Nguyễn Minh Long - Nhìn lại khu vực kinh tế nhà nước từ con tàu Vinashin

Chính việc đầu tư tràn lan là những cơ hội để lợi dụng
bỏ tiền nhà nước vào các dự án. Bởi lãnh đạo của các
tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin là những người
được bổ nhiệm có thời hạn và theo lẽ tự nhiên, họ phải
thông qua càng nhiều dự án càng tốt, và càng thu lợi cho cá
nhân nhiều hơn.

<em><strong>LTS Tuần Việt Nam:</strong> Việc một số tập đoàn
nhà nước làm ăn không hiệu quả và gần đây nhất là vụ
đổ vỡ của Vinashin khiến dư luận không thể không cho rằng:
đang rất cần một cuộc xác định nghiêm túc lại vai trò của
khu vực , mà đến nay vẫn và sẽ tiếp tục được coi là giữ
vao trò chủ đạo của nền kinh tế. Đây cũng là nội dung
cuộc trò chuyện với chuyên viên kinh tế Nguyễn Minh Phong trong
"Gặp gỡ & Đối thoại" thứ Năm tuần này.</em>

Cuộc trò chuyện này không tập trung phân tích sâu vấn đề,
mà chỉ gợi ra những ý tưởng cho các chuyên gia, độc giả và
cả những người có trách nhiệm cùng suy nghĩ và trao đổi,
trong một mục đích chung là tìm hướng đi hiệu quả nhất cho
nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập.

Cuộc trò chuyện cũng không nhằm mổ xẻ Vinashin, tập đoàn
vốn đã bị mổ xẻ quá nhiều trong những ngày gần đây.
Những kinh nghiệm của Vinashin chỉ được đưa ra như những
biểu hiện lâm sàng thuyết phục nhất khi bàn về căn bệnh
tiềm ẩn, mà nhiều người đã đề cập của các tập đoàn
kinh tế, hay nói rộng hơn là khối doanh nghiệp nhà nước.

<h2>Quá lợi dụng sự phát triển đa ngành để đầu tư lung
tung</h2>

<em>- Xin cho biết quan điểm của ông về vai trò của khu vực
kinh tế nhà nước, trong đó DNNN đóng vai trò đầu tàu dẫn
dắt nền kinh tế?</em>

<strong><em>Chuyên viên kinh tế Nguyễn Minh Phong:</em></strong> Chúng
ta cứ nói rằng trong nền kinh tế DNNN là chủ đạo, nhưng
điều này gây tranh cãi rất lớn. Người ta hoàn toàn có thể
đặt vấn đề khác đi, khi nói rằng vai trò DNNN rất quan
trọng. Như vậy, dễ nghe hơn nhiều, và cũng tạo ra dư địa
để tìm ra cái vai hợp nhất cho các diễn viên DNNN đóng.

Theo cách đặt vấn đề đó, chúng ta có thể đưa ra những
gợi ý rằng DNNN có vai trò quan trọng ở những lĩnh vực nào.
Nếu để giúp nhà nước giữ vững định hướng xã hội chủ
nghĩa trong khi xây dựng nền kinh tế thị trường, hay để phát
triển những lĩnh vực nhằm đảm bảo đời sống xã hội, DNNN
không phải là doanh nghiệp kinh doanh theo mục đích thương mại
tự thân. Bởi lợi ích, lợi nhuận, thị trường không phải
lợi ích tự thân của DNNN.

Theo tôi, DNNN có mục đích làm đối trọng với độc quyền
của tư nhân, nhất là với những doanh nghiệp tư nhân quá
mạnh có thể cấu kết với nhau để thao túng thị trường theo
kiểu độc quyền.

Thứ hai, DNNN phải tham gia vào những lĩnh vực mà tư nhân không
muốn làm, chẳng hạn đầu tư phát triển vùng sâu vùng xa,
nhằm đảm bảo đời sống xã hội ổn định ở những chỗ
đó.

Thứ ba, DNNN có thể tham gia vào những lĩnh vực có rủi ro mà
các khu vực kinh tế khác chưa dám làm, để tạo cú hích cho xã
hội.

Thứ tư là đầu tư trong những lĩnh vực độc quyền của nhà
nước như sản xuất vũ khí, hay khai thác vàng ở những vị
trí nhạy cảm với an ninh quốc gia..., hoặc, chẳng hạn, kinh
doanh nhà tù.

Qua đó, theo tôi, DNNN không thể nhân danh vì lợi ích thị
trường mà họat động, cạnh tranh như nhữnng doanh nghiệp bình
thường khác. Bởi DNNN được hưởng rất nhiều ưu đãi về
tín dụng, đất đai và quyền kinh doanh. Nếu họ muốn họat
động theo kiểu thị trường canh tranh bình đẳng, những ưu
đãi trên phải bị xóa bỏ.

Nếu làm rõ được điều này, chắc chắn Việt Nam sẽ loại
bớt được nhiều doanh nghiệp trong khu vực nhà nước, từ
chiếm tỷ trọng 80% trong nền kinh tế xuống chỉ còn 10-20%
thôi, thậm chí thấp hơn.

Nói tóm lại, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, họat động
chủ yếu bằng tiền thuế thu từ xã hội hay tiền bán tài
nguyên chung của đất nước, dứt khoát phải làm nhiệm vụ
cân đối và phân bổ lại các lợi ích cho xã hội.

<center><img src="http://tuanvietnam.net/assets/Uploads/hoangngoc2.jpg"
alt="" /></center>
<center><em>Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện trưởng Viện Nghiên
cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội, Ảnh Huỳnh Phan</em></center>

<em>- Theo ông, việc đầu tư tràn lan vào các dự án của một
tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinashin tại sao lại diễn ra
dễ dàng và nhanh chóng như vậy?</em>

Vinashin quá lợi dụng sự phát triển đa ngành để đầu tư
lung tung. Trong bối cảnh tham nhũng phát triển, lý tưởng bị
suy giảm, và cơ chế còn nhiều lỗ hổng, chính việc đầu tư
tràn lan là những cơ hội để lợi dụng bỏ tiền nhà nước
vào các dự án. Bởi lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế nhà
nước, như Vinashin, là những người được bổ nhiệm có thời
hạn và theo lẽ tự nhiên, họ phải thông qua càng nhiều dự
án càng tốt, và càng thu lợi cho cá nhân nhiều hơn.

Câu chuyện cốt lõi nằm ở chỗ chính phủ cho họ trở thành
tập đoàn, được phép kinh doanh đa ngành một cách ồ ạt
thiếu sự chuẩn bị cả về mặt pháp lý lẫn kinh nghiệm.
Chẳng riêng gì Vinashin các tập đoàn kinh tế nhà nước khác
đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ, theo kết luận của kiểm toán
nhà nước được công bố hàng năm từ 2007 tới nay vào những
dự án kiểu này.

Việc nhân danh đầu tư đa ngành để đầu tư vào những dự
án chưa có luận chứng kinh tế đầy đủ là một trong những
nguyên nhân khiến không ít các tập đoàn kinh tế nhà nước
bị thua lỗ nặng. Nhưng, về nguyên tắc, đầu tư đa ngành là
điều tất yếu, bởi thị trường luôn mở ra những cơ hội
mới, sân chơi mới cho doanh nghiệp hoạt động chưa hết công
suất, hay phát hiện ra cơ hội lợi nhuận lớn.

Nhưng mặt khác, đây là câu chuyện thương mại, câu chuyện
lỗ lãi, nên đòi hỏi tính chuyên nghiệp và tính trách nhiệm
rất cao. Đất này không dành cho những kẻ tay mơ, cứ tưởng
tàu mình đóng lướt sóng tốt là mình "lướt sóng" chứng
khoán cũng ngon.

<h2>Công bố thông tin tài chính doanh nghiệp làm hình thức</h2>

<em>- Thưa ông, kể từ năm 2007, trong các báo cáo kiểm soát,
báo cáo giám sát thường niên của quốc hội đều nêu gương
Vinashin như một đối tượng lớn. Nhưng tại sao họ vẫn tiếp
tục được khoanh nợ, giãn nợ, và thậm chí được chỉ
định tiếp tục vay nợ?</em>

Bởi những chuyện đó, kể cả công bố thông tin tài chính
doanh nghiệp đều được làm rất hình thức. Nhiều thông tin
còn bị ém lại, không được công bố. Các báo cáo tài chính
của tập đoàn này đều được làm đẹp.

Điều đó còn cho thấy hiệu lực của giám sát thanh tra rất
kém. Giá như những hồi chuông cảnh báo, cảnh tỉnh đó
được lắng nghe và đáp ứng sớm, hậu quả đã không tai hại
như bây giờ. Nhưng nếu giờ đây bài học Vinashin được áp
dụng ngay, sẽ tránh dược nhiều cuộc đổ vỡ tiếp tục trong
tương lai.

Việc thi đua khen thưởng trong khối DNNN cũng là một tác nhân
khiến Vinashin phần nào đó che mắt được không ít người.
Nếu vào trang web của Vinashin vào tháng 3.2010, chúng ta vẫn
thấy họ đăng dòng thông báo là Vinashin đứng thứ ba trong thi
đua yêu nước của toàn bộ khối DNNN năm 2009. Để rồi, sau
đó mấy tháng thì sụp.

Công tác thông tin về thi đua yêu nước có mặt tốt là kích
thích tất cả những động lực tốt, nhưng nếu làm hình thức
nó sẽ tạo ra lớp hỏa mù, tạo ra nhiễu giá trị. Hay nói nó
tạo ra "làn sương khói mờ nhân ảnh" để che đi cái "bộ mặt
thật" trong con mắt cả xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và
cả các cơ quan chức năng.

<em>- Theo qui định, tập đoàn do thủ tướng chủ quản, và
thủ tưởng giao cho các cơ quan chính phủ dưới quyền thực
hiện việc giám sát và kiểm soát. Trong trường hợp Vinashin,
có hai bộ giữ vai trò kiểm soát và giám sát rất rõ ràng.
Vậy vai trò của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính ở đâu khi
xảy ra những sai phạm liên tục ở tập đoàn này?</em>

Vinashin chịu trách nhiệm trước thủ tướng, các bộ cũng
chịu trách nhiệm trước thủ tướng. Vậy cho nên cũng chẳng
ông nào hơn ông nào, mà thực hiện quyền nọ quyền kia với
nhau.

Riêng về Bộ Tài chính, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn
nhà nước (SCIC) không phát huy đầy đủ vai trò mà lẽ ra nó
phải thể hiện, tức là quản lý nguồn vốn đầu tư của
doanh nghiệp nhà nước, mà chỉ mới là anh kế toán ghi sổ
sách. Vì vậy, có nêu ý kiến, kiến nghị gì cũng dễ dàng bị
bác luôn.

Có lẽ điều duy nhất SCIC có vai trò trong vụ Vinashin là thực
hiện chỉ đạo của lãnh đạo chính phủ mua lại với giá
gốc phần đầu tư của tập đoàn này vào chứng khoán Bảo
Việt, mặc dù giá thị trường đang rất thấp. Người ta nói
rằng việc SCIC bỏ lơ việc quản lý vốn nhà nước trong doanh
nghiệp khiến cho nhiều DNNN còn họat động kém hơn thời họ
chưa thành lập, bởi chức năng này lúc đó đã có bộ phận
khác lo.

Còn về Bộ Công Thương, về nguyên tắc, là bộ chủ quản.
Nhưng hoạt động của DNNN, trong đó có các tập đoàn kinh tế,
lại tuân theo các luật và qui định khác nhau, và ít nhiều có
tính độc lập so với bộ chủ quản. Bản thân luật cũng có
nhiều kẽ hở, hay nói cách khác là có cách hiểu khá thoải
mái và tùy tiện, tiện cho việc xuê xoa hay phớt lờ vì ngại
va chạm hay vì lợi ích cá nhân.

<em>- Tức là, nói một cách khác, cơ chế kiểm soát giám sát
đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước thì mơ hồ, còn
bộ máy thực hiện việc này thì quá yếu, nếu không nói là
quá ít tính hiệu lực?</em>

Các cơ quan chức năng cũng đã thừa nhận rằng phần lớn các
vụ tiêu cực tham nhũng lớn đều do báo chí phát hiện. Theo
tôi, đây không phải là lời khen cho báo chí, bởi báo chí
Việt Nam cũng chưa có đủ quyền thực hiện nhiều cuộc điều
tra độc lập, mà là thừa nhận vai trò hữu hạn của các cơ
quan chức năng.

Hơn nữa, có một thực tế là cơ quan giám sát, cơ quan thanh
kiểm tra họat động theo chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị.
Trong khi đó thủ trưởng một đơn vị lại cũng hoạt động
trong một mối quan hệ nào đó với thủ trưởng các đơn vị
khác. Điều đó, dù muốn hay không, cũng tạo ra giới hạn, sự
kiềm tỏa, và vô hình trung, tạo ra sự vô hiệu hóa lẫn nhau.

Tôi nghĩ công tác thanh kiểm tra phải đươc giao cho bên tư pháp
mới độc lập tương đối được, chứ không nên để bên
hành pháp làm như hiện nay. Nếu năm ngoái, thanh tra nhà nước
kiên quyết đề nghị với Thủ tướng cho thanh tra Vinashin,
thiệt hại sẽ đỡ hơn rất nhiều, và ông chủ tịch cũng
đỡ khốn khổ như bây giờ.

Đó là chưa nói đến việc thanh tra theo định kỳ. Đây là kẽ
hở rất lớn cho doanh nghiệp bị thanh tra có cách chống đỡ,
và đất cho những câu chuyện lợi ích phát triển.

<h2>Quản lý theo tư duy nhiệm kỳ</h2>

<em>Khi thành lập tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam,
một trong những điều được nhân danh là để phát triển
những ngành khác, nhất là công nghiệp cơ khí. Tuy nhiên, ngành
công nghiệp cơ khí không nhận được sự lan toả đó. Thưa
ông, vì sao? Bởi điều này cũng đúng với nhiều tập đoàn
khác, khi không đảm đương được vai trò dẫn dắt các doanh
nghiệp khác trong nền kinh tế cùng phát triển?</em>

Lẽ ra, các doanh nghiệp cơ khí trong nền kinh tế phải được
liên kết trong một chuỗi, nhưng thực tế, tự Vinashin đẻ
thêm ra những công ty mới, những dự án mới, và sự liên kết
đó nằm bó gọn trong Vinashin. Bản thân Vinashin cũng không phải
tạo ra sức liên kết, lan tỏa với ngay cả các DNNN khác, nói
gì đến tư nhân. Bởi, theo những gì tôi tìm hiểu, mục đích
chính của họ dường như không phải là sự lan tỏa đó, mà
nhu cầu giãn nợ, nhu cầu huy động thêm vốn. Các dự án, doanh
nghiệp mới chính là cái cớ rất tốt.

Lẽ ra, DNNN phải có vai trò rất lớn trong việc tạo ra các
mối liên kết, trong ngoài, trên dưới, để tạo ra một chuỗi
phát triển, nhất là cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị
của toàn cầu. Nhưng vai trò của Vinashin và các tập đoàn kinh
tế nhà nước khác là hầu như không có. Toàn bộ tư duy dự
án, thời vụ, tư duy của lãnh đạo theo nhiệm kỳ, hay nói
gọn là tư duy lợi ích chụp giật, đã lấn át và áp đảo
tất cả các tư duy kinh tế khác, như dài hạn, liên kết và
hiệu quả.

<em>Việc sinh đẻ tràn lan các công ty con trong các tập đoàn
kinh tế nhà nước, điển hình là Vinashin với thêm 200 công ty
mới được thành lập, liệu có bóng dáng của những vụ đã
xảy ra trong khu vực kinh tế tư nhân trước đây hay không? Tức
là hàng loạt công ty con được thành lập, giám đốc được
bổ nhiệm lung tung, chỉ cốt để đi vay tiền ngân hàng?</em>

Tôi chưa có nghiên cứu sâu về tên và bức tranh họat động
kinh tế của 200 công ty đó. Nhưng rõ ràng việc lập ra 200 công
ty mới, thay vì mở rộng sự liên kết với bên ngoài, và cũng
không có nhiều sự hỗ trợ cho công ty mẹ phát triển hoàn
toàn có thể dẫn tới suy luận logic như anh.

<em>- Người ta nói, ở nước ngoài, quá trình thành lập tập
đoàn là quá trình tự nhiên. Người ta phải mở thêm những
ngành mới, chủ yếu các đối tác làm ăn lâu dài với nhau tự
nhiên thấy cần phải đầu tư vốn để mở rộng sản xuất -
kinh doanh, và tạo liên kết cho chặt. Liệu cái cách thành lập
tập đoàn theo mệnh lệnh hành chính của Việt Nam chính là
nguyên nhân của cơ sự bây giờ không?</em>

Chúng tôi cũng nghiên cứu về vấn đề này. Ở nước ngoài,
hình thức thành lập tập đoàn theo nhu cầu kinh tế, tức là
các doanh nghiệp có liên hệ với nhau về sản phẩm và thị
trường có nhu cầu liên kết với nhau để hình thành sự phân
công chuyên môn hóa, hợp tác hóa, hoặc đầu tư lẫn nhau, để
cùng tồn tại và phát triển tốt hơn.

Cái cách của Việt Nam cũng chẳng phải không giống ai đâu. Ở
nước ngoài cũng tồn tại hình thức này. Có điều, chủ yếu
ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, và hiệu quả của chúng
thế nào anh biết rồi đấy (cười).

Hàn Quốc dưới thời Pak Chung-hee, đã có những tổ chức
chaebol rất mạnh theo nghĩa đó, tức là vốn được vay theo
bảo lãnh của chính phủ, lỗ được cấp bù, họat động theo
sự chỉ đạo chung của chính phủ. Tuy xuất thân của chúng là
những công ty gia đình.

Nói gì thì nói, những chaebol này đã tạo ra xương sống nền
kinh tế, tuy sau đó bị thất bại. Có điều, sau một cú sốc,
họ đã tái cấu trúc lại, cái nào tệ quá thì bỏ đi, và bây
giờ chaebol phát triển mạnh hơn.

Việt Nam đã đến lúc phải như vậy. Cần tái cấu trúc lại
với sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhiều hơn,
với định hướng kinh tế rõ ràng hơn, và hoạt động lành
mạnh hơn, thị trường hơn.

Tôi nghĩ tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam được
hình thành trên một nhận thức tiên tiến về mô hình phát
triển, nhưng bước đi và mô hình ban đầu vẫn bị mơ hồ
quá. Tức là chúng ta làm một cái mới mà để quán tính và
lợi ích cũ chi phối nhiều quá. Hay nói cách khác, con tàu mà
chúng ta đang đi, tuy có cái vỏ mới, nhưng máy móc, thiết bị
trên tàu đã quá đát rồi.

<h2>Nên chuyển từ vai trò chủ đạo sang vai trò nòng cốt</h2>

<em>Chắc ông có nghe về sự thu hẹp lại qui mô và mục tiêu
cuối cùng của đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Đề án này
đã được xây dựng từ ý tưởng rất tham vọng và tốt đẹp
ban đầu là nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế, và, theo
đó, xác định lại vai trò của lực lượng dẫn dắt nền kinh
tế và phân bổ lại nguồn lực đầu tư cho hợp lý. Tuy nhiên,
quá trình cổ phần hóa bị đình hoãn, rồi tư duy tập trung
mọi nguồn lực cho tập đoàn kinh tế nhà nước, đã khiến cho
đề án này phải đi chệch so với mục tiêu ban đầu, ngay cả
tên gọi cũng bị thay đổi. Liệu việc đổ vỡ của Vinashin
này, nhìn theo hướng tích cực, có tạo một cơ hội mới để
những người có trách nhiệm suy nghĩ, nhìn nhận đúng hơn về
vai trò của tập đoàn kinh tế nhà nước, rộng hơn là vai trò
của khu vực kinh tế nhà nước, trong nền kinh tế. Và, từ
đó, sẽ có một cơ hội nào đó cho đề án này được phục
hồi như ý tưởng ban đầu?</em>

Theo tôi, vai trò của tập đoàn kinh tế nhà nước trong tương
lai là một vấn đề cốt lõi cần xem xét lại một cách nghiêm
túc. Chúng ta đã có bước tiến nhất định trong tư duy cổ
phần hóa, dù chậm và thiếu chủ động. Bây giờ, phải có
bước thay đổi tiếp theo.

Vai trò của khu vực kinh tế nhà nước trong nền kinh tế nên
chuyển từ vai trò chủ đạo, sang vai trò nòng cốt ở một số
lĩnh vực quan trọng. Bởi tư tưởng chủ đạo khiến ở lĩnh
vực nào khu vực kinh tế nhà nước vẫn phải có mặt, vẫn
phải chiếm đa số. Còn nòng cốt ở một số lĩnh vực quan
trọng là cái nào tư nhân không làm được hoặc làm quá kém,
cái nào cần nhà nước độc quyền thì DNNN mới tham gia.

Và tham gia từng bước một, rồi khi tư nhân tham gia tốt rồi,
nhà nước có thể rút dần ra bằng cách bán bớt cổ phần. Sau
đó, thực hiện những cơ chế để giảm thiểu tỷ trọng của
khu vực kinh tế nhà nước trong nền kinh tế. Điều này cũng
phù hợp với xu hướng kinh tế thế giới, khi khu vực kinh tế
nhà nước chỉ 10%-20%, và khiến cho các nguồn lực quốc gia
đỡ bị lãng phí.

<em>- Người ta hay đưa ra một hình ảnh thế này: Việt Nam gia
nhập WTO là ra biển lớn từ con sông nhỏ. Nhưng, khổ nỗi,
các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam muốn ra biển, lại vướng
các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, như những
con tàu to mà chạy chậm, chắn chình ình hết ở cửa biển.
Thành ra con tàu tư nhân nhỏ hơn, tuy tốc độ cao hơn nhiều,
vẫn không có kẽ mà lách ra. Kết quả là cả một nền kinh
tế bị tắc nghẽn ở cửa biển.</em>

<em>Ông bình luận gì về bức tranh này?</em>

Đó là một bức tranh tả thực. Họ quên mất rằng cuộc chơi
này là cuộc chơi ở biển, ở đại dương, chứ không phải
trên khúc sông như anh vừa đề cập. Bố tôi ngày xưa hay mắng
con cái: "Chúng mày là lũ khôn nhà dại chợ". Tôi thấy sao câu
đó đúng với cách tư duy của chúng ta hiện nay thế, đúng
với khu vực kinh tế nhà nước, DNNN đến thế. Đó là chưa
nói đến điều hành nền kinh tế hiện nay.

Ngay thậm chí khi nhà nước thua to, nhưng cá nhân thắng nhỏ
họ vẫn cứ chơi. Vinashin mua 12 cái tàu cũ làm gì, mua xong bỏ
đó. Hay tàu cao tốc Hoa Sen cũng mang về đắp chiếu, sau khi
chạy thử 1-2 chuyến.

<em>Sau vụ tái cấu trúc Vinashin, cũng có luồng ý kiến hy vọng
rằng nhà nước sẽ có sự nhìn nhận lại vai trò và cấu trúc
của tập đoàn và biết đâu sẽ tìm ra hướng phát triển các
tập đoàn đúng đắn hơn. Bởi dù sao thực thể kinh tế này
đã tồn tại, bất chấp sự phản đối, phản biện của
nhiều người. Chẳng hạn, trước mắt, để biến thành quả
đấm thép, bàn tay phải nắm chặt lại trong ngành kinh doanh
lõi, thay vì xòe hết các ngón tay ra trong sự kinh doanh đa
ngành?</em>

Chẳng qua đây là chuyện họ bất đắc dĩ phải làm, nếu
không thì hậu quả còn vô cùng nghiêm trọng. Chứ báo động
đỏ có từ năm 2007 cơ mà. Và với tư duy đó của họ, tôi
không mấy lạc quan về tương lai. Một khi chủ thuyết phát
triển chưa thay đổi, bộ giá trị chuẩn chung của anh chưa
được điều chỉnh thích ứng, và hợp lý hóa, và cơ chế
vẫn như cũ, vẫn sẽ có tiếp tục những Vinashin Đệ Nhị,
Đệ Tam, đến Đệ N.

Việc tách Vinashin làm ba, theo tôi hiểu, nhận thức của nhà
nước vẫn chưa thay đổi. Việc Vinashin đăng ký mấy chục
lĩnh vực đầu tư từ xuất nhập khẩu, resort đến sản xuất
bia, trong đề án tái cơ cấu mới nhất, các nhà lãnh đạo có
thẩm quyền vẫn cho phép Vinashin đăng ký lại. Nhưng hoạt
động quan trọng nhất của tập đoàn này là đóng tàu thì
lại bị xé ra đưa sang chỗ khác.

Đành rằng, chuyển vận tải biển sang Vinalines là có vẻ hợp
lý, khi tập đoàn này chuyên về vận tải biển. Nhưng anh giải
thích với tôi thế nào về việc chuyển một phần đóng tàu,
mặc dù họ nói là đóng tàu dầu sang Petro Vietnam cho có vẻ
hợp lý, chuyên về khai thác dầu khí? Theo tôi, đây chỉ là
câu chuyện xiết nợ.

Tôi vẫn nghiêng về quan điểm rằng việc tái cấu trúc lại
Vinashin không phải nhằm tạo ra một tập đoàn đóng tàu mạnh,
mà chỉ để gỡ cho một thực thể kinh doanh đang bị vỡ nợ.
Nhưng kèm theo đó, họ lại đặt nền móng cho một Vinashin đệ
nhị có tên là Petro Vietnam - hiện vẫn khả dĩ được coi là
họat động lành mạnh.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5686), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét