Cố tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn hiển nhiên
là một nhân vật đã để lại dấu ấn lớn trong lịch sử
Việt Nam nửa thế kỉ vừa qua. Nhưng người ta vẫn chưa thấy
được - cả trong và ngoài nước - một cuốn sách, thậm chí
một bài viết, nghiên cứu nghiêm chỉnh (không chỉ để ngợi
ca hay chê bai một chiều) về ông. Bài viết của tác giả
Đặng Phong mà chúng tôi xin giới thiệu dưới đây có lẽ là
bài báo duy nhất được đăng trong nước nhân dịp kỉ niệm
100 năm ngày sinh của ông (7.4.1907) không rơi vào loại bài
"lược sử các vị thánh (hay quỷ)". Từ một tư liệu tìm
được trong văn khố, tác giả nêu ra được một số câu hỏi
cho nhà nghiên cứu. Tất nhiên, người đọc có thể không chia
sẻ những phân tích của ông, và đặt ra những câu hỏi khác,
nhưng đó cũng là chuyện bình thường...
</div>
Trong số các tài liệu tôi tìm thấy trong Phòng lưu trữ của
Viện Kinh tế Việt Nam, có một văn bản mang tên: "<em>Đồng
chí Lê Duẩn phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ
24</em>". Thời điểm được ghi là: 13/08/1975. Tài liệu được
in roneo, dày 14 trang. Căn cứ theo lời văn thì thấy rằng đây
là bản gỡ băng trực tiếp từ một bài nói của ông, nhằm
chuẩn bị cho những cuộc thảo luận tại Hội nghị Trung ương
lần thứ 24. Câu đầu tiên của bài phát biểu là: "<em>Tôi
phát biểu một số ý kiến để các đ/c tham khảo trước khi
đi vào thảo luận…</em>".
Đây là một tài liệu rất thú vị, vì qua đó có thể thấy
được những suy nghĩ của nguyên Bí thư thứ nhất Lê Duẩn
vào những ngày tháng đầu tiên sau khi giải phóng Miền Nam.
Trong Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, năm 1975, không thấy có
tài liệu này. Có lẽ vì đó là bài văn nói, mà muốn chuyển
thành văn viết thì tất nhiên phải được chính ông xem lại.
Nhưng đến khi chuẩn bị cho Văn kiện Đảng toàn tập thì ông
đã không còn nữa, mà không ai có thể làm thay ông việc này.
Vì vậy trong Văn kiện Đảng Toàn tập năm 1975 (xuất bản năm
2001) chỉ có Báo cáo của Bộ Chính trị trước Hội nghị Trung
ương lần thứ 24 và sau đó là có Nghị quyết của Hội nghị,
được ghi là: Ngày 29/09/1975. Như vậy bài phát biểu kể trên
có lẽ chỉ là bài nói có tính chất gợi ý của ông trước
khi đi vào thảo luận tại Hội nghi TƯ 24.
Vì đây là bài phát biểu trực tiếp và được gỡ băng trung
thực với văn nói, nên nó chưa được "hoàn chỉnh" về
mặt văn vẻ. Nhưng có lẽ chính vì thế nó lại có ưu điểm
là phản ảnh khá trung thực những suy nghĩ rất tức thì và
cũng rất bộc trực của bản thân ông sau những ngày trực
tiếp quan sát thực tế ở Miền Nam.
Điều rất có ý nghĩa đối với giới nghiên cứu lịch sử
hiện nay là: Khi xem xét những phân tích và đánh giá của Lê
Duẩn về tình hình Miền Nam và những chủ trương của ông
đối với kinh tế cả nước sau giải phóng, chúng ta thấy
rằng nó có nhiều khía cạnh hơi khác so với những văn kiện
chính thức của Hội nghị Trung ương 24 hơn một tháng sau đó
và càng không giống với những văn kiện chính thức của Đại
hội Đảng lần thứ IV/1976 hơn 1 năm sau đó. Ngược lại, nó
gần gũi hơn với sự đánh giá tình hình kinh tế của Đại
hội Đảng lần thứ VI/1986, trong đó chứa đựng rất nhiều
những cách nghĩ về một nền kinh tế thị trường, một nền
kinh tế mở, một nền kinh tế nhiều thành phần, nhấn mạnh
tới việc sử dụng tối đa những tiềm lực của mọi thành
phần kinh tế để phát triển…
Hiện nay, chúng tôi chưa có điều kiện để tìm hiểu kỹ hoàn
cảnh hình thành những tư duy đó của ông và cũng chưa có
điều kiện để tìm hiểu những lý do nào đã làm cho những
tư tưởng này của ông không được quán triệt đầy đủ,
hoặc đã được điều chỉnh, tại Hội nghị Trung ương lần
thứ 24, mà phải tới gần 10 năm sau đó nó mới đi vào
đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
Như chúng ta biết, Lê Duẩn là con người mà nhiều người cho
là "<em>suốt đời suy nghĩ, tìm tòi</em>". Đúng. Ông có bản
tính không thoả mãn với những gì cũ kỹ, có sẵn. Trong tư duy
của ông luôn thể hiện những cố gắng cao độ trong sự vận
động tìm tòi, phát hiện, phủ định cái cũ, nhiều khi phủ
định chính mình, nhằm mở ra những hướng mới (tất nhiên
cái mới và cái đúng không phải luôn luôn đồng nghĩa)…
Tài liệu ngắn ngủi này phản ảnh một cung đoạn rất sắc
nét trong những dòng suy nghĩ của Lê Duẩn về những vấn đề
kinh tế Việt Nam.
Có thể nêu lên mấy suy nghĩ rất quan trọng sau đây trong bài
phát biểu của ông:
Thứ nhất, ông thẳng thắn nói lên một sự thật tuy rất bình
thường, thậm chí là tất yếu, nhưng không phải ai cũng có
thể nói ra: Ông cho rằng trước một thực tế rất mới mẻ
của Miền Nam sau ngày giải phóng, thì những cách suy nghĩ,
những cách đánh giá, cách phân tích, cách lựa chọn giải pháp
của mỗi người tất nhiên không thể một lúc giống nhau. Sự
khác nhau đó là bình thường. Đó là phép biện chứng của
nhận thức, của tư duy. Nhưng từ lâu chúng ta có thói quen
ngại nói ra những cái gì là không giống nhau trong suy nghĩ. Từ
cái ngại đó mà đã có thói quen ngộ nhận hoặc cố tình tạo
ra ngộ nhận rằng luôn luôn có sự nhất trí cao giữa những
bộ óc chủ chốt trong những vấn đề chủ yếu của đất
nước. Nhưng sự nhất trí như thế không bao giờ là cái "tự
thân", mà chỉ có thể là kết quả của những gặp gỡ,
đối thoại, thuyết phục và điều chỉnh giữa những ý kiến
khác nhau. Lê Duẩn đã nói được điều đó ngay trong đoạn
mở đầu của bài phát biểu:
"<em>Chúng ta xưa nay tưởng đã nhất trí với nhau, nhưng thực
ra chưa phải nhất trí lắm đâu… Chính những cái gì rất
chung và rất quan trọng đó mà ta nắm giống nhau, thì khi đi
vào cụ thể càng dễ giống nhau hơn</em>". [1]
Thứ hai, ngay sau khi giải phóng Miền Nam khoảng 2 tuần, Lê
Duẩn đã trực tiếp vào Nam quan sát và tìm hiểu tình hình.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, ông đã có một cách nhìn
khá độc lập về thực trạng kinh tế Miền Nam, không lệ
thuộc vào những khung lý thuyết có sẵn. Ông đánh giá khá
tích cực về hàng loạt ưu điểm của nền kinh tế thị
trường ở Miền Nam. Chẳng hạn: Ông không quá nhấn mạnh vào
cái gọi là chủ nghĩa thực dân mới với những tính chất ăn
bám, mục nát, phồn vinh giả tạo, với những bản chất phản
động của giai cấp tư sản mại bản… Ngược lại ông lưu ý
tới những sự thật không thể chối cãi được là cách làm
ăn có hiệu quả của kinh tế tư nhân, kể cả kinh tế tư
bản, với năng suất lao động cao hơn, dù là bóc lột thì
người bị bóc lột cũng có đời sống khá hơn…. Ông nói:
"<em>Tại sao chúng nó là tư bản, chúng nó bóc lột người ta
dữ, mà năng suất của nó vẫn cao. Vì nó là tư bản nhưng nó
đi theo quy luật của nó, nó bóc lột nhưng mà vẫn tiến lên…
Bây giờ nông dân ở miền Nam họ làm rất khá, mà nông dân
thì phần nào hoá tư sản rồi</em>".
Thứ ba, qua thực tế của mô hình kinh tế Miền Nam, ông đã so
sánh trở lại với mô hình kinh tế Miền Bắc và ông thẳng
thắn thừa nhận nhiều nhược điểm của mô hình kinh tế ở
Miền Bắc trong thời kỳ xây dựng CNXH. Ông nói:
"<em>Xưa nay ở miền Bắc chúng ta có một số sai lầm, là vì
chúng ta đã đi sai quy luật… Nay có được miền Nam là để
chúng ta thấy lại cho rõ hơn nữa. Còn ta chủ nghĩa xã hội
nhưng chưa đi đúng quy luật xã hội chủ nghĩa của ta, đúng
mặt này nhưng không đúng mặt kia, cho nên ta cứ chập chờn
mãi, chòng chành mãi</em>." [2]
"<em>Tại sao người thợ ở ngoài này không bằng người thợ
ở trong kia? Mình trả lời làm sao? Anh là chủ nghĩa xã hội mà
tại sao anh lại không được bằng trong kia, anh trả lời làm
sao? Đảng ta phải có trách nhiệm về những điều sai như
vậy. Có thể vì chiến tranh, vì nhiều thứ, tôi đồng tình
như vậy, nhưng trong đó cũng có khuyết điểm của mình chứ
không phải không có khuyết điểm đâu</em>" [3].
Thứ tư, từ cách nhìn nhận về kinh tế Miền Nam và nhìn nhận
về những nhược điểm của nền kinh tế Miền Bắc, Lê Duẩn
đã đưa ra những gợi ý về phương hướng và chính sách kinh
tế cho Miền Nam và cho cả nước. Quan điểm của ông lúc đó
là không nên vội vã tiến hành cải tạo đối với công
thương nghiệp tư doanh. Còn đối với nông nghiệp, chưa nên
cưỡng ép nông dân Miền Nam vào các hợp tác xã. Việc đó sẽ
tạo ra sự bất mãn của nông dân và sự sa sút của sản xuất
nông nghiệp. Ông nói:
"<em>Miền Bắc trước đây phải hợp tác hoá ngay lập tức...
Nhưng miền Nam bây giờ không thể làm như vậy. Miền Nam bây
giờ phải để cho giai cấp tư sản phần nào đấy, phải cho
nó phát triển phần nào đã. Phải để kinh tế gồm mấy thành
phần thì nông dân mới theo ta, liên minh mới chặt chẽ. Bắt
hợp tác hoá là không đúng, năng suất thấp xuống thì hỏng
hết cả, họ sẽ không theo giai cấp vô sản nữa, không thống
nhất được đâu. Người nông dân làm ra những sản phẩm,
người ta muốn bán, nếu chúng ta không cho bán thì nông dân
chọi lại với chúng ta, nguy hiểm lắm, không thể được. Nếu
chúng ta không có một hình thức kinh tế để kéo nông dân đi
tới thì ta không thống nhất được. Vì vậy Bộ Chính trị sau
khi nghiên cứu thấy rằng cần phải để mấy thành phần kinh
tế là quy luật cần thiết trong giai đoạn bước đầu
này.</em>" [4]
Những nhận định đó của ông đã được thực tiễn những
năm 1978-1979 chứng minh là đúng: Sau khi vội vàng ép buộc nông
dân vào các tập đoàn sản xuất thì nông nghiệp sa sút một
cách nghiêm trọng: 13,5 triệu tấn năm 1976 xuống 12,2 triệu
tấn năm 1988. Khi áp đặt hệ thống thu mua theo giá kế hoạch
thì nông dân phản ứng gay gắt, đã " chọi lại chúng ta"
và sản lượng lương thực huy động đã giảm sút với mức
độ còn nghiêm trọng hơn mức giảm sút của tổng sản lượng
lương thực: Từ trên 2 triệu tấn năm 1976 xuống 1,6 triệu
tấn năm 1978 và năm 1979 chỉ còn 1,4 triệu tấn. Đó chính là
lúc mà Tp Hồ Chí Minh phải ăn bo bo thay cho gạo, là điều chưa
từng có trong lịch sử thành phố 300 năm trước đó…
Rất tiếc là những ý tưởng kể trên của Lê Duẩn đã không
được thực hiện. Đến nay chúng ta vẫn khó hiểu được
những lý do nào đã khiến cho chỉ ngay sau đó ít lâu, trước
hết là ngay tại Hội nghị Trung ương lần thứ 24, đã có
những nhận định và kết luận khác đi, thậm chí trái ngược
với những gợi ý trong bài phát biều khai mạc của Lê Duẩn.
Thí dụ:
Về tình hình quốc tế, Hội nghị TW lần thứ 24 đã nhận
định:
"<em>Sự suy yếu toàn diện và địa vị quốc tế giảm sút
của chủ nghĩa đế quốc Mỹ là một xu thế không thể đảo
ngược được... Hệ thống tư bản chủ nghĩa đang lâm vào
một cuộc khủng hoảng toàn diện mới.</em>" [5]
Chính sách đối ngoại lúc này được xác định là:
"<em>Tư tưởng cơ bản phải thấu suốt trong lĩnh vực đối
ngoại là: chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chủ nghĩa đế quốc
đứng đầu là đế quốc Mỹ, bảo vệ sự trong sáng của chủ
nghĩa Mác-Lênin và sự thống nhất của Đảng ta</em>". [6]
Trong việc đánh giá thực trạng kinh tế Miền Nam, văn bản
của Nghị quyết 24 đã nhận định rằng:
"<em>Miền Nam là cái túi tập trung bọn địa chủ, tư sản
mại bản, bọn tay sai của đế quốc, bọn chống đối cách
mạng ngoan cố nhất ...và tầng lớp tư sản quan liêu quân
phiệt khá đông đảo nhờ bóc lột nhân dân, lũng đoạn kinh
tế, sống giầu có xa hoa trên xương máu của đồng bào ta…
Chúng căm thù chế độ mới, ngoan cố không chịu thuần phục
chính quyền, một số đang điên cuồng chống lại cách mạng…
Chủ nghĩa thực dân mới đã tạo ra một xã hội ăn bám và
thối nát…</em>"
Về con đường phát triển của kinh tế Miền Nam, Nghị quyết
24 đã chủ trương:
"<em>Phải xoá bỏ tư sản mại bản bằng cách quốc hữu hoá
cơ sở kinh tế của họ, biến thành sở hữu toàn dân do nhà
nước quản lý.</em>"
"<em>Đối với kinh tế tư sản dân tộc, thực hiện cải tạo
xã hội chủ nghĩa bằng hình thức công tư hợp doanh, bắt
đầu từ những cơ sở sản xuất kinh doanh quan trọng</em>".
"<em>Trước mắt cần xây dựng một số hợp tác xã thí
điểm để rút kinh nghiệm. ở những nơi chưa đủ điều kiện
xây dựng hợp tác xã thì ra sức phát triển các tổ đổi công
vần công</em>".
"<em>Đối với thương nghiệp nhỏ, cần tích cực cải tạo
xã hội chủ nghĩa bằng cách tổ chức đăng ký kinh doanh, có
chính sách thuế và chế độ kiểm kê, kiểm soát, chuyển phần
lớn tiểu thương sang sản xuất, lựa chọn để sử dụng một
số người làm kinh tiêu.</em>" [7]
Dòng tư duy đó tiếp tục đi từ Hội nghị Trung ương lần
thứ 24 tới Đại hội Đảng lần thứ IV, với những chủ
trương còn toàn diện và triệt để hơn:
"<em>Việc hợp nhất các tính nhỏ hiện nay thành những tỉnh
mới là nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế,
kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết
đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất,
tổ chức đời sống vật chất, văn hoá của nhân dân, về
củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an và có khả năng đóng
góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước.</em>
"<em>Tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư bản
tư doanh, đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, tiểu thương
nghiệp và thương nghiệp nhỏ… sử dụng và hạn chế tư bản
tư doanh, hợp tác hoá nông nghiệp đi đôi với xây dựng
huyện, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa;
cải tạo thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp bằng con
đường hợp tác hoá là chủ yếu, cải tạo thương nghiệp
nhỏ chủ yếu bằng cách chuyển dần tiểu thương sang sản
xuất</em>" [8].
"<em>Xây dựng nông trường quốc doanh; gắn liền xây dựng
hợp tác xã với xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông
– công nghiệp</em>" [9]
Từ đó Việt Nam sẽ:
"<em>Vươn lên những đỉnh cao của thời đại, biến đất
nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề
thành một nước văn minh, giầu mạnh, thành trì bất khả xâm
phạm của độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội
ở Đông Dương và Đông Nam Á</em>". [10]
<center>* * *</center>
Đối với sử học, người nghiên cứu cần và có thể khác
với người làm công tác tuyên truyền ở chỗ: Mỗi khi có dịp
kỷ niệm một nhân vật lịch sử nào đó, không nhất thiết
chỉ lựa chọn những gì là hay là tốt để nói. Vừa qua, nhân
kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, hàng trăm bài viết ca ngợi
ông như nhà lý luận kiệt suất, sáng tạo, dường như ông bao
giờ cũng đúng, cũng đi đầu… Trong lịch sử làm gì có
những nhân vật thần thánh như thế!. Trong các giới nghiên
cứu, trong cả những nhà điều hành cùng thời với ông mà tôi
được gặp, và cả trong dư luận xã hội mà tôi thường
được nghe, không thấy ông được nhìn nhận một cách phiến
diện như vậy. Ông được nhiều người kính trọng, thậm chí
sùng kính. Đó là sự thật. Ông đã có những nhìn nhận rất
sáng trong thời chiến tranh, về cách đánh Pháp, đánh Mỹ. Về
mặt đó, quả ông là một nhà chiến lược có tài. Nhưng trong
việc định hướng cho kinh tế và cho xã hội, trong việc
lượng định những thế cờ quốc tế, và về nhiều mặt khác
trong đời sống , về phong cách lãnh đạo…, không phải ông
không có những điều mà đến nay thấy là cần được suy
ngẫm thêm để rút kinh nghiệmi, và thực tế là đất nước
đã làm khác đi để chữa bệnh duy ý chí, để lấy dân làm
gốc, nhờ đó mới đi lên như ngày nay.
Tất nhiên văn hóa nghiên cứu không bao giờ cho phép những trò
phê phán phi lịch sử. Nhưng sẽ là và chỉ là có ích nếu nói
lên được một cách khách quan và công bằng những gì đã
đạt được và cả những gì còn hạn chế ở mỗi nhân vật
lịch sử, phân tích những nguyên nhân và hoàn cảnh của những
suy nghĩ và quyết định của nhân vật đó, cả những cái
đúng và những cái chưa đúng. Đó là vẻ đẹp của lịch sử
và của các nhân vật lịch sử.
Theo văn hóa nghiên cứu đó, đối với sự nghiệp của Lê
Duẩn, con người có tầm ảnh hưởng rất lớn trong suốt nửa
sau thế kỷ XX của Việt Nam và của cả một số sự kiện
quốc tế, thì tìm hiểu về ông cũng là tìm hiểu bản thân con
đường và những bước ngoặt lớn trong lịch sử Việt nam.
Theo nghĩa đó, có nhiều câu hỏi vẫn còn là thách đố đối
với giới nghiên cứu. Thí dụ như:
- Một người có vị trí hàng đầu trong Đảng và có uy tín cao
nhất nước vào lúc đó như Lê Duẩn, nếu quả đã có sẵn
những tư duy kinh tế sáng suốt và đúng đắn như trong bài
phát biểu kể trên, thì tại sao vẫn không vượt qua được
những rào cản của cả một bề dày tư duy cũ kỹ, bảo thủ,
trì trệ, mà chính ông cũng đã coi là "nguy hiểm lắm", và
thực tế là đã dẫn tới những khó khăn và tổn thất không
nhỏ của đất nước trong hàng thập kỷ sau đó?
- Từ bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương lần
thứ 24 cho tới bản thân Hội nghị Trung ương 24 và những kết
luận chính thức của Hội nghị đó, đã có những diễn biến
hay chuyển biến lịch sử như thế nào? Trong đó bản thân Lê
Duẩn có những thay đổi gì trong suy nghĩ không? Nếu có thì
thay đổi vì sao và như thế nào? Tại sao ở ông có cả những
suy nghĩ khá cấp tiến, nhưng không phải không có những quyết
định mà kết quả là ngược lại với ý nguyện của ông? Có
thể giả thiết như thế này không: Vào cuối thập kỷ 70 và
đầu thập kỷ 80, những bức xúc của ông về sự ách tắc
của mô hình kinh tế cũ cùng những ý tưởng của ông về một
mô hình mới có lẽ cũng mới chỉ là những ý nghĩ đột
xuất, như những phản ứng tức thời trước một thực tế
còn quá khó khăn, phức tạp, chứ chưa thành cả một hệ
thống tư duy chiến lược có tính chất cương lĩnh? Nếu như
ở ông đã có được điều đó, thì với uy tín lớn và ở
cương vị cao của ông lúc đó, chắc tình hình đã diễn ra
khác đi với những gì đã diễn ra trong 10 năm sau giải phóng.
Có một lần, giáo sư Trần Phương - một trong những trợ lý
kinh tế thân cận nhất của Lê Duẩn - đã dành cho tôi cả
một ngày để trao đổi về Lê Duẩn, thì chính giáo sư cũng
thừa nhận rằng: Vào thời kỳ đó Lê Duẩn chưa có đủ thời
gian để hoàn thiện những suy nghĩ về con đường kinh tế của
Việt nam…
- Trong những chủ trương và quyết sách như thống nhất về mô
hình kinh tế trên cả nước, về việc tiến nhanh, tiến mạnh
lên sản xuất lớn XHCN, về việc bỏ qua giai đoạn phát triển
tư bản chủ nghĩa, về việc đưa nhanh các HTX lên cấp cao, về
việc cải tạo công thương nghiệp Miền Nam một cách ồ ạt
và rất phi kinh tế, về tư tưởng làm chủ tập thể, về
việc sắp xếp lại giang sơn, về việc sáp nhập hơn 60 tỉnh
của cả nước thành 29 tỉnh và thành phố,về việc xây dựng
cấp huyện thành những pháo đài kinh tế…, thì Lê Duẩn đã
có một vai trò như thế nào?
- Trong một bài viết gần đây trên Thời báo Kinh tế (ngày
6/4/07), giáo sư Trần Phương có kể lại rằng một lần tại
nhà nghỉ Đồ Sơn, có mặt cả thủ tướng Phạm văn Đồng,
vì quá bức xúc trước cảnh kinh tế sa sút và đời sống khó
khăn, Lê Duẩn đã nói bằng một giọng gay gắt: "<em>Chúng ta
cầm quyền mà không lo nổi rau muống và nước lã cho dân thì
nên từ chức đi</em>". Điều đó quả đã thể hiện rõ cả
quyền uy, cả tính cách trung thực và tinh thần trách nhiệm
của ông, mà giáo sư Trần Phương gọi là "một trái tim nhân
hậu". Nhưng chưa rõ ông quan niệm cái phạm trù "chúng ta
cầm quyền" là gồm những ai?
- Và sau khi ông qua đời, Đại hội Đảng lần thứ VI đã
nghiêm khắc phê phán căn bệnh chủ quan duy ý chí và bệnh xa
rời thực tế, xa rời nhân dân, không coi dân là gốc…, là
những căn bệnh được nhìn nhận là đã diễn trong suốt một
thời gian khá dài trước đó, cũng tức là chính trong thời Lê
Duẩn là Tổng bí thư. Vậy thì Lê Duẩn đã có vai trò thuận
hay nghịch và đến mức nào đối với những căn bệnh đó?
- Sau này, khi nghiên cứu kỹ về lịch sử cơ chế khoán Hải
phòng, tôi được biết khu nhà nghỉ của Trung ương ở Đồ
Sơn là một trong những nơi đã hình thành và phát triển những
tư tưởng lớn như làm chủ tập thể, sản xuất lớn, HTX cấp
cao… Rất gần đó, có HTX Đoàn Xá (mà theo đường chim bay
chỉ cách nhà nghỉ Đồ Sơn có 12 km thôi, từ trên nhà nghỉ
có thể nhìn thấy rõ lúc trời quang), sau khi đưa HTX lên cấp
cao năm 1977, đã có hơn 50 hộ nông dân xã viên không còn gì
để ăn nữa , phải bỏ ra thành phố đi ăn mày… Vậy những
gì đã tạo ra sự ngăn cách giữa "trái tim nhân hậu" nơi
Lê Duẩn với những nghịch cảnh kinh tế, mà Đoàn Xá là một
trong vô vàn ?
- Rồi đến khi Đảng ủy Đoàn Xá phải "nhắm mắt làm
ngơ" cho khoán chui để dân khỏi đói, và do đó mà Đoàn Xá
trở thành cái nôi nổi tiếng của khoán Hải phòng, thì khi
biết chuyện, Lê Duẩn đã tuyên bố ngay với lãnh đạo thành
phố: "<em>Tôi đồng ý, cứ cho làm ngay đi, không phải hỏi ai
nữa cả!</em>". Lời nói đó là một cú hích góp vào những
khởi sắc của phong trào khoán, giúp nó lan toả trên cả nước
sau đó, góp phần cứu nông nghiệp và nông dân cả nước khỏi
cảnh bần hàn, sa sút. Sự kiện đó hẳn đã khẳng định rõ
thêm "trái tim nhân hậu" và tư duy độc lập của ông. Nhưng
mặt khác, phải chăng nó cũng phản ảnh cái dự cảm của ông
về khả năng "chưa nhất trí lắm đâu" trước một vấn
đề hệ trọng và nhạy cảm như vấn đề khoán? Và phải
chăng cũng vì thế mà trong trường hợp này, rút kinh nghiệm
từ khoán Vĩnh Phúc, ông đã phải "đi trước một bước"
bầy tỏ sự đồng tình triệt để trước khi có thể có một
sự cản phá?(**)
<em>Đặng Phong</em>
___________________________
<h2>Chú thích:</h2>
[1] Đồng chí Lê Duẩn, Bí Thư thứ nhất phát biểu tại Hội
nghị Trung ương lần thứ 24 Ban chấp hành Trung ương, ngày
13-8-1975. Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. VK. 36. 42. tr.1.
[2] Như trên, tr. 16.
[3] Như trên, tr. 16-17.
[4] Như trên, tr. 8-9.
[5] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 36, đd, tr. 385.
[6] Như trên, tr. 387.
[7] Văn kiện đảng Toàn tập, tập 36, 1975, tr.332, 412 -415.
[8] Báo cáo chính trị của Ban chấp hành TW đảng tại Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. NXB Sự thật, HN 1977,
tr. 108-109.
[9] Diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ IV. Văn kiện đảng toàn tập. Tập 37, tr. 570.
[10] Diễn văn của đồng chí Lê Duẩn trong buổi lễ mừng
chiến thắng. Văn kiện đảng Toàn tập, tập 36, 1975, tr 212
(*) Bài đã đăng trên tạp chí Xưa và Nay, số tháng Tư, ra ngày
15 tháng 4 năm 2007… Bản do tác giả gửi Diễn Đàn có bổ sung
và sửa chữa một đôi chỗ.
(**) Theo nhưng người trợ lý thân cận nhất của ông kể lại
thì thái độ của ông đối với khoán ở Vĩnh Phúc (1966-1968)
khác với nhiều người lúc đó. Nhưng ông chưa kịp can thiệp
thì đã có lệnh đình chỉ, mà đã có lệnh rồi thì không
thể đảo ngược lại được. G/s Trần Phương kể (cũng trong
Thời báo KT kể trên) rằng sau khi có một bài trên Báo Nhân
dân phê phán gay gắt khoán của Kim Ngọc, ông đọc xong và cầm
tờ báo đi vào phòng các trợ lý, quẳng tờ báo xuống bàn,
nói bằng một giọng rất không vui vẻ: "Đấy, các anh đọc
đi", rồi ông nhếch mép cười bỏ đi… Ông Đậu ngọc Xuân
là trợ lý của ông kể lai: Khi Khoán Vính phúc đã bị đình
chỉ, ông chỉ còn biết lên thăm Kim Ngọc và bày tỏ sự
đồng tình với những tìm tòi của Kim Ngọc, an ủi về việc
những sáng kiến quá mới như thế thường không dễ đi ngay
vào cuộc sống….
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4882), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét