Matt O’Sullivan - Qantas bị giữ tại Việt Nam để làm tiền

<strong><em>Việt Nam đã giữ Qantas và Jetstar để lảm tiền như
thế nào</em></strong>

Họ là hai quản lý công ty có nhiều tham vọng, được gửi
đến vùng quan ngoại của vương quốc Qantas. Công việc của
họ rất đơn giản: giúp một hãng hàng không nhỏ, đang làm
ăn lỗ lã tại Việt Nam trở thành một nguồn sinh lợi của
nhãn hiệu Jetstar thuộc quyền sở hữu của hãng hàng không
Qantas, một nhãn hiệu dự trù sẽ trở thành trung tâm của sự
phát triển nới rộng vào thị trường Châu Á nhiều lợi ích.

Bà Daniela Marsilli đến với thủ đô thương mại bùng phát TP
HCM vào năm 2007 cùng với chồng là ông John Brinkley và cô con
gái 4 tuổi Amelia. Bà Marsilli là một trong những nhân viên
quản trị đầu tiên của Qantas sang làm việc tại Việt Nam và
đã trở thành trưởng ban quản trị của chi nhánh đáng lẽ
sẽ trở thành Jetstar Pacific.

Một năm sau đó, từ Melbourne, ông Tristan Freeman dọn vào một
căn hộ thượng lưu thuộc Quận 1 của thành phố cùng với bà
xã và hai cô con gái, và đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng
tài chính.

Điều họ không ngờ được là các chức vị ở quốc ngoại
này của họ sẽ trở thành ác mộng của cuộc đời.

Trong vài tuần vừa qua hai nhân vật này đã được âm thầm
trở lại Sydney sau khi gánh chịu điều mà bạn bè họ gọi là
một "<em>kinh nghiệm tồi tệ và xấu hổ</em>" tại Việt
Nam. Họ đã bị ngăn cản không được rời khỏi Việt Nam hơn
6 tháng dài trong khi chính quyền điều tra nguyên nhân thua lỗ
của hãng hàng không Jetstar Pacific.

Hy vọng được trở về quê hương của họ đã thường xuyên
bị đập vỡ mỗi khi viên chức chính quyền liên tiếp chất
vấn họ - cả hai đều không nói được tiếng Việt. Phỏng
theo lời của một người bạn thì "<em>họ đã bị đe dọa
và hỏi cung, bị từ chối không được cố vấn luật pháp, và
không ai cho họ biết rằng họ đã bị tố tụng về tội
gì.</em>"

Nhưng không giống như việc Trung Quốc bắt giữ cựu nhân viên
quản trị Stern Hu được công bố bởi cơ quan ngôn luận, bà
Marsilli và ông Freeman là những nhân viên quản trị đã bị
quên lãng trong trí nhớ của người dân Úc, kể cả khi thông
tin được hé mở về việc họ bị chính quyền Việt Nam cách
ly với gia đình ngay trước khi họ chuẩn bị bước lên chuyến
bay trở về nhà để đón Giáng Sinh.

Hai nhân viên này hiện nay có thể đã về đến nhà nhưng
những mối nghi ngờ về khả năng hãng hàng không Qantas có thể
tiếp tục hoạt động tại Việt Nam hay không thì vẫn còn đó.
Dù sao đi nữa thì không có cáo trạng nào được áp đặt
đối với bà Marsilli và ông Freeman. Cuộc điều tra về số
tiền tổn thất 31 triệu USD trong giao kèo thu mua xăng dầu của
Jetstar Pacific vào năm 2008 đã "bị kết thúc" không một lời
giải thích. Hãng hàng không Qantas và bạn bè của hai nhân viên
nói rằng hai người này không muốn trả lời công khai về các
sự kiện đã xảy ra.

Vấn đề then chốt ở trọng tâm của cuộc điều tra liên quan
đến cấp quản lý hàng đầu của Qantas. Ông Alan Joyce, chủ
nhân của Jetstar trước khi đảm nhiệm chức vụ thủ trưởng
của Qantas năm 2008, là một trong hai viên chức quản trị
người Úc thuộc 6 thành viên hội đồng quản trị của Jetstar
Pacific khi giao kèo thu mua xăng dầu được thỏa thuận vào tháng
2 năm 2008. Người thứ nhì là ông David Hall, cựu trưởng phòng
tài chính của Jestar và cũng là thủ trưởng đương nhiệm của
khoa kỹ thuật trong hãng hàng không Quantas.

Khi những tranh cãi bắt đầu ló dạng, Qantas đã tìm cố vấn
luật pháp về việc các nhân viên quản trị của họ đi lại
Việt Nam có an toàn hay không. Có một dạo, hội đồng quản
trị của Jetstar Pacific đã họp thảo ở Singapore thay vì ở
trụ sở đặt tại TP HCM.

Hãng hàng không Qantas đã bị kẹt ở giữa hai phái đối lập
tại Việt Nam: một phe muốn Jetstar Pacific được vững mạnh
thêm và một phe muốn Jetstar Pacific phải rời khỏi thị
trường. Bên cạnh cuộc điều tra về việc thu mua xăng dầu,
Jetstar Pacific đã phải đối diện với những chướng ngại
khác trong năm vừa qua, kể cả việc Bộ Giao Thông Vận Tải
nhiều thế lực muốn hãng hàng không này thay đổi logo của
mình trước tháng 9.

Jetstar Pacific là mối đe dọa lớn nhất đối với hãng hàng
không quốc doanh quốc gia này, đó là Hàng Không Việt Nam. Đây
là hãng hàng không lớn thứ nhì của Việt Nam và cũng là hãng
hàng không đầu tiên với cổ phần mở rộng cho các nhà đầu
tư ngoại quốc khi Qantas thâu mua cổ phần đầu tiên vào năm
2007. Qantas hiện đang giữ 27% cổ phần trong khi chính phủ
Việt Nam giữ tất cả cổ phần còn lại qua các CTy Đầu tư
Quốc doanh.

Ông Carlyle Thayer, giảng viên ĐH New South Wales kiêm chuyên gia
nghiên cứu về những chuyển đổi kinh tế và chính trị tại
Việt Nam, cho biết rằng người ngoại quốc không nên trông
cậy vào việc lệ thuộc hệ thống luật pháp ở Việt Nam vì
các điều luật và hoạt động thương mại không thể tin cậy
được rằng chúng được chấp hành đúng như đã đặt ra.

Ông ta [Thayer] nói rằng "<em>Nói cho cùng thì Việt Nam không
phải là một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Môi
trường thương mại có sự hung hiểm trong đó vì chính quyền
sẽ can thiệp với tư cách chính trị và sẽ thành lập tội
danh cho những hoạt động mậu dịch. Bài học ở đây chính
là các tập đoàn quốc doanh Việt Nam sẽ mãi được bảo vệ
khi đối lập với các công ty quốc ngoại - thị trường này
không có sự quân bình.</em>"

Cuộc điều tra của chính quyền Việt Nam về sự thua lỗ trong
việc thu mua xăng đầu bắt đầu vào cuối năm trước mặc dù
kết quả của kiểm duyệt trước đó do KPMG tiến hành cho ủy
ban chủ cổ phần Jetstar Pacific cho thấy rằng hợp đồng thu mua
này chẳng có vấn đề gì cả. Các hãng hàng không thường
sử dụng các giao kèo thu mua xăng dầu nhằm giữ giá cả quân
bình. Nhưng giao kèo mà Jetstar Pacific đã ký kết cho chu kỳ
2008-2009 là giao kèo đầu tiên của họ thuộc thể loại này.

Với giá xăng dầu gia tăng gần đến mức kỷ lục, ông Freeman
đã ký kết một giao ước với Cty Xăng Dầu Hàng Không Việt
Nam (VN Air Petrol) do chính quyền làm chủ. Giao ước này quy
định VN Air Petrol sẽ bán 75% số dầu của mình cho Qantas với
giá cao nhất là $135 USD mỗi thùng cho hết thời hạn 1 năm vào
cuối tháng 5 năm 2009. Nhưng chỉ trong vòng vài tháng giá dầu
đã thuyên giảm đột ngột bởi ảnh hưởng của cơn khủng
hoảng kinh tế toàn cầu; và tính đến cuối năm 2008 thì giá
dầu chỉ còn $50 USD cho mỗi thùng mà thôi. Điều này khiến
hãng hàng không này "lỗ vốn rất nặng" qua hợp đồng này.
Bà Marsilli vô hình trung đã bị dính líu vào cuộc điều tra
vì bà ta đã đặt bút ký các văn bản liên quan đến hợp
đồng thu mua khi bà tạm thời đảm trách chức vị của ngài
thủ trưởng người Việt hiện đang bị cầm tù, ông Lương
Hoài Nam, vì lúc đó ngài thủ trưởng đang nghỉ phép.

Vụ thua lỗ này đã trở thành vũ khí cho tầng lớp chính trị
người Việt đối lập với việc đầu tư của Qantas. Một
nhân viên cho biết, "<em>Các đối lập đã có kể từ ngày
hãng hàng không được đặt tên là Jetstar Pacific [từ tên cũ
là Pacific Airlines]. Nó được xem như là Qantas bước vào để
đạp vó sắt một người tí hon.</em>"

Một người đưa tin trong cuộc khác nói rằng chính quyền Việt
Nam đã thành công trong việc ép giữ Qantas để làm tiền –
cùng với việc bắt giữ bà Marsilli và ông Freeman để tăng
thêm áp lực - nhằm đảm bảo việc Qantas sẽ không thực thi
quyền lựa chọn bán (put option), rút vốn đầu tư ra khỏi
Jetstar Pacific. Quyền lựa chọn bán được sử dụng để lôi
cuốn các nhà đầu tư bằng cách cho họ cơ hội rút vốn đầu
tư nếu công ty không đáp ứng được các đòi hỏi được
đặt ra.

Cho dù người ta có muốn dẹp bỏ nó [Qantas] đến thế nào đi
nữa, thực thi quyền lựa chọn bán đồng nghĩa với việc các
chủ cổ phần người Việt phải tìm cho ra 50 triệu USD để
trả cho Qantas.

Người đưa tin này cũng nói rằng bà Marsilli và ông Freeman đã
bị ép buộc, như điều kiện để thả họ về nước, để
tuyên bố vào tháng trước trong một buổi phúc thẩm do một
vị tướng từ Bộ Công An chủ tọa, nhìn nhận rằng chính họ
chịu trách nhiệm về số tiền bị lỗ trong giao kèo thu mua
xăng dầu.

Trưởng phòng ngoại vụ của Quantas ông David Epstein đã bác bỏ
luận điệu cho rằng người Úc bị bắt giữ để làm tiền và
phủ nhận việc họ bị tạo áp lực để viết bản tự thú.
Ông ta [Epstein] nói rằng, "<em>có nhiều giả thuyết được
đặt ra chung quanh sự kiện này và phần đông các giả thuyết
này đều sai cả.</em>"

Qantas đã có vai trò "tác nhân mậu dịch" cho các giao dịch
thu mua xăng dầu trong năm 2008 vì Việt Nam không có một cơ cấu
hiện hữu cho Jetstar Pacific, ông [Epstein] cho biết như thế. Ông
ta cũng nói rằng "<em>cuối cùng thì trách nhiệm pháp lý mậu
dịch thuộc về Jetstar Pacific và Cty này phải trang trả số
tiền này từng khoản theo quy định.</em>" Ông Epstein nói
rằng Qantas gần đây đã gia hạn quyền lựa chọn bán của
mình "<em>một vài năm cho đến lúc Cty này đạt đến điểm
thành công trong thương mại.</em>" Ông ta cũng nhấn mạnh
rằng Qantas không có dự định gì để rút ra khỏi Việt Nam và
đã quyết tâm gia tăng số cổ phần của mình trong Jetstar
Pacific đến mức 30%.

Ông Epstein cũng xác nhận rằng Qantas đã nợ đến $10 triệu
(USD) ở từng giai đoạn của Jetstar Pacific trong những sắp
đặt thương mại khác riêng với hợp đồng thu mua xăng dầu
này. Theo lời ông Epstein thì "<em>thật sự đã có một giai
đoạn đến mức đó [đến 10 triệu], [nhưng] tôi không tin
rằng hiện nay chúng tôi có những giai đoạn tương tự như
thế.</em>"

Sự khuếch trương của Qantas vào Việt Nam bằng cách tăng
cường sự hiện diện của mình qua các hợp tác dưới nhãn
hiệu Jetstar là một phần của một chiến lược lớn rộng hơn
nhắm vào thị trường Á Châu với mức tăng trưởng cao. Khi
ông Joyce và cựu thủ trưởng của Qantas ông Geoff Dixon, khánh
thành nhãn hiệu mới của hãng hàng không này tại VN vào năm
2008, họ tuyên bố rằng phi lộ giữa TP HCM và Hà Nội sẽ gia
tăng lợi ích hơn so với phi lộ giữa Sydney và Melbourne.

Quanta cũng đã để mắt đến TP HCM như là trọng tâm của
nhiều chuyến bay của Jetstar nối liền với Âu Châu sử dụng
loại phi cơ Dreamliner 787 mới do Boeing sản xuất. TP HCM là một
giải pháp rẻ tiền hơn so với Singapore hoặc Bangkok.

Nhưng giá vé tối đa quy định bởi chính phủ Việt Nam đã
khiến việc nhìn nhận khả năng tiềm tàng của nền kinh tế
này trở nên khó khăn. Đầu năm nay, Jetstar đã chọn phi
trường Changi của Singapore làm trọng tâm khởi hành cho các
chuyến bay sang Âu Châu từ Á Châu.

Các nguồn tin bên trong đang đặt câu hỏi trên lý do căn bản
của Qantas quanh quyết định ở lại Việt Nam. Nhưng Qantas kiên
quyết rằng họ đã quyết tâm với Việt Nam và Jetstar Pacific
giờ đang làm ra tiền.

"<em>Chúng tôi, cũng như các cộng tác của chúng tôi, rất tin
tưởng rằng sự việc này [với bà Marsilli và ông Freeman]
không nên có những ảnh hưởng đáng kể trong hợp tác thương
mại của chúng tôi</em>," ông Epstein cho biết như thế.

Cựu đại sứ của Úc Châu tại Việt Nam, ông Richard Broinowski,
thì nói rằng bài học của Quantas tại Việt Nam là phải cẩn
trọng và nên có một mạng lưới thông tin tốt.

"<em>Việt Nam cũng như Trung Quốc. Có nhiều cởi mở trong kinh
tế thị trường nhưng đằng sau đó vẫn còn bàn tay sắt của
Đảng CS</em>," ông Broinowski nói.

"<em>Nếu mọi việc không nằm trong quyền lợi của họ….
họ nhất định sẽ làm đến cùng như thế.</em>"

Lời khuyên triết lý này rất có thể sẽ không đem đến sự
an ủi nào cho bà Marsilli và ông Freeman.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5849), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét