Bill Hayton - Việt Nam: Con Rồng Đang Lên (2)

<h2>Chương I: Sân chơi của cộng sản tư bản</h2>

Mùa Thu là mùa cưới ở Việt Nam. Nhiệt độ giảm, không khí
bớt ẩm, mọi người đều muốn vui chơi. Vào một buổi tối
Chủ Nhật và các con đường ở trung tâm Sài Gòn tràn ngập
với cuộc diễu hành cuối tuần - đoàn thanh niên đi vui chơi
trên những chiếc xe gắn máy, với tiếng ồn và khói xe. Thanh
niên nam nữ cưỡi xe dọc theo những đại lộ rộng lớn, hân
hoan trong không khí tự do từ nền văn hoá mới của mình. Bắt
đầu từ đường Lê Duẩn, tên của vị lãnh đạo Stalinist
cuối cùng; họ chạy ngang qua Lãnh sự Quán Hoa Kỳ (toà đại
sứ quán cũ đã bị phá đi từ lâu); đến trước cổng Hội
trường Thống Nhất, cơ quan quyền lực của Sài Gòn cũ; xuống
bùng binh khổng lồ ở Chợ Bến Thành rồi rồ máy khải hoàn
lên đường Lê Lợi đến Nhà hát Thành phố - do thực dân Pháp
xây vào năm 1900, từng là toà nhà Quốc Hội cũ của chính
quyền miền nam và giờ đây lại trở thành nơi biểu diễn âm
nhạc. Họ tách ra ở Nhà hát Thành phố. Một số đi về
hướng bắc, qua khách sạn Continental - nơi Graham Greene từng
ngồi trước mái hiên viết Người Mỹ Thầm Lặng - và đổ
lên hướng Nhà thờ Đức Bà để nhập lại đám đông ở
đường Lê Duẩn. Đây là một vòng thăm viếng quá khứ mới
của Việt Nam: từ chiến tranh chia cắt, qua đói nghèo và đến
sự thịnh vượng vừa đạt được. Những ai hướng xuống
phía nam về đường Đồng Khởi - đường Catinat cũ - có thể
chứng kiến cảnh một đoàn xe cưới vừa đến Caravelle, khách
sạn hạng sang đầu tiên của Sài Gòn và từng là nơi trú chân
của những phóng viên tác nghiệp trong "Cuộc chiến chống Mỹ".
Nhưng khi họ phóng xe xuống hướng sông Sài Gòn, chắc chắn là
họ chẳng nghĩ gì nhiều về tính quan trọng của cặp vợ
chồng đang cưới nhau.

Mặc dù Caravelle không còn là khách sạn hạng sang duy nhất trong
thành phố, nó vẫn nằm ở đỉnh cao danh vọng của giới tinh
tuyển mới Sài Gòn. (Rất ít người gọi nó là Thành phố Hồ
Chí Minh.) Với nội thất thanh lịch, thức ăn chất lượng và
sự kén chọn khách khắt khe thì không đâu có thể tốt hơn
để đãi tiệc cưới dù có thể phải chi tiêu cả một gia tài
nhỏ. Tính chung mọi chi phí, giá một tiệc cưới ở đây có
thể dễ dàng lên đến 40 nghìn Mỹ kim. Nhưng nếu bạn mời
đúng khách, thì chi phí có thể được bù đắp bởi những
thứ bên trong những phong bì mừng cưới của họ. Ngày 16 tháng
Mười Một 2008, đôi vợ chồng trẻ đến đây ăn mừng lễ
thành hôn lại chẳng hề thiếu tiền. Chú rể là là Nguyễn
Bảo Hoàng, 36 tuổi, Đồng Tổng Giám đốc của một công ty
đầu tư - IDG Ventures Vietnam, và cô dâu là Nguyễn Thanh Phượng,
27 tuổi, Chủ tịch một công ty đầu tư khác, VietCapital. Hợp
lại, hai công ty của họ kiểm soát khoảng 150 triệu Mỹ kim
tiền đầu tư tại Việt Nam. Việc hai người trẻ tuổi lại
nắm quyền quản lý một lượng tiền khổng lồ như thế là
bằng chứng của sự thay đổi lạ thường ở Việt Nam trong hai
mươi năm qua. Hơn phân nửa dân số ở dưới tuổi 26, đất
nước này đang mong mỏi đuổi kịp các láng giềng châu Á,
đời sống đang tăng trưởng nhanh chóng đối với đa số
người dân, và những người được đặt vào những vị trí
tốt nhất để tận dụng tối đa những cơ hội là những
người trẻ tuổi.

Nhưng có một điều gì đấy đặc biệt hơn về đám cưới
này. Nguyễn Thanh Phượng không chỉ là một nhà đầu tư bình
thường; cô là con gái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - và
chồng của cô cũng không phải là một nhà đầu tư bình
thường; anh là một công dân Mỹ, cha mẹ anh từng rời khỏi
Việt Nam năm 1975 để trốn chạy những người Cộng sản. Nếu
ai cần bằng chứng về một Việt Nam mới vừa xuất hiện thì
chính là đây - sự kết hợp của con gái của một người
cộng sản Việt Nam và một nhà tư bản đầu tư có hậu thuẫn
của Mỹ. Có 200 khách mời tại buổi tiệc cưới, chiếm đủ
sức chứa của khách sạn - mặc dù hai vợ chồng dự định
đây chỉ là một đám cưới "nhỏ". Ngoại trừ một mẩu tin
ngắn ngủi trên một tờ báo ở Sài Gòn, không có tường
thuật chính thức trên truyền thông về đám cưới này tại
Việt Nam. Nhưng một dấu hiệu khác cho thấy là quốc gia này
đang thay đổi - tin này đã được giới blogger nhanh chóng thảo
luận như bất cứ những bài báo lá cải phương tây khác.

Xã hội "Việt Nam Mới" sẽ ra sao? Trên danh nghĩa nó vẫn là
cộng sản nhưng rõ ràng không phải là cộng sản như dân Bắc
Mỹ và châu Âu thường nghĩ về chữ này. Nó không đen tối và
ảm đạm - nó sáng sủa và hứng khởi, nhanh nhạy và đầy màu
sắc. Những nhà lãnh đạo của nó nắm quyền lực sau khi
chiến đấu chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tư
bản quốc gia, nhưng dưới đường lối của họ, đất nước
này đã mở cửa cho những tập đoàn từ Pháp, Hoa Kỳ và mọi
quốc gia khác, cho phép công ty tư nhân phát triển: Ngân hàng
Thế giới gọi Việt Nam là "kiểu mẫu" của việc mở cửa kinh
tế. Việc gì đã xảy ra với lý tưởng xã hội chủ nghĩa
của Đảng? Nhiều khách nước ngoài và bình luận gia cho rằng
quốc gia này đã thật tâm chọn lựa chủ nghĩa tư bản, sự
giả vờ về chủ nghĩa xã hội chỉ là tàn tích của một học
thuyết đang đang tàn lụi. Rõ ràng đã có sự thay đổi lớn
lao. Chỉ trong một thế hệ những con đường đất đã trở
thành những đại lộ thương mại rực ánh nê-ông, nông dân
đánh đổi trâu cày bằng xe gắn máy, ruộng đồng trở thành
những dây chuyền công nghiệp. Bệnh nhân phải tự trả viện
phí, cha mẹ phải trả học phí cho con cái và những kẻ thất
nghiệp bị bỏ rơi để tự xoay xở. Nhưng đây không phải là
toàn bộ câu chuyện.

Chủ nghĩa tư bản đã hiện nguyên hình nhưng những váng bọt
của nền mua bán nhỏ cũng dễ làm rối trí. Việt Nam đã không
phát triển theo hướng mà nó đã từng làm - cân bằng sự tăng
trưởng kinh tế tên lửa với việc xóa đói giảm nghèo ấn
tượng hơn bao giờ và hơn bất cứ nơi nào - bằng cách mở
cửa kinh tế hoàn toàn. Đúng, giới hạn trong lĩnh vực tư nhân
đã được tháo gỡ, các thị trường được phép phát triển
và đầu tư nước ngoài được khuyến khích - nhưng thành công
của Việt Nam còn lâu mới là thắng lợi theo tiêu chuẩn của
Ngân hàng Thế giới. Ai đấy có thể cười thầm về tên gọi
chính thức "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội
chủ nghĩa" nhưng đấy không phải là một khẩu hiệu trống
rỗng. Ngay cả hiện tại, Đảng Cộng sản vẫn nắm quyền
hầu hết về kinh tế: hoặc là trực tiếp qua các công ty nhà
nước đang nắm độc quyền trong các khu vực chính yếu, qua
việc hợp tác đầu tư giữa lĩnh vực nhà nước và các nhà
đầu tư ngoại quốc hoặc, ngày càng nhiều, qua mạng lưới
tinh tuyển dùng để nối liền Đảng với lĩnh vực tư nhân
mới ra đời.

Đối với Đảng Cộng sản, vấn đề tự quản còn quan trọng
hơn cả giáo điều kinh tế. Những việc khác như tăng trưởng,
xóa đói giảm nghèo, bình đẳng vùng miền, tự do truyền
thông, bảo vệ môi trường - tất cả mọi thứ - đều lệ
thuộc vào bản năng cơ bản này. Để tồn tại, Đảng biết
rằng mình phải giải quyết một con số đơn giản nhưng đáng
sợ: một triệu việc làm mỗi năm. Mỗi năm ngành giáo dục
Việt Nam đào tạo một triệu nông dân và công nhân, sản phẩm
của sự bùng nổ sinh đẻ mạnh mẽ sau chiến tranh, hiện vẫn
không cho thấy dấu hiệu chậm lại dù với chính sách "hai con".
Tăng trưởng rất quan trọng, nhưng không phải bằng cái giá
của quá nhiều bất bình đẳng. Xoá đói giảm nghèo cũng thế,
không thể với cái giá của sự cản trở quá nhiều việc tăng
trưởng. Trong 30 năm qua, chính sách đã thay đổi tới lui, đôi
khi ưu tiên cho tăng trưởng, đôi khi chú trọng ổn định.
Tầng lớp công nông là những người được hưởng lợi. Thành
tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam thật sự ấn tượng.
Năm 1993, căn cứ theo dữ liệu của chính quyền, gần 60 phần
trăm dân số sống dưới mức nghèo khổ. Đến năm 2004 con số
này đã giảm xuống còn 20 phần trăm. Quốc gia này đã đuổi
kịp hầu hết các Mục Tiêu Nghìn Năm, những tiêu chuẩn phát
triển của Liên Hiệp Quốc, sớm vượt ra khỏi danh sách những
quốc gia nghèo nhất và lọt vào nhóm "những quốc gia có thu
nhập trung bình". Tiêu chuẩn đời sống người dâng đang tăng
cao, tương lai của họ đang rộng mở và tham vọng cũng lớn
hơn. Nhưng cũng có mối nguy hiểm trong sự thành công này.
"Việt Nam Mới" khác xa ngày xưa. Mối hôn nhân giữa quyền lực
nhà nước và tự do, giữa Đảng và quyền lợi cá nhân, hiện
đang bị bẻ hướng sang tham vọng của một thiểu số hơn là
nhu cầu của đa số. Và những mạng lưới "chủ nghĩa xã hội
kiểu thân hữu" đang trở thành mối đe dọa cho sự ổn định
của Việt Nam. Việt Nam đang bị đe doạ bởi số phận của
nhiều kiểu mẫu của Ngân Hàng thế giới - bùng nổ kéo theo
phá sản.

(còn tiếp)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4892), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét