Phạm Viết Đào - Chính trị không phải là công cụ độc quyền của Đảng cầm quyền hay của chính thể đương nhiệm! (2)

Trước hết chúng ta phải hiểu với nhau một thực tế khách
quan: Làm gì có tự do tuyệt đối ở dưới gầm trời này;
nếu ở đâu đó nói có tự do tuyệt đối thì hãy coi chừng
ở đó có khi tự do đã mất hoàn toàn. Hãy thử lên trời, hãy
thử lặn xuống biển hay hãy chui vào rừng rậm để sống xem,
ở đó có tự do tuyệt đối không ?

Cảm ơn bạn Phạm Cường, Việt kiều ở CHLB Đức vừa comment
bố sung cho bài viết về một số định nghĩa về từ Chính
trị gốc tiếng Trung Hoa, ý kiến rất sâu sắc và xin bổ sung
vào bài viết.

<strong><em>Chính trị</em></strong> chiết tự nguyên nghĩa theo chữ
Hán viết (政治) thì:

- Chữ Chính bên trái có nghĩa <em>Ngay thẳng</em>, bên phải là
bộ phác hàm ý <em>Hành động</em>

- Chữ Trị cũng gồm hai phần: bên trái là bộ Thủy là
nước, bên phải là phần âm để đọc là Trị. Theo nghiã đen,
Trị có nghĩa dùng thuốc trị bệnh và chữ Trị thuộc bộ
Thủy là bởi lúc ban sơ người Trung Hoa chữa bệnh thường
dùng thuốc sắc bằng thảo mộc nấu trong nước. Về sau, chữ
Trị đã mở rộng nghiã và hàm ý, chỉ việc trừng phạt
những phần tử hủ bại xấu xa làm lành mạnh xã hội.

Như thế theo nghĩa gốc thì Chính trị nói chung là việc làm cho
xã hội ngay thẳng, lành mạnh. Trong Luận ngữ, Nhan Uyên 7 -
Khổng Tử, khi trả lời Quí Khương Tử hỏi ông về Chính
trị, Khổng tử đã chiết nghĩa theo đúng từ nguyên bản mà
bảo rằng: "Chính giả, chính dã, Tử suất dĩ chính, thục
cảm bất chính?„ ("<em>Chính trị làm cho ngay thẳng mà sai
khiến người thì còn ai dám không ngay thẳng?</em>„)

Còn người Tây Phương thì cũng quan niện về chính trị không
xa với người Phương Đông (Khổng Tử) làm bao: "<em>Chính
trị là sự điều khiển ngay thẳng nhiều gia đình và những
gì chung cho các gia đình ấy với một quyền lực chủ
tể</em>„ (theo bản dịch của GS Nguyễn Ngọc Huy từ nguyên
bản: "République est un droit gouvernement de plusieurs ménages et de
ce qui leur est commun, avec puissance souveraine„ - Trong bộ sách
Republique của học giả nổi tiếng của Pháp TK 16 tên là JEHAN
BODIN).

Vậy thì tại sao nhà văn Việt Nam lại hô hào, từ bỏ, khước
từ thiên chức chính trị của văn học, tức là khước từ
việc tham gia cùng nhân dân đấu tranh làm cho xã hội trở nên
ngay thẳng hơn bằng phương tiện văn học, một phương tiện
có khả năng tác động sâu rộng vào lòng người? Nếu nhà văn
từ bỏ thiên chức chính trị của văn học, đứng về phương
diện công dân thì nhà văn đã vô tình xếp mình, hạ mình làm
loại công dân hạng hai?

Như chúng ta biết, nguyên nghĩa của Chính trị mà Khổng Tử và
phương Tây đề cập đó là loại chính trị vương đạo, chính
trị làm cho ngay thẳng. Trong khi đó thì Việt Nam đang ở thời
kỳ chuyển đổi từ tập trung quan liêu sang cơ chế thị
trường. Bên cạnh những chính sách, chủ trương mang màu sắc
vương đạo: xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc
lập, dân chủ và giàu mạnh; một xã hội công bằng, dân chủ
và văn minh; những khái niệm đó có thể coi là mặt tiền của
thể chế, của tấm huân chương. Đằng sau cái mặt tiền của
thể chế, của tấm huân chương, nhưng do đất nước đang là
cơ chế thị trường lại được định hướng xã hội chủ
nghĩa, một thứ định hướng chưa có tiền lệ trong thế giới
và trong lịch sử. Chính vì thế bao giờ cũng xuất hiện cái
mặt trái, phần "âm" của thể chế. Có lúc, có khi, nơi này
nơi kia xảy ra hiện tượng âm thịnh hơn dương; Kinh dịch đã
xác định: khi Âm thịnh mà Dương suy, thì đó là lúc chính
trị bá đạo bá quyền, ma quỷ, cóc nhái nhảy lên bàn độc...


Nói theo ngôn ngữ chính trị Trung Hoa cổ xưa, bên cạnh nền
chính trị vương đạo bao giờ cũng xuất hiện cả chính trị
bá đạo, một thứ thể chế chính trị đầu trộm, đuôi
cướp: <em>nền chính trị làm cho đất nước, xã hội thằng
thành cong, ngay thành gian khiến cho xã hội trở nên rối rắm,
lộn tùng phèo cả lên để dễ bề cai trị, trộm cướp; Siêu
nhân bao giờ cũng phải đồng hành với quái nhân, quỷ
sứ…</em>

Những thể chế độc tài, thể chế chính trị bá đạo, trộm
cướp bao giờ cũng muốn bao sân và họ muốn mình là lực
lượng chính trị duy nhất, độc tôn bá chủ, ban phát, chi
phối mọi trạng thái tư tưởng, hành vi trong xã hội. Nếu nhà
văn lại tự nguyện xa lánh chính trị, xa lánh những điều sôi
bỏng mà nhân dân của mình đang phải va xiết, đang phải đớn
đau thì nhà văn còn là thiên chức nhà văn nữa không ?

Nhà văn muốn can dự vào các vấn đề chính trị đang diễn ra
trong đời sống xung quanh bằng phương tiện văn học, tức là
muốn tham gia vào sự nghiệp làm cho xã hội trở nên ngay thẳng
hơn, đương nhiên nhà văn phải tự trang bị cho mình nắm vững
vốn kiến thức của các luật chơi của thể chế đương
quyền. Có như vậy nhà văn mới đủ khả năng nâng mình thành
một chủ thể chính trị bình đẳng, ngang hàng với các chủ
thể khác trong cuộc đua giành giật các quyền lợi chính trị
hiến định, để cùng tham gia chiến đấu,bằng vũ khí văn
học của nhà văn đó là tác phẩm góp phần làm cho xã hội
trở nên ngay thẳng hơn...

Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân của nhà văn, nếu một
thể chế chính trị vương đạo, một bộ máy nhà nước thật
sự là vương quyền: coi trọng, nhận thức được khả năng
của đội quân văn học, thật sự thấy vai trò của đội quân
này có thế mạnh và sức mạnh có khả năng sát cánh cùng mình
làm cho xã hội trở nên ngay thẳng hơn, thì thể chế đó phải
tạo điều kiện cho hoạt động của giới văn học đúng thiên
chức chứ không bắt nó ăn theo, nói leo. Điều này trong thời
kỳ chiến tranh, các nhà văn, đội quân văn nghệ đã được
sử dụng và tận dụng tối đa sức mạnh của nó và mang lại
hiệu quả.Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều bài thơ, bản
nhạc, cuốn tiểu thuyết… có khả năng khích lệ bộ đội
như một thứ vũ khí hiện đại nhất.

Sự tạo điều kiện này bằng cơ cở sở vật chất ví như:
đặt hàng, tài trợ, trao giải thưởng… chỉ là yếu tố phù
trợ mà điều cốt tử là phải tạo ra cho được môi trường
pháp lý lành mạnh, văn minh để hoạt động văn học của nhà
văn được hành nghề đúng với thiên chức của mình.

Về phương diện luật pháp, Nhà nước Việt Nam đã đưa vào
luật pháp các chế định sau đây đối với hoạt động văn
học. Thứ nhất, Điều 50 Hiến pháp năm 1992 quy định các
quyền lợi của mọi công dân trong đó có các nhà văn được
tham gia bình đẳng và được pháp luật tôn trọng: "<em>Ở
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con
người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội
được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được
quy định trong Hiến pháp và luật…</em>";

Điều 60 Hiến pháp thể chế cụ thể hoạt động văn học
của nhà văn là một quyền được pháp luật bảo hộ:
"<em>Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát
minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá
sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia
các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác
giả, quyền sở hữu công nghiệp</em>"

Điều 32 của Hiến pháp đã xác lập cụ thể chức năng của
văn học của nhà văn: "<em>Văn học, nghệ thuật góp phần
bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn cao đẹp của người Việt
Nam.</em>"

Làm sao nhà văn có thể cung cấp những sản phẩm văn học với
mục đích "<em>góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn cao
đẹp của người Việt Nam</em>"; nhưng sản phẩm của anh lại
không liên quan tới những vấn đề chính trị mà người đọc
đang quan tâm, đang đụng độ. Vậy nhà văn, nghề văn theo
Hiến pháp quy định: bồi dưỡng cho người đọc cái gì, kiểu
gì khi mà nhà văn chỉ tìm cách len lỏi trong chính trường để
cốt có có miếng ăn cho mình? Mà con người thì ăn được bao
nhiêu nếu hiểu theo nghĩa đen của từ ăn này?

Hiến pháp không chỉ xác nhận sự bảo hộ của luật pháp
đối với hoạt động văn học mà còn xác định trách nhiệm
pháp lý của nhà nước đối với loại hình hoạt động văn
học: "<em>Nhà nước đầu tư phát triển văn hoá, văn học,
nghệ thuật, tạo điều kiện để nhân dân được thưởng
thức những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị; bảo
trợ để phát triển các tài năng sáng tạo văn hóa, nghệ
thuật. Nhà nước phát triển các hình thức đa dạng của hoạt
động văn học, nghệ thuật, khuyến khích các hoạt động văn
học, nghệ thuật quần chúng.</em>"

Điều 69 Hiến pháp còn quy định cụ thể: "<em>Công dân có
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông
tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định
của pháp luật.</em>"

Như vậy, về mặt luật pháp, hoạt động văn học của nhà
văn là hoạt động được Nhà nước công nhận đó là một
loại quyền lợi chính trị.

Hiến pháp, bộ luật gốc đã xác định như vậy, thế nhưng
trong đời sống văn học đang xảy ra một thực tế: Quyền tự
do hoạt động sáng tạo của nhà văn, một quyền lợi chính
trị trong hiến định lại đang gặp nhiều vướng mắc. Điều
này do văn học và luật pháp có những nét đặc thù riêng và
vì thế nên đang có sự vênh nhau đáng sợ trong việc xác
định giới hạn của quyền tự do của nhà văn trong loại lao
động đặc thù, trong việc đánh giá và định giá tác phẩm;
trong việc cân đong đo đếm chưa thật minh bạch, chính xác,
công bằng, thậm chí còn cảm tính, quan phương, áp đặt, hình
sự hóa, chính trị hóa đối với thái độ chính trị của nhà
văn qua tác phẩm văn học.

Trong lĩnh vực kinh tế, để hiến pháp được thể chế cụ
thể và mọi hành vi được pháp luật bảo hộ , bảo hiềm,
Nhà nước đã ban hành các bộ luật chuyên ngành. Dưới Luật
chuyên ngành lại bổ sung thêm các Nghị định, thông tư, quy
chế nhằm diễn giải, định tính định lượng cụ thế các
quy định pháp luật. Trong khi đó thì hoạt động sáng tạo văn
học, một loại lao động đặc thù, ngoài những quy định trong
Hiến pháp, hoạt động này đang bị điều chính bởi 3 bộ
luật: Luật Hình sự, Luật Báo chí và Luật Xuất bản với
những điều luật chung chung, xơ cứng, chưa hàm chứa những
nét đặc thù văn học của hệ thống luật pháp. Do vậy sản
phẩm văn học của Nhà văn trên danh nghĩa được pháp luật
bảo hộ nhưng rất dễ bị đẩy ra ngoài vòng pháp luật.

Trước năm 1945, nhà thơ Sóng Hồng đã viết nên những câu thơ
sau đây mà không bị thực dân Pháp bắt bỏ tù: <em>Dùng cán
bút làm đòn xoay chế độ; Mỗi vần thơ bom đạn phá cường
quyền…</em> Sóng Hồng, nhà cách mạng Trường Chinh bị ghi vào
sổ đen vì các hoạt động khác chứ không do các hoạt động
văn học, làm thơ…

Hiện nay nếu nhà thơ nào viết ra một bài thơ hô hào tương
tự thì chắc chắn không một tờ báo, một nhà xuất bản nào
dám in; vì nếu in ra sẽ bị khép vào hành vi vi phạm Điều
Điều 88: Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam; Điều 79 của Bộ Luật Hình sự: Tội
hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…

Hiện nay giới trí thức trong đó có các nhà văn Việt Nam chỉ
mới dám đặt vấn đề: lên tiếng phản biện một số chính
sách, chủ trương của Chính phủ chứ đâu dám nhận làm cái
"đòn xoay chế độ" hay như một thứ "bom đạn phá cường
quyền", thế mà các báo "lề phải" đã không dám đăng.
Bởi Thủ tướng đã ban hành Quyết định 97 không cho phép các
cơ quan, tổ chức công bố loại ý kiến phản biện trên các
phương tiện thông tin đại chúng; nếu cơ quan nào công bố các
ý kiến phản biện đương nhiên vi phạm quyết định 97.

(còn tiếp)

P.V.Đ


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5746), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét