Phỏng vấn ông Nguyễn Dy Niên - "30-4, đừng làm người ta đau thêm nữa..." (phần 2)

<div class="special_quote">Trong toàn bộ cuộc trò chuyện, khoảnh
khắc tôi rất nhớ là khi tôi hỏi về những hoạt động đang
được tiến hành để kỷ niệm ngày 30/4, và ông im lặng
chừng một giây, rồi trả lời: "30-4, đừng làm người ta đau
thêm nữa. Người chiến thắng dẫu sung sướng, nhưng cũng
phải nhìn thấy nỗi đau của những bà mẹ mất con". Đó là
ông Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam (từ
năm 2000 đến năm 2006).</div>

___________________

<em>- Trong lĩnh vực ngoại giao, muốn xây dựng vị thế trên
trường quốc tế thì phải làm thế nào, thưa ông?</em>

- Quan trọng nhất là phải xây dựng thực lực kinh tế. Nếu
không thì không làm được gì cả. Tôi đã từng tham gia hội
nghị đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Phải nói rằng để Mỹ ký hiệp định đình chiến năm 1973
như vậy thì trên chiến trường mình phải mạnh. Chúng tôi nói
với nhau là, có thắng ở chiến trường mới thắng ở bàn
hội nghị được, chứ trên bàn hội nghị mình không thể đi
xa hơn thắng lợi trên chiến trường.

Bây giờ cũng vậy thôi. Đến thời kỳ hòa bình thì thực lực
kinh tế của mình phải mạnh, vị thế quốc tế của mình mới
cao được. Không xây dựng được thực lực thì khó lắm. Hãy
nhìn vào Nhật Bản. Khác với chúng ta là nước chiến thắng,
Nhật Bản sau Thế chiến II là một quốc gia bại trận. Thế
nhưng người Nhật đã cắn răng chịu khổ, thậm chí có thể
nói thẳng ra là chịu nhục, để vươn lên, xây dựng đất
nước. Chúng ta là kẻ chiến thắng, thuận lợi hơn họ rất
nhiều, phải học tinh thần nhẫn nại kiên trì của họ để
xây dựng cho nước ta mạnh lên. Có mạnh lên thì mới có vị
thế cao ở khu vực và quốc tế được. Bác Hồ đã nói:
"Thực lực như cái chuông, ngoại giao như tiếng chuông. Chuông
có to, tiếng mới lớn".

<em>- Theo ông, trong hoạt động ngoại giao của Việt Nam hiện
nay, còn những vấn đề gì cần vượt qua và bằng cách
nào?</em>

- Hoạt động ngoại giao của chúng ta có thể đi xa hơn nữa,
nhưng cũng phải thấy ngoại giao chỉ là cánh tay nối dài của
đối nội, của tình hình trong nước, chứ không thể nào
vượt quá được. Cho nên muốn phát huy ngoại giao thì có
những cái vướng phải vượt qua, như vấn đề dân chủ, nhân
quyền, là áp lực mà Mỹ và các nước EU vẫn đặt ra cho
chúng ta. Tôi vẫn nhớ một lần sang Singapore, ông Lý Quang Diệu
bảo: "Singapore là nước một đảng, độc quyền nhiều thứ,
nhưng sở dĩ họ không chống đối chúng tôi quyết liệt như
với các ông, thì thứ nhất là do khác biệt về ý thức hệ.
Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ thì vấn đề ý thức hệ không
còn là cái lớn như trước. Cái thứ hai là vấn đề công
khai". Tôi lấy ví dụ, bắt người này, người kia, là việc
phải công khai, có sự thuyết phục chứ không chỉ nói một
vài câu chung chung. Người ta vi phạm luật pháp thế nào, vi
phạm điều luật nào, thì phải làm sáng tỏ ra chứ, phải nói
rõ, nói kỹ, và phải làm ngay, đừng để người ta lên tiếng
phản ứng mới đáp lại. Tôi nghĩ, quốc gia nào cũng vậy,
không ai có thể khẳng định mình là một xã hội đầy đủ,
hoàn thiện. Như ở Mỹ, sau vụ khủng bố 11 tháng 9, cảnh sát
ra đường có thể bắt và khám xét bất cứ người nào mà họ
tình nghi là khủng bố. Đó, đấy là mới bị động đến một
tí, chứ như Việt Nam trải qua cả một cuộc chiến tranh, bạo
loạn… làm sao mà mình buông lỏng được.

Cho nên phải dân chủ hơn nữa. Vì không có dân chủ thì không
thể có trí tuệ. Phải cho người ta nói, nói hết, nhất là
tầng lớp trí thức. Để cho trí thức có thể phản biện.
Lắng nghe họ, và sau đó có sự điều chỉnh, chứ cứ ào ào
nghe xong rồi lại thống nhất như nghị quyết thì thôi, đưa ra
làm gì. Người ta cần có niềm tin và cảm thấy rằng họ có
quyền đóng góp, dự phần vào các quyết định quan trọng của
đất nước. Mình thực hiện tốt vấn đề dân chủ, nhân
quyền thì hình ảnh Việt Nam sẽ khác nhiều lắm, và các
nước sẽ nể vì, tôn trọng mình.

Cái thứ hai là phải xây dựng thực lực kinh tế, chống tham
nhũng. Tham nhũng ở Việt Nam là cái nhũng nhiễu, tham nhũng
vặt, gây khó chịu. Nhưng nó chứng tỏ một thực tế là
đồng lương của chúng ta không đủ sống. Người ta có mức
lương hơn 10 triệu thì họ đã không làm chuyện vặt, họ có
lòng tự trọng chứ. Mới đây, tôi xem bộ phim "Những thiên
thần áo trắng". Phim kể chuyện, thầy giáo dạy thêm, trò
nào học thêm thì thầy cho điểm cao, làm cả lớp chống đối.
Nhưng đến khi các em đến nhà thầy mới biết thầy phải đi
tráng bánh cùng vợ để kiếm sống, thầy cơ cực quá, khổ
quá. Thế là sự chống đối dịu đi, học sinh thương thầy,
ôm thầy khóc. Cho nên tôi nghĩ tham nhũng sẽ giảm nếu ta nhìn
vào gốc rễ vấn đề là mức lương không đủ sống… Nhưng
cái này nói thì dễ, làm thì khó (cười). Quản lý xã hội là
bài toán rất khó.

Cái thứ ba tôi nghĩ là hòa hợp dân tộc. Người Việt chúng ta
có mặt ở khắp năm châu. Hòa hợp, đoàn kết sẽ mang lại
sức mạnh vô cùng lớn. Bác Hồ đã dạy: "Đoàn kết, đoàn
kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành
công". Phải nói đó là câu nói bất hủ, tuyệt vời.

30-4 là một khúc khải hoàn vĩ đại của dân tộc, nhưng 35 năm
đã trôi qua rồi. Tôi nghĩ giờ đây chúng ta cần một khúc
khải hoàn mà mọi người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ nơi
đâu, cũng đều có thể hát được. Đó chính là hòa bình,
độc lập và hòa hợp dân tộc để cùng xây dựng đất
nước. Sau 35 năm, tình hình đã khác rồi. Nếu chúng ta làm
được điều này thì vị thế của Việt Nam, những con mắt
nhìn vào Việt Nam, sẽ thay đổi.

Những dịp 30-4 như thế này là dịp để làm gia tăng tinh thần
đại đoàn kết. Phải làm sao để huy động tất cả các lực
lượng, cho dù còn ý nọ ý kia. 30-4, đừng làm người ta đau
thêm nữa. Người chiến thắng dẫu sung sướng, nhưng cũng
phải nhìn thấy nỗi đau của những bà mẹ mất con. Cho nên,
mình phải thấy phía bên kia nhiều đau đớn lắm. Phải làm sao
để thế hệ trẻ bên kia hướng về đất nước mà bảo rằng
đây là Tổ quốc CHUNG của những người Việt Nam, bất luận
ở đâu (ông Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh). Tổ quốc không của
riêng ai. Lúc này là lúc phải đoàn kết lại tất cả để
cùng nhau hát lên lời ca Vua Hùng dựng nước, chúng ta cùng xây
dựng để đất nước phát triển. Không mộng tưởng trở
thành cường quốc gì cả, nhưng chúng ta phải thể hiện ý chí
của một dân tộc: vươn lên. Tôi nghĩ lúc này là lúc phải
làm, đừng nói một chiều nữa. Tất nhiên phải trân trọng
những người đã hy sinh, đã đổ xương máu, nhưng 35 năm qua
rồi, phải nghĩ xa hơn, nghĩ tới tương lai. Hòa hợp là lúc
này đây, bây giờ là lúc cần hòa hợp. Mình phải nghĩ tới
tương lai dân tộc. Đừng để chia rẽ nữa, chia rẽ đã gây
bao đau thương cho dân tộc rồi. Người chiến thắng phải bao
dung, độ lượng, kéo tất cả mọi người lại.

<em>- Trong đường lối ngoại giao của Nhà nước ta bây giờ,
có điều gì cần phải lưu ý, thưa ông?</em>

- Cái lưu ý lớn nhất là độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh
thổ, mà chúng ta phải luôn luôn bảo vệ cho được. Thứ hai
là luôn phải nghĩ đến lợi ích của dân tộc mình. Phải nghĩ
đến dân tộc mình trước tiên, dù là lợi ích kinh tế, văn
hóa, hay bất kỳ lĩnh vực nào.

Thứ ba là phải luôn duy trì bản sắc của mình, tuy nhiên về
điểm này, theo tôi, xã hội có phát triển đến thế nào, thì
bản sắc dân tộc cũng không thể mất được. Người già thì
hay lo tụi trẻ lớn lên lại đánh mất hết, nhưng tôi nghĩ
không đến nỗi thế. Hồi xưa đánh Pháp, các cụ già cũng hay
bảo thế hệ tôi là "chúng mày rồi cũng lai căng hết
thôi", nhưng đâu có thế đâu (cười). Người Việt Nam mình
tinh thần dân tộc cao lắm.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4850), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét