Hải, tức blogger Anhbasg, bị công an Việt Nam bắt giữ trái
pháp luật. Cùng ngày, blogger Tạ Phong Tần bị bắt giữ và
tịch thu tư trang trái pháp luật. Ngày 31/3/2010, chị Lư Thị Thu
Trang, thành viên Khối 8406, bị công an vây nhà.
Mời bạn đọc bài viết của Luật sư Phan Thanh Hải về cách
ứng xử cần thiết trong những vụ việc này.</div>
Bởi lẽ các vấn nạn "mời làm việc", cưỡng bức, đánh
đập, đàn áp con người đang lây lan như một nạn dịch ở
khắp nơi, dân chúng cần phải dùng sự hiểu biết pháp luật
như một công cụ chống lại sự lạm quyền.
Xin đừng hiểu lầm rằng việc tư vấn pháp luật là sự
chống đối chính quyền. Tôi chỉ chống lại những biểu hiện
sai trái của nhân viên công quyền mà thôi.
Bài này là phần tiếp theo của các vấn đề mà Luật sư Lê
Trần Luật đã đặt ra trong bài "Về tình trạng mời làm
việc và tạm giữ của cơ quan an ninh Việt Nam"
(http://www.talawas.org/?p=18315).
<h2>Một số những kinh nghiệm ứng xử mang tính tự vệ, tránh
sự lạm quyền của cơ quan an ninh</h2>
<h3>Đối với giấy mời</h3>
Khi giấy mời làm việc ghi lý do mơ hồ: bạn có thể từ chối
và đề nghị ghi rõ sự việc mà cơ quan an ninh quan tâm. Nếu
không phải là sự điều tra, thẩm vấn thì việc đòi hỏi họ
liệt kê ra những câu hỏi mà cơ quan an ninh quan tâm cũng không
thể bị quy là chống đối, ngược lại đó là sự tiết kiệm
thời gian và công sức cho cả hai bên. Bởi lẽ một tờ giấy
mời thì không đồng nghĩa rằng bạn đã có vi phạm gì cả
nên không thể lạm dụng nó làm mất thời gian riêng tư của
bạn. Pháp luật cũng không có chế tài áp giải cưỡng chế khi
không đi theo giấy mời. Vì thế cách tốt nhất là kiên quyết
từ chối ngay từ đầu.
Họ xông vào nhà mà không có lệnh thì phải đuổi ra khỏi nhà
bằng mọi cách, vì công dân có quyền bất khả xâm phạm về
thân thể, chỗ ở cũng như tài sản.
Dễ thấy rằng sự "đi làm việc" là một loại chế tài,
là một biện pháp phạt vạ để trấn áp công dân. Chưa kể
khi bị "làm việc" suốt nhiều ngày thì bạn bị giới hạn
tự do trong một không gian hẹp, đi đâu cũng có người đi kèm
giám sát không khác gì mấy với người bị tù. Đây là sự
đàn áp trá hình, khủng bố tinh thần công dân và tất nhiên
là trái luật.
<h3>Đối với giấy triệu tập</h3>
Nhìn thấy giấy triệu tập có lẽ ai cũng cảm thấy căng
thẳng bởi lẽ mặt sau nó có đoạn chữ in sẵn về nghĩa vụ
"phải có mặt" và "có thể bị dẫn giải" đối với
nhân chứng và còn ghi thêm rằng "nếu… thì phải chịu trách
nhiệm hình sự…" Nói chung là những quy định được in ra
từ Bộ Luật Tố tụng Hình sự.
Thực tế cho thấy rất nhiều sự bất ổn khi cơ quan công an
dùng giấy triệu tập. Thường thấy nhất là họ dùng giấy
triệu tập khi chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự,
ngược lại họ lại ghi vào mặt sau những quy định có tính
bắt buộc. Đây là một sự đánh lừa về tâm lý và sai
lô-gích, bởi các quy định mà họ ghi ở mặt sau ấy chỉ áp
dụng trong "vòng tố tụng", có nghĩa là đối với một vụ
án đã được khởi tố và những tội danh cụ thể.
Bởi họ không xác định rằng bạn có tư cách tố tụng nào
nên họ cũng không thể áp dụng sự cưỡng chế của Luật Tố
tụng Hình sự đối với bạn.
Cũng cần lưu ý rằng việc dẫn giải hay áp giải chỉ được
áp dụng đối với người làm chứng hay bị can bị cáo, các
đương sự khác của vụ án hình sự không chịu sự cưỡng
chế này. Hơn nữa việc áp dụng dẫn giải luôn phải kèm theo
một quyết định dẫn giải bên cạnh một giấy triệu tập.
Khi đã có quyết định khởi tố thì phía công an cũng hay mập
mờ về tư cách tố tụng của bạn. Nếu là nhân chứng thì
bạn phải là người biết đến những tình tiết liên quan
đến vụ án. Tuy nhiên bạn có biết hay không biết về sự
việc phạm tội thì nhiều khi vẫn là còn một câu hỏi mà
chính cơ quan công an cũng chưa thể chắc chắn, có vẻ như là
họ chỉ gọi bạn lên để xác minh rằng liệu bạn có phải
là một nhân chứng hay không. Vì thế việc áp giải hay đe dọa
áp giải bạn đi là chưa ổn về pháp lý, đây cũng là cơ sở
để bạn dùng quyền khiếu nại tố cáo của mình.
Nếu cơ quan an ninh dùng bạo lực, bạn phải bình tĩnh tránh
những va chạm không cần thiết để họ lại lấy cớ khác
bắt mình như "chống người thi hành công vụ", "gây rối
trật tự công cộng" v.v.
<h3>Cách ứng xử khi bị thẩm vấn</h3>
Sự cưỡng bức làm việc trái luật và lý do mời làm việc
không cụ thể là lý do mạnh mẽ nhất để bạn từ chối trả
lời thẩm vấn hoặc từ chối đi làm việc ngay từ đầu.
Cần phải lưu ý rằng nghĩa vụ khai báo chỉ có thể xuất
phát từ một hành vi có sai phạm cụ thể của chính bạn
(phải được nêu ra bằng một điều luật cụ thể). Vì thế
họ không có quyền soi mói mọi vấn đề thuộc đời tư của
bạn mà không có gì dính dáng đến an ninh quốc gia hay một
tội phạm khác.
Họ hỏi tôi về Tiến Trung, Hoàng Lan, Điếu Cày, CLB Nhà báo
Tự do… và tôi cho rằng mình có quyền từ chối trả lời
bởi lẽ trong những quan hệ ấy (gặp gỡ, đi ăn tối, đi
café…) tôi không chứng kiến bất kỳ một sự vi phạm pháp
luật nào và tôi hoàn toàn tự tin về điều đó. Ngoài ra cách
hỏi ấy ngụ ý rằng tôi phải chứng minh sự liên quan (đồng
phạm) hoặc không liên quan (tức vô tội) của mình, điều này
trái ngược với nguyên tắc rằng việc chứng minh tội phạm
là trách nhiệm của cơ quan điều tra, ngược lại bạn không
bị bắt buộc phải chứng minh là mình có tội hoặc vô tội.
Tuy nhiên bạn luôn luôn có quyền biện hộ cho mình khi thấy
cần thiết.
Trong Luật Hình sự có một tội danh là "tội từ chối khai
báo", rất có thể họ sẽ đem ra để đe dọa bạn, tuy nhiên
tội danh này chỉ áp dụng khi đã có quyết định khởi tố
vụ án mà bạn là đương sự chính thức. Các giấy mời "làm
việc" đơn thuần không thể bị quy kết vào tội này.
Một số những lý do hợp lý khác cho việc từ chối làm việc
hoặc từ chối khai báo có thể là:
- Yêu cầu làm việc không chỉ ra một vi phạm cụ thể của
bạn.
- Nếu chỉ là vi phạm hành chính thì việc từ chối của bạn
chắc chắn là không thể phạm tội "từ chối khai báo",
bởi lẽ cơ quan công an vẫn có thể xử lý không phụ thuộc
vào bạn có khai báo hay không, hơn nữa chính cơ quan công an
phải là người chứng minh rõ việc vi phạm của bạn.
- Người làm việc không mặc sắc phục, hoặc người làm việc
không phải là người có tên trên giấy mời.
- Câu thẩm vấn nằm ngoài nội dung ghi trên giấy mời, hoặc
đi quá xa sự việc được xem là có vi phạm pháp luật.
- Câu thẩm vấn có tính chất dụ cung, mớm cung hoặc có tính
chất chụp mũ áp đặt sự vi phạm lên bạn.
Thực tế cho thấy việc bạn không hợp tác sẽ khiến cho cơ
quan an ninh bực bội và muốn trừng phạt bạn bằng cách duy
trì việc giam giữ hay đe dọa bạn. Tuy nhiên, khi tin chắc mình
không phạm luật thì bạn hãy tuyên bố rằng sự giam giữ của
họ là trái luật và đòi hỏi quyết định tạm giữ cũng như
dùng quyền khiếu nại tố cáo của mình.
Nếu bạn đã bị khởi tố và bị xác định là bị can thì
việc đòi hỏi quyền có luật sư là điều đầu tiên phải
nghĩ tới. Tuy nhiên ở Việt Nam, trong trường hợp những tội
có liên quan đến an ninh quốc gia thì bạn không thể có luật
sư khi chưa hết giai đoạn điều tra, đây là một tình thế
rất bất lợi. Điều quan trọng nhất là bạn cần phải thấu
hiểu rằng "<em>Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về
các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền
nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.</em>"
Lời khuyên của tôi là bạn nên khai báo rõ ràng về hành vi
của mình và những sự việc liên quan, tuy nhiên cần lưu ý
rằng việc thừa nhận mình có phạm tội là một bất lợi
rất lớn.
Cũng cần hiểu rõ về nguyên tắc suy đoán vô tội "<em>Không
ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của toà án
đã có hiệu lực pháp luật</em>", có nghĩa rằng bạn chưa
thể bị xem là có tội khi chưa có phán quyết của tòa. Hãy
vận dụng nó để chống lại những lối thẩm vấn áp đặt
hoặc bất cứ kiểu đe dọa khủng bố nào xảy ra khi bị giam
giữ và đòi hỏi được đối xử công bằng.
© 2010 Phan Thanh Hải
© 2010 talawas
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4610), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét