cho chính mình. Tại sao tôi lại ngớ ngẩn đến như vậy? Kẻ
thù đích thực của nền dân chủ ở Việt Nam là độc tài mà
hiện thân cụ thể vào lúc này là đảng cộng sản Việt Nam
chứ còn cái gì nữa. Nhưng suy nghĩ kĩ tôi lại thấy mình
không buồn cười và ngớ ngẩn. Có một cái gì không ổn trong
câu trả lời quá ư là dễ dãi ấy.
Tôi cảm thấy như mới chỉ nhìn thấy sóng biển mà chưa nhìn
thấy cái tạo ra sóng biển. Câu trả lời quá ư dễ dãi này
có lẽ xuất phát từ thói quen sống luôn tìm cách đổ lỗi cho
người để chạy trốn trách nhiệm của mình và sự thật. Như
thói quen đổ lỗi độc tài, tham ô, thối nát và tồi dở
hiện nay là do chính phủ và đảng cộng sản mà không thấy
lỗi đó cũng là do chính mình. Vì cách hành xử của tôi mới
có một đảng và chính phủ như vậy. Tại tôi đã sẵn sàng
hối lộ cho các viên chức đảng và nhà nước để mọi
chuyện được trót lọt, tôi tìm mọi cách luồn lách để
được lợi cho bản thân và gia đình, tôi chấp nhận những
cuộc bỏ phiếu mà tôi biết rằng lá phiều của mình chẳng
có giá trị gì, tôi chạy điểm thầy để lấy tấm bằng, tôi
lười biếng trong công việc để đi uống cà phê giữa giờ,
tôi không dám tố cáo những sai trái của các người làm sai vì
muốn dĩ hoà vi quý hoặc sợ bị trả thù v.v. Như vậy, sau khi
đã nhìn lại kĩ lưỡng chính mình thì kẻ thù đích thực của
nền dân chủ ở Việt Nam bây giờ không ai khác mà trước hết
là chính cá nhân tôi. Vậy nguyên do nào đã khiến tôi có lối
hành xử như vậy trong cuộc sống để biến tôi thành kẻ thù
đích thực của nền dân chủ ở Việt Nam? Suy xét kĩ hơn tôi
nhận thấy có hai nguyên nhân chủ yếu.
<h2>Một là văn hoá tôi đang sống</h2>
Văn hoá này là một phó bản của văn hoá Khổng Mạnh Trung Hoa.
Nó quy định lề lối suy nghĩ và cách hành xử của tôi trong
cuộc sống. Nó khiến tôi suy nghĩ và hành động một cách
phản xạ theo đúng tinh thần của văn hoá Khổng Mạnh. Mà cốt
lõi của văn hoá Khổng Mạnh lại là quan niệm về
lí-tự-nhiên. Một quan niệm cho rằng lí-tự-nhiên không có
chủ thể và khách thể tách biệt. Cả hai đều là một và
vận động theo một quá trình. Đó là quá trình tuỳ thuộc vào
hoàn cảnh và thời thế. Có âm có dương. Âm dương hỗ tương.
Trong âm có dương và trong dương có âm. Và cuộc sống cũng
phải tuân theo lí-tự-nhiên ấy. Có nghĩa là lối hành xử trong
cuộc sống không đặt nặng cá thể hay khách thể, không công
khai đối mặt giữa chủ thể và khách thể mà phải biết
sống trung dung, và thuận theo tự nhiên tức là tuỳ theo thời
thế và hoàn cảnh. Lí-tự-nhiên ấy theo quan niệm của Khổng
Mạnh còn có nghĩa là có một ông Trời sắp đặt và cai quản.
Vì vậy với cuộc sống của con người cũng phải có một ông
vua cai quản sắp đặt. Để chính danh Khổng Mạnh gọi ông vua
là con Trời, là thiên tử. Và với tam cương (vua tôi, cha con,
chồng vợ) để ràng buộc con người, văn hoá ấy đã sản sinh
và cổ vũ cho độc tài. Nó không dạy tôi biết tôi có những
quyền gì và phải đòi hỏi như thế nào để có những quyền
ấy. Nó chỉ dạy tôi nghĩa vụ và phải thể hiện các nghĩa
vụ ấy như thế nào. Bởi vậy tôi dị ứng và không thấy
tầm quan trọng của bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền.
Nhưng thực tế lại cho thấy là có chủ thể và khách thể
riêng biệt. Tôi và cái khác tôi tách biệt nhau rõ ràng. Cái
chủ thể ấy vẫn cứ chỉ thấy mình là quan trọng hơn cái
khách thể. Cái tôi chỉ muốn được phần của mình hơn những
cái khác tôi. Nhưng cái tôi ấy lại thờ ơ với việc đòi
hỏi nhân quyền. Nó sợ không dám nói lên những điều sai trái
để bảo vệ quyền làm người của mình. Và vì vậy, lối
hành xử tuỳ thời thế, tuỳ hoàn cảnh, không dám công khai
đối mặt giữa chủ thể và khách thể đã biến cái tôi thành
luồn lách, chạy chọt, sẵn sàng hối lộ, chỉ muốn dĩ hoà vi
quý và sợ bị trả thù để được lợi cho riêng mình. Và
để dung hoà – một cách hành xử theo lối sống trung dung –
giữa lí-tự-nhiên-chủ-thể-và-khách-thể-không-tách-biệt với
cái-chủ-thể-cứ-thấy-mình-quan-trọng-hơn-cái-khách-thể, thì
cái chú thể, cái tôi ấy đã được biến lớn ra thành gia
đình dòng họ. Mọi toan tính luồn lách được nâng cấp là
để cho gia đình và dòng họ.
Nhìn vào thực tế thì đảng cộng sản hiện nay là thể hiện
rõ nét của văn hoá Khổng Mạnh. Văn hoá tôi đang sống ấy
sản sinh và nuôi dưỡng đảng cộng sản. Và vì vậy, có thể
nói văn hoá đó đã biến tôi thành người nuôi dưỡng và cổ
vũ độc tài, là kẻ thù đích thực của dân chủ.
Những phát biểu vừa qua của tôi về văn hoá Khổng Mạnh
không có nghĩa là tôi chê trách và bác bỏ những giá trị như
nhân, nghĩa, lễ. hiếu, đễ, tín mà văn hoá Khổng Mạnh cổ
vũ và truyền bá. Đó là những giá trị phổ cập về nghĩa
vụ và bổn phận của loài người, có trong bất kì nền văn
hoá nào. Nhưng khái niệm về giá trị 'nhân' trong Khổng
Mạnh lại có tính mù mờ không rõ ràng. Vì vậy các giá trị
khác đi theo cái giá trị 'nhân' mù mờ ấy đôi khi cũng
trở thành kiềm chế con người. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh
là có nhiều giá trị thuộc về bổn phận nghĩa vụ và cách
ứng xử trong văn hoá Khổng Mạnh cũng cần được bảo tồn.
Nhưng trong nền văn hoá sẽ được phát huy và thay đổi cho phù
hợp với dân chủ chúng ta phải bổ sung những giá trị thuộc
quyền làm người và phải chỉ cho mọi người biết cách để
có được những quyền ấy. Tức là làm cho giá trị 'nhân'
trở thành rõ ràng. Và nhờ vậy, các giá trị khác đi theo giá
trị 'nhân' cũng thành minh bạch. Nếu mỗi người chúng ta
'ngộ' (réaliser) được những giá trị làm người thì cách
hành xử 'tứ vô'(*) của Khổng Tử được ghi trong Luận
Ngữ vẫn có giá trị của nó trong nền văn hoá dân chủ sẽ
được phát huy. Và việc xây dựng một nước Việt Nam dân
chủ tự do và phú cường không còn là một ước mơ không thể
thực hiện được.
<h2>Hai là sự hiểu biết về dân chủ của tôi chưa toàn diện
và cặn kẽ</h2>
Nếu mỗi người đều có quyền như nhau và không ai có đủ
sức giết được người khác mà không bị giết lại thì mọi
người phải đi đến thoả hiệp là mỗi người đều được
một phần cho mình và mất một phần cho người khác để có
thể cùng sống với nhau mà không gây đổ máu và cùng bị huỷ
diệt. Và để đạt được điều ấy thì phải có một cách
nào đó để quy định việc đi đến sự thoả hiệp này. Như
vậy là dân chủ thành hình. Bởi vậy việc chấp nhận và tuân
thủ tuyệt đối các quyền được ghi trong bản tuyên ngôn
quốc tế nhân quyền là điều đầu tiên phải được thi hành
để có được dân chủ. Xem như vậy thì dân chủ sẽ cho tôi
và mỗi người hai ơn ích rất lớn. Ơn ích đầu tiên là mỗi
người đều được những quyền mà người khác cũng được.
Ơn ích thứ hai là mọi người đều được cùng sống trong hoà
bình, không ai được phép giết ai. Đảng cộng sản và nhà
nước Việt Nam đã nhân danh tôi và mọi người Việt Nam kí
kết chấp nhận bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Vì vậy
tôi phải đòi hỏi đảng và nhà nước tuyệt đối tuân thủ
bản tuyên ngôn này. Đảng và nhà nước không được phép cầm
tù khi tôi đòi hỏi những quyền của tôi và những người
Việt Nam được ghi trong bản tuyên ngôn. Đảng và nhà nước
không được phép chỉ dành những quyền ấy cho những người
của đảng và nhà nước. Nhưng tôi chưa bao giờ dám làm như
vậy để đòi hỏi quyền làm người đó cho tôi và mọi
người Việt Nam. Có phải vì tôi chưa thấy rằng quyền làm
người cho mọi người như được ghi trong bản tuyên ngôn quốc
tế nhân quyền là cơ sở cho việc thực thi dân chủ?
Khi đã chấp nhận thoả hiệp thì cũng phải biết cách hành
xử để đi đến thoả hiệp. Cách hành xử ấy gọi là cách
hành xử dân chủ. Nó chủ yếu dựa vào đối thoại, thương
thuyết để đi đến thoả hiệp. Nó tuyệt đối không cho phép
sử dụng bạo lực dưới bất cứ hình thái nào. Để đối
thoại thì phải sẵn sàng gặp gỡ và tiếp cận nhau. Cũng như
phải coi nhau bình đẳng, không được phép cho mình là bề trên
còn người khác là bề dưới. Đối thoại để đi đến thoả
hiệp không phải là cuộc gặp gỡ để xin và cho. Mà là một
cuộc thảo luận để phân chia những cái mà mọi người đều
được quyền có. Và muốn thoả hiệp thì phải không sợ thoả
hiệp và phản đối việc thoả hiệp để dám trao đổi và
phân chia những thứ mà mọi người cần. Xét theo đó thì rõ
ràng đối thoại và thoả hiệp là cốt lõi và là mục đích
phải đạt tới của dân chủ.
Đã đến lúc đảng và nhà nước cùng với các tổ chức hay
cá nhân tranh đấu cho dân chủ cần có một số hành động cụ
thể để thể hiện dân chủ.
Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam tuyên bố lí tưởng
của đảng và nhà nước là xây dựng tự do dân chủ và bình
đẳng cho dân. Vậy đảng và nhà nước không nên lẩn tránh
đối thoại và thoả hiệp. Vì đó mới đích thực là thể
hiện dân chủ và bình đẳng. Trong đối thoại và thoả hiệp
cũng không nên giữ thái độ kẻ trên và kẻ dưới. Có nghĩa
là kẻ trên ban phát cho kẻ dưới trong tương quan xin - cho.
Còn các vị tranh đấu cho dân chủ, tự do, bình đẳng cũng
không nên lẩn tránh đối thoại và thoả hiệp. Hãy cố gắng
tìm mọi cách để buộc đảng và nhà nước phải chấp nhận
cùng các vị đối thoại và thoả hiệp. Các vị không có vũ
lực nhưng có ít nhất một vài thứ vốn như lòng yêu nước,
lẽ phải, sự bất khuất không sợ tù đày vì lẽ phải hoặc
chất xám, dollars và sức mạnh của lá phiếu tại quốc gia
đang sống để trao đổi. Các vị không nên coi người đối
thoại là kẻ thù phải tiêu diệt không muốn nhìn mặt. Trái
lại, phải sẵn sàng tiếp cận và tôn trọng nhau để cùng
đối thoại và thoả hiệp. Cũng không nên coi đối thoại và
thoả hiệp là đầu hàng vì đây không phải là một cuộc gặp
gỡ để xin - cho. Mà là một cuộc gặp gỡ để thể hiện và
xây dựng dân chủ.
Như vậy thì vấn đề hoà giải và hoà hợp lại là một hành
xử cũng không thể thiếu được trong dân chủ để giúp nhau
đối thoại đi đến thoả hiệp. Hãy biết thẳng thắn nhìn
nhận những sai phạm đã làm cho người khác và xin lỗi họ
cũng như nên biết tha lỗi khi đã được xin lỗi và đền bù
dù chỉ là tượng trưng.
Nhà nước và đảng cộng sản cũng như các tổ chức hoặc cá
nhân tranh đấu cho dân chủ đều chủ trương và cổ vũ dân
chủ. Tại sao các vị lại không dám giơ tay ra đề mời gọi
nhau tham gia đối thoại và tìm sự thoả hiệp? Và việc giơ tay
này tại sao lại không dám bắt đầu – đặc biệt là từ
phía những người đang nắm quyền lực – bằng một lời
thẳng thắn xin lỗi nhau? Sau đó là thảo luận để đi đến
thoả hiệp rất nhiều vấn đề thiết yếu cho việc xây dựng
và phát triển dân chủ như thể chế tương lai tốt nhât để
bảo vệ được nhân quyền, xây dựng xã hội công dân, phát
triển kinh tế, bảo hiểm y tế và an sinh xã hội, hàn gắn
những đổ vỡ của quá khứ, chống hiểm hoạ Trung Quốc v.v.
Có phải vì các vị chưa hiểu biết về dân chủ một cách
toàn diện và cặn kẽ? Hoặc các vị hiểu nhưng cố ý làm cho
khái niệm dân chủ trở thành cái gì thật mờ ảo để làm
bình phong che đậy ý đồ độc tài của mình và sự mong muốn
thoả mãn lòng tự ái? Vì vậy các vị tìm cách 'tự
sướng' và áo thụng vái nhau bằng những hành động chẳng
giúp gì cho việc xây dựng dân chủ!
Xây dựng dân chủ trước hết dựa vào lời nói (logos) chứ
không bằng bạo lực. Tại sao các quý vị không sử dụng tối
đa cơ quan truyền thông để cho người dân thấy những ơn ích
của dân chủ, cách hành xử của dân chủ và các kĩ thuật tổ
chức dân chủ mà các quý vị lại chỉ thích dùng bạo lực
dưới đủ mọi hình thái để hăm doạ nhau?
Những đề nghị nói trên của tôi có thể làm cho quý vị
thuộc mọi phía bực tức và phản đối. Nhưng các vị hãy
bình tĩnh và suy nghĩ kĩ. Đó là những bước sớm muộn gì
cũng phải làm khi các vị thực sự muốn có dân chủ. Tại sao
không làm ngay mà lại cố ý lẩn tránh? Bây giờ là lúc chúng
ta phải vượt lên khỏi hận thù và tự ái phe phái để thể
hiện đúng ý nghĩa của dân chủ. Bởi dân tộc Việt Nam đã
quá đau khổ và đang thua kém rất nhiều nước trên thế giới
lại còn đang bị hiểm hoạ xâm lăng của Trung Quốc đe doạ.
Cứ chống nhau mãi chỉ làm cho tiềm lực quốc gia càng ngày
càng suy yếu với hậu quả là đất nước sẽ rơi vào tay Trung
Quốc. Tại sao chúng ta không biết cùng ngồi lại bắt tay nhau
mau chóng xây dựng một nền dân chủ tự do thực sự cho dân
tộc để có đủ sức huy động toàn bộ năng lực của dân
chúng vào việc chống hiểm hoạ ngoại xâm Trung Quốc và xây
dựng một nước Việt Nam phú cường, tự do bình đẳng và dân
chủ?
Dân tộc chúng ta đang cần phục sinh. Đó là sự mong ước và
trông đợi của toàn dân đối với đảng cộng sản và tất
cả các tổ chức hay cá nhân tranh đấu cho dân chủ. Đặc
biệt là đảng cộng sản càng phải cố gắng hơn nữa để kì
đại hội đảng năm 2011 sẽ là đại hội đem đến cho Việt
Nam một nền dân chủ tự do và bình đẳng thực sự, nếu
đảng không muốn trở thành một vết nhơ của lịch sử Việt
Nam.
Lâm Đồng ngày lễ Phục sinh 04-04-2010
Trần Bảo Lộc
(*) Tứ vô là vô ý (không bám vào một ý kiến), vô tất (không
khẳng định một lẽ tất phải), vô cố (không cố chấp vào
một lập trường) và vô ngã (không có một cái ngã đặc biệt
có nghĩa là không có một cái ngã mà không có liên quan và lệ
thuộc vào các cái ngã khác). Xin tham khảo François Julien, Un sage
est sans idée ou L'autre de la philosophie. Éditions du Seuil 07 Juin 1998
hoặc bản dịch của Nguyên Ngọc, Minh triêt phương Đông &
Triết học phương Tây. Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003.
© Thông Luận 2010
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4627), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét