Nguyễn Vạn Phú - Chuyện lạ

Tuần rồi có mấy chuyện lạ.

Trước hết, Nghị định 25/2010 mới ban hành vào hồi tháng 3
năm nay ghi rõ: Thành viên Hội đồng thành viên (ở các công ty
nhà nước chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên)
"<em>Không là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hoặc
tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội...</em>".

Thế nhưng trong quyết định chuyển Tổng công ty Đầu tư và
Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thành công ty TNHH một thành viên
vào tuần trước vẫn thấy duy trì chủ tịch và các thành viên
hội đồng quản trị cũ làm chủ tịch và thành viên hội
đồng thành viên mới. Như vậy là phạm luật. Bởi hiện nay
chủ tịch SCIC là ông Vũ Văn Ninh (Bộ trưởng Bộ Tài chính),
các thành viên hội đồng thành viên có ông Đỗ Hữu Hào (Thứ
trưởng Bộ Công thương), ông Cao Viết Sinh (Thứ trưởng Bộ
Kế hoạch & Đầu tư), ông Trần Văn Hiếu (Thứ trưởng Bộ
Công thương, <strong><em>tất cả đều đang là cán bộ lãnh
đạo trong bộ máy nhà nước</em></strong>.

Chuyện thứ hai là phát biểu của ông Nguyễn Công Nghiệp, Thứ
trưởng Bộ Tài chính. Ông này cho biết số tiền trái phiếu
quốc tế 750 triệu đô-la <em><strong>đến năm 2012</strong></em>
mới đến hạn trả nợ gốc, bây giờ chỉ trả lãi. Còn nhớ
lần bán trái phiếu này là vào cuối năm 2005, lãi suất coupon
là 6,875%, lợi suất là 7,125%, tức là số tiền thu về chưa
được 750 triệu đô-la (bán dưới mệnh giá) và đến năm 2016
mới đáo hạn. Điều đó có nghĩa từ lúc phát hành đến năm
2016, Việt Nam phải trả lãi 6,875% trên số tiền 750 triệu
đô-la, mỗi năm trả hai lần (trên 50 triệu đô-la) và đến
năm 2016, lúc đáo hạn mới trả hết nợ gốc, chứ làm gì có
cột mốc 2012 ở đây.

Chuyện thứ ba là phát biểu của ông Trần Quang Vũ, tổng giám
đốc điều hành tập đoàn Vinashin khi trả lời phỏng vấn
của báo Tuổi Trẻ: "<em>Hiện chúng tôi chưa tính toán và có
số liệu cụ thể nhưng nợ hiện nay ước khoảng 90.000 tỉ
đồng. Nhưng tài sản của chúng tôi còn rất nhiều, có nhiều
tàu đóng dở dang, chỉ cần đầu tư tiếp là có thể thu hồi
vốn</em>".

Có lẽ ai cũng biết trong bản cân đối kế toán, một bên là
tài sản bên kia là nợ + vốn, hai bên phải luôn luôn bằng
nhau. Cho nên trên sổ sách, bên nợ là 90.000 tỷ đồng cộng
khoảng 9.000 đồng vốn thì bên tài sản luôn luôn là 99.000 tỷ
đồng. Nói "tài sản của chúng tôi còn rất nhiều" là
chuyện vô nghĩa.

Để dễ hình dung, cứ tưởng tượng một người vay 9 tỷ
đồng của ngân hàng, cộng 1 tỷ tiền có sẵn để mua căn nhà
giá 10 tỷ đồng. Dù nợ đến 9 tỷ đồng, người này vẫn
yên tâm nói tài sản của tôi còn nhiều lắm, dư sức trả
nợ.

Nhưng giả thử sau khi mua nhà xong, thị trường bất động sản
đóng băng, bán lại căn nhà nói trên 10 tỷ đồng không ai mua.
Nợ đòi bên lưng, đành phải giảm giá để bán, chỉ thu về
được 7 tỷ đồng chẳng hạn thì người này không những mất
1 tỷ tiền vốn mà vẫn còn nợ ngân hàng đến 2 tỷ đồng.

Tài sản còn nhiều là trên sổ sách, theo giá sổ sách. Giá
thực tế là bao nhiêu – cái đó mới chính là vấn đề của
Vinashin.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5515), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét