Giới thiệu về dân chủ

<h2>Tại sao nền dân chủ lại tuyệt vời?</h2>

Một nền dân chủ hoạt động hoàn hảo là một chế độ cho
bạn được quyền tự do nhiều nhất, an ninh xã hội tốt
nhất, cơ hội lớn nhất và đem lại sự sung túc cho cuộc
sống nhiều nhất. Đây là một cơ chế xã hội ổn định
nhất, và đem lại nhiều ích lợi nhất về lâu, về dài.

Ở một xã hội dân chủ, bạn có thể theo tôn giáo mà bạn
cảm thấy có ý nghĩa, và bạn có thể tự do lựa chọn bạn
đời cũng như sự học hành của mình. Bạn có quyền nghe loại
nhạc mình thích, cũng như xem các loại phim, đọc các loại
sách mà bạn muốn. Bạn có quyền tự do đi lại ở bất cứ
nơi nào mà không cần phải có giấy phép. Bạn cũng có sự tự
do lựu chọn quần áo mà bạn mặc.

Nếu bạn thuộc một nhóm thiểu số hoặc dân tộc thiểu số,
bạn sẽ được bảo vệ trước những đối xử bất công, và
bạn có quyền bình đẳng giống như tất cả mọi người khác
khi tham gia vào chính trị và tạo ảnh hưởng tới các quyết
định.

Nếu bạn là phụ nữ, bạn có quyền bình đẳng và cơ hội
như cánh mày râu. Cha bạn, anh em bạn, chú bác bạn không có
quyền quyết định thay cho bạn. Bạn có quyền bình đẳng về
nhập trường, học hành, việc làm và một cuộc sống tốt
đẹp giống như người đàn ông. Bạn cũng được toàn quyền
quyết định về thân thể của bạn và quyền được từ chối
việc chăn gối khi bạn không thích, kể cả trong hôn nhân.

Bạn và tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp
luật, bạn có quyền được viết và nói về những gì bạn
thích và gặp những ai bạn muốn. Bạn có thể sống mà không
phải sợ hãi trước những đe dọa tới từ chính quyền hiện
tại. Gia đình bạn cũng được hưởng quyền tự do tương tự.

Tóm lại: Dân chủ cho bạn quyền tự do, bình đẳng, an toàn,
cơ hội làm việc kiếm tiền và hạnh phúc.

Sự mong mỏi về tự do và an toàn đều có trong mỗi chúng ta,
cũng giống như ai cũng muốn được hạnh phúc. Nếu không có ba
thứ này, chúng ta không thể có một cuộc sống vui vẻ và có
ý nghĩa thật sự.

Nhu cầu về sự bình đẳng là điều mà không phải ai cũng
muốn, vì con người có tính ích kỷ, và ai cũng muốn hơn
người khác. Nhưng quyền bình đẳng là nền tảng để có dân
chủ, và nó đáng để chúng ta theo đuổi, bởi chính nó sẽ
bảo đảm cho một cuộc sống tự do, an toàn và hạnh phúc.

Tất cả điều này cho thấy là dân chủ rất quan trọng. Khi
bạn là một con người, chỉ với lý do duy nhất đó, bạn đã
xứng đáng được sống và hưởng một chế độ dân chủ
đúng nghĩa.

<h2>Dân chủ là dân làm chủ</h2>

Từ "dân chủ" có nguồn gốc từ Hi Lạp và mang nghĩa "quyền
lực thuộc về nhân dân". Nhưng để người dân quyết định
mọi thứ không thôi thì vẫn chưa đủ. Một nền dân chủ
được xây dựng trên những giá trị và cách suy nghĩ nhất
định, nhằm đảm bảo rằng, một nhóm công dân chiếm đa số
không dùng lá phiếu đè nén các nhóm thiểu số. Những giá
trị này là <em><strong>Tự do, bình đẳng và an toàn</strong></em>,
và chúng dựa trên các nguyên tắc và tư tưởng về
<em><strong>Chủ nghĩa Nhân Bản và Cá Nhân</strong></em>.

Dân chủ có thể tồn tại dưới nhiều ngữ cảnh. Thông
thường, khi chúng ta nói về dân chủ, chúng ta nghĩ đến một
quốc gia, nhưng cũng có thể tìm thấy ý nghĩa của dân chủ ở
tất cả những nơi có con người tụ tập hoặc sinh sống cùng
nhau. Đó có thể là một ngôi làng, một hiệp hội, một câu
lạc bộ thể thao, một trường học, hay cả một lục địa,
ví dụ như các quốc gia Châu Âu đã liên hiệp với nhau tạo
thành một Liên Minh. Trên nguyên tắc, chúng ta cũng có thể tạo
ra một nền dân chủ toàn cầu, khi mà có đủ điều kiện.

Dân chủ không phải là một hệ thống mà chúng ta tạo ra một
lần rồi nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, sau khi tạo nó sẽ tự
duy trì. Đó là một nền văn hóa cần được bồi dưỡng và
chăm sóc, và nó cần những điều kiện cần thiết để tồn
tại và hoạt động. Nó là một tiến trình liên tục, gần
giống như một thực thể sống. Nếu chúng ta không duy trì dân
chủ một cách tích cực với các cuộc tranh luận và bầu cử
tự do, cũng như nhiều điều khác được đề cập ở đây
tại democracy-handbook.org, nó sẽ chết. Dân chủ cần có sự tham
gia tích cực của mọi người.

<h2>Tự do, bình đẳng và an toàn</h2>

Tự do, bình đẳng và an toàn là những giá trị cốt lõi của
đa số mọi người và của chính bản thân nền dân chủ.

Tự do có nghĩa rằng chúng ta có thể và phải lựa chọn.
Những lựa chọn có thể nằm ở nhiều khía cạnh của cuộc
sống: Tôi thích ăn món gì tối nay? Tôi thích học bằng cấp
nào? Tôi muốn lập gia đình cùng ai? Tôi muốn sống ở đâu?
Sự tự do của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào loại xã
hội và văn hóa chúng ta sống trong đó, vào những luật pháp
nào áp dụng đối với chúng ta, và thậm chí vào tình trạng
tài chính của chính chúng ta. Dân chủ là hình thức chính
quyền và mô hình xã hội cung cấp cho chúng ta mức độ tự do
cá nhân lớn nhất. Nó là mô hình xã hội cho phép mỗi cá nhân
có số lượng lựa chọn lớn nhất trong suốt cuộc đời mình.

Bình đẳng trong xã hội dân chủ không có nghĩa tất cả mọi
người đều giống nhau. Nó có nghĩa rằng mọi người có cùng
giá trị và rằng mọi người phải có những lựa chọn bình
đẳng trong cuộc đời. Cho dù gia đình bạn như thế nào, bất
chấp bạn giàu hay nghèo, màu da, giới tính, tôn giáo hay sở
thích tình dục của bạn ra sao, bạn phải có những quyền và
nghĩa vụ tương đương với mọi người khác trong xã hội.
Nếu một xã hội lờ đi tư tưởng công bằng, nó sẽ phá hủy
bản thân nền dân chủ, bởi nếu một số người quyết định
rằng những người khác không có giá trị bằng mình, thì đó
là lúc mà thể chế không còn nhận được sự ủng hộ từ
tất cả mọi người.

An toàn là điều kiện tiên quyết để con người thực thi
quyền tự do lựa chọn của họ. An toàn trong một xã hội dân
chủ có nghĩa là mỗi cá nhân có quyền phát biểu, gặp gỡ và
di chuyển tự do, rằng nhà của một cá nhân là bất khả xâm
phạm, và sự riêng tư, cuộc sống cũng như tài sản của cá
nhân phải được bảo vệ bởi pháp luật.

Thách thức của dân chủ là làm sao hòa trộn và cân bằng tự
do, bình đẳng và an toàn một cách hợp lý. Tự do không hạn
chế dẫn đến quá ít an toàn, bởi vì xã hội hóa ra một
trận chiến giữa một cá nhân chống lại tất cả những
người khác, và sớm kết thúc với kết cục kẻ mạnh đè nén
kẻ yếu. An toàn hoàn toàn cũng không thể tồn tại. Nếu tồn
tại, nó có nghĩa đơn giản là không còn chút tự do nào. Tự
do và an toàn trong nhiều khía cạnh xung đột với nhau, nhưng
chúng cũng có thể bổ trợ lẫn nhau. Xã hội dân chủ là xã
hội đảm bảo tốt nhất những cư dân của nó cả tự do và
an toàn, bởi vì giới hạn của tự do và an toàn phải liên
tục được đàm phán và dàn xếp với nhau.

Sự thực rằng một xã hội có thể có những dàn xếp như
thế dựa trên bình đẳng. Mọi người đều có giá trị như
nhau, và do đó mọi người có quyền ngang nhau trong đòi hỏi
cả tự do và an toàn. Trong một tiến trình dân chủ, hàng loạt
các nhu cầu đối với tự do và an toàn được đánh giá và so
sánh với nhau, để hòa trộn một cách hợp lý.

<h2>Chủ nghĩa Nhân Bản và Cá Nhân</h2>

Thừa nhận rằng mọi cá nhân đều đáng giá và chia sẻ những
quyền lợi giống nhau chính là nền tảng của Chủ nghĩa Nhân
Bản. Dân chủ chính là dựa trên chủ nghĩa nhân bản này.

Dân chủ cơ bản là về những cá nhân thừa nhận giá trị và
phẩm giá của các cá nhân khác, và khẳng định những người
khác cũng có quyền hưởng cùng tự do, an toàn, cơ hội và ảnh
hưởng mà chính họ đang được hưởng.

Trong một nền dân chủ, điều này chuyển hóa thành một hệ
thống chính trị dựa trên tư tưởng rằng mọi cá nhân
trưởng thành phải có quyền bình đẳng trong việc tạo ra ảnh
hưởng tới các tiến trình ra chính sách hoặc quyết định
trong xã hội.

Tư tưởng Nhân Bản và sự thừa nhận các cá nhân là điều
thiết yếu để con người cùng nhau tạo ra một nền dân chủ.

<h2>Điều gì không phải là dân chủ</h2>

Nhiều người nghĩ rằng dân chỉ đơn thuần là "bỏ phiếu về
các vấn đề đang quan tâm", hoặc dân chủ chỉ đơn giản là
các cuộc bầu cử, để bất kỳ ai chiếm được hơn 51% số
phiếu sẽ thắng và nắm quyền. Ngay cả ở các quốc gia có
truyền thống dân chủ lâu đời, vẫn có người nghĩ đó là
bản chất của dân chủ. Trên hình thức thì điều này đúng,
đương nhiên, rằng bất kỳ ai với 51% số phiếu là người
nắm đa số, và trên lý thuyết họ có thể ra quyết định mà
không cần phải hỏi ý kiến 49% còn lại. Nhưng đó sẽ không
phải là một nền dân chủ đích thực, mà chỉ là một nền
độc tài số đông (a tyranny of the majority).

Một nền dân chủ bảo vệ và tôn trọng các nhóm thiểu số.
Những người thuộc 49% còn lại có quyền được hưởng một
cuộc sống thoải mái và có quyền được người khác lắng
nghe -- nhớ là tất cả mọi người đều có quyền hưởng
cuộc sống thoải mái và có quyền được người khác lắng
nghe! -- và đó là trách nhiệm của đám đông phải ra những
quyết định đảm bảo điều này. Sẽ không phải là một nền
dân chủ, ví dụ, nếu tất cả những ai tóc đen quyết định
rằng những người tóc đỏ phải trả thêm 20% thuế, hoặc đa
số có quyền theo đuổi một tôn giáo mà họ thích, còn thiểu
số thì không được phép.

Dân chủ là biết lắng nghe lẫn nhau và cùng nhau đưa ra những
giải pháp qua thương thuyết, ngay cả khi đa số có thể dùng
sức mạnh để áp đặt các quyết định mà một hay vài nhóm
thiếu số phản đối.

Dân chủ là một hiện tượng phức tạp. Nó là nhiều điều
diễn ra đồng thời, và democracy-handbook.org sẽ cố gắng giới
thiệu nhiều vấn đề nhất trong khả năng của mình.

<h2>14 định nghĩa về dân chủ</h2>

Nhiều người đã cố gắng định nghĩa thế nào là dân chủ,
nhưng không có một định nghĩa mà tất cả đều đồng ý và
tương đối đầy đủ và khái quát. Mười bốn định nghĩa
khác nhau được trình bày dưới dây, tất cả đều chỉ ra
một khía cạnh khác nhau của nền dân chủ. Tất cả đều
đúng, ít nhất là một phần, nhưng không có định nghĩa nào
chứa đựng toàn bộ sự thực về nền dân chủ.

* Dân chủ là một từ xuất phát từ tiếng Hi Lạp cổ
đại. Demos có nghĩa là nhân dân, kratos có nghĩa là quyền lực.
Dân chủ, như thế, có nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân.

* Dân chủ là một cách sống dựa trên sự tôn trọng từng
cá nhân.

* Dân chủ là quyền bình đẳng của mỗi người trong nỗ
lực định hình xã hội theo cách mà nhiều người nhất đạt
được nhiều hạnh phúc nhất có thể.

* Dân chủ là một tư tưởng chính trị, mà các giá trị cơ
bản của nó là tự do, bình đẳng và chấp nhận lẫn nhau.

* Dân chủ là quyền được sống như bạn mong ước, với
sự tôn trọng quyền người khác được sống theo cách mà họ
mong ước.

* Dân chủ là trao đổi và đối thoại được thực hiện
một cách tự do nhất có thể giữa các thành viên trong xã
hội.

* Dân chủ liên quan đến nguyên tắc rằng những ai bị ảnh
hưởng bởi một quyết định cần phải giúp đỡ tạo ra
quyết định đó, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Nguyên
tắc này phải được áp dụng ở bất kỳ đâu: trong cuộc
sống riêng tư, trong công việc, cũng như trong xã hội nói chung.

* Dân chủ là một hình thức cai trị đảm bảo cho tất cả
bình đẳng lớn nhất và tự do nhiều nhất có thể.

* Dân chủ là một hình thức chính quyền, nơi mà tất cả
mọi người - trực tiếp hoặc gián tiêp - tham gia vào các
quyết định quan trọng trong phân phối và phân bổ các giá
trị trong xã hội.

* Dân chủ là một hình thức chính quyền, nơi mà Nhà nước
phải thiết lập và duy trì một hệ thống pháp luật dựa trên
các quyền con người.

* Dân chủ là một hình thức chính quyền, nơi mà chính
quyền có thể được thay đổi không cần cách mạng hay đổ
máu.

* Dân chủ là một hình thức chính quyền, nơi mà Nhà nước
thực thi và củng cố các quyết định phù hợp với những gì
mà đa số người dân mong đợi.

* Một nền dân chủ là một quốc gia nơi quốc hội và
chính quyền được chỉ định thông qua bầu cử tự do cách
nhau vài năm, giữa các ứng cử viên được đề cử thuộc ít
nhất hai đảng phái chính trị khác nhau.

* Một nền dân chủ là một quốc gia nơi mọi người buộc
phải bảo vệ các quyền con người, một phần bằng cách chính
họ tôn trọng chúng, một phần bằng cách bắt buộc những
người khác và các thể chế chính trị cũng phải tôn trọng
các quyền con người.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5698), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét