"<em>Vẻ Đẹp Tiềm Ẩn</em>" là khẩu hiệu lôi cuốn khách
du lịch của Việt Nam. Nhiều người Việt lại không thích
lắm, nhưng nó mời mọc tính mạo hiểm và khám phá của khách
nước ngoài. Cụm từ đi kèm theo một hình ảnh tổng quát của
quốc gia này: cô gái nông dân nhìn lên, ngã vành nón lá ra sau
làm lộ khuôn mặt đang cười e thẹn phía dưới. Chiếc nón
màu rơm, chung quanh là cánh đồng lúa xanh và chú trâu đen đang
gặm cỏ - một thế giới tinh khiết và xinh đẹp, tiềm ẩn và
quyến rũ. Câu khẩu hiệu ngụ ý hãy cố gắng tìm và phần
thưởng của bạn là một khung cảnh của thanh tịnh, duyên dáng
và đẹp đẽ. Việt Nam này hứa hẹn mọi thứ mà thế giới
hiện đại của bạn đã bỏ lại phía sau: người con gái thanh
nhã, cuộc sống giản dị và phong cảnh chưa bị quấy rầy.
Một đất nước từng bị tàn phá lúc trưởng thành đã
được hồi sinh, bản chất vẫn chưa bị người ngoại quốc
xâm phạm. Giờ đây nó được dành cho vị khách sáng suốt nào
có đủ kiên nhẫn để khám phá.
Những ai không có thời gian hoặc tính kiên nhẫn vẫn có
thể tìm thấy nó - trên nền vải sơn dầu ở những tiệm tranh
bên lề của các thành phố lớn. Tranh vẽ, thảm dệt và ảnh
chụp tái tạo những hình ảnh của một đất nước mà ta
biết ngay là Việt Nam: những cô gái mặc áo dài đạp xe,
những phụ nữ rám nắng tay cầm đòn gánh, những cậu bé
cưỡi trâu và những chiếc xuồng tam bản chất đầy hoa quả.
Đấy là một thứ thẩm mỹ ngập đầy chi tiết - đồng lúa,
nông dân và chùa chiềng - chứ không phải những bức ảnh phong
cảnh khổ rộng. Hình ảnh của Việt Nam mà những người
ngoại quốc chúng ta đi tìm là một nghiên cứu được cắt xén
cận cảnh của "cái khác." Phóng xa tầm mắt khỏi cô gái với
chiếc nón lá thì một trụ điện cao áp vừa được dựng lên
sẽ cản trở tầm nhìn. Nhìn khỏi cậu bé chăn trâu một tí
thì cảnh đẹp sẽ bị "hoen ố" bởi căn nhà bê tông của cha
mẹ cậu. Những nhà lập kế hoạch phát triển của Việt Nam
không chia sẻ óc thẩm mỹ của khách du lịch phương tây. Gọi
nó là xã hội chủ nghĩa, gọi nó là vô sản hoặc cứ gọi nó
là xấu xí; người ta thích thấy một trạm biến điện hơn là
một phong cảnh miền quê thời tiền công nghiệp. Người dân
mong muốn tiến bộ và thịnh vượng. Cái đất nước ảo
tưởng mà chúng ta tìm kiếm lại là đất nước họ đang muốn
bỏ lại phía sau.
Chúng ta quan tâm đến Việt Nam vì một lý do cao hơn cả. Qua
những khủng khiếp mà thế giới hiện đại đã quẳng vào,
đất nước này vẫn vượt qua. Không có đất nước nào mà
tên của nó lại có âm vang tương tự: "<em>bài học Việt
Nam</em>", "<em>bóng ma Việt Nam</em>", "<em>một trường hợp Việt
Nam</em>" - chúng ta biết ngay những cụm từ này ám chỉ gì.
"Việt Nam" này đã trở thành một địa điểm trừu tượng,
bị kẹt trong cả thập niên ngập máu từ 1965 đến 1975. Nó
tiếp tục sống trong những thảo luận hàng ngày. "Việt Nam"
trở thành một kiểu viết tắt đại diện cho vô vàn phân tích
trong xã hội Hoa Kỳ đến nỗi đa phần khi tìm tin tức về
"Việt Nam" thì có nhiều bài viết về Hoa Kỳ hơn là về Đông
nam Á. Một dự luật về nhân quyền sẽ được gọi là "văn
bản luật thời kỳ Việt Nam", một người chạy xe mô-tô gặp
tai nạn thường được gọi là "cựu chiến binh Việt Nam" và
những nhà chính trị cũng như những nhà bình luận dùng "bài
học Việt Nam" như là thứ vũ khí thô cộc để bảo vệ quan
điểm của mình trong hàng loạt những vấn đề về chính sách
đối ngoại. Người Mỹ hiểu rằng những cụm từ này ám chỉ
những gì cao xa hơn chứ không đơn giản là về một đất
nước xa xôi.
Cuốn sách này không phải viết về "Việt Nam" ấy; nó viết
về một đất nước ở vùng Đông nam Á với gần 90 triệu
dân, đứng thứ 13 trong các nước đông dân nhất trên thế
giới, một đất nước đã làm tôi cảm động và hưng phấn,
nơi tôi đã sống ở đấy một thời gian cho đến khi được
lệnh phải rời khỏi. Cuốn sách không tự nhận là có cái
nhìn về một đất nước không bị ảnh hưởng bởi mọi quan
điểm khác của mọi người về nó, cũng không mang cái nhìn
về những "bản chất" Việt Nam nằm sau những quan điểm ấy.
Việt Nam giữ bí mật của mình rất kỹ. Những người ngoại
quốc sống lâu ở đây nhưng vẫn không hiểu được tại sao
sự việc vận hành như thế đến khi những người bạn Việt
Nam kiên nhẫn giải thích với họ cái nguyên nhân hiển nhiên -
và mọi việc dần dần trở nên hợp lý. Nhiều lần tôi hoàn
tất một bản tường thuật tin tức và cho rằng mình đã thành
công, rằng lần này tôi thật sự hiểu được nội tình - để
rồi có một người bạn hoặc đồng nghiệp, thường là từ
Ban Việt ngữ của BBC, chỉ ra những yếu tố quan trọng của
bản tin mà tôi không hề biết chúng tồn tại. Nhiều khi tôi
có cảm tưởng rằng mình chỉ tường thuật sự lăn tăn của
mặt nước, trong khi bên dưới là những luồng thuỷ triều
lớn đang chuyển mình. Cuốn sách này cố gắng miêu tả những
luồng thuỷ triều ấy.
Việt Nam đang ở giữa một cuộc cách mạng: chủ nghĩa tư
bản đang tràn vào một xã hội mang danh nghĩa cộng sản, ruộng
đồng đang biến mất trước những khu công nghiệp, dân quê
đổ về những thành phố đang bùng nổ và văn hoá tuổi trẻ
đang nở hoa. Mạng lưới quan hệ gia đình vốn chặt chẽ đang
bị kéo giãn bởi nhu cầu tự do cá nhân ngày càng tăng và các
giá trị truyền thống đang bị xói mòn vì cám dỗ của đời
sống hiện đại.
Đây là một trong những giai đoạn thay đổi xã hội nghẹt
thở vốn chưa từng xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Việt Nam là
một nơi rất khác, ngay cả với một thập niên trước. Khi
Robert Templer viết cuốn Bóng và Gió (Shadows and Wind) cuối những
năm 1990s, Việt Nam vẫn là một đất nước xơ cứng, bị sa
lầy trong cơn khủng hoảng kinh tế và không muốn có những thay
đổi cần thiết để giải phóng bản chất năng động bẩm
sinh của mình. Nó vẫn đối diện với những thử thách lớn
lao với một hệ thống chính trị bó buộc quá độ nhưng nó
cũng là một quốc gia đang giữa thời kỳ - theo ngôn ngữ chính
thức - đổi mới. Tham vọng có mặt khắp nơi: từ những đứa
bé bị dồn vào các lớp dạy kèm tiếng Anh cho đến những nhà
lãnh đạo chính trị đang mong muốn đất nước mình đuổi
kịp những Con Hổ Đông Á. Vấn đề là tham vọng của các vị
lãnh đạo có ngang bằng với tham vọng của quần chúng hay
không. Liệu Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo có thể
đáp ứng được khát vọng của người dân hay không?
Cho đến nay, các dấu hiệu đều rất khả quan. Việt Nam
đã tiến những bước dài - cung cấp giáo dục, y tế căn bản
cũng như nâng cao mức sống cho hầu hết mọi người. Những
nhà lãnh đạo chính trị chuyển giao quyền lực mà không có
bạo lực hoặc khủng hoảng và hiện đang tích cực nghĩ đến
các bước phải làm để giữ nguyên quyền lực với một xã
hội trẻ trung, sôi động và đầy tham vọng. Việt Nam là bằng
chứng của việc phát triển có hiệu quả; rằng một xã hội
nghèo khó có thể khá hơn trong một thời gian ngắn đầy kịch
tính. Nơi đây những cơ quan phát triển quốc tế đang nở rộ,
tắm mình trong ánh hào quang phản chiếu từ những thành tựu
của quốc gia này. Họ dùng Việt Nam như là hình tượng của
sự giải phóng kinh tế và cải cách chính trị. Nhưng sự thật
thì không rõ ràng như thế.
Nhiều người ngộ nhận rằng với hàng tỉ đô-la đầu tư
nước ngoài đổ vào Việt Nam, việc thay đổi hệ thống chính
trị chắc chắn sẽ nối bước. Nhưng việc mở cửa chỉ
được bắt đầu vì nhu cầu tạo công ăn việc làm cho lượng
dân số đang tăng và ngay cả hiện nay giới hạn của nó vẫn
bị kiểm soát nghiêm ngặt. Vẻ ngoài của tự do được lộ rõ
trên mỗi đường phố nhưng từ kinh tế cho đến truyền thông,
Đảng Cộng sản vẫn cương quyết để giữ nguyên họ là
quyền lực duy nhất. Phía dưới quá trình chuyển đổi lớn lao
ẩn chứa một hệ thống chính trị đa nghi và độc tài cực
độ. Những triển vọng của Việt Nam không rõ ràng như người
ngoài mới thoạt nhìn. Những rủi ro về quản lý kinh tế sai
lầm, lòng dân không yên và hiểm hoạ môi trường - càng trở
nên nguy hiểm hơn vì việc không nhượng bộ đối với sự
chỉ trích của công chúng - có nghĩa là các triển vọng đất
nước còn lâu mới được bảo đảm. Mọi thứ đều phải
tuỳ thuộc vào khả năng bảo đảm tính đoàn kết và kỷ
luật của Đảng Cộng sản trong một giai đoạn mà những thử
thách cho việc ổn định cứ tăng lên từng ngày.
Khó khăn của giới lãnh đạo Đảng là làm sao để giữ
nguyên quyền lực. Đảng không bao giờ là một tổ chức nguyên
khối; nó cai trị bằng các cân bằng những cạnh tranh quyền
lợi của một loạt những thành phần - từ quân đội đến
những ông chủ các công ty nhà nước cũng như các đảng viên
của mình. Trước đây việc này giúp họ uyển chuyển để
thích ứng và tồn tại nhưng giờ đây có vẻ nó đang ngăn
cản họ trong việc đối diện với tầng lớp tinh tuyển mới
đang lái quá trình phát triển của đất nước theo quyền lợi
của mình và tạo ra nền móng cho những khủng hoảng trong
tương lai. Khi những doanh nhân có quan hệ đặc biệt tạo ra
một đế chế ưu tiên cho giới cao cấp bằng những quan hệ
ấm cúng với tiền bạc và ảnh hưởng, người dân ở dưới
đang bị giá cả đắt đỏ bóp chẹt. Hệ thống này thường
giống như, theo lời của Gore Vidal, "thị trường tự do cho
người nghèo và xã hội chủ nghĩa cho người giàu".
Việt Nam đã đi một chặng đường dài trong 30 năm qua nhưng
cuộc cách mạng của nó thường xuyên trải qua khủng hoảng.
Sự mâu thuẫn cố hữu của việc cai trị kiểu cộng sản
nhưng lại muốn hưởng thụ kiểu tư bản đã đến điểm vỡ
trong thời kỳ cuối của mỗi thập niên: 1979, 1988, 1997 và 2008.
Mỗi lần như thế, Đảng lại tìm ra một giải pháp hoà bình
để vượt qua nhưng việc giải quyết này lại mở màn cho
cuộc chiến sắp tới. Những hệ quả trong tương lai sẽ tuỳ
thuộc vào sự cân bằng giữa các thế lực trong Đảng Cộng
sản cũng như giữa Đảng và những người ngoài. Những ai
chứng kiến cảnh hàng đoàn xe gắn máy của thanh niên chạy
vòng các thành phố ở Việt Nam vào mỗi cuối tuần có thể
cảm nhận được thách thức mà giới lãnh đạo Đảng đang
phải đối diện. Trong những năm tới một xã hội đã vững
vàng và những quyền lợi cố định sẽ liên tục thử thách
giới hạn của những gì có thể làm trong khi trung ương Đảng
tìm cách giữ nguyên quyền lực. Những xung đột nhỏ bé đang
được tranh chấp hàng ngày, tại các quán Net và tại các văn
phòng. Việc gì sẽ xảy ra trong tương lai chắc chắn là sẽ
không tẻ nhạt.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4890), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét