba mươi năm sau, đứng trước nguy cơ khủng hoảng, ĐCSVN mới
đưa ra sách lược đổi mới. Trường Chinh đã làm được
việc khởi xướng đổi mới, nền kinh tế đất nước đã có
ít nhiều thay đổi, nhưng những di sản văn hóa Maois mà ông ta
đã áp đặt lên đất nước từ 70 năm nay dù đang hoen gỉ
nhưng bộ khung thì vẫn còn tù hãm đời sống tinh thần của
dân tộc Việt Nam.
<h3>4- Các điều kiện nảy sinh NVGP</h3>
Mặc dù chủ nghĩa Mao đã được chính thức thừa nhận trong
cương lĩnh ĐCSVN tại Đại hội lần thứ II tháng 2- 1951 nhưng
do các điều kiện của thời kỳ đó nội bộ lãnh đạo
Đảng vẫn còn bị ràng buộc bởi các sự kiện sau:
Họ còn đang choáng váng về hậu quả của sai lầm do CCRĐ gây
ra, Đảng phải công khai xin lỗi nhân dân, Tổng bí thư Trường
Chinh phải từ chức, một số cán bộ lãnh đạo CCRĐ bị kỷ
luật (13).
Họ còn bị ràng buộc những điều kiện để hy vọng tiếp
tục quá trình hiệp thương thống nhất đất nước và giành
thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử cho nên phải cố gắng
tạo bộ mặt sạch sẽ cho chính thể VNDCCH như tiếp tục sử
dụng nhiều nhân sĩ trí thức trong Chính phủ, Quốc hội, ban
hành các đạo luật có tính chất dân chủ cởi mở như Luật
tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do hội họp, tự do lập
hội…Cho đến giữa năm 1957 HCM vẫn còn tính đến khả năng
Việt Nam xin gia nhập Khối Liên hiệp Pháp (14).
Những người cộng sản Việt Nam, tuy có mức độ khác nhau
nhưng đều chịu ảnh hưởng chung của khối XHCN về quá trình
dân chủ hóa đặc biệt là từ ĐCS Liên Xô và sau là ĐCS Trung
Quốc. Đối với các nước XHCN lúc đó dân chủ hóa là đòi
hỏi cấp bách nhưng chưa chín muồi, thế giới đang ở trạng
thái chiến tranh lạnh. Vì thế dẫn đến việc hành động dân
chủ hóa trong trạng thái mâu thuẫn nội bộ và ngập ngừng,
dẫn đến thất bại khi bị phe bảo thủ lật lại thế cờ.
Quá trình chập chờn này được phản ánh vào cách hành động
nửa vời của Khơ rút sốp, quá trình giải quyết vụ Trăm hoa
đua nở ở Trung Quốc và vụ NVGP ở Việt Nam. Có một vài
nhận định rằng Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh dùng thủ
đoạn làm cho trí thức văn nghệ sĩ mắc bẫy rồi tiêu diệt.
Đó là nhận định chưa đúng về bản chất hình thái dân chủ
hóa trong lòng XHCN. Đặc điểm này còn được phản ánh rõ
ràng hơn với vụ hạ bệ Khơ Rút Sốp năm 1964, Trung Quốc
trong vụ Thiên An Môn năm 1989 với việc hạ bệ hai Tổng bí
thư ĐCSTQ có tư tưởng cải cách là Hồ Diệu Bang và Triệu
Tử Dương, với vụ hạ bệ Trần Xuân Bách, Trần Độ ở
Việt Nam năm 1990.
(Còn tiếp)
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5966), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét