Về quá trình thay đổi tư duy ở Nga: Một Putin mới

<em>Nhà lãnh đạo Nga vốn đã từng chỉ trích Mỹ và đi theo
đường lối của Stalin hiện nay đang ủng hộ một sự tan băng
quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga.</em>

Chỉ ba năm trước đây, Vladimir Putin say sưa nói về việc Mỹ
đang tìm cách trở thành "ông chủ duy nhất" của thế giới và
chỉ trích NATO "đang trườn đến các đường biên giới của
Nga". Ông cũng đã ra lệnh viết lại các cuốn sách lịch sử
của Nga nhằm ca ngợi vai trò của Stalin, điều này báo động
thế giới rằng khả năng khôi phục một chế độ Xô Viết
chuyên quyền sắp diễn ra.

Thay vì chỉ trích phương Tây, Thủ tướng Putin nói về các
thỏa thuận kinh doanh với châu Âu và châu Mỹ, về các khu vực
thương mại và các khoản vay. Và thay vì ca ngợi Stalin, hồi
tháng 5, Putin đã thẳng thắn thừa nhận sự tàn bạo của
"chế độ chuyên chế" của Stalin khi ông đứng bên cạnh Thủ
tướng Ba Lan tại Katyn, nơi quân đội Liên Xô đã tử hình
20.000 sĩ quan và binh lính Ba Lan vào năm 1940.

Dự án lớn nhất của Putin năm nay đó là hình thành một hiệp
định về mối quan hệ đối tác hợp tác lớn mới với Liên
minh châu Âu mà sẽ bao trùm mọi thứ từ thương mại đến du
lịch không cần thị thực.

Và một học thuyết chính sách đối ngoại mới của Cremli, sau
nhiều tháng tiến triển, đang vạch ra các kế hoạch chi tiết
để tạo ra một thế giới trong đó Nga sẽ "phụ thuộc lẫn
nhau" vào các cường quốc lớn khác, có thể kể đến Liên minh
châu Âu và Mỹ với tư cách là các đối tác đáng ao ước
nhất.

Sự mềm mại mới trong giọng điệu của Putin không phản ánh
bất kỳ sự nhụt chí nào liên quan đến mục tiêu cơ bản
của ông: phục hồi địa vị của Nga với tư cách là một
nước lớn.

Theo những người biết ông, Putin tận đáy lòng mà nói vẫn là
"một silovik điển hình", silovik là từ viết tắt để chỉ
một nhóm gồm các cựu mật vụ có tư tưởng diều hâu vẫn
đang thống trị giới tinh hoa của Nga.

Yury Krupnov, Giám đốc Viện nghiên cứu nhân khẩu học, nhập
cư và phát triển khu vực của Matxcơva và là người gần gũi
với Putin nói: "<em>Bạn đừng hiểu sai rằng Putin sẽ để Nga
trở nên yếu kém</em>". Thứ đã thay đổi đó là lần đầu
tiên trong một thập kỷ, thế giới cuối cùng đang đi theo cách
của Putin, và ông cuối cùng cũng có thể nghỉ xả hơi đôi
chút.

Trong khoảng thời gian làm tổng thống, từ 2000-2008, Putin đã
đấu tranh để bảo vệ những gì ông xem là phạm vi ảnh
hưởng chính đáng của Nga, dọc theo chiều dài của những vùng
đã từng là lãnh thổ của Liên Xô. Ba Lan đã từng tìm cách
trở thành một căn cứ cho hệ thống phòng thủ chống tên lửa
của Mỹ. Ucraina quyết tâm gia nhập NATO và Grudia cũng vậy và
đã tìm cách hất cẳng quân đội Nga khỏi các nước cộng hòa
ly khai của họ là Apkhadia và Nam Ossetia.

Hiện nay, chính quyền Obama đã rút lại kế hoạch bố trí các
dàn tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và cộng hòa Séc; việc gia
nhập NATO cũng không được bàn đến ở Ucraina do thắng lợi
của một vị tổng thống thân Matxcơva trong bầu cử; và Nga
đã sáp nhập một cách hiệu quả các vùng lãnh thổ phía Bắc
Grudia và đây là kết quả của cuộc xâm lược diễn ra hồi
năm 2008. NATO thậm chí còn đề nghị bao gồm cả Nga vào các
kế hoạch phòng thủ tên lửa của châu Âu.

Và vào tháng 5/2010, Putin đã ký một thỏa thuận gia hạn hợp
đồng thuê căn cứ hải quân của mình ở Sevastopol, Ucraina vốn
lâu nay là ngôi nhà của Hạm đội Biển Đen gây tranh cãi của
Nga. Putin cũng củng cố sự chi phối về năng lượng của Nga
đối với châu Âu, ký kết một loạt các thỏa thuận về
đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Nam, chuyển khí đốt
trực tiếp từ Nga sang Bungari và Trung Âu.

Mỹ cũng trông có vẻ không còn quá đe dọa đối với những
lợi ích của Nga. Mặc dù Putin và George W.Bush đã xuất phát
với một khởi đầu tốt đẹp khi Tổng thống Mỹ vào năm 2001
tuyên bố đã "nhìn thấu" tâm hồn của Putin, các mối quan hệ
nhanh chóng xấu đi do những nghi ngờ của Nga rằng Mỹ xúi
giục "các cuộc cách mạng màu" đã lật đổ các chế độ
thân Putin ở Grudia, Ucraina, Xécbia và Cưgơrưxtan.

Hiện nay, khi mà Bush và chương trình nghị sự tự do của ông
đã không còn, Putin có thể chấp nhận đề nghị của Tổng
thống Barack Obama "khởi động lại" các mối quan hệ. Obama, theo
lời của Dmitry Rogozin, đại diện của Nga tại NATO, là "một
nhà tư tưởng trẻ tuổi, hiện đại", đã nỗ lực xoa dịu
sự lo ngại của Nga rằng Mỹ muốn ve vãn các đồng minh lâu
đời nhất của Nga.

Bất chấp cuộc chiến gay go về địa chính trị trong quá khứ,
Putin hiện đang thoải mái chìa tay ra với phương Tây như ông
đã làm vào những ngày đầu làm tổng thống, khi Nga ủng hộ
cuộc chiến của Bush ở Apganixtan.

Về cơ bản, nỗ lực của Putin nhằm khôi phục các mối quan
hệ với phương Tây phản ánh thực tế rằng Nga rất cần
nguồn ngoại hối. Điều chắc chắn là sự bùng nổ của Nga
thời Putin là dựa vào nguồn tiền bán dầu lửa. Nhưng hầu
hết các công ty của Nga thực sự phát triển dựa trên ngồn
vốn rẻ mạt mượn từ phương Tây với số tiền là 450 tỷ
USD.

Số tiền đó hiện đã hết sạch. Đầu năm nay, Bộ Phát
triển Kinh tế của Nga đã tính toán rằng từ nay đến năm 2013
Nga sẽ cần phải có khoảng 1 nghìn tỷ USD để thực hiện
những kế hoạch đầy tham vọng nhằm phục hồi cơ sở hạ
tầng đang xuống cấp nghiêm trọng chẳng hạn như hệ thống
đường ray xe lửa, các trường học và bệnh viện - và ngân
sách chỉ có thể bù đắp 1/3 con số đó.

Quỹ ổn định hóa trị giá 150 tỷ USD được tạo ra trong
những năm tăng trưởng mạnh sẽ bị tiêu hết vào cuối năm
2011. Điểm mấu chốt là Cremli đưa ra những con số này và
nhận ra rằng Nga không thể hiện đại hóa - thậm chí là tồn
tại - nếu thiếu đầu tư nước ngoài.

Một nguồn tin cao cấp từ Bộ Ngoại giao nói: "<em>Cuộc khủng
hoảng này cho thấy rằng Nga sẽ không thể phát triển một
cách độc lập</em>".

Chính vì vậy, sự thân thiện mới của Putin được định
hướng bởi những nhu cầu của chính nước Nga. Thái độ kiêu
ngạo dựa vào dầu lửa đã khiến Putin có lập trường hiếu
chiến nhất vào năm 2008 - khi giá dầu lửa đạt mức 146
USD/thùng, gấp đôi mức giá hiện nay và Cremli tràn ngập tiền
từ trên trời rơi xuống - hiện đã hết.

Dmitri Trenin thuộc Trung tâm Moscow Carnegie nói: "Cuộc khủng
hoảng kinh tế đã xóa bỏ sự ngạo mạn đã đánh dấu sự
kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của Putin. Nếu bạn chấp
nhận rằng trừ khi bạn hiện đại hóa, thì bạn sẽ bị gạt
ra rìa, hoặc nếu bạn chấp nhận rằng bạn không thể hiện
đại hóa mình,... thì lúc đó chính sách đối ngoại của bạn
sẽ tương đối rõ ràng. Bạn cần phải chìa tay ra với những
nước phát triển mà có thể trở thành những nguồn lực cho
sự hiện đại hóa của bạn".

Putin dường như chắc chắn đã chấp nhận thông điệp hiện
đại hóa này, dành phần lớn thời gian của mình để thu hút
đầu tư nước ngoài và ủng hộ "thành phố cách tân" mới
của Nga tại Skolkovo gần Matxcơva.

Hoặc như Phó Chủ tịch Đuma Quốc gia Sergei Markov, là một
thành viên trong ê kíp của Putin trong hơn một thập kỷ đề
cập, "ở Putin chẳng có gì thay đổi - ông vẫn luôn bị
phương Tây hóa", ít nhất là so với các nhân vật thuộc nhóm
siloviki vốn theo đường lối dân tộc chủ nghĩa hơn.

Markov nói rằng điều khác biệt là Mỹ không còn "đối xử
với Nga như thể một gã ngốc. 90% hành động hướng tới
phương Tây của Putin là bởi vì Nga không thể hiện đại hóa
mà thiếu các chuyên gia và các công nghệ của phương Tây". 10%
còn lại là do thực tế rằng "Putin cần phương Tây để chống
lại mối đe dọa Hồi giáo cực đoan mà Nga đang phải đương
đầu cả ở bên trong biên giới nước này dưới hình thức
các cuộc nổi dậy đang diễn ra ở Bắc Cápcadơ lẫn các phần
tử Hồi giáo cực đoan ở Trung Á".

Những kết quả của sự suy xét lại này là đáng kể. Theo
một bản thảo về học thuyết mới của Nga do Newsweek tại Nga
thu thập được gần đây, nền tảng của chính sách đối
ngoại của Nga sẽ là việc tạo ra một thế giới không có
bạn bè hay đối thủ, mà chỉ có các lợi ích.

Thay cho sự đối đầu với Grudia và việc nói về các mối đe
dọa từ NATO cũng như từ các kế hoạch phòng thủ tên lửa
của Mỹ là sự nhấn mạnh mới vào việc "hội nhập nền kinh
tế và văn hóa của Nga" với các nước láng giềng như EU và
Trung Quốc.

Biểu tượng của tinh thần mới này thể hiện rõ ràng nhất
ở Quảng trường Đỏ trong lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng
phát xít Đức (9/5), khi lần đầu tiên quân đội từ Mỹ, Anh,
Pháp đến Ba Lan đã diễu hành bên cạnh các binh lính và các
tên lửa hạt nhân của Nga.

Chỉ vài ngày trước đó, Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen,
đã đề nghị tham khảo ý kiến của Nga liên quan đến những
kế hoạch mới nhất của họ về phòng thủ tên lửa ở châu
Âu.

Đầu năm nay, Nga đã ký Hiệp ước START mới đã được chờ
đợi từ lâu về các vũ khí chiến lược với Mỹ. Thậm chí
có cả cuộc đối thọa về việc Mỹ thúc đẩy Nga gia nhập
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), củ cà rốt mà phương
Tây đung đưa trước mũi Nga kể từ 1993.

Rogozin, một nhà chính trị theo đường lối dân tộc chủ nghĩa
trước đây, cũng là người được cử đi làm đại diện của
Nga tại NATO kể từ hai năm trước nói: "Tôi không thể mơ
tưởng về một sự tan băng như vậy khi tôi đến Brussels".

Rogozin đã từng gọi liên minh này là "con tê giác bị mù".

Hiện nay, Rogozin nói rằng "một cửa sổ cơ hội đã mở ra cho
chúng tôi... Chúng tôi đang nỗ lực nhằm dọn sạch tất cả
những thứ rác rưởi nằm trên con đường tiến tới các mối
quan hệ tốt đẹp hơn".

Một số yếu tố may mắn đã góp phần cải thiện tình hình
nói trên. Giá hàng hóa duy trì ở mức cao hơn nhiều so với
những dự đoán được đưa ra sau sự sụp đổ tài chính năm
2008. Cùng với quỹ bình ổn giá dầu lửa hiện đang thu nhỏ
lại, đó là những yếu tố hết sức quan trọng để giúp Putin
giữ chặt sự kiểm soát đất nước bằng việc ném tiền vào
các lĩnh vực bất ổn trong ngành công nghiệp.

Các chính trị gia thân phương Tây ở Ucraina đã tranh cãi rất
nhiều tới mức họ đã để ngỏ một con đường cho nhân vật
thân Matxcơva, Viktor Yanukovych, lên nắm quyền.

Đã có một sự cải thiện đáng kể trong các mối quan hệ
với Ba Lan sau cái chết của tổng thống Lech Kaczynski trong vụ
tai nạn máy bay trên đường đến dự lễ tưởng niệm vụ
thảm sát Katyn. Nga không chỉ nhanh chóng điều tra vụ tai nạn
mà Putin còn thẳng thừng thừa nhận rằng các nạn nhân trong
vụ Katyn đã "bị thiêu chết trong ngọn lửa đàn áp của chủ
nghĩa Stalin".

Katyn luôn là phong vũ biểu chủ chốt cho thấy sự sẵn lòng
của Nga giao tiếp một cách thành thật với thế giới; sự
thừa nhận của Mikhail Gorbarchev vào năm 1990 rằng vụ thảm sát
này là do Liên Xô tiến hành, chứ không phải Đức Quốc xã,
đã giúp khuyến khích nhiều tiếng nói ở Đông Âu bắt đầu
nói lên sự thật về kỷ nguyên Xô Viết.

Nhưng phần lớn sự tan băng mới nói trên diễn ra là do hữu
ý. Cả Putin lẫn tổng thống Dmitry Medvedev đều dành phần lớn
sức mạnh của họ hành động như các đại diện thương mại
cấp cao của Nga.

Danh sách các dự án chung EU-Nga là rất dài: chỉ riêng với
Đức, Putin đã ký thỏa thuận để Nga tham gia thiết kế và
sản xuất loại máy bay Airbus A350 mới, một thỏa thuận với
Deutsche Bahn và Siemens để phát triển các tuyến xe lửa cao
tốc, và một dự án mở các nhà máy lắp ráp các loại xe
Volkswagen, Daimler, và BMW ở Nga - chưa kể đến đường ống
dẫn khí "Dòng chảy phương Bắc" dưới Biển Ban Tích.

Đầu tháng này, Medvedev đã đến thăm Đan Mạch và Nauy nhằm
thu hút nguồn đầu tư ở khu vực Scandinavi. Ông cũng đã ký
các thỏa thuận về chia sẻ các nguồn tài nguyên ở Biển
Barent, các dự án chung về ngành đóng tàu ở Bắc Cực, bảo
tồn năng lượng, công nghệ nano và truyền thông - ông cũng
nhất trí chấm dứt cuộc tranh chấp đường biên giới đã
tồn tại lâu nay với Nauy.

Theo Medvedev, Nga "phải ngừng cau có với thế giới và bắt
đầu mỉm cười".

Đáng buồn thay cho các nhà cải cách của Nga, sự tan băng mới
này lại không xảy ra ở trong nước. Mặc dù Medvedev đang lên
tiếng về việc tạo thuận lợi nhiều hơn cho các đảng đối
lập, nhưng Cremli lại đàn áp thẳng tay các đảng đối lập
thực sự, buộc tội một đảng theo "chủ nghĩa khủng bố" và
thúc đẩy một đạo luật mà theo đó Cơ quan An ninh Liên bang
có quyền bắt giam đối tượng tình nghi mà không cần xét xử.

Cựu phó thủ tướng và hiện nay là một nhà lãnh đạo đối
lập, Boris Nemtsov, nói rằng Cremli lo ngại cuộc cải cách thực
sự bởi vì nó đang điều hành "một hệ thống tham nhũng mà
sẽ bị sự tự do hóa phá hủy". Tuy nhiên, không một chính
phủ nào ở phương Tây muốn hủy hoại sự tan băng này bằng
cách chỉ trích Cremli về những vụ vi phạm nhân quyền.

Masha Lipman thuộc trung tâm Moscow Carnegie nói: "Hiện Cremli không
bị phương Tây chỉ trích. Trong khi đó, các hoạt động chính
trị nội bộ của Nga vẫn độc đoán như trước - thậm chí
còn tồi tệ hơn".

Chế độ dân chủ của Nga có thể vẫn bị đóng băng ở tầng
sâu nhất, nhưng hành trình của Putin từ một nhân vật hay kích
động chống Mỹ trở thành một đại diện bán hàng thân
thiện cho giới kinh doanh Nga đang được hoan nghênh và là hành
động đáng chú ý.

Một thử nghiệm quan trọng về sự tan băng này sẽ là việc
gia nhập WTO, một trong những trở ngại trước mắt đối với
đầu tư và thương mại của phương Tây ở Nga.

Tháng 6/2009, Putin đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên bằng
hành động rút khỏi các cuộc đàm phán với WTO và nêu lên ý
tưởng về một liên minh thuế quan với Belarus và Kazakhstan.
Liên minh này hiện đang suy sụp, và Nga dự kiến sẽ nối lại
các cuộc đàn phán với WTO sau hội nghị thượng đỉnh với EU
và cuộc gặp giữa Obama và Medvedev.

Một vấn đề khác có thể là việc khôi phục lại thỏa
thuận với Mỹ về trao đổi hạt nhân thương mại, vốn đã
bị hủy bỏ do hậu quả của cuộc chiến tranh giữa Nga và
Grudia, mà sẽ cho phép Nga tái chế nhiên liệu hạt nhân của
Mỹ và theo đuổi các dự án chung về nghiên cứu hạt nhân.

Đây là những thỏa thuận tốt đẹp đối với phương Tây,
bởi vì chúng sẽ khiến thái độ hiêu chiến trước đây của
Putin ít có khả năng quay trở lại.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5855), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét