Trong một chế độ độc tài, khi mà từ bộ máy Nhà Nước cho
đến quân đội, luật pháp, truyền thông… nằm hoàn toàn trong
tay chính quyền, một trong những con đường đấu tranh khả thi
nhất và hữu hiệu nhất để thức tỉnh mọi người, giành
lại quyền tự do dân chủ cho nhân dân và đem lại một thể
chế chính trị tốt đẹp hơn cho đất nước có lẽ nên bắt
đầu từ truyền thông. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi
cuộc cách mạng công nghệ thông tin trên thế giới đã đem
lại những phương tiện giao tiếp, truyền thông nhanh lẹ và
tuyệt vời như internet chẳng hạn.
Khi Liên Xô sụp đổ, ở Liên Xô và hầu hết trên thế giới,
internet chưa phát triển, chỉ mới nhờ vào máy Fax mà người
dân Liên Xô đã biết được rằng những gì đang xảy ra trên
thế giới khác xa với những gì đang diễn ra trên đất nước
mình và nhân dân đã bị che mắt như thế nào. Nhiều bí mật
trong lịch sử, những mặt trái của chính quyền Xô Viết cũng
như con người thật của những vị lãnh tụ được sùng bái
như Xtalin v.v…được tiết lộ, đã làm rúng động bao người.
So với thời điểm 1991 ấy, internet hiện nay đã phát triển
vượt bực và cùng với nó, thế giới với hàng loạt thông tin
trái ngược, đa chiều… đã mở ra trước mắt những người
dân sống trong những chế độ độc tài kìm hãm, che giấu
thông tin. Internet đã khiến cho những nhà nước độc tài lúng
túng, bối rối và bất lực, không thể nào ngăn chặn hết
mọi luồng thông tin, mọi sự giao tiếp của người dân với
nhau, với thế giới bên ngoài và với SỰ THẬT.
Có thể ở những quốc gia nào khác, những người đấu tranh
thường sử dụng con đường bạo lực vũ trang-thậm chí đánh
bom tự sát. Nhưng ở một vài quốc gia, điều đó không khả
thi, không phù hợp và chắc chắn không được dư luận đông
đảo nhân dân đồng tình. Không có lực lượng, không vũ khí,
không có bất cứ một thứ gì trong tay, những con người đấu
tranh cho tự do dân chủ trong các quốc gia như vậy ngày nay đã
tìm thấy một trong những con đường phù hợp nhất, đó là:
con đường ôn hòa, bất bạo động và sử dụng truyền thông
để truyền bá tư tưởng, vạch mặt chính quyền và thức
tỉnh nhân dân. Để đấu tranh lại với hệ thống truyền
thông chính thống-công cụ thông tin, tuyên truyền của một
chính quyền-bao gồm hàng trăm tờ báo, hàng chục đài phát
thanh, đài truyền hình lớn nhỏ…những con người yêu dân
chủ, tự do đã tìm đến máy tính, internet, điện thoại di
động… Trong phạm vi bài viết này tôi muốn nói đến sự
phát triển của blog và cộng đồng blogger ở VN trong những năm
qua, đã tạo thành một mạng lưới dân báo vô cùng đa dạng,
nhanh nhạy, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng mạng,
và đã cùng với hệ thống báo chí VN ở hải ngoại, các diễn
đàn báo chí độc lập...góp phần xuyên thủng bóng tối dày
đặc của sự bưng bít thông tin của nhà cầm quyền VN, thức
tỉnh nhận thức của nhiều người và góp phần vào con
đường đấu tranh dân chủ cho VN.
<h2>Con đường phát triển của mạng lưới blog ở Việt Nam</h2>
Thoạt đầu, khi xuất hiện ở VN, cũng như ở các quốc gia
khác, blog là một dạng nhật ký cá nhân, chủ yếu được
giới trẻ sử dụng như một nhu cầu thể hiện những cảm
xúc, suy nghĩ của mình và chia sẻ những thông tin, kiến
thức...với bạn bè và với người khác. Giai đoạn đầu
người lớn, dân trí thức còn cho đó chỉ là trò chơi của
bọn trẻ. Rồi thì một số bạn tập tành làm thơ, viết văn
cũng đem lên blog. Blog đã trả quyền xuất bản về cho từng
cá nhân. Và ở VN cũng như ở một số quốc gia khác trên thế
giới, nhiều tác phẩm đã được phổ biến trên blog trước
khi in thành sách. Thậm chí đã hình thành cả một dòng văn
học mạng với những tác giả riêng và có những đặc điểm,
tính chất riêng của nó. Nhưng đó lại là một vấn đề khác,
bài viết này không phải để nói về điều đó.
Thực tế sinh hoạt blog, một bước tiến của nhân loại vào
thế kỷ 21, là một hoạt động hết sức bình thường trong
những xã hội tự do dân chủ. Đây là quyền viết, quyền
đọc và quyền phát hành vượt qua mọi rào cản và biên giới.
Chỉ trong những xã hội mà quyền tự do ngôn luận, tự do
thông tin, tự do báo chí là điều bất khả như ở VN, thế
giới blog mới trở thành một phương tiện gần như duy nhất
để chia sẻ và trao đổi thông tin đa chiều, bày tỏ quan
điểm, thái độ trước những vấn đề mang tính thời sự
của đất nước, xã hội và những chủ trương, việc làm sai
trái của chính quyền. Điều này cũng xảy ra ở một quốc gia
có nhiều điểm tương đồng về thể chế chính trị với VN
như Trung Quốc chẳng hạn.
Khi tôi bắt đầu mở blog vào năm 2007 thì tôi đã thuộc loại
chậm lụt lắm rồi và cộng đồng blogger ở VN đã phát triển
rất mạnh, với khoảng 6 triệu người sử dụng blog vào thời
điểm đó-đa phần là sử dụng yahoo360. Dạo đó, có lần tôi
đã viết một bài viết trên blog đại ý là trước khi tham gia
vào thế giới blogger, tôi rất bi quan về ý thức chính trị,
xã hội của giới trẻ ở VN, tôi cứ nghĩ rằng giới trẻ ở
VN chỉ biết học gạo hoặc tệ hơn chỉ biết ăn chơi, đàn
đúm...chả quan tâm gì đến tình hình xã hội, vận mệnh của
đất nước. Nhưng tôi đã lầm. Khi mở blog, đọc blog, tôi
mới thấy là các bạn trẻ rất quan tâm đến chính trị và có
những bài viết vô cùng sâu sắc về tình hình xã hội ở VN.
Thậm chí đã có những nhóm, những tổ chức được hình thành
từ trên blog. Ví dụ như nhóm CLB Nhà báo tự do của anh Nguyễn
Văn Hải tức bloggers Điếu Cày, đã có ý thức dùng blog như
một phương tiện đấu tranh đòi tự do ngôn luận, tự do báo
chí, vạch trần những thông tin bị nhà nước bưng bít như
những cuộc biểu tình của dân oan, của công giáo từ những
năm 2007, 2008.
Và từ thế giới blog, dần dần đã hình thành những hoạt
động off-line, nghĩa là các bạn trên blog tổ chức gặp gỡ
nhau bên ngoài đời, cùng nhau làm những công việc chung. Lúc
đầu chỉ là những hoạt động có tính chất xã hội như vụ
kêu gọi quyên góp cho thân nhân những người bị nạn trong vụ
sập cầu Cần Thơ vào tháng 9.2007 chẳng hạn. Rồi tiến dần
đến những hoạt động có tính chất chính trị hơn. Một trong
những ví dụ thành công nhất là cuộc biểu tình chống Trung
Quốc xâm lược Trường Sa Hoàng Sa, nhân vụ nhà cầm quyền
Trung Quốc ra quyết định thành lập huyện Tam Sa bao gồm cả
Hoàng Sa và Trường Sa của VN vào tháng 12.2008. Cuộc biểu tình
đó bắt đầu từ lời kêu gọi trên mạng của cộng đồng
blogger, mà chủ yếu là của các bạn sinh viên, học sinh, các
bạn hẹn nhau đúng ngày chủ nhật 9.12.2008 vào lúc 9 giờ sáng
trước cửa Tòa Đại Sứ Trung Quốc ở Hà Nội và Tổng lãnh
sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn. Thế là hàng trăm bạn trẻ
trước đó không hề biết mặt nhau, chỉ nghe theo lời kêu gọi
trên mạng mà nhất loạt có mặt đúng giờ, đúng địa điểm.
Phải nói là trong cuộc biểu tình này, giới sinh viên học sinh
blogger trẻ đã đi đầu, còn ở Sài Gòn, các văn nghệ sĩ trí
thức là đi sau, lúc đầu là đi ra xem bọn trẻ biểu tình thế
nào, thấy có không khí quá bèn tham gia luôn. Nói cho công bằng
là như vậy. Cuộc biểu tình vào lần đầu thì thành công vì
nhà nước bất ngờ. Nhưng hai chủ nhật liên tiếp thì bị
đàn áp ngay, nhiều sinh viên, văn nghệ sĩ đã bị đưa về
đồn công an làm việc, và bắt đầu bị hăm dọa, trù dập
các kiểu. Đến lúc này thì nhà nước VN đã thực sự lo ngại
cái chuyện blog và cộng đồng blogger ở VN rồi. Và bắt đầu
từ đó là họ theo dõi, phong tỏa, phá hoại...thế giới blog
và các blogger có tên tuổi hoặc những blogger nào kết thành
nhóm, có tiêu chí hoạt động hẳn hoi.
<h2>Sức mạnh và giá trị của một nền báo chí nhân dân</h2>
Càng ngày cộng đồng blogger càng bị đàn áp mạnh tay hơn.
Tuỳ theo từng đợt khi "bầu không khí chính trị trên
mạng" nóng lên vì những vấn đề thời sự đang xảy ra trong
xã hội. Ví dụ như giai đoạn trước và trong những ngày diễn
ra cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh ngang qua Sài Gòn ngày
29.4.2008. Hàng loạt văn nghệ sĩ, blogger bị bắt từ vài ngày
cho đến một tuần. Và anh Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu
Cày cũng bị bắt vào dịp này với bản án ngụy tạo về tội
trốn thuế 30 tháng tù giam. Đây là blogger đầu tiên ở VN bị
kết án tù giam dài ngày, như là một sự dằn mặt cộng đồng
blogger VN. Đây cũng là những ngày mà hàng loạt blogger khác
trong đó có cả tôi bị mất việc, bị những đòn trả đũa
của nhà nước VN.
Hoặc những giai đoạn mà nhà nước VN cho là "thời điểm
nhạy cảm" như trước thềm đại hội Đảng lần thứ XI
sắp tới, thì từ năm ngoái đến nay nhà nước VN đã và đang
gia tăng sự kiểm soát mọi mặt về tư tưởng, tinh thần của
người dân. Còn nhớ vào khoảng tháng 6.2009, tiếp theo những
nhà hoạt động chính trị, giới văn nghệ sĩ, trí thức, luật
sư, giáo dân…lại đến lượt giới blogger ở VN bị đàn áp,
bắt bớ hoặc sách nhiễu về tinh thần, gây khó dễ cho cuộc
sống bằng cách này hay cách khác… Trong đợt này có nhà báo
Huy Đức tức blogger Osin bị ngưng hợp đồng làm việc, nhà
báo Phạm Đoan Trang tức blogger TrangRidiculous, blogger Nguoibuongio,
blogger Mẹ Nấm…bị bắt giữ, ngay cả anh Trần Huỳnh Duy
Thức trong vụ các nhà hoạt động dân chủ bị bắt vừa rồi
cũng là blogger nổi tiếng với nickname Trẩn Đông Chấn,
Changeweneed…
Bên cạnh việc trấn áp giới blogger, nhà nước VN tìm cách gây
sức ép ngược lại với công ty yahoo. Dưới sức ép của nhà
nước VN cộng với một vài nguyên nhân khác nữa, yahoo đã
tuyên bố đóng cửa hệ thống yahoo360 là hệ thống blog có số
lượng người sử dụng đông nhất ở VN lúc bấy giờ. Cộng
đổng bloggers tứ tán đi khăp nơi, người sang multiply, người
sang facebook, người sang twitter, blogspot v.v... Tan đàn sẻ nghé
một thời gian nhưng rồi lại vẫn tụ lại được, tiếp tục
viết, tiếp tục liên kết với nhau. Dân viết nhiều về chính
trị xã hội lại chủ yếu chuyển sang chọn multiply. Có người
cùng lúc sử dụng hai, ba hình thức blog khác nhau, thậm chí 10
blog khác nhau cùng lúc như trường hợp blogger họa sĩ Đinh Tấn
Lực chẳng hạn. Có một điều rất hay là giai đoạn về sau
này dù sử dụng loại hình thức blog nào thì cộng đồng
blogger vẫn kết nối, chia sẻ thông tin được với nhau, liên
kết với nhau.
Càng ngày bài vở trên các blog càng trở nên có chất lượng,
càng ngày càng xuất hiện nhiều blogger tên tuổi, thật sự là
những nhà dân báo mà bài vở của họ được đón đọc và lan
truyền rộng rãi trên mạng, trang blog của họ có số lượng
người truy cập lên đến hàng triệu người, nổi tiếng như
blogger Osin tức nhà báo Huy Đức (đã bị an ninh mạng đánh
sập), blogger Người buôn gió, blogger Hiệu Minh (ở Mỹ), Vũ
Đông Hà (ở Mỹ), Nguyễn Văn Tuấn (Úc), blog của anh Lê Diễn
Đức (Ba Lan), blog quechoa của nhà văn Nguyễn Quang Lập, Phạm
Viết Đào, Trương Duy Nhất, mẹ Nấm, v.v...Kể cả VOA, RFA, BBC
cũng mở blog và những trang blog của nhà phê bình văn học
Nguyễn Hưng Quốc hay nhà báo Bùi Tín trên VOA rất được
nhiều người vào đọc, comment, tranh luận sôi nổi. Nhà phê
bình văn học Nguyễn Hưng Quốc có nói một cái ý rằng một
trong những cái đặc biệt của blog là người ta không chỉ
đọc blog mà còn đọc những comment của người khác, nghĩa là
có độc giả của blog và độc giả của độc giả nữa.
Bây giờ ở VN ngay cả dân làm báo chính thống cũng phải tìm
đọc blog để có thêm thông tin, còn những người nào có sử
dụng internet và quan tâm đến tình hình chính trị xã hội của
VN thì đều có sử dụng blog hoặc ít nhất là có đọc blog và
cho rằng đọc blog còn có nhiều thông tin nhanh nhạy, trung
thực, thú vị hơn là đọc báo của nhà nước bởi vì hơn 700
tờ báo ở VN thật ra chỉ nói cùng một giọng, có cùng một
ông Tổng biên tập là Trưởng ban văn hóa tư tưởng mà thôi.
Tất cả những thông tin mà báo chí nhà nước VN không đưa
hoặc chỉ đưa một phần hoặc xuyên tạc, đưa không đúng sự
thật thì người dân chỉ có thể tìm biết được sự thật
từ báo chí hải ngoại, các diễn đàn độc lập và trên thế
giới blog. Thậm chí trong nhiều vụ việc phát hiện đầu tiên
là từ các nhà dân báo. Còn đối với báo chí hải ngoại,
đối với đồng bào VN ở nước ngoài thì những thông tin trên
các blog là rất quý vì nó là do những người đang sống trong
nước viết lên, nó đa dạng vì người viết thuộc đủ mọi
giới, mọi thành phần trong xã hội. Một số báo, đài ở hải
ngoại và các diễn đàn độc lập lại có thêm mục điểm blog
hoặc sử dụng lại những bài viết hay trên blog.
Hiện tại có đến hàng trăm blogger có bài viết thuộc loại
có chất lượng trên multiply, blogspot và wordpress. Sau này khi hệ
thống facebook trở nên phố biến thì mạng xã hội này với
tính chất liên kết rất rộng rãi của nó đã có những ưu
điểm vượt trội riêng. Dân blogger, nhất là giới trẻ, tha
hồ sử dụng facebook để chia sẻ, lan truyền thông tin với
tốc độ cực nhanh. Trên facebook bây giờ cũng đã hình thành
nhiều trang, nhiều nhóm hoạt động rất mạnh và nhà nước
Việt Nam cũng đã tìm cách ngăn chặn facebook vì sự lợi hại
của nó.
Nói tóm lại, sự phát triển của mạng lưới blog ở VN hiện
nay đã thực sự trở thành một kênh truyền thông "lề
trái" có sức mạnh riêng. Còn nhà nước VN thì đã thực sự
xem cái việc đánh phá blog là một trong những chủ trương
nhất quán của họ bên cạnh việc đánh phá các trang báo
mạng. Kết quả là VN tiếp tục trở thành một trong những
quốc gia là kẻ thù của internet và có thành tích tệ hại về
mặt tự do ngôn luận trước thế giới. Song, thế giới blog
vẫn không dễ gì bị dập tắt cho dù nhà nước VN đã huy
động tối đa lực lượng đánh phá, như lời Trung tướng công
an Vũ Hải Triều đã khoe khoang là "trong thời gian qua bộ
phận an ninh của ta đã đánh sập hơn 300 trang báo mạng và blog
có nội dung xấu", bởi vì đánh sập blog này thì blog khác
mọc lên, trù dập blogger này làm cho người ta phải sợ hãi mà
im tiếng thì lại có blogger khác xuất hiện. Các blogger-những
nhà dân báo đúng như tên gọi của họ có thể là bất kỳ ai
trong nhân dân. Có thể bắt vài chục, vài trăm, vài ngàn
blogger, nhưng không thể bắt hàng triệu người hoặc hơn nữa.
Có thể bắt những blogger trong nước nhưng còn hàng bao nhiêu
blogger VN ở nước ngoài, và cả một thế giới bạn bè khắp
năm châu, Nhà Nước VN sẽ có thể làm gì?
<h2>Lời kết</h2>
Trên con đường đấu tranh dân chủ vì một tương lai chung tốt
đẹp hơn cho đất nước, có sự đóng góp không nhỏ của các
blogger - những nhà dân báo VN. Ngược lại, phong trào đấu tranh
dân chủ cũng không thể bỏ qua lực lượng này. Cần phải hỗ
trợ những blogger có sẵn và lên tiếng khi họ bị nhà nước
VN quấy nhiễu, bắt bớ đã đành, nhưng thiết nghĩ, những tổ
chức, đảng phái đang hoạt động dân chủ cần phải chủ
động nhân rộng thêm nhiều blog, nhiều cây bút nữa để phối
hợp cùng các blogger, kết nối với họ. Bởi con đường
truyền tải thông tin cũng như tiếp cận với giới trẻ, học
sinh, sinh viên trong và ngoài nước nhanh nhất và hiệu quả
nhất có lẽ là thông qua blog. Cần phải làm cho tiếng nói của
cộng đồng blogger ngày càng mạnh mẽ hơn, đưa thông tin nhiều
và nhanh hơn đến với người dân và làm cho nhà cầm quyền VN
thực sự phải bất lực trong cuộc chiến trên thế giới mạng
này.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5692), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét