Sẽ cần thêm bao nhiêu thời gian
Để Ba mươi tháng tư thôi là ngày "Quốc hận"?
Xa xứ gặp nhau - giọng Nam tiếng Bắc
Không còn vách ngăn.
Sẽ cần thêm bao nhiêu tháng năm
Để "Quốc giỗ" cho những người tử trận
Không phân biệt thắng - thua, được - mất
Súng đã im - vết sẹo vẫn chưa lành
Sẽ cần thêm bao nhiêu thời gian
Để gọi đích danh kẻ ngăn sông cấm biển
Thêm một lần nàng Mỵ Châu bị giết
Cuộc hôn nhân lẩn khuất bóng Triệu Đà
Sẽ cần thêm bao nhiêu thời gian
Để ta tự hào nói cùng bè bạn
Rồng đã bay lên.
<em>Bài thơ này tôi viết từ tháng sáu năm ngoái. Nay vẫn thấy
cần đưa lại trong entry này.</em></div>
Tôi suýt khóc như trẻ bị đòn oan khi nhận thông báo không
được tiếp tục đứng lớp dạy tiếng Việt cho các con em
người Việt ở Chùa nữa. Lý do: Tôi đã dạy các trò bài hát
"<em>Tiếng chuông và ngọn cờ</em>" của "nhạc sỹ cộng sản"
Phạm Tuyên. Kiến nghị này chỉ của một nhóm giáo viên và
một vài vị phụ huynh "quá khích" (tôi đã gọi họ như thế).
Lúc ấy tôi giận họ ghê gớm. Họ đã tước đoạt mất niềm
vui được thiện nguyện đóng góp cho cộng đồng của tôi.
Giữa tôi và các trò đã bắt đầu nảy sinh tình cảm quý mến
nhau. Có bé gái mồ côi mẹ, lần nào không làm được bài
kiểm tra cũng khóc khiến cho hai cô giáo phải ôm vào lòng vỗ
về, dỗ dành. Có bé học rất giỏi, luôn tìm ghép được
những từ cả cô giáo và các bạn không ngờ tới. Có bé vẽ
minh họa được cả những từ khó như "nhà sư", "mùa thu"...
Tôi đã định cầu cứu đến sự ủng hộ của các tăng ni
phật tử mà tôi đã quen trong gần hai tháng tham gia giảng dạy
ở Chùa. Tôi đã định tìm gặp Sư Thầy để nói rõ nguồn
cơn...
"<em>Sẽ cần thêm bao nhiêu thời gian - Để ba mươi tháng tư
thôi là ngày "Quốc hận</em>"? Tôi đã từng tiếp xúc với
nhiều Việt kiều ra đi trước, trong và sau biến cố 75. Khi
vượt qua được thanh ngáng "30 tháng tư" để trò chuyện với
nhau như những người Việt xa xứ, họ đã kể về những mất
mát mà gia đình và người thân họ phải gánh chịu. Chiến
tranh là thế. Hai nhà hàng xóm đánh nhau, sau một vài năm có
thể chào hỏi lại một cách xã giao. Anh em ruột thịt đâm
chém nhau, vết thương còn mãi trong lòng những người thân.
Chị bạn tôi nói, những người phản đối tôi đều có nhiều
người thân bỏ mạng trong cuộc chiến hoặc bị chết trong các
trại cải tạo hoặc từng là nạn nhân của cướp biển, của
sóng dữ trong nhưng ngày lênh đênh bỏ nước ra đi. "<em>Tiếng
Việt còn - nước Việt còn</em>" - nhưng nước Việt trong họ
là hoài niệm của miền Nam đã mất sau 75. Sẽ có người nói
rằng, chắc gì bên nào đã mất mát nhiều hơn? Vâng! Nếu
chúng ta đem những "bia mộ Trường Sơn trùng trùng lớp lớp",
đem nỗi đau da cam, đem nỗi cô đơn của hàng triệu phụ nữ
có chồng con "đi mãi không về"... đặt lên bàn cân... Nhà thơ
Nguyễn Duy viết: "<em>Nghĩ cho cùng mỗi cuộc chiến tranh - phe
nào thắng thì nhân dân đều bại</em>". Ba mươi lăm năm đủ
để cho những đứa trẻ sinh ra sau chiến tranh trở thành
người lớn. Nhưng tuổi thơ của lớp người này vẫn ám ảnh
bởi những ký ức buồn đau, mất mát trong và sau cuộc chiến
của cha anh họ. Như tôi vẫn hay thường kể cho các con nghe
những cơn đói triền miên hồi thập kỷ tám mươi. Để hóa
giải mọi sự hận thù, rất cần những bàn tay chìa ra. Nhưng
cách chìa bàn tay của hai bên "thắng - thua" cũng khác. Và tôi
thấy sự giận dữ của các vị phụ huynh ở Chùa không còn là
điều quá khó hiểu. Họ cần nhiều thời gian hơn để mở
lòng với những người thuộc "phe cộng sản".
Tôi nhớ có lần sinh viên du học và sinh viên gốc Việt ở
hải ngoại cùng xuống đường biểu tình chống TQ chiếm đảo
Trường Sa. Thủ lĩnh hai bên đã thỏa thuận với nhau, chỉ mang
theo biểu ngữ VIỆT NAM - tịnh không có bóng một lá cờ đỏ
sao vàng hay cờ ba sọc. Khi đất nước gian nguy, tấm lòng con
dân Việt lại quy về một mối. "Sẽ cần thêm bao nhiêu thời
gian?" - Chắc không còn lâu nữa.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4809), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét