Gocomay - Làm sao tránh khỏi… là phường “giá áo túi cơm”?

Nhân Đại hội nhà văn lần này, ý kiến của nhà thơ Bùi Minh
Quốc về việc Hội nhà văn nên tự nuôi mà không cần nhận
tiền ngân sách của nhà nước... đã khiến tôi suy nghĩ rất
nhiều. Vì nếu nhận tiền từ ngân sách (cũng là tiền của
dân) mà Hội nhà văn không dám lên tiếng bảo vệ những ngư
dân khốn khó trên biển (bị bắn, bị húc vỡ tàu, bị cướp
ngư cụ, cướp cá, bị bắt đòi tiền chuộc, bị xua đuổi...)
vì những người cấp trên (của hội) không cho phép hội
được lên tiếng... thì qủa thật đã làm xấu mặt Hội của
những văn nhân rồi còn gì.

Theo nhà văn Trang Hạ, phản ảnh trong bài "Em không phải
nhà văn" (*) thì nhà thơ Hữu Thỉnh đương kim Chủ tịch
hội, nhân vụ Hội nghị quảng bá Văn học VN ra thế giới, mà
không mời được các vai vế xứng tầm của Hội nhà văn Trung
Quốc, đã nói nhỏ rằng "<em>khốn nỗi kinh phí của nhà
nước chỉ cấp cho các bác để o bế quan hệ với Trung Quốc
chứ không phải tiền tỷ hàng năm để làm văn làm chương
với quốc tế nào khác. Cái này nó liên hệ mật thiết tới…
tiền.</em>"

Ý kiến của nhà thơ - nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, trên
blog cá nhân của mình thì tâm sự "Các nhà lãnh đạo đất
nước (phải) thấy nhà văn mở ra cho họ con đường phát
triển, chấn hưng đất nước, chứ không phải xin họ tiền,
xin họ làm cái đuôi chính trị".

Là người ngoại đạo thì tôi cho rằng Hội nhà văn nói
riêng cũng như tất cả các hội văn nghệ xứ ta nói chung đều
là con tin khốn khổ của cái gọi là "sự nghiệp cách
mạng" do một số cá nhân có chức có quyền thao túng chứ
đâu còn là hội của những nhà văn luôn trăn trở với mọi
vui buồn của đất nước của nhân dân?

Thử nhìn ra bên ngoài một chút để thấy sinh hoạt tinh
thần ở xứ người như thế nào?

Vào năm 1994, sau khi được xem một đoạn băng quay về các
ngôi chùa cổ ở quanh Hà Nội mà tôi quay được hồi đầu
xuân Nhâm Thân-1992, thấy ấn tượng qúa, vị sư trụ trì chùa
Viên Giác ở Hannover (Đức) có nhờ tôi quay giúp một số hình
ảnh sinh hoạt của các Phật tử ở Đức trong các ngày lễ
lớn như Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán. Sau đó tôi đã
phát triển lên và dựng được hai tập phim (băng VHS) dài
khoảng 120 phút nói về ngôi chùa nổi tiếng này. Nhờ dịp đó
tôi cũng biết được một phần sự hỗ trợ của chính quyền
sở tại (Đức) với các sinh hoạt tôn giáo không riêng gì ở
chùa Viên Giác mà rộng ra là cả mọi lĩnh vực thuộc về
đời sống tinh thần khác. Miễn sao tất cả những sinh hoạt
ấy phải chứng minh được sự lành mạnh và phục vụ được
cộng đồng.

Chùa Viên Giác Hannover ban đầu chỉ là một căn phòng phòng
rộng lọt thỏm ở một khu trung cư, sau đó thuê được một
cái kho hàng (bỏ hoang)... rồi tiến lên xây dựng thành ngôi
chùa to lớn trên diện tích hơn 4000 m² đất... do người Việt
Nam quyên góp tiền (khoảng ngót 10 triệu Đức Mã/ Tương
đương gần 5 triệu EURO) như hiện nay. Hàng năm với 3 ngày lễ
lớn, nhà nước Đức (thông qua Bộ Nội Vụ) đã cấp khoảng
hơn 100 ngàn Đức Mã (hơn 50.000 €). Ngoài ra các kỳ lễ lạt
không định kỳ (như Đại hội tăng già thế giới; Đức Dalai
Lama tới thăm và thuyết pháp...) rồi các khoản tiền sinh hoạt
phí như tiền điện thoại; tiền in báo, kinh sách hay điện
nước; tiền gas lò sưởi; tiền đổ rác (Nebenkosten) nhà nước
đều có hỗ trợ trên các hóa đơn chứng từ (thực chi) một
cách minh bạch.

Khi tôi hỏi tại sao sự hỗ trợ này không tới từ cơ quan
quản lý văn hóa hay tôn giáo (của nhà nước) mà lại tới từ
ngành công an (Bộ Nội Vụ)? Thì được trả lời đây chính là
khoản tiền mà Bộ Nội Vụ được phép chi cho việc "phòng
ngừa" trong công tác bảo vệ trị an xã hội! Theo quan niệm
của nước sở tại (Đức), những sinh hoạt tâm linh văn hoá
như thế này đã góp phần làm cho xã hội (ở hạ tầng) trở
nên lành mạnh. Thay vì đời sống tinh thần thiếu thốn, những
thành viên (của các cộng đồng tha hương) rễ sinh tress mà
quậy phá làm mất ổn định xã hội (vốn luôn nề nếp) của
nước sở tại thì nay, nhờ sự khuyến khích của nhà nước,
với số tiền hỗ trợ (tưởng lớn) nhưng còn rẻ gấp nhiều
lần việc phải "chống" hay giải quyết hậu qủa (các tệ
nạn/ tội phạm), nếu nó phát sinh. Đầu tư "phòng bệnh"
(về an ninh chính trị) kiểu này chính là bỏ một vốn mà bốn
lần lời... như lời vị sư trụ trì chù Viên Giác đã nói
với tôi là như vậy!

Liên hệ rộng ra các lĩnh vực khác cũng thế. Ở tiểu bang
Nordrhein-Westfalen - miền tây nước Đức, nơi có nhiều người
Việt (thuyền nhân) sinh sống, cứ mỗi dịp xuân về, các Hội
người Việt ở đây thường tổ chức đón xuân, nếu có tờ
trình gửi lên các cấp chính quyền địa phương thì đều
được hỗ trợ ít nhiều về kinh phí.

Vùng Rottstock, có một hội người Việt (Đông Đức cũ) có
tên Âu Lạc còn được chính quyền thành phố Rottstock cấp
trụ sở, lương và kinh phí hoạt động cho các thành viên chủ
chốt như công chức (khoảng ngót chục người) để hoạt
động có hiệu qủa trong việc giúp những người Việt nhập
cư hội nhập tốt vào xã hội Đức.

Gần đây nhất Hội Nhiếp ảnh của người Việt ở Berlin
(do anh Mạnh Cường - con trai cố nghệ sỹ - nhà quay phim Phạm
Ngọc lan - Xưởng phim truyện VN) lần đầu tiên có mở cuộc
triển lãm ảnh vào đầu xuân 2010 (VTV4 có đưa tin hôm khai mạc
có cả đại sứ Đỗ Hoà Bình tới dự) cũng được chính
quyền Đức (ở Berlin) hỗ trợ một phần kinh phí nho nhỏ, cho
dù nội dung và qui mô triển lãm (thấy trên mạng) còn rất
khiêm tốn.

Hàng năm ở nhiều nơi trên nước Đức luôn tổ chức
những ngày hội đa văn hóa do chính quyền Đức chủ động
khởi xướng, những ngày đó nhằm tôn vinh những giá trị văn
hóa của mọi dân tộc, không có sự phân biệt hay kỳ thị gì
với sự hiện diện của các chức sắc cao cấp của thành
phố. Tôi cũng có một bộ ảnh tham gia một sinh hoạt như thế
từ vào ngày 3/10/1993 ở thành phố Hameln (tiểu bang
Niedersachsen). Điều ấn tượng nhất là mọi dân tộc (đủ
mọi màu da) đã tới đó vui chơi và tham gia rất nhiệt tình.
Duy người Việt thì hơi kém, tìm khắp hội trường rộng mênh
mông của khách sạn sang trọng bậc nhất thành phố, nơi diễn
ra lễ hội... mà chỉ vẻn vẹn có 3 mống (tính cả tôi)... Kể
từ đó tôi chả còn hứng thú gì mà tham gia nữa... có lẽ dân
Việt mình, còn lam lũ hay qúa thực dụng (về vật chất) nên
đa số không có nhu cầu về đời sống tinh thần???

Vào cuối tháng 5/2006, tôi cũng tình cờ được tham gia một
cuộc hội thảo (dài 3 ngày) của Hội Việt học ở Đại học
Hamburg với nội dung cực kỳ phong phú như các đề tài: "Văn
học di dân" (hôm đó tôi còn thấy cả nhà phê bình Đặng
Tiến ở Đại học Paris 7 và nữ nhà văn Lê Minh Hà được
mời trên ghế chủ toạ); Chương trình giới thiệu âm nhạc
Việt (đàn bầu, đàn Tơ Rưng, sáo) do gia đình cô Hưng Vân
(nguyên giảng viên nhà văn hoá - Đường Nguyễn Thái Học Hà
Nội) ở TP Hameln tới giới thiệu và thật bất ngờ với tôi
là loạt phim ngắn (Video) báo cáo kết qủa của lớp đào tạo
làm phim ngắn do quỹ phát triển văn hoá Đức tài trợ (phối
hợp với Trường Đại học Sân Khấu Điện ảnh Hà Nội)
được vợ chồng ông giáo sư già dạy ở Potsdam (Đông Đức
cũ) mang tới Hamburg trình chiếu với rất nhiều sinh viên ở
Đại học Hamburg tham dự. Nhưng (lại nhưng) tìm mỏi mắt tôi
chỉ thấy lác đác vài sinh viên người Việt (chắc là ở ĐH
Hamburg) mà chả hề thấy một công chức nào của Đại sứ
quán VN ở Berlin cả ngoài hai người cùng cơ quan cũ với tôi
đó là anh Tính Ngân chủ các nhà hàng ở Hamburg và Schwerin
(rất thân quen với nhà thơ Trần Đăng Khoa) và Nguyễn Anh Tú
(con trai cố nghệ sỹ-đạo diễn phim Tài liệu Trần Thịnh)
trong buổi hội thảo Văn học di dân mà đã nói ở trên.

Tóm lại khi bỏ tiền ra để đầu tư cho các mục tiêu
thuộc về đời sống tinh thần, bất kể một chính quyền
thông minh nào cũng đều tính đến mối lợi tiềm ẩn sâu xa,
chứ chả hề ăn xổi ở thì bao giờ. Tiếc rằng ở xứ ta,
thuộc tính của người Việt mình còn quá xa lạ với cách hành
xử văn minh như thế. Nên tôi cũng hoàn toàn thông cảm với
hoàn cảnh của nhà thơ Hữu Thỉnh Chủ tịch hội, muốn xin
được tiền để Hội nhà văn có thể "múa tay trong bị" mà
"ái hữu" hiếu hỷ các dịp hội viên ốm đau, ma chay hay
lớn hơn là các hỗ trợ sáng tác, các giải thưởng văn học
hàng năm... thì nếu không vâng lời những người ban phát ân
huệ (cấp tiền) thì liệu có tại vị được không?

Bàn đến vấn đề nóng bỏng này, trong không khí chính trị
hiện nay, chắc gì đã đủ cơ hội cả về không gian và thời
gian để bàn cho thấu đáo được. Ở Đức, ngoài những sinh
hoạt trực tiếp, người ta có cả những kênh truyền hình
(gián tiếp phục vụ cho các nhà nghiên cứu chính sách hay
những khán giả quan tâm) chuyên phát các thảo luận (như kiểu
tham luận của Hội NV đang diễn ra hiện nay) một cách liên
tục hàng năm với đủ các đề tài, các chuyên đề (Siminal).
Mục tiêu cốt sao tìm ra được lối ra tối ưu nhất cho mọi
lĩnh vực trong xã hội. Các tài trợ dù ít dù nhiều cho các
sắc dân thiểu số (như người Việt ở Đức chẳng hạn) ở
trên mà tôi chứng kiến thì tôi không nhận thấy có bất cứ
một điều kiện tiên quyết nào được đặt ra bởi người
cấp tiền như lời nhà thơ Hữu Thỉnh đã to nhỏ với nhà văn
Trang Hạ ở phần thượng dẫn.

Thật khốn khổ cho tất cả các người cầm bút, dù đầu
đã bạc trắng như nhà thơ Bùi Minh quốc hay tóc còn xanh như
nhà thơ Vi Thùy Linh (ái nữ của một người bạn đồng môn
của tôi) mà vẫn luôn phải trăn trở những câu hỏi mang tính
sơ đẳng, đại loại như "<em>...làm sao biết chống chọi
với những lực cản để cho tiếng nói của nhà văn được
đĩnh đạc cất lên như là lương tri của xã hội, nói thẳng
vào những vấn đề nhức nhối nhất đang đặt ra cho đất
nước mình mà không bị cấm đoán, và khi nhà văn lâm vào tình
thế bị các "thế lực đen" hãm hại, giữa thời buổi
nhiễu loạn về giá trị như hôm nay... Nếu không, cũng chỉ là
phường "giá áo túi cơm" mà thôi</em>" như lời phát biểu
thẳng thắn của nhà văn Võ Thị Hảo mà tôi vừa thấy hiện
thị trên BVN! (**)

Ngày 4/8/2010

Gocomay

_____________________

(*) http://trangha.wordpress.com/2010/07/29/em-khong-phai-nha-van/

(**) http://www.boxitvn.net/bai/8849

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5940), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét