Dustin Roasa – Các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam không hiện diện trong tâm tưởng phương Tây

Vào ngày 8 tháng Mười năm 2009, một phụ nữ người Hà Nội
tên Trần Khải Thanh Thuỷ đi xuống Hải Phòng, thành phố biển
ở Việt Nam, để dự phiên toà xử sáu nhà hoạt động đấu
tranh dân chủ. Nhưng chị không đến được toà án. Ngược
lại, chị bị công an chặn đường bắt phải quay về nhà chờ
có thông báo mới. Tối hôm ấy, hai người đột nhập vào nhà
dùng gạch đánh chị trước mặt chồng và con gái, trong khi đó
các công an bên ngoài thản nhiên đứng nhìn. Rồi công an bắt
chị và cáo buộc chị tội hành hung.

Phiên toà xử Trần Khải Thanh Thuỷ diễn ra vào tháng Hai năm
nay và kéo dài một ngày. Chứng cớ buộc tội chính là tấm
ảnh được xem là của nạn nhân, người bị băng bó ở đầu,
về sau những người viết blog Việt Nam chứng minh rằng ảnh
đó đã bị nguỵ tạo thô thiển. "Đây là sự thêu dệt và
hoàn toàn vu cáo," Trần Khải Thanh Thuỷ nói về những về
những cáo trạng. "Tôi phản đối phiên toà này, và tôi không
đến đây để chấp nhận điều này." Toà án kết tội chị
ba năm rưỡi tù, nhưng chị đã không nghe được bản án vì
chánh án đã đuổi chị ra khỏi toà do tội tự tiện nói
trước toà. Thông cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human
Rights Watch) tuyên bố là vụ xử "cố tình bóp méo sự
thật."

Đây không phải là sự bất đồng đầu tiên giữa Trần Khải
Thanh Thuỷ với nhà cầm quyền. Chị đã bị ở tù vào năm 2007
vì viết những bài báo chỉ trích chính quyền và kêu gọi dân
chủ đa đảng. Các tổ chức nhân quyền và chính phủ nước
ngoài xem chị là tù nhân lương tâm và đang kêu gọi trả tự
do cho chị. Chị ít nhất là nhà hoạt động đấu tranh dân
chủ thứ mười sáu bị cầm tù ở Việt Nam kể từ tháng
Mười năm 2009, nằm trong điều mà đại sứ Mỹ tại Việt Nam
mô tả là sự "tăng vọt" các vi phạm nhân quyền.

Quả thực đã có sự tăng vọt, nhưng đấy chỉ là phần nào
của câu chuyện lớn hơn rất nhiều, và có tính lịch sử hơn.
Lần đầu tiên kể từ khi thống nhất vào năm 1975, Đảng
Cộng sản cầm quyền đang đối mặt với sự thách thức bền
bỉ hơn và có tổ chức hơn về tính chính danh của Đảng.
Những người bất đồng chính kiến thuộc đủ mọi tầng lớp
trong xã hội đã cùng nhau kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử
và đa nguyên chính trị. Phong trào này tuy nhỏ, nhưng đang lớn
dần, và, xét theo mức độ trấn áp khốc liệt, nhà cầm
quyền xem đây là vấn đề nghiêm trọng.

Song thế giới bên ngoài hầu như chẳng lưu ý đến. Là nhà
báo đã từng làm việc ở Đông Nam Á trong năm năm vừa qua và
hay tiếp xúc với các nhà hoạt động đấu tranh dân chủ ở
Việt Nam, tôi thường tự hỏi tại sao phong trào đã không thu
hút đuợc sự quan tâm sâu rộng của thế giới như những phong
trào tương tự ở Trung Quốc, Miến Điện, và Zimbabwe. Cho dù
lý do thế nào chăng nữa, bạn có lẽ đang đọc ở đây lần
đầu tiên một bài viết về phong trào đấu tranh dân chủ ở
Việt Nam.

Câu chuyện ấy mở đầu vào ngày 8 tháng Tư năm 2006, khi một
nhóm các nhà hoạt động dân chủ công bố trên mạng bản
tuyên bố tên "Tuyên ngôn Tự do Dân chủ Năm 2006″. Hơn hai
ngàn người bao gồm các luật sư, cựu đảng viên Đảng Cộng
sản, nhà sư Phật giáo, linh mục Công giáo, nhà văn, trí thức
từ mọi miền đất nước, liều bị bắt để ký tên vào văn
kiện này. Họ được biết đến qua tên Khối 8406, được
đặt tên theo ngày công bố bản tuyên ngôn. Tuyên ngôn kêu gọi
tổ chức các cuộc bầu cử và kêu gọi xác lập một thể
chế chính trị tôn trọng các quyền cơ bản, lời lẽ trong
bản tuyên ngôn đánh thẳng vào phần cốt lõi nhất trong tính
chính danh của Đảng. Các cuộc chiến tranh giành độc lập
chống người Pháp và người Mỹ của Việt Nam, theo lời các
tác giả của bản tuyên ngôn, về cơ bản thực chất là mang
tính dân tộc. Song qua bạo lực và khủng bố trấn áp, những
người theo đuổi ý thức hệ cộng sản đã cướp và tiếm
đoạt công lao đấu tranh ấy để phục vụ cho các mục đích
riêng của mình. Điều này đúng hay sai nói chung không quan
trọng. Điều quan trọng là qua việc truy đuổi chính quyền ngay
chính trên lãnh địa mà chính quyền xem là thiêng liêng, tức
vai trò lãnh đạo của Đảng trong các cuộc chiến tranh giành
độc lập và thống nhất của Việt Nam, các nhà bất đồng
chính kiến đang phát đi một thông điệp rằng họ không nói
suông.

Nhà cầm quyền trả đũa bằng nhiều vụ bắt giam. Những ai
thoát khỏi cảnh tù tội thì đối mặt với cảnh bị đánh
đập, sách nhiễu, và hăm dọa. Báo chí nhà nước đăng những
bài báo lên án những thành viên Khối 8406 là "lạm dụng tự
do dân chủ" và mưu toan lật đổ chính quyền. Cuộc trấn áp
này đã gây ra hậu quả đáng sợ. Đa số các nhà bất đồng
chính kiến ngừng phát biểu công khai, nhưng một thiểu số rút
lui vào hoạt động bí mật, họ vẫn âm thầm tiếp tục tổ
chức và cho ra những nội san và tuyên bố.

Tôi có dịp thăm vài thành viên Khối 8406 ở Việt Nam vào mùa
đông năm 2007, và tâm trạng của họ là bi quan. Mặc dù họ tin
là, theo thời gian cùng với lòng kiên nhẫn, toàn thể nhân dân
sẽ tìm thấy đủ can đảm để chung sức với họ, nhưng phong
trào luôn luôn bị trấn áp và các thành viên đang bị mất hút
dần vào chốn lao tù. Các nhà bất đồng chính kiến bị cô
lập nên cần một vấn đề để kích hoạt sự ủng hộ.
Người thì hy vọng các quyền lao động sẽ là câu trả lời
– các cuộc đình công là hiện tượng ngày càng gia tăng tại
các xí nghiềp trong nước – ngược lại kẻ thì hy vọng các
quyền về đất đai và tự do tôn giáo sẽ tạo ra sự ủng hộ
hợp lòng dân. Các nhà bất đồng chính kiến cũng hy vọng các
nhà báo sẽ bắt đầu đổ xô vào trong nước để tường
thuật câu chuyện của họ, và các nhà hoạt động dân chủ
người nước ngoài sẽ quan tâm đến phong trào của họ. Trừ
một vài ngoại lệ, bao niềm hy vọng này đã không thành. Tại
sao?

Phải chăng Việt Nam thiếu một nhà lãnh đạo có tầm thu hút
lớn để lay động luơng tâm thế giới, như Aung San Suu Kyi
của Miến Điện hay Morgan Tsvangirai của Zimbabwe? Các nhà lãnh
đạo phong trào Việt Nam không có nhân vật nổi tiếng tương
tự, nhưng họ cũng đã chứng tỏ rất can đảm và từng trải
qua nhiều gian khổ không kém. Chẳng hạn, bác sĩ Nguyễn Đan
Quế ở thành phố Hồ Chí Minh, trong ba mươi năm vừa qua đã
ở tù đến hai mươi năm, tuy nhiên không ai biết đến ông
ngoại trừ các độc giả chăm chỉ nhất của trang mạng của
tổ chức Human Rights Watch. Ông tranh đấu không ngừng nghỉ với
tư cách tác giả, nhà tư tưởng, và nhà chiến lược của phong
trào. Ông hiện thực sự sống trong cảnh bị quản chế tại
gia, nơi ông bị công an theo dõi và sách nhiễu thường xuyên.
Dù bản thân và gia đình đã phải trả một giá quá lớn, ông
vẫn từ chối những lời mời sang sống lưu vong ở Hoa Kỳ.
Không có tiếng nói nào tốt hơn cho phong trào bất đồng chính
kiến Việt Nam bằng tiếng nói của Nguyễn Đan Quế. Nhưng thế
giới chẳng đáp lại lời họ.

Phải chăng phong trào không có đủ sự ủng hộ ngay trong nước
để được xem là một hiện tượng quần chúng thực sự? Mặc
dù chính các nhà bất đồng chính kiến thừa nhận rằng phong
trào còn nhỏ, có lẽ với chỉ độ vài ngàn thành viên tích
cực, nhưng họ tuyên bố có nhiều người Việt Nam ủng hộ
họ nhưng không thể bộc lộ do sợ nhà cầm quyền. Ta không có
cách thật sự nào để kiểm chứng lời tuyên bố này, nhưng
phong trào tranh đấu dân chủ tại Trung Quốc, vẫn số lượng
nhỏ như vậy và vẫn sự ủng hộ không thể xác định được
trong quần chúng như vậy, đã được truyền thông quốc tế
bênh vực ủng hộ. Các nhà báo như Howard French trong suốt
nhiều năm đã tích cực đưa những nhà bất đồng chính kiến
Trung Quốc lên trang nhất tờ New York Times, ngược lại tờ báo
ấy quyết định nhắc đến các nhà bất đồng chính kiến
Việt Nam chỉ một vài lần. Còn các tờ báo khác hầu như hành
xử cũng chẳng gì tốt hơn.

Phải chăng chính quyền Việt Nam thật ra chẳng tồi tệ đến
như thế? Theo các tổ chức như Human Rights Watch, Freedom House,
Phóng Viên Không Biên Giới, và nhiều tổ chức khác, Việt Nam
là một trong những nước hà khắc nhất thế giới. Chính
quyền Việt Nam không cho phép đối lập chính trị; chính quyền
kiểm soát toàn bộ truyền thông trong nước; chính quyền không
cho phép công nhân tập hợp tổ chức; chính quyền thường
xuyên tịch thu đất đai của nông dân để làm giàu cho nhà
cầm quyền và cho những kẻ có những mối quen biết về chính
trị. Tuy nhiên không hiểu sao chính quyền đã tìm được cách
giới hạn các cuộc thảo luận quốc tế về Việt Nam chỉ
riêng vào lĩnh vực du lịch và kinh tế đang bùng nổ ở trong
nước. Những người Phương Tây tái khám phá đất nước này
sau nhiều năm cô lập đã kinh ngạc khi thấy Việt Nam không còn
giống như vùng chiến sự ngày xưa và khi thấy Việt Nam mời
gọi đầu tư nước ngoài. Các cuộc thảo luận hay trò chuyện
đều không đi xa quá điều ấy.

Phải chăng thế giới đối xử Việt Nam khác vì Việt Nam
chiếm một vị trí độc đáo trong tâm tưởng Tây Phương?
Trước tiên, dĩ nhiên, "Việt Nam" gợi tưởng đến chiến
tranh. Trong tâm tưởng Tây Phương, tất cả những ý nghĩa khác
của từ này đều bắt nguồn từ sự gợi tưởng ấy. "Việt
Nam" là ẩn dụ đầy bất trắc của niềm tự tin thái quá
Tây Phương và, ngược lại, là sự cao quý của các phong trào
cách mạng thế giới thứ ba. "Việt Nam" gắn liền với
thập niên sáu mươi và với sự thay đổi căn bản trong các
giá trị Mỹ cùng sự xuất hiện nền văn hoá đại chúng mới.
Trong những năm gần đây, "Việt Nam" đã bắt đầu được
dùng đến để biện minh cho nhiều lập trường trái ngược
nhau về các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Nếu ta ủng
hộ sự tham chiến tiếp tục của Mỹ trong các cuộc chiến
này, "Việt Nam" là câu chuyện cảnh báo về cái giá bỏ rơi
đồng minh, là chuyện kể về các trại cải tạo và thuyền
nhân. Còn nếu ta phản đối các cuộc chiến này, "Việt Nam"
là câu chuyện cảnh báo không kém về những làng mạc bị ném
bom tan tành và những người lãnh đạo không trung thực. Cho
nên, ta không lấy làm ngạc nhiên rằng trong tâm tưởng Tây
Phương, "Việt Nam" không còn giống nhiều Việt Nam ngày nay,
một nước của tám mươi lăm triệu người dưới ách cai trị
của một trong những chế độ độc tài cộng sản cuối cùng
trên trái đất.

Dù vậy, có lẽ "Việt Nam" khắc sâu trong lòng nhất là
Việt Nam của mặc cảm có tội. Chuyện Hoa Kỳ đã làm những
điều kinh hoàng – từ chất độc da cam, ném bom rải thảm,
đến những vùng oanh kích tự do – là hiển nhiên, và nhiều
hậu quả từ những hành động này ngày nay ta vẫn còn nhìn
thấy ở cảnh và người ở đấy.

Tôi sống ở Phnom Penh, Cambodia, một đất nước chỉ mới vừa
đây thoát ra được cơn chấn thương từ cuộc chiến tranh
Việt Nam mà họ đã bị lôi kéo vào. Trong những di sản thấy
rõ nhất của thời chiến này là hình ảnh vô số người tàn
phế ở trong nước, nhiều người trong số họ bị mất tay
chân do hàng ngàn quả bom chưa nổ do máy bay Mỹ thả xuống
trong những phi vụ bí mật ở miền đông Cambodia đã san bằng
toàn bộ những ngôi làng và sát hại hàng chục ngàn người.
Những vùng rộng lớn ở miền đông Cambodia hiện vẫn còn
đầy rẫy những quả bom còn sót lại chưa nổ này, để rồi
từ đấy tiếp tục giết và gây tàn phế cho nhiều người
Cambodia nghèo ở nông thôn. Việt Nam cũng có những tàn tích
riêng của cuộc chiến, trong đó có đạn pháo chưa nổ còn sót
lại và những trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh do chất độc da
cam gây ra. Tôi sống và làm việc ở Việt Nam từ năm 2004 đến
2005, và bản thân thường cảm thấy it nhiều ray rứt hay xấu
hổ. Nhưng tôi ngạc nhiên rằng tôi không bao giờ gặp phải
sự thù hận từ phía những người Việt Nam. Thay vào đấy,
tôi chủ yếu cảm nhận sự cởi mở và quan tâm. Có nhiều
dịp khi chủ đề chiến tranh được nhắc đến, phản ứng
thường phụ thuộc tuổi tác người đối diện. Người trẻ
nói chung thờ ơ về cuộc xung đột đã diễn ra trước khi họ
chào đời và chẳng ảnh hưởng gì mấy đến cuộc đời họ.
Còn những người Việt Nam đủ lớn tuổi để trải qua chiến
tranh nói chung là rất lịch sự, tôi nghĩ điều này có lẽ do
người Việt Nam phân biệt rạch ròi giữa nhân dân Mỹ và các
hành động của chính quyền Hoa Kỳ. Tôi thậm chí thỉnh
thoảng đã gặp phải điều mà tôi hiểu là sự thương hại,
mà tôi tin là có liên quan đến kết quả của cuộc chiến: họ
thắng ta thua. Tuy thế tôi vẫn không bao giờ cảm thấy vơi
hết sự ray rứt và xấu hổ trong lòng.

Khi ở Việt Nam phần lớn thời gian tôi làm việc cho các báo
nhà nước ở Hà Nội. Vào đầu đợt làm việc ở một trong
những tờ báo này, tôi có lần biên tập một bài báo về các
phi công Mỹ trong thời gian chiến tranh bị giam tại "Khách
sạn Hilton", một nhà tù miền Bắc khét tiếng về việc đối
xử tàn tệ và tra tấn các người tù. Bài báo khẳng định
rằng miền Bắc Việt Nam đã đối xử tốt với các người
tù. Để chứng minh điều ấy, báo đưa ra một loạt các tấm
hình trắng đen đã bị nổi hột chụp cảnh người Mỹ đang
chơi bóng chuyền và đánh cờ và ngồi thành vòng tròn trò
chuyện với nhau ở trong sân nhà tù. Qua các dáng bộ cứng
ngắc và những nụ cười gượng gạo, những tấm hình này rõ
ràng đã được dàn dựng trước. Tôi nghĩ đến chuyện nên
than phiền với người biên tập về điều này. Không phải vì
lời góp ý sẽ thay đổi số báo ra ngày hôm sau – những
người phụ trách kiểm duyệt của báo đều có quyết định
cuối cùng về tất cả nội dung của báo sẽ được in ra –
mà vì, ít ra, cũng phải có người lên tiếng phản đối. Tuy
nhiên, sau khi suy nghĩ lại, tôi đã từ bỏ ý định ấy. Là
người Mỹ, tôi lập luận, tôi không có quyền phàn nàn, khi
xét đến tất cả những chuyện ghê sợ mà nước tôi đã gây
ra ở Việt Nam trong thời chiến tranh. Chẳng quan trọng là
những chuyện này xảy ra trước khi tôi sinh ra, và tôi sẽ lên
án những chuyện này ngay nếu có bất kỳ ai hỏi đến. Tôi
sẵn sàng chấp nhận phiên bản lịch sử mà tôi biết là giả
dối để tránh đối diện với cảm giác xấu hổ mà tôi đã
không tìm được những lời giải hợp lý.

Từ nơi ấy tôi nhảy ngay qua nơi khác với những công việc
mới còn đáng lo hơn nhiều. Những tù binh cuối cùng đã trở
về Hoa Kỳ cách đây hơn ba mươi năm; thế còn ở đây ngay bây
giờ thì sao? Ngoài các nhà bất đồng chính kiến, trong dân
chúng nói chung ở Việt Nam có sự bất mãn thật sự về chế
độ chính trị hiện nay. Sau nhiều tháng gầy dựng lòng tin,
một số người Việt Nam tôi quen biết đã thổ lộ tâm tư
của mình. Một người bạn làm báo đã chợt vỡ lẽ ra khi
đọc cuốn Mộ Lenin của tác giả David Remnick tại một đại
học ở nước ngoài. "Cũng giống như ở đây thôi," chị
thì thầm với tôi vào một buổi tối khá khuya ở một nhà
hàng, "Tôi chẳng biết làm gì về hơn về chuyện này. Tôi
còn phải lo cho gia đình." Một tay ghi-ta chơi cho một trong vài
ban nhạc rock trong nước phàn nàn rằng các nghệ sĩ trình diễn
phải cẩn thận những gì họ nói trên sân khấu vì sợ rắc
rối với công an. Một nha sĩ thất nghiệp cho biết ông không
mở phòng mạch được vì thiếu tiền lo lót.

Là ngoại kiều, tôi sống thoải mái và chẳng phải lo sợ gì
nhà cầm quyền. Nhưng hễ lúc nào tôi bắt đầu quên đi hiện
thực trước mặt, thì một sự việc đã xảy ra thoáng qua trên
đường phố lại hiện về nhắc nhở tôi đến thực tại
thực sự như thế nào. Tôi sẽ không bao giờ quên cái cảnh
tượng một người phụ nữ bán trứng rong bị một tốp công
an đánh đập vào một buổi sáng trên đường tôi lái xe đi
làm. Chị là phụ nữ nghèo ở nông thôn dạt lên thành phố
kiếm sống, và tôi chẳng biết chị bị tội gì, hay có lẽ
tội vặt vãnh không đáng. Khi lòng đỏ trứng ứa ra từ những
vỏ trứng bị bể chảy xuống lòng đường, những người đang
trên đường đi làm thấy vậy khiếp sợ giả vờ không chú ý
đến, còn người phụ nữ bán hàng rong ấy nhẫn nhục chịu
đòn mà không một lời cầu cứu. Tôi cố gắng không chú ý
đến cảnh tượng đau lòng đang xảy ra ấy, nhưng khác với
những người đi đường khác, tôi không sợ công an. Các lý do
của tôi thì khác, và đến thời điểm ấy đã trở thành một
phản xạ: tôi lấy quyền gì mà lên án vụ đánh người ấy,
xét đến những gì nước của tôi đã gây ra tại Việt Nam
trong thời chiến?

Niềm ray rứt và nỗi xấu hổ đằng sau quyết định của tôi
đã không phản đối vụ đánh đập chị bán trứng rong ấy,
tôi tin, cũng chính là các thôi thúc giải thích quyết định
của cộng đồng quốc tế làm ngơ trước phong trào đấu tranh
dân chủ tại Việt Nam. Một người Tây Phương ủng hộ dân
chủ ở Việt Nam đương thời có thể gượng gạo nêu ra nhiều
lý lẽ tương tự như những lý lẽ biện minh cho chiến tranh
của người Mỹ – phải chăng chúng ta đã không rút ra được
bài học gì? Hãy quên đi rằng đưa ra sự ủng hộ công khai,
và, nếu cần thiết, cả về vật chất cho phong trào bất
đồng chính kiến sở tại là tuyệt đối khác hẳn với sự
ủng hộ can thiệp bằng quân sự. Theo nếp nghĩ này, những
người Tây Phương đã từ lâu mất đi "thẩm quyền đạo
đức" của mình để can dự vào Việt Nam đương thời ngoại
trừ với tư cách du khách hay nhà đầu tư.

Một vấn đề gắn liền với sự giả định này là thực ra
nó chỉ là sự ích kỷ vì nó cho phép những người Tây Phương
tránh đưọc những cảm xúc phức tạp và khó chịu. Vấn đề
khác là chẳng ai bận tâm nói chuyện với những người Việt
ấy. Ta có thể hỏi những nhà bất đồng chính kiến ấy sự
ủng hộ nào họ muốn, dù rằng các câu trả lời của họ cho
câu hỏi này sẽ gây ra những nguy hiểm rất lớn cho bản thân
họ.

Các nhà bất đồng chính kiến mà tôi biết hy vọng sự tham gia
nước ngoài vào sự nghiệp đấu tranh của họ. Họ cần đến
sự ủng hộ của các nhà báo và các nhà hoạt động dân chủ
để thuật lại câu chuyện của họ và qua đó áp lực Đảng
Cộng sản phải thay đổi. Thêm vào đấy, họ nói, cộng đồng
quốc tế có nghĩa vụ buộc Việt Nam phải tôn trọng những
tiêu chuẩn nhân quyền thông qua những tổ chức quốc tế mà
Việt Nam đã gia nhập hay hy vọng gia nhập. Cuối cùng nhiều
người chọn ra Hoa Kỳ: người Mỹ phải tác động hơn nữa,
vừa với tư cách cá nhân và vừa thông qua chính phủ, để
đòi hỏi có sự thay đổi ở Việt Nam.

Điểm cuối cùng này dễ dẫn đến tranh cãi, nhưng nó không
dựa vào niềm tin hơi ngây thơ về các ý định của Mỹ; mà
đấy là sự thừa nhận hiện thực có tính địa-chính trị.
Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất
của Việt Nam; Hoa Kỳ cũng là nơi có cộng đồng người Việt
lưu vong đông nhất thế giới; người Mỹ là một trong những
nhóm khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam hàng năm; và, tuy
Trung Quốc mới trỗi lên gần đây, nhưng Hoa Kỳ vẫn là
người dự phần có ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á.
Những hoang tưởng do tội lỗi gây ra về những người Mỹ
đang sám hối tội lỗi của họ trong quá khứ bằng cách đứng
bên lề vẫn chỉ đơn thuần là những hoang tưởng. Chúng không
giải thích sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ ở tại
nước này. Khi mối ảnh hưởng này còn duy trì, thì người Mỹ
phải bảo đảm rằng nó có yếu tố nhân quyền mà không nhất
thiết phải hợp với quyền lợi Mỹ về thương mại hay về
chiến lược.

Trong các nhà bất đồng chính kiến tôi có dịp nói chuyện,
Nguyễn Thanh Giang, nhà địa vật lý bảy mươi bốn tuổi ở
miền Bắc, có những quan điểm khá tiêu biểu về những chủ
đề này. Tuy ông chưa bao giờ là đảng viên Đảng Cộng sản,
nhưng ông vẫn được giữ chức vụ lãnh đạo ở Cục Địa
chất Hà Nội trong một thời gian dài. Chính quyền cho phép ông
sang Hoa Kỳ để dự một số hội nghị vào những năm tám
mươi và chín mươi – ông là một trong những nhà khoa học
đầu tiên được phép đến Mỹ – nhờ vậy ông đã mở mắt
thấy được những vấn đề ở Việt Nam. Từ đấy ông bắt
đầu viết những bài góp ý và thư ngỏ gởi tới Đảng nhằm
kêu gọi cải cách. Năm 1999 ông bị bắt giam về tội bất
đồng chính kiến và bị biệt giam hơn một tháng, nhưng ông
được thả ra do áp lực từ chính phủ Hoa Kỳ và từ các tổ
chức nhân quyền và khoa học. Hiện giờ ông về hưu và sống
trong cảnh bị quản chế tại gia ở Hà Nội.

Tuy Nguyễn Thanh Giang kêu gọi Mỹ ủng hộ sự nghiệp đấu
tranh dân chủ, nhưng ông không phải là kẻ biện minh cho những
hành vi của Mỹ trong thời chiến. Người Mỹ đúng khi cảm
thấy đau buồn và xấu hổ, ông viết trong một điện thư gởi
cho tôi. "Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam cũng phải nên bày tỏ
sự đau buồn và xấu hổ tương tự," ông viết. Chế độ ở
Việt Nam đã làm những chuyện "trái với đạo lý và xuẩn
ngốc không kém" trong và sau chiến tranh, bao gồm chiến dịch
Cải cách Ruộng đất giữa thập niên 1950 đã khiến hàng trăm
ngàn người chết, và vụ trấn áp tàn bạo phong trào Nhân Văn,
một nhóm cải cách của Đảng Cộng sản. Ông nêu những
chuyện này ra không phải để xí xoá cho hành vi của Mỹ, mà
để chứng minh điều ông tin là bản chất thật sự của
chiến tranh, tức một "trò chơi bẩn thỉu" mà khi tàn cuộc
không ai lại không vấy bùn. Nhưng tội lỗi không có nghĩa là
sự ân hận nên khiến cho người Mỹ bị tê liệt; trái lại,
họ nên coi đó là một trách nhiệm đặc biệt để "đền bù
sự tàn phá do bom Mỹ gây ra ở Việt Nam " bằng cách ủng hộ
phong trào đấu tranh dân chủ.

Một số người Mỹ đã lên án tình cảnh tại Việt Nam. Song
rất ít người trong số họ thuộc về cánh Tả. Một số nhỏ
các tờ báo Mỹ đăng những bài ủng hộ phong trào đấu tranh
dân chủ Việt Nam thường có khuynh hướng bảo thủ: các tờ
Wall Street Journal, New York Post, New York Sun. George W. Bush đã mời
bốn nhà hoạt động dân chủ người Mỹ gốc Việt, trong đó
có một người từng bị ở tù, đến toà Bạch Ốc vào năm
2007 và giúp đạt được sự phóng thích cho nhà bất đồng
chính kiến trên mạng Nguyễn Vũ Bình trước khi Chủ tịch
nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết thăm toà Bạch Ốc trong cùng
năm. Barack Obama, ngược lại, đã không biểu lộ sự quan tâm
như thế về chủ đề này, mà ta có lẽ chẳng lấy làm ngạc
nhiên vì ông cũng chẳng mở miệng nói gì về nhân quyền ở
Châu Á. Như vậy chỉ còn lại hai nhóm cử tri chính người Mỹ
hoạt động tại Việt Nam, và cả hai đều bảo thủ: mạng
lưới những người quan tâm đến tự do tôn giáo và các nhà
đầu tư quan tâm đến tự do kinh tế.

Tự do tôn giáo và tự do kinh tế thật sự là những vấn đề
quan trọng đối với phong trào đấu tranh dân chủ, nhưng
chương trình hành động của phong trào bao quát hơn nhiều và
bao gồm những vấn đề tha thiết đối với những ai cấp
tiến, chẳng hạn các vấn đề người thiểu số và các quyền
lao động. Những nhà bất đồng chính kiến xem mình là đồng
minh tự nhiên của hàng triệu công nhân Việt Nam đang làm việc
tại các nhà máy sản xuất hàng hoá cho Phương Tây. Các cuộc
đình công, tuy bất hợp pháp, nhưng đã gia tăng trong những năm
vừa qua, nên các nhà bất đồng chính kiến đang cố gắng đi
sâu vào công nhân, bất chấp chính quyền ra sức ngăn chặn
họ. Chừng nào chính quyền Việt Nam và giới chủ Tây Phương
là những tiếng nói duy nhất ở các nhà máy, các công nhân
nhất định còn chịu bao điều kiện khắc nghiệt, tiền công
thấp, và sự cô lập về chính trị.

Tuy nhiên, vẫn có con đường tiến đến tương lai cho những
người Mỹ nào quan tâm đến dân chủ và nhân quyền tại Việt
Nam. Khi hồi tưởng lại quá khứ của mình ở Việt Nam, Hoa Kỳ
hầu như chẳng có gì để cảm thấy tốt, nhưng nước Anh cũng
đâu có vui gì khi hồi tưởng lại lịch sử của họ ở
Zimbabwe hay ở Miến Điện. Thế mà người Anh và chính quyền
họ đã và đang là những người chỉ trích chính cả hai chế
độ, cho dù biết làm thế là chịu đựng những lời tố cáo
có thể đoán trước được như thói xưa đánh chết cũng không
chừa. Người Mỹ cất tiếng phản đối chế độ hiện nay
tại Việt Nam có thể lường trước lời tố cáo như vậy từ
chính quyền Việt Nam và cũng từ bên ngoài nước này. Điều
ấy sẽ gợi lên những ký ức không vui, nhất là đang có
chiến tranh diễn ra tại Iraq và Afghanistan.

Nhưng cái giá đứng bên lề lại quá cao, đặc biệt khi xét
đến những biến chuyển gần đây ở Việt Nam mà gợi ý rằng
phong trào đang ở vào một giai đoạn rất quan trọng. Vào mùa
hè năm 2008, các nhà bất đồng chính kiến nhận một món quà
không ngờ từ nhà cầm quyền. Chính quyền Việt Nam đã âm
thầm nhượng đất trị giá hàng tỷ đô la cho một công ty
Trung Quốc ở cao nguyên trung phần Việt Nam. Theo điều khoản
của việc mua bán này, công ty Trung Quốc đã đưa vào hàng ngàn
công nhân nước ngoài, vào lúc thất nghiệp lên cao tại Việt
Nam, và họ đồng thời xây dựng những khu nhà ở và những
nhà hàng mang bảng hiệu tiếng Trung Quốc.

Ít có vấn đề nào đoàn kết người Việt Nam cho bằng sự
nghi ngờ về người hàng xóm to lớn của họ ở phương Bắc.
Hai nước có chung lịch sử đầy sóng gió được đánh dấu qua
những thời kỳ dài Bắc thuộc và chiến tranh, gần đây nhất
là cuộc chiến tranh tuy ngắn nhưng đẫm máu vào năm 1979. Phản
ứng mạnh mẽ chống lại vụ khai thác mỏ đã bùng lên.
Tướng Võ Nguyên Giáp chín mươi tám tuổi, vị anh hùng quân
đội của Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và
Mỹ, đã công khai chỉ trích sự nhượng bộ đất đai này.
Những người viết blog ở Việt Nam viết về hiểm hoạ thâm
nhập từ các nhân viên tình báo và quân đội bí mật Trung
Quốc. Phong trào đấu tranh dân chủ đã chụp lấy vấn đề
này này để phát ra những lời hiệu triệu cháy bỏng kêu gọi
lòng yêu nước của người Việt được lồng trong những
nguyên tắc dân chủ: tầng lớp cai trị cao nhất trong chính
quyền tham lam, vô trách nhiệm, đang bán đứng linh hồn Việt
Nam cho Trung Quốc, và chỉ có thể chế chính trị thật sự dân
chủ mới có thể ngăn chặn họ lại.

Một người chỉ trích đã kết nối vấn đề Trung Quốc với
dân chủ là Lê Công Định, luật sư bốn mươi mốt tuổi từng
theo học tại Đại học Tulane nhờ học bổng Fulbright. Lê Công
Định nổi tiếng ở Việt Nam sau khi đại diện cho chính phủ
trong một số vụ kiện nổi bật, trong đó có việc tranh chấp
thương mại với Hoa Kỳ về vụ bán phá giá cá ba sa, mà Việt
Nam đã thắng. Anh cũng đảm nhận công việc đầy bất trắc
là biện hộ cho các nhà bất đồng chính kiến tại toà, nhưng
danh tiếng cùng với địa vị cao trong chính quyền đã bảo vệ
anh khỏi bị trả thù. Cuối cùng anh bị rắc rối với nhà
cầm quyền khi anh bắt đầu viết các bài về vụ khai thác
bauxite và cũng về vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc liên
quan đến các đảo có tiềm năng chứa nhiều dầu lửa trên
biển Đông. Vào ngày 20 tháng Giêng năm nay, anh bị kết án năm
năm tù vể tội tuyên truyền chống nhà nước. Án tù áp đặt
lên Lê Công Định phát đi một tín hiệu rõ ràng: phát biểu
công khai về Trung Quốc và dân chủ sẽ không dược dung thứ,
dù với những ai có mối quan hệ với chính quyền hay xuất
thân trong các gia đình tốt về chính trị.

Khi qua vấn đề Trung Quốc, ngày càng có nhiều người Việt
trở nên ý thức về phong trào đấu tranh dân chủ, và khi sự
trấn áp các nhà bất đồng chính kiến càng tiếp tục khốc
liệt như hiện nay, sự ủng hộ quốc tế dành cho sự nghiệp
đấu tranh dân chủ ở Việt Nam càng cực kỳ quan trọng hơn bao
giờ hết. Trường hợp Lê Công Định nhắc nhở rằng trong các
xã hội chuyên chế, bất đồng chính kiến là một chuyện
đầy nguy hiểm mà chẳng đảm bảo thắng lợi. Dù vậy, ta hãy
tưởng tượng nếu những lời kể của Solzhenitsyn về <a
href="http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=13932&rb=08">các quần
đảo ngục tù</a> bị bỏ rơi ngoài tai. Hay nếu <a
href="http://www.talawas.org/?p=4771">Hiến chương 77</a> không bao giờ
được ai ngoài biên giới Tiệp Khắc đọc đến. Ngay giờ đây
có những Solzhenitsyn và những Havel ở Việt Nam. Liệu có ai sẽ
lắng nghe họ?

<em>Dustin Roasa là nhà báo tự do tại Cambodia viết về các vấn
đề nhân quyền và phát triển ở Đông Nam Á. Ông đã sống ở
Việt Nam từ năm 2004 đến 2005 và thường quay trở lại Việt
Nam.</em>

<em>Nguồn: "Vietnamese Dissidents: Absent from the Western Mind", Tạp
chí Dissent, số mùa Hè năm 2010.</em>

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5616), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét