Thăm dò AP-GfK: Người Việt lạc quan về tương lai

Hà Nội, Việt Nam - 35 năm sau chiến tranh Việt Nam, người dân
nước này lạc quan về tương lai, ủng hộ thị trường tự do
và hiếm khi nghĩ lại cuộc xung đột vẫn còn nhen nhóm những
đam mê chính trị ở Mỹ.

AP-GfK - cuộc điều tra của hãng tin AP – là một trong những
cuộc điều tra toàn diện nhất về thái độ của người Việt
Nam hiện tại, đã nhấn mạnh vào cuộc sống đang thay đổi
nhanh chóng như thế nào ở Việt nam. Dưới sự lãnh đạo của
Chính phủ với duy nhất một Đảng Cộng sản, đất nước này
đã có những cuộc cải cách theo định hướng thị trường và
đã đưa hàng chục triệu người dân thoát khỏi đói nghèo.

85% số người được hỏi cho biết nền kinh tế đã mạnh hơn
so với cách đây 5 năm, 87% cho biết họ cho rằng nó sẽ mạnh
mẽ hơn nữa trong vòng 5 năm tiếp theo. 81% nói rằng đất
nước đang đi đúng hướng.

Sự lạc quan của họ đối lập với sự bi quan đang lan rộng
ở Mỹ - nơi những cuộc điều tra cho thấy nhiều người Mỹ
tin rằng đất nước họ đang đi sai đường.

Một giáo viên về hưu tên là Luong Trung Thanh, 72 tuổi nói:
"Đất nước đã thay đổi rất nhiều ở nhiều cách khác nhau
kể từ khi chiến tranh kết thúc đến nỗi bạn không thể
tưởng tượng được. Nó thay đổi hàng ngày, ngay trước mắt
bạn. Các tòa nhà cao tầng đang mọc lên khắp nơi".

Cuộc chiến tranh kết thúc vào ngày 30.4.1975 với sự thất bại
của Chính quyền Sài Gòn (hiện nay là thành phố Hồ Chí Minh)
trước đội quân cộng sản từ miền Bắc.

Ban đầu, nạn đói lan tràn khi chính phủ đưa ra nền kinh tế
kế hoạch tập trung và khi phương Tây thực hiện bao vây kinh
tế. Bà Nguyen Thi Thao, 83 tuổi, nhớ lại việc xếp hàng với
tem phiếu tại các cửa hàng của chính phủ ở Hà Nội, chờ
lấy phần gạo và các nhu yếu phẩm của mình.

Nhưng 2 thập kỷ trước, các lãnh đạo Đảng Cộng sản bắt
đầu mở cửa nền kinh tế, tạo ra một sự đột phá tại
quốc gia Đông Nam Á có 86 triệu dân này.

Sự tăng trưởng kinh tế trung bình đạt hơn 7% một năm trong
thập kỷ qua và tỉ lệ dân số sống trong nghèo đói đã giảm
từ 58% năm 1993 xuống còn 11% vào năm ngoái. Thu nhập bình quân
đầu người tăng từ 400 USD năm 2000 lên 1.000 USD. Mức thu nhập
tăng gần gấp đôi tại 2 thành phố lớn nhất là Thành phố
Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.

"Tôi có một tương lai tươi sáng" Ho Thu Thao, một nữ sinh 17
tuổi ở Hà Nội nói – "Mọi thứ sẽ tốt hơn cho tôi so
với cha mẹ tôi trước đây. Nền kinh tế Việt Nam đang đi
đúng đường".

Tại một cửa hàng ở trung tâm Hà Nội, nơi người ta bày bán
các sản phẩm điện thoại di động sử dụng tại Việt Nam,
những camera kỹ thuật số, iPods và những thiết bị công nghệ
cao khác được trưng bày. Cửa hàng này cũng đã có những
chiếc iPads bầy trên giá.

"Nền kinh tế đã tốt hơn rất nhiều so với 5 năm trước"
– người bán hàng có tên Tran Anh Diep nói – "Người ta có
nhiều tiền hơn và có đủ khả năng mua nhiều hơn. Mỗi tuần
tôi bán được khoảng từ 20 đến 25 chiếc iPod".

Tuy nhiên, theo cuộc điều tra của AP-GfK, vấn đề túi tiền
vẫn là điều quan tâm hàng đầu của hầu hết các gia đình so
với các vấn đề như môi trường, tội phạm, nhà ở và giao
thông.

<em>Với những người bị kẹt ở dưới đáy, quan sát sự tăng
trưởng bùng nổ của Việt Nam có thể là điều khó khăn.</em>

<em>Nguyen Thi Thanh, 47 tuổi, một người bán hàng hoa quả rong ở
Hà Nội, cả ngày phải tránh xe máy và ôtô để tìm kiếm thu
nhập một hay hai đô-la một ngày. Trên đường phố xung quanh
chị, giới nhà giàu mới nổi lượn lờ trong những chiếc BMW,
Mercedes và thậm chí cả Bentleys.</em>

<em>"Một vài người trong bọn họ tiêu cho bữa sáng còn nhiều
hơn số tiền tôi kiếm được trong một tuần", chị Thanh
nói.</em>

<em>Nhiều người trả lời thăm dò bày tỏ sự lo ngại về
lạm phát, vốn tăng cao trong những năm gần đây.</em>

"20 năm trước, người Việt Nam lo lắng về việc cung cấp
thực phẩm, quần áo cho các gia đình" – Nguyễn Trần Bạt,
chủ tịch Investconsult Group – một công ty tư vấn kinh doanh -
nói: "Bây giờ họ không lo về sinh kế nữa mà về cải
thiện địa vị của mình".

Cuộc khảo sát cho thấy có một sự ủng hộ lớn dành cho các
công ty tư nhân, đặc biệt là trong giới trẻ. 56% số người
thích loại hình kinh doanh sở hữu tư nhân trong khi chỉ có 25%
mong muốn có thêm sự sở hữu của nhà nước.

Số công ty tư nhân đã tăng mạnh trong vòng thập kỷ qua, nhưng
trong đó có nhiều công ty gia đình. Các công ty lớn của nhà
nước vẫn chiếm áp đảo nền kinh tế với một số công ty
độc quyền chiếm giữ một số ngành quan trọng.

"Việt Nam cần làm nhiều hơn nữa để tiếp tục phát triển
ngành tư nhân, nếu không thì sức mua và năng suất, hiện tại
tại đang tăng lên, có thể giảm xuống trong tương lai" –
ông Bạt nói.

77% số người được hỏi nói rằng sự khác biệt lớn về thu
nhập là chấp nhận được vì nó khuyến khích mọi người làm
việc chăm chỉ hơn. Cũng phần trăm số người được hỏi này
nói rằng cạnh tranh là tốt vì nó khuyến khích các doanh
nghiệp và sự cải tiến.

"Người ta đã chứng kiến sự phát triển ở Việt Nam và họ
thấy có thể đạt được rất nhiều từ việc mở cửa nền
kinh tế" – Bà Phạm Chi Lan, nguyên phó chủ tịch Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.

Cuộc điều tra AP-GfK được tiến hành vào tháng 2 và 3 vừa
qua, đã phỏng vấn 1.600 người ở thành thị, tiểu thành thị
và vùng nông thôn trên khắp cả nước. Những người được
hỏi nằm ở mọi vùng đất nước, ngoại trừ một số khu
vực dân cư rất nhỏ, nơi không có đường xe lên hoặc nơi
tiếng Việt không được sử dụng như ngôn ngữ chính. Tỉ lệ
sai số của cuộc điều tra là hơn kém 3,2%.

<em>Chính quyền Việt Nam không chấp nhận cạnh tranh và thường
xuyên bỏ tù những đối thủ của mình. Trong vài tháng gần
đây, nó đã gửi 16 thành viên của cộng đồng bất đồng
chính kiến vào tù vì cổ vũ cho dân chủ đa đảng.</em>

<em>Với tình hình chính trị như thế, thăm dò đã tránh các
câu hỏi liên quan đến đánh giá hoạt động của Đảng
CSVN.</em>

<em>Tuy nhiên, khi được hỏi về chính trị nói chung, 61% nói
họ không quan tâm, trong khi 39% nói họ có quan tâm.</em>

Ngoài ra, 56% số người được hỏi cho biết hiếm khi nghĩ về
cuộc chiến tranh Việt Nam và chỉ có 11% nghĩ thường xuyên về
nó.

"Người Việt Nam có truyền thống bao dung, tha thứ và nhìn
về tương lai hơn là về quá khứ" – Bà Lan nói.

55% cho biết cuộc chiến tranh không ảnh hưởng trực tiếp tới
họ, một kết quả có thể phản ánh dân số Việt Nam trẻ như
thế nào: 60% người Việt Nam sinh ra sau chiến tranh.

<em>Một số đông không tán thành việc Mỹ xâm lược Iraq và
Afghanistan - 58% và 55%. Chỉ có 3% nói rằng tiến hành các cuộc
chiến đó là quyết định đúng đắn. Phần còn lại không
biết hoặc không chắc chắn.</em>

<em>Tổng thống Barack Obama nhận được sự tán thành cao nhất
trong số các nhân vật nổi tiếng thế giới, chiếm 35% số
người thăm dò, vượt lên Thủ tướng Nga, ông Vladimir Putin,
một phần trăm.</em>

<em>Chỉ có 8% đứng về phía cựu Tổng thống George W. Bush,
trong khi 36% không tán thành ông này - đây là đánh giá mang tính
tiêu cực cao nhất dành cho một nhân vật nổi tiếng, chỉ
đứng sau Osama bin Laden.</em>

<em>"Bush theo xu hướng diều hâu, nhưng Obama muốn làm bạn với
các quốc gia trên thế giới", ông Bui Xuan Dau, một người lái
tắc xi ở Hà Nội, 52 tuổi, đã nói. "Tôi không biết ai được
hưởng lợi từ cuộc chiến, nhưng người Iraq và Afghanistan là
những người phải trả giá."</em>

__________________________

[*] Chuyển ngữ dựa theo bản dịch "<a
href="http://www.gdtd.vn/channel/2767/201004/AP-81-nguoi-Viet-cho-rang-dat-nuoc-dang-di-dung-huong-1926103/">81%
người Việt Nam cho rằng đất nước đang đi đúng hướng</a>".
Những đoạn in nghiêng là đoạn không có trong bản dịch của
báo Giáo Dục và Thời Đại

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4863), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét