Giáp Văn Dương - Học gì từ Nguyễn Trường Tộ?

<div class="special_quote">Bài học lớn nhất mà chúng ta học
được từ Nguyễn Trường Tộ chính là sự thất bại của ông
trong việc kiến nghị những giải pháp canh tân đất nước
với tư cách một trí thức. Từ đó thấy rằng, chỉ khi nào
người trí thức tự giác tránh con đường cụt mang tên
"<em>Trí thức cận thần</em>" để đi trên con đường mới -
con đường trí thức độc lập, trí thức dấn thân - thì đất
nước mới có thể tránh được nguy cơ trở thành "<em>đất
nước cận thần</em>" và giữ được nền độc lập đúng
nghĩa.</div>

Mỗi khi nói về sự canh tân của nước Nhật, ta không khỏi
nghĩ đến Fukuzawa Yukichi.

Mỗi khi nghĩ đến Fukuzawa Yukichi, ta không khỏi nghĩ đến
Nguyễn Trường Tộ.

Cả Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ đều là là những nhà
tư tưởng về cải cách, sống cùng giai đoạn lịch sử. Nhưng
một người thành công, một người thất bại.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Fukuzawa Yukichi thành công, còn
Nguyễn Trường Tộ thì thất bại?

Một phần của câu trả lời đến từ sự khác nhau trong cách
tiếp cận của hai người.

<h2>Trí thức độc lập</h2>

Sau khi tiếp thu nền văn minh phương Tây, và nhận thấy cần
phải tiến hành cải cách để canh tân đất nước nhằm giữ
nền độc lập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc phương
Tây, Fukuzawa Yukichi tiến hành chương trình hành động của
mình.

Các việc làm của Fukuzawa Yukichi tương đối phong phú, nhưng có
thể khái quát ngắn gọn như sau: mở trường dạy học, dịch
sách, viết sách, làm báo để truyền bá văn minh phương Tây cho
trí thức và dân chúng Nhật Bản.

Ông tìm cách khai sáng cho dân chúng và trí thức Nhật Bản, lúc
đó còn chìm đắm trong lối học từ chương ảnh hưởng của
Nho giáo Trung Hoa, thông qua việc cổ vũ lối thực học của
phương Tây; xây dựng hình mẫu trí thức độc lập và chủ
trương "<em>độc lập quốc gia thông qua độc lập cá
nhân</em>".

Bản thân ông cũng hành động như một hình mẫu của trí thức
độc lập, không phục thuộc vào giới cầm quyền.

Ông kêu gọi trí thức Nhật Bản lúc bấy giờ hãy "<em>coi
trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ</em>", tự tin vào sức
mạnh và vị thế độc lập của mình. Từ đó dấn đến niềm
tin tuyệt đối vào sức mạnh của tri thức và nền văn minh
mới mẻ có tác dụng giải phóng tư duy và bồi đắp sự độc
lập của cá nhân.

Khi trường Đại học Keio do ông sáng lập có nguy cơ phải
đóng cửa vì nội chiến, chỉ còn 18 học sinh, nhưng ông vẫn
tin tưởng: "<em>Chừng nào ngôi trường này còn đứng vững,
Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia văn minh trên thế giới</em>".

Fukuzawa Yukichi sống và làm việc như một trí thức độc lập
điển hình.

<h2>"Trí thức cận thần"</h2>

Khác với Fukuzawa Yukichi, Nguyễn Trường Tộ, sau khi tiếp thu
văn minh phương Tây, không truyền bá để khai sáng cho đại
chúng mà dành phần lớn tâm sức cho việc viết tấu trình gửi
nhà Vua. Tất cả các bản tấu trình và điều trần của ông
đều không được đưa ra sử dụng, dù hơn ai hết, ông biết
được giá trị thật của chúng: "<em>Tế cấp luận thâu tóm
trí khôn của thiên hạ 500 năm nay... Bài Tế cấp luận của
tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết</em>".

Bằng cách đó, ông đã phụ thuộc tuyệt đối vào nhà cầm
quyền, đánh mất vị thế độc lập của người trí thức.
Nói cách khác, ông hành xử như một "<em>trí thức cận
thần</em>": <span class="underlined-text">Viết tấu trình và chờ
đợi sự sáng suốt của nhà Vua.</span>

Như thế, ông đã tự tước đi cơ hội của chính mình, và
rộng ra là của cả dân tộc, vì trong suốt lịch sử, số
lượng các minh quân vô cùng ít.

Những kiến nghị cải cách của ông, dù đúng đắn và có tầm
vóc thời đại, nhưng rốt cuộc lại trở nên vô dụng.

Do hành xử như một "<em>trí thức cận thần</em>", không có
được sự độc lập cho bản thân mình, dẫn đến không có
đóng góp gì đáng kể vào sự hình thành giới trí thức đúng
nghĩa, nên sau khi ông mất đi, không có người tiếp nối. Tư
tưởng canh tân đổi mới của ông vì thế bị chìm vào quên
lãng.

<h2>Bài học cho hậu thế</h2>

Sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ chính là bài học lớn
nhất dành cho hậu thế. Tiếc rằng, bài học này, dù phải
trả học phí rất đắt bởi không chỉ Nguyễn Trường Tộ mà
còn cả dân tộc, không được sử dụng.

Những người có trách nhiệm thậm chí còn cổ vũ và yêu cầu
trí thức phải đi theo lối con đường "<em>trí thức cận
thần</em>" của Nguyễn Trường Tộ khi cho rằng: Trí thức
muốn kiến nghị hay phản biện xã hội, cần gửi cho các cơ
quan hữu trách trước khi phổ biến ra ngoài xã hội.

Lịch sử đã chứng minh: Đi theo còn đường đó là đi vào ngõ
cụt. Làm theo cách đó là kéo lùi bước đi của dân tộc.

Trước tình cảnh đó, không còn cách nào khác, người trí
thức phải tự giác tránh con đường cụt đó, con đường
"trí thức cận thần", để đi con đường mới: con đường
trí thức độc lập, trí thức dấn thân.

Chỉ khi đó, đất nước mới tránh được nguy cơ trở thành
"đất nước cận thần", và giữ được nền độc lập
đúng nghĩa.

Việc Quốc hội lắng nghe tiếng nói của những trí thức độc
lập trong thời gian gần đây cho thấy con đường trí thức
độc lập đã được khai mở, chỉ chờ người dấn bước.

________________________

<h2>Ghi chú:</h2>

1. Trái với dự đoán, sau khi kiểm tra tôi thấy: cụm từ
"trí thức cận thần" chưa phổ biến, và chưa thấy xuất
hiện trên mạng internet.

2. Tôi được biết cụm từ này trong một thảo luận với một
người bạn, TS. Nguyễn Đức Thành, vào khoảng đầu tháng
5/2010. Theo anh Thành, cụm từ này được hình thành trong một
thảo luận của anh với một người bạn khác, TS. Nguyễn An
Nguyên. Tuy nhiên, anh cũng không rõ đã có ai sử dung cụm từ
này trước đó hay chưa.

3. Có một cụm từ khác có nghĩa gần tương tự với "trí
thức cận thần", đó là "trí thức phò chính thống", do
nhà văn Phạm Thị Hoài nêu ra. Tuy nhiên, theo tôi, nội hàm của
hai cụm từ này có nhiều điểm khác biệt khá tinh tế.

4. Nếu ai đã thấy văn bản nào có cụm từ này rồi thì vui
lòng báo cho tôi biết. Cá nhân tôi thấy cụm từ này có một
nội hàm đáng suy ngẫm.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6240), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét