Xuân Đài - Hai ông già và một thời ở lính

<strong><center>I</center></strong>

Vài ba ngày ông Huỳnh lại đánh ôtô tới thăm ông Trinh. Hai
ông tự nhận mình là ngựa què, cùng sinh một năm Nhâm ngọ.
Câu chuyện của hai ông một thời ở lính, cầm súng bắn vào
nhau, ít ai biết đến, lâu lâu nhắc lại như nhắc chuyện vui,
cười cợt…

Chuyện xảy ra đã hơn một phần ba thế kỷ. Ngày đó đơn vị
ông Trinh, bao vây vòng trong vòng ngoài, nhất quyết tiêu diệt
đơn vị ông Huỳnh. cuộc đụng độ rõ ràng không cân sức.
Quân giải phóng của ông Trinh là một trung đoàn chủ lực.
Đơn vị Việt Nam cộng hòa của ông Huỳnh là một tiểu đoàn
không trọn vẹn, dù họ đang chiếm điểm cao ở lưng chừng
núi, xung quanh họ còn những điểm cao hơn mà đơn vị ông Trinh
suốt mấy đêm thức trắng, bí mật chiếm lĩnh.

Đột nhiên ông Trinh hỏi:

- Dạo đó chúng tao bí mật bao vây chặt chúng mày. Chúng mày
có hay biết chút nào không?

- Biết, nhưng không ngờ chúng mày đông đến thế.

Từ trong bếp, vợ ông Trinh xách phích nước ra phòng khách,
cười cười:

- Các ông ngỡ mình là trẻ con hay sao mà cứ mày mày tao tao.
Đầu bạc răng long hết rồi, cháu nội cháu ngoại cả bầy,
xưng hô ông ông tôi tôi cho nó ra người nhớn, kẻo các cháu
nó cười cho thối mũi.

Hai ông nhăn răng cười. Ông Huỳnh phân bua với vợ bạn: chúng
tôi học với nhau từ lúc đang mặt quần đùi, quen mày tao, dù
bây giờ đã sắp bảy bó vẫn không bỏ được. Nhưng từ hôm
nay, xin tuân lệnh bà chị, không xưng hô mày mày tao tao nữa.

Bà Trinh liền xua mấy đứa cháu nội cháu ngoại đang đứng
ngồi xung quanh hóng chuyện ra ngòai sân chơi. Bọn trẻ ù té
chạy.

Cũng nhờ quen nhau từ thuở nhỏ mà ông Huỳnh thoát vòng lao
lý. Dù ít khi nhắc lại chuyện cũ, hai ông, từ trong trí nhớ,
chưa bao giờ quên từng chi tiết nhỏ cái ngày định mệnh,
quyết định số phận ông Huỳnh…

Ông Huỳnh:

- Hai đánh một không chột cũng què, đằng này bốn đánh một,
chúng tao không thua mới lạ.

Trận đánh đó thật khốc liệt. Pháo binh quân giải phóng dập
tới tấp vào ngọn núi tiểu đoàn Việt Nam cộng hòa chiếm
giữ, dọn đường cho bộ binh xông lên. Pháo cỡ đó, hầm kiên
cố cách nào cũng không trụ nổi. Sau này, tổng kết trận
đánh, mới biết ngay loạt pháo đầu tiên, gần một đại
đội của Việt Nam cộng hòa bị xóa sổ. Loạt pháo thứ hai,
tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Báo chết không một lời trăng
trối, tiểu đoàn phó Lê Văn Mè lên thay lúc đã bị thương
vào tay phải và vai trái. Đại đội ông Huỳnh lúc này người
chết, người bị thương nằm đè lên nhau, không ai đếm, dù
có đếm cũng không xuể. Đại đội trưởng ông Huỳnh chỉ huy
những người còn lại đánh trả bộ binh quân giải phóng. Lực
bất tòng tâm. Quân giải phóng không phải là tân binh mà toàn
lính thiện chiến dãi dầu trận mạc, trang bị tiểu liên cực
nhanh, đánh vỗ mặt. Nhiều người ngã xuống nhưng không một
ai tháo lui. Ban chỉ huy đại đội ông Huỳnh chết gần hết.
Rắn mất đầu, ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn. May
cho ông Huỳnh và một người lính chạy theo ông thoát chết. Hai
người bị bắt sống. Người ta dùng dây dù trói gô từng ông
một. Để chắc ăn còn dùng một dây thứ ba trói chặt cánh tay
ông Huỳnh vào cánh tay người kia. Thiếu úy trung đội trưởng
hạ lệnh tất cả tiến nhanh, truy kích tàn quân, còn đồng chí
Trinh trông coi hai thằng này, giải về phía sau.

Khi đoàn quân rượt đuổi đã chạy xa, Trinh liếc nhìn vào phù
hiệu gắn trên ngực người đeo lon thiếu úy có tên Huỳnh,
đột ngột hỏi: mày có phải là thằng Lương Xuân Huỳnh, nhà
ở phố Hàng Cót? Huỳnh gật đầu: sao ông biết? Trinh hỏi
tiếp: lúc nhỏ mày học trường Hàng Than?... sau đó mày học
Chu Văn An, năm năm tư mày học lớp đệ lục với tao, mày nhớ
không? Cuối năm đó mày xuống Hải Phòng di cư. Nhớ ra tao là
ai chưa? Nếu không bị trói, chắc Huỳnh đã dang cả hai tay lên
mà reo: nhớ rồi, anh là Trinh, Nguyễn Đình Trinh, Trinh lém,
ngồi trước tôi hai bàn. Tôi tin trí nhớ tôi không tồi, dù
thời đó anh với tôi mới bước sang tuổi 13. Trinh cười: khá
lắm, thiếu úy! Anh anh, tôi tôi cái con cặc. Văng tục xong,
Trinh bảo hai người lính cộng hòa, quay lưng, hướng về phía
Bắc, lệnh ngắn gọn: Đi! Trinh khoác tiểu liên theo sau, giữ
một khoản cách nhất định để hai đứa có bỏ chạy vẫn
không ngoài tầm súng của anh.

Đi được khoảng hơn một cây số, Trinh biết bọn này không
có ý trốn, liền ra lệnh ngồi xuống nghỉ. Anh ngồi đối
diện với họ, lăm lăm khẩu súng trong tay và vẫn giữ một
khoản cách hơn bốn mét. Trinh hỏi vừa đủ để Huỳnh nghe:
mày kể ngắn gọn chặng đường dẫn mày đi lính cho tao nghe.
Huỳnh cựa quậy hai cánh tay bị trói, buộc người lính kia
cũng cựa quậy theo, nói thì thầm, đứt đoạn: vào tới Sài
Gòn, tao học tiếp, đậu tú tài, rồi đi sĩ quan Đà Lạt, ra
trường mang lon thiếu úy, làm trung đội trưởng cho đến bây
giờ.

- Ông bà cụ còn khỏe không? – Trinh hỏi giọng thân tình.

Huỳnh chớp chớp mắt.

- Cám ơn mày, ba mẹ tao vẫn khỏe. Ba tao vẫn làm công chức
ngành dây thép. Mẹ tao, vẫn như những ngày ở Hà Nội, buôn
thúng bán bưng tại ngôi chợ trong nội thành Sài Gòn.

Trinh: quận mấy? Huỳnh: quận nhì! Trinh: vậy là buôn bán lớn
chứ đâu phải buôn thúng bán bưng. Huỳnh: tao nói vậy là quen
mồm, thật ra mẹ tao có sạp hàng trong chợ. Trinh: thế là khá
giả chứ. Huỳnh: cũng thường thường bậc trung thôi, còn gia
đình mày thế nào rồi? Trinh: nhà tao vẫn ở phố Hàng Bè như
mày đã biết. Còn tao, học đại học Tổng hợp, khoa toán.
Tốt nghiệp xuống Đông Triều dạy học. Và tao đi lính từ
ngôi trường cấp 3 này… Hai người lính vừa cầm súng đối
mặt nhau, lúc này lại trò chuyện thân tình như hai người bạn
lâu ngày gặp lại. Nói cho đúng, họ thật sự là bạn thời
thơ ấu chưa xa, vẫn nhớ sân trường cũ, chỗ chơi khăng,
đánh bi, nh?y dây... Tuổi thơ và sân trường Chu Văn An một
thời nghịch ngợm, lúc này họ thấy như có gió Hồ Tây
thoảng lên làm dịu cơn nóng, thổi bay bụi bặm chiến
trường, dù họ đang ngồi trong rừng gần đường số 1, đi ra
là Hà Nội, đi vào là Sài Gòn…

Hai người lính đứng lên và Trinh lại lăm lăm khẩu súng áp
giải. Gần ra tới đường số 1, Trinh lệnh cho ngồi nghỉ.
Suốt chặng đường, Trinh nghĩ mông lung những gì chỉ có Trinh
biết. Chắc anh nghĩ về chiến tranh, số phận thanh niên hai
miền, chết chóc, thương vong, tù tội. Bạn anh, nhiều đứa
đã trở thành tù binh của phía bên kia, bây giờ ở đâu, Côn
đảo hay Phú Quốc…và "chiến hữu" của thằng Huỳnh, vô
số đứa đang bị giam giữ ở các trại ngoài Bắc, những
đứa may mắn được vào lao động thủ công ở các nông
trường, hay đi làm đường, anh biết rõ là ở Thái Nguyên. Bố
mẹ, vợ con, chắc ngày ngày ngong ngóng tin tức. Thằng Huỳnh
và thằng lính dưới quyền nó sẽ chịu số phận không khác
gì những thằng lính bị bắt trước đây. Tự nhiên anh thấy
thương thằng Huỳnh, nghĩ ngợi, lo lắng, dằn vặt… Sao lại
dằn vặt, anh tự mắng mình, lại thấy có lý, vô lý. Cái
đầu nặng trịch.

Và anh đã thả Huỳnh và người lính, cho họ tìm đường về
Sài Gòn.

<strong><center>II</center></strong>

Ông Huỳnh từ Canada về nước tìm cơ hội làm ăn, thành chủ
một công ty sản xuất đồ gốm sứ ở Bắc sông Hồng. Trước
năm 1975, sau cái đận bị đối phương bắt, ông tìm đường du
học bằng bộ hồ sơ mang tên người em ruột, thua ông hai
tuổi. Mọi việc trót lọt. Từ nhỏ, Trinh biết, Huỳnh rất có
năng khiếu hội họa. Nên khi Huỳnh cho hay ra nước ngoài ông
học khoa Mỹ thuật ở một trường đại học lớn của Canada,
Trinh không hề ngạc nhiên. Ngành của Huỳnh học, đại để
giống như Mỹ thuật công nghiệp ở Việt Nam. Trớ trêu thay,
ở Canada ông lại không hành nghề này, theo như ông nói, ông
làm nghề mỹ thuật công nghiệp được gần một năm, bỏ,
không cạnh tranh được với các hãng lớn đã thành danh. Ông
lại vào một trường đại học khác, học ngành công nghệ
thông tin, theo danh từ của Việt Nam là học về phần mềm,
tốt nghiệp với cái bằng ưu, từ đó, ông trở thành lập
trình viên phần mềm cho một hãng điện tử của Mỹ có chi
nhánh ở Canada….

Khi về Việt Nam đầu tư, ông quay lại với đam mê thuở nhỏ
là hội họa. Gốm sứ Việt Nam, theo ông là một loại sản
phẩm nhiều chất độc đáo, có thể cạnh tranh với các loại
gốm sứ Đông Nam Á, kể cả gốm sứ Trung Quốc đang chiếm
lĩnh thị trường thế giới. Lang thang đến các làng gốm Việt
Nam, mẫu mã khá đẹp nhưng chưa đủ sức trở thành một
thương hiệu để thế giới đón nhận. Các làng gốm không
chỉ thiếu vốn mà còn thiếu những con người tâm huyết với
nghề. Ông đã trò chuyện với mấy ông chủ lò gốm sứ có
bằng tốt nghiệp đại học mỹ thuật, họ thật sự có tài
nhưng không thể chiêu dụ các bạn bè đồng môn đang lang bạt
ở nhiều địa phương. Vì họ không đủ vốn, và cả sự
liều lĩnh nữa, để có thể trả lương cao cho những người
có tài, chí ít thì cũng bằng các lò gốm sứ Đồng Nai. Ông
Huỳnh thấy rõ khiếm khuyết này, bèn cùng mấy ông chủ tìm
mọi cách mời họ về hợp tác với thu nhập cao, hấp dẫn.
Họ về làm gốm sứ cho vùng quê này cũng như về với nơi
chôn rau cắt rốn.

Nhiều lần ông Huỳnh cho ông Trinh biết ông đã mua thêm đất
mở rộng mặt bằng các lò gốm sứ, ông trả lương công nhân
gấp đôi so với trước. Ông chấp nhận năm đầu tiên bị lỗ
để hoàn thiện các mặt. Mấy năm nay các lò gốm sứ vùng quê
ông đã xuất khẩu ra nhiều nước nhưng chỉ mới lẩn quẩn
ở các nước láng giềng với số lượng cò con, cần "đánh
lấn" sang thị trường Đông Âu, Bắc Âu và cả Mỹ. Những
họa sĩ xuất thân từ trường Mỹ thuật công nghiệp là lớp
tuổi cháu con ông, thấy ông vững tay nghề, đối xử cởi mở,
nhân ái, thân thiện nên đã hết lòng hợp tác. Lương cao và
thương hiệu gốm sứ Việt Nam là động lực thúc đẩy họ
làm việc. Nhiều mẫu mã đưa ra mới ở dạng thiết kế trên
giấy, ông Huỳnh đã "đọc" được tài năng tiềm ẩn trong
lớp trẻ. Ông không tiếc tiền cử những chuyên gia, năm lần
bảy lượt bay qua các nước làm việc với đối tác. Các
chuyên gia này là con em trong tỉnh có bằng đại học ở các
trường kinh tế thương mại và ngoại giao, có kinh nghiệm nghề
nghiệp đã vài năm ở những cơ sở sản xuất khác mà hội
đồng quản trị của ông đã mời gọi về được, đúng với
cách "chiêu hiền đãi sĩ" của các cụ xưa.

Trong bữa ăn trưa tại nhà ông Trinh, con gái ông Trinh hỏi:

- Thưa bác, hơn một năm rồi hàng gốm sứ của bác bán chạy
trong nội địa và còn xuất khẩu nữa, bây giờ bác đã có
lãi chưa?

- Tạm thời vẫn còn lỗ chút ít con ạ, nội địa tiêu thụ
chưa nhiều, cạnh tranh với các lò gốm sứ trong Nam không dễ,
họ cũng giỏi lắm, nhất là khâu cải tiến mẫu mã. Hai nữa,
xuất khẩu có mở rộng nhưng chưa được như mong muốn. Nói
để con mừng, chỉ cần một năm nữa là có lãi.

Cháu gái lại hỏi tiếp:

- Bác đã bỏ ra cả triệu đô la cho việc làm gốm sứ rồi
phải không?

Ông Huỳnh cười:

- Tiền nong là bí mật của kinh doanh, con ơi, chỉ tiết lộ
với con một điều: nó cũng chưa tới tiền triệu như con nghĩ
đâu, mặc dù bác đã đầu tư cơ sở vật chất kết hợp
giữa thủ công và máy móc hiện đại. Nghề gốm sứ không
dễ, nào lò, nào xương, nào men. Ở nước ta trước nay làm
thủ công là chính, trông vào sự khéo tay của người mình. Bây
giờ các cơ sở có thêm máy móc hiện đại để giải quyết
những khâu nặng nhọc mà trước đây người lao động vẫn
làm bằng tay chân nên đã có thể sản xuất với lượng sản
phẩm lớn.

Cháu gái hỏi tiếp:

- Những khâu nào trước đây làm bằng tay chân, bây giờ máy
móc thay thế được?

- Con đã từng đến thăm lò gốm sứ nào chưa? Chưa hả? Vậy
thì hôm nào tới cơ sở bác một lần cho biết, trăm nghe không
bằng một thấy. Cháu sẽ biết thế nào là gốm, thế nào là
sứ. Hai cái cùng từ đất mà ra, nhưng không phải là một,
chúng khác nhau trước hết là ở nhiệt độ nung… Nghe bố con
nói, con làm nghề viết văn, viết văn mà cứ ngồi đây hỏi
làm sao con hiểu được mọi công việc tỉ mỉ của nghề này,
chưa kể đến tâm tư của chủ đầu tư, của người lao
động. Nói thật với con, Việt kiều về nước phần nhiều
không chú tâm vào việc sản xuất ra của cải vật chất,
thường thích kinh doanh dịch vụ, đầu tư vào các nhà hàng ăn
uống để nhanh chóng có lãi. Chắc con biết chuyện một ông
tướng Việt Nam Cộng Hòa đang đầu tư một khu du lịch ở
vùng biển chú? Gọi là du lịch cho nó mỹ miều, thực chất là
kiếm tiền bằng các trò ăn chơi. Mà các trò ăn chơi theo bác
là quá thừa mứa ở trên đất nước mình. Bác nói cho con gái
biết, về ăn chơi, Sài – Gòn - trước - bảy - lăm phải gọi
Sài Gòn bây giờ bằng… cụ.

Cô nằn nì: chiều nay bác cho cháu tháp tùng sang thăm cơ sở
làm gốm sứ của bác, được không?

- Ok.

Hai bác cháu có đi ngay chiều ấy hay không, người viết chuyện
này cũng không rõ vì chưa nghe ông Trinh kể.

<strong><center>III</center></strong>

Hai ông già ít khi nhắc lại thời trận mạc, cả việc ông
Trinh thả ông Huỳnh, sau đó do có kẻ bẩm báo ông Trinh bị
đưa ra tòa án quân sự mặt trận lĩnh án tù, ông Huỳnh cũng
không biết. Hôm ông Huỳnh và người lính dưới quyền được
ông Trinh thả, hai người qưẳng quần áo lính, mặc quần xà
lỏn, cởi trần, tìm đường nhập vào đám đông dân chạy
loạn…

Rồi một hôm ông Trinh cũng đành kể lại chuyện mình bị đưa
ra tòa án quân sự rồi đi tù cho bạn nghe, sau nhiều lần ông
bạn hỏi đi hỏi lại. Ông Trinh bảo quân đội nào chẳng
vậy, vi phạm kỷ luật chiến trường thì phải nhận án thôi.
Ban đầu lúc mới quay về đơn vị, Trinh cũng khai báo loanh quanh
để chạy tội, nhưng không qua mặt được ông Trung đoàn
trưởng, một người dày dạn trận mạc và từng trải sự
đời. Ông vỗ vai Trinh bảo: cậu về viết tường trình trung
thực, rõ ràng từng chi tiết, động cơ gì mà cậu thả hai tên
địch.

Trước cách kể nhấm nhẵn của Trinh, Huỳnh sốt ruột bảo:

- Ông viết thế nào kể thật kỹ cho tôi nghe?

- Biết là không nói dối được, tao tường trình không bỏ sót
chi tiết nào, kể cả chi tiết lột quần đùi đổi cái xì líp
cho mày để mày bỏ quần lính còn có cái mặc mà chạy, cấp
trên đọc tới đoạn này chắc cũng không nhịn được cười.
Còn về động cơ – danh từ mà quân đội bên chúng tao hay
dùng – tao viết dài hơn hai trang giấy học trò, nói thật về
tình bạn thời chúng mình cùng học với nhau ở trường tiểu
học Hàng Than, trường Chu Văn An. Không sót chuyện tao thường
lên Hàng Cót học chung với mày, được ba mày kèm cặp, nhiều
hôm mệt quá, hai đứa lăn quay ra sàn nhà, ngủ thiếp đi lúc
nào không biết, mẹ mày phải lay dậy dọn cơm cho ăn. Dạo này
ông bà cụ còn khỏe không Huỳnh?

- Nhờ trời ba mẹ tao cũng khỏe. Dạo mới về Sài Gòn, kể
lại chuyện tao với mày "gặp nhau" ở chiến trường, ông
bà già nhớ ra mày ngay, thương mến và kính phục mày, mẹ tao
thường dặn: ơn mày sống để bụng chết mang theo, quên là có
tội. Tao về đầu tư một phần là vì đất nước, nói thật,
phần chính là vì mày. Hồi mới ra tù chắc đời sống mày khó
khăn lắm, phải không?

- Xì, chuyện đời sống vật chất chẳng có gì đáng phàn nàn,
khốn nạn nhất là cái sự xì xào về việc tao phải ra tòa
quân sự, lãnh án tù giam. Có người độc mồm bảo tao bắn
chết đồng đội, quay súng bỏ chạy; có người còn dựng
chuyện, trên đường bỏ chạy ra Hà Hội tao vào làng dùng súng
đe dọa bà con dân tộc, cướp vàng bạc của họ. Bà con dân
tộc thiểu số, khoai sắn không đủ ăn, làm gì có vàng bạc,
những kẻ bịa chuyện chả hiểu gì hết, cứ vẽ rắn thêm
chân kiểu như thế, dân Hà Nội mình mày còn lạ gì. Sau này
bà con khu phố biết chuyện tao thả tù binh là một thằng bạn
học, nhiều người xung quanh phố Hàng Bè, nhất là bọn cùng
trang lứa với chúng ta, vẫn còn nhớ mày, họ lại thương tao
và thương cả mày nữa. Cái nhà ở Hàng Bè bây giờ vợ chồng
ông anh cả mở tiệm kinh doanh đồ điện, hai cụ ở dưới đó
với ông anh, đời sống cũng dễ thở… Những lần mày tới,
chắc hai cụ đã kể cho mày nghe về thân phận của tao.

- Có kể, song chỉ nói qua loa thôi, các cụ chỉ nói mày ra tù
sống vất vả lắm, hết vác bơm xe ra ngồi vỉa hè ăn bụi,
thu nhập cò con, lại đóng cái hòm nhỏ bơm gas máy lửa và
chữa khóa, trần ai lắm mới kiếm đủ ăn… Sao bây giờ mày
nhà cao cửa rộng thế này?

- Ấy là nhờ mấy ông ở trên tỉnh giấc, thấy dân khổ quá
mới tháo cũi cho dân bung ra làm ăn theo cách gọi là kinh tế
thị trường, tao mới được như ngày nay. Mày biết đấy, tao
là thằng mê toán, nói không phải khoe, tao là thằng giỏi toán
nhất nhì khoa ở đại học đấy. Nhờ một thằng bạn cùng
khóa, cũng là thằng giỏi toán, hiện đang dạy đại học Huế,
biết hoàn cảnh tao, gọi tao vào, cùng nó tổ chức dạy luyện
thi đại học. Học trò học bọn tao đứa nào thi, đứa đó
đậu đại học, tuốt. Xứ Huế nghèo nhưng cũng nhiều đại
gia không tiếc tiền cho con cái học hành. Với lại, bà xã nhà
tao là dân Vật Lý, mở công ty sản xuất đồ điện, thu nhập
cao hơn cả tao. Bây giờ tao mở Trung tâm có sáu cơ sở luyện
thi, khóa nào cũng có các em tứ xứ về đây học chứ không
chỉ là con em Hà Nội. Tao lấy giá rất mềm vì các em thuộc
diện con nhà cày sâu cuốc bẫm. Còn cái công ty đồ gốm sứ
của mày, sản xuất hơn hai năm rồi, chắc đã bắt đầu có
lãi, nghe người ta đồn nhờ xuất khẩu mà mày lãi lớn, đúng
không. Bí quyết của nghề gốm sứ là gì?

- Chẳng có bí quyềt gì ghê gớm cả đâu. Tài sáng tạo mẫu
mã và các loại men là hai yếu tố quyết định. Trước đây
bà con sản xuất nhỏ, ít chịu thay đổi mẫu mã, do đó tiêu
thụ rất chậm. Mày biết đấy, dân mình thông minh, nhiều sáng
tạo lại cần cù. Nhiều người tài không có tiền phải bó
tay, tài năng muốn phát huy phải có người biết tập hợp và
dùng tài năng của họ.

- Mày là người đã làm được việc này, rất đáng khen. Hôm
sang cơ sở của mày tao thích nhất cái chất men ngọc với các
hoa văn thời Lý Trần được đắp nổi. Hàng Tàu có truyền
thống, mình khó sánh ngang, nhưng khi mình có cái độc đáo của
mình thì vẫn có thị trường. Phù điêu của chúng mày, đẹp
không kém ai. Tao "chịu" nhất là thứ hàng độc, chỉ một
sản phẩm duy nhất, uốn cong nhiều khúc, tạo được dáng
đứng mềm mại của thiếu nữ Việt Nam, mặc áo dài, mà cũng
giống như mặc áo đầm, đông tây kết hợp rất khéo, đó là
mốt các cháu gái Hà Nội, Sài Gòn… hay chưng diện.

- Không chỉ cái đó, còn nhiều cái khác nữa, chúng tao làm
rất nhiều mẫu mã với đủ loại kiểu dáng rồi trình làng,
ai "kết" thì đặt mua. Dân nhà giàu không thích trong nhà
mình có đồ gốm sứ "đụng hàng". Thứ hàng "độc", duy
nhất một bản đó, mày biết không, chúng tao bán với giá cao
ngất ngưởng mà làm không xuể đấy.

Trinh hỏi lại

- Tao biết công ty của mày giàu lên rất nhanh là nhờ biết kinh
doanh nhiều thứ. Tao kính phục các đại gia là cái đầu siêu
hạng của họ, mày là một trong những cái đầu đó.

- Thôi đi mày, đừng bốc thơm tao. Muốn làm ăn lớn – Huỳnh
nhấn mạnh – không thể tư duy theo lối cò con, manh mún…
Ngoài gốm sứ là thế mạnh của sản phẩm mang màu sắc Việt
Nam, công ty tao còn kinh doanh thêm trong một số lĩnh vực khác
nữa. Chẳng hạn tao còn có một đội ngũ lập trình cừ khôi
toàn các chuyên gia dưới 30 tuổi. Là một cách nâng đỡ tài
năng trẻ mà, nhiều công ty đặt mua phần mềm của tụi tao,
kể cả các công ty ngoại quốc…
Hai ông già một thời trận mạc, đối mặt, đối súng, may mà
còn sống sót tới ngày hôm nay để ngồi quanh ly rượu trò
chuyện làm ăn kinh tế và nhân tình thế thái. Lớp đệ Lục
trường Chu Văn An mà hai ông là đồng môn, không còn nguyên
vẹn như ngày xưa. Lớp di cư vào Nam, lớn lên đi lính cộng
hòa, chết gần chục mạng. Bên bộ đội miền Bắc, chết
trận còn nhiều hơn phía bên kia. Có lần Trinh nói với Huỳnh,
nếu ngày đó gia đình mày không di cư mà ở lại miền Bắc,
sẽ cũng đi lính như tao thôi, ngược lại, gia đình tao di cư
vào Nam như mày thì số phận tao cũng không thể thoát lính
được. Chiến tranh mà. Chuyện cũ chúng ta cố quên đi, nói theo
cách nói của các báo là khép lại quá khứ. Khó đấy, rất
khó là đằng khác. Lịch sử đã qua không thể làm lại, chỉ
có điều phải biết nhìn thẳng vào lịch sử để không lặp
lại những điều đau đớn mà dân tộc đã hứng chịu với
giá không rẻ.

Hai ông già cụng ly, cười khà khà.

Rồi mệt quá, lăn ra ngủ.

<strong><center>IV</center></strong>

Thằng cháu nội ông Trinh dí khẩu tiểu liên nhựa vào hai ông:

- Nằm im hai ông tù binh. Vùng dậy bỏ chạy là cháu cho ăn
đạn đấy.

Ông Huỳnh giật mình ngồi dậy, lay lay ông Trinh. Ông Trinh cũng
tỉnh ngủ. Hai ông già trố mắt nhìn thằng bé, gắt:

- Bỏ súng xuống. Nhóc! Vứt mau! Đừng chơi trò chiến tranh,
các ông ngán tới cổ rồi.

Thằng bé ngạc nhiên trước giọng nói khác thường của ông
mình. Nó quẳng cây súng nhựa Trung Quốc xuống đất. Chú chó
con xông tới, hai chân trước chặn lấy nó, ngứa răng gặm,
rồi đủng đỉnh tha ra sân.

<em><strong>Hà Nội, một ngày mưa dầm 2006</strong></em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5637), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét