Nỗi sợ cộng sản, Hoa Kỳ và chủ nghĩa xã hội, McCarthyism, Nguyễn Hữu Liêm và chí công vô tư

Gần đây, một lần nữa lại có người e-mail cho Đàn Chim
Việt yêu cầu trục xuất Nguyễn Hữu Liêm ra khỏi ban biên
tập, sau khi có lời ngợi khen bài vở cũng như đường lối
của trang báo này. Không giấu gì bạn đọc, tôi là một
người bạn khá thân của anh Liêm, chúng tôi đồng ý với nhau
rằng mối hận thù cộng sản cần được chuyển đổi thành
những hành động tích cực hơn là những chửi rủa, bôi nhọ,
chụp mũ tiêu cực. Chúng tôi hiểu nhau, tuy không hẳn chia sẻ
đường lối và cách tiếp cận vấn đề của nhau. Thiết nghĩ,
đấy là tinh thần đa nguyên trong khái niệm của dân chủ. Một
điều cốt lõi đã được ông Voltaire (1694-1778) bày tỏ:
"<em>Có thể tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi
sẽ tranh đấu đến cùng cho quyền phát biểu của anh</em>."

Do nỗi sợ và thù ghét cộng sản, người Việt hình như vẫn
chưa vượt qua được cái mốc căn bản này. Hôm nay, tôi xin
không đi vào chuyện vì sao Đảng Cộng sản lại đào một hố
sâu hận thù như thế để cho dân tình trong – nhất là ngoài
– nước phải nằm cheo leo trên cái dốc trơn trợt này. Tôi
chỉ ao ước rằng những người sống ở các nước dân chủ
– nhất là Hoa Kỳ – sẽ bình tâm chiêm nghiệm lại ý tưởng
đa nguyên này. Tôi cũng xin mạn phép được lược qua trải
nghiệm "làn sóng đỏ" của Hoa Kỳ, cũng như vì sao sự đe
dọa này không hề hấn gì đối với họ. Có phải vì tinh
thần dân chủ, tôn trọng cái khác biệt mà Hoa Kỳ đã vượt
qua những cái xấu xa đê hèn trong xã hội?

Đương nhiên, đây là một so sánh khập khiễng vì Mỹ và Việt
Nam là hai quốc gia có những kinh nghiệm lịch sử, ngoại cảnh
và con người, cũng như cách cấu trúc thể chế hoàn toàn khác
biệt nhau – nhưng ít ra trong ước nguyện vượt lên trên phần
số của dân tộc mình, tôi hy vọng chúng ta sẽ đối xử với
nhau tử tế hơn và nếu định mệnh hay tình thế cho phép –
tôi cũng ước ao thật mãnh liệt là người Việt sẽ vượt qua
được cái khác biệt của nhau – dù phiến diện hay sâu đậm
– nếu không phải lúc này thì trong một tương lai rất gần
– để kết hợp với nhau tạo nên một một thế tức nước
vỡ bờ, thay đổi được cục diện của đất nước trước
khi quá muộn.

<h2>Làn sóng Đỏ (Red Scare) tấn công Hoa Kỳ?</h2>

Trong lịch sử Hoa Kỳ có nhiều thời kỳ dân Mỹ lo sợ Làn
sóng Đỏ (Red Scare), bắt nguồn từ khi Vladimir Lenin cướp chính
quyền Nga hoàng (còn gọi là Sa hoàng) năm 1917 trong Thế chiến
thứ Nhất, sau đó lại chính Lenin ký kết bắt tay với
phát-xít Đức với Hiệp ước Brest-Litovsk (tháng 3.1918) để
ông rảnh tay tiêu diệt phe Menshevik, củng cố sự thống trị
của cộng sản trên toàn lãnh thổ nước Nga. Một quyền lực
và chủ thuyết mới đã bắt đầu trên bình diện thế giới.
Trong Thế chiến thứ Nhất (và thứ Hai), Nga là đồng minh của
Anh, Pháp và Hoa Kỳ cho nên người Mỹ ít khi nào tin tưởng hay
chấp nhận sự tráo trở của Nga sô. Sự nghi kỵ này kéo dài
từ 1917 cho đến 1920 (và bây giờ), và phải nói là hai chiều,
vì cộng sản Nga cũng trên đường tranh giành bá quyền thế
giới. Rồi đến 1930, các nghiệp đoàn lao động ở Mỹ bắt
đầu hình thành, làm gia tăng mối lo ngại của dân Mỹ về sự
giật dây của Quốc tế Cộng sản trong nội bộ Hoa Kỳ.

Tháng Tư năm 1919, Sở Bưu điện Hoa Kỳ chặn được hơn 30 bưu
kiện có gài chất nổ, gởi đến địa chỉ các thương gia và
chính giới Hoa Kỳ, có tác dụng sẽ nổ tung khi được mở ra.
Tháng Sáu năm đó lại có thêm 8 vụ nổ bom ở 8 thành phố
khác nhau trên nước Mỹ, một trong những vụ nổ bom xảy ra
tại tư gia của ông Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Mitchell Palmer,
ở ngay thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Điều này cho thấy có một
cuộc âm mưu đánh bom qui mô nhắm vào Hoa Kỳ, tạo nên giả
thuyết đây là một cuộc khủng bố do cộng sản chủ mưu.
Rồi đến năm 1920 một vụ nổ bom kinh hoàng tại Nhà băng
Morgan (House of Morgan) làm giới an ninh Mỹ bị báo động. Kết
cuộc, ông Bộ trưởng Tư pháp Mitchell Palmer tuyên bố "một
ngọn lửa phản loạn đã thiêu hủy nền móng của xã hội Hoa
Kỳ". Sau đó ông cho thiết lập một Phân khu Tổng Tình báo
(sau này trở thành FBI/Văn phòng Tình báo Trung ương) do ông J.
Edgar Hoover chủ trì. Sau đó cơ quan này khởi động các vụ bố
ráp (gọi là Palmer Raids) các tổ chức quá khích, truy bức
những di dân Âu châu mà họ cho là có móc nối với cộng sản
trong xã hội Mỹ.

Vào năm đó, Đảng Cộng sản Hoa Kỳ (Communist Party of the United
States) đã bắt đầu vận động tăng trưởng con số thành viên
các nghiệp đoàn lao động. Đến năm 1941, Đảng Cộng sản Hoa
Kỳ đã kết nạp trên 75.000 đảng viên. Đến 1949, Nga thí
nghiệm cho nổ bom nguyên tử, và Mao đánh bại phe quốc gia của
Tưởng Giới Thạch, chiếm trọn Trung Hoa lục địa. Đến 1950,
chiến tranh với Bắc Hàn và Trung Quốc cũng khơi mào. Trong
khoảng thời gian này đã xảy ra mấy vụ án, như vụ Klaus
Fuchs, một người Anh gốc Đức làm việc trong Phòng thí nghiệm
nguyên tử ở Los Alamos, bang New Mexico, Hoa Kỳ, trong Công trình
Manhattan (Manhattan Project), thú nhận đã làm gián điệp cho Nga.
Hay vụ Alger Hiss, một nhân viên cao cấp trong Bộ Ngoại giao Mỹ
bị kết án làm gián điệp cho Nga sô. Hai vợ chồng Julius và
Ethel Rosenberg bị bị kết án ăn cắp và bán tài liệu về bom
nguyên tử cho Nga và xử tử năm 1953.

<h2>Cải cách xã hội để đối phó với "Tư bản luận"
của Karl Marx</h2>

Từ thập niên 30 cho đến nay (2010), Hoa Kỳ đã trải qua nhiều
biến chuyển xã hội. 1933-38, chính sách New Deal của Tổng
thống Franklin D. Roosevelt; 2009-2010, cải tổ y tế của Obama,
tất cả đều mang tính xã hội. Không những Hoa Kỳ đã trải
qua các cơn sốt vỡ da về bản chất nhân vị của mình trong
quá khứ, ban hành các chương trình đậm nét xã hội quá độ
như Social Security Act (An sinh Xã hội giúp đỡ tiền già, hưu
trí), Fair Labor Standard Act 1938 cùng với Child Labor Act ấn định
lương bổng, giờ giấc làm việc cho trẻ em, ấn định số
tuổi tối thiểu mà trẻ em có thể làm việc, Federal Housing Act
(FHA, luật trợ giúp nhà cửa) và hai chương trình phụ thuộc
Đạo luật An sinh Xã hội (Social Security Act) Medicare-Medicaid
được ban hành vào tháng 7.1965 (Medicare giúp đỡ y tế, thuốc
men cho người già và Medicaid cho người nghèo) mà hiện nay,
người Mỹ – nhất là những nhân vật trong phe bảo thủ –
cũng rục rịch chống đối Obama với các phong trào chống thuế
TEA (Tax Enough Already) Party, chống xã hội hóa, vì mối nghi ngại
cho rằng nước Mỹ đã quá thiên về hướng chủ nghĩa xã
hội, nhượng bước cho những người ăn không ngồi rồi, gia
tăng gánh sưu cao thuế nặng cho những thành phần đi làm, có
trách nhiệm, cầm cả tương lai kinh tế của các thế hệ sau.

Từ lúc chủ nghĩa Marxist-Leninist xuất hiện trên thế giới,
Làn sóng Đỏ lúc nào cũng là một mối đe dọa của Hoa Kỳ –
nếu không trong thế đối trọng tất yếu giữa triết lý tư
bản và cộng sản, chính nghĩa và tà đạo, cạnh tranh và nâng
đỡ thì cũng trong tư thế hai phe quyền lực cùng nhau tranh
giành ảnh hưởng và quyền lãnh đạo thế giới. Trong quá
khứ, vào thời 1950, Hoa Kỳ đã có những vụ tố cáo, vu
khống, lên án cộng sản, khét tiếng nhất là việc Thượng
nghị sĩ Joseph McCarthy chủ xướng các vụ bắt bớ nghệ sĩ,
tài tử, công chức chính quyền và những cuộc điều trần,
chụp mũ khuynh tả ở Quốc hội. Sự đàn áp quá độ đã đưa
đến khái niệm "McCarthyism", đồng nghĩa với chuyện chụp
mũ cộng sản hay bách hại, bêu xấu ai.

<h2>Công bằng và lẽ phải giúp Hoa Kỳ tránh chuyện quá
độ</h2>

Tuy nhiên, lấy công minh mà xét, trong một thể chế dân chủ
như Hoa Kỳ, những chuyện thái quá cũng không thể kéo dài trong
xã hội. Lẽ phải theo khái niệm "majority rules, minority's
right" (đa số thắng thế, thiểu số có quyền) chí công vô
tư, bao giờ cũng gây thiện cảm và thu phục được nhân tâm
của công dân. Luật pháp của một nước dân chủ pháp trị
cũng được sửa đổi, cải thiện, không cho phép chuyện lộng
quyền, áp đảo hay tước đoạt quyền công dân của nhà cầm
quyền.

Như vậy lối đi của một nước tư bản như Hoa Kỳ là gì? Có
phải là tự lực cánh sinh, mạnh được yếu thua, lấy lợi
nhuận làm đầu? Tuy trên lý thuyết thì như thế, nhưng thực
chất không hẳn như vậy. Hoa Kỳ tuy là một nước tư bản,
nhưng không như Việt Nam, không theo chính sách mackeno, không có
những khẩu hiệu thật kêu: "Dân giàu nước mạnh, xã hội
công bằng, văn minh, tiến bộ".

Nói tóm lại, tại Hoa Kỳ, chế độ tư bản đầu sỏ, thịnh
hành nhất thế giới, phương cách cải tổ xã hội toàn diện
đã khiến quốc gia này ngày hôm nay có thể giúp đỡ cho con
dân họ nhiều hơn, bao dung hơn chính các quốc gia theo chủ
nghĩa cộng sản hay xã hội như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba hay
Bắc Hàn, tuy nhiều lúc đã có những chất vấn và nghi ngại
về đường lối của Tòa Bạch ốc, như hôm nay dưới chính
quyền Obama. Nói chung, người dân Mỹ không tin ở chính phủ,
đối với họ chính quyền càng ít nhúng tay vào đời sống
của dân tình càng tốt, nhất là vào thời buổi kinh tế suy
thoái. Chính-quyền-nhỏ-không-chỉ-đạo-hay-áp-đảo người dân
không chỉ là một đặc điểm riêng của Đảng Cộng hòa, vì
từ thuở lập quốc, mối tranh cãi về quyền lợi của dân và
quyền hành của chính phủ lúc nào cũng là điều thiết thực
và nổi cộm. Đây chính là chuyện cốt lõi của dân quyền và
dân chủ Hoa Kỳ (xin đọc thêm về Anti-Federalist và Federalist
Papers).

<h2>Vì sao Việt Nam lo ngại cộng sản hơn Mỹ?</h2>

Bất kể những cuộc chiến ủy nhiệm thảm khốc giữa Tự do
và Cộng sản mà người Mỹ can dự, mối lo ngại về cộng
sản ở Mỹ, theo người viết chỉ là một nghi vấn kinh điển,
không như Việt Nam, lúc nào cũng là một quan ngại hiện thực,
vì gần một thế kỷ nay người dân Việt phải trải qua bao
cơn máu lửa tàn phá và hủy diệt để sống trong một guồng
máy áp bức và kiểm soát chặt chẽ đời sống của mỗi
người. Không những thế, cuộc huynh đệ tương tàn vừa qua
đã có những đòi hỏi hy sinh quá đáng để đưa Đảng Cộng
sản đến thắng lợi toàn phần, nhưng cải cách và phần
thưởng mà người dân mong đợi thì còn rất xa với mục tiêu
công bằng và chí công vô tư, xây dựng một "đất nước
độc lập, tự do, hạnh phúc". Nhà cầm quyền ngày càng đi
xa, đưa lợi ích của cá nhân và phe đảng lên trên quyền lợi
của dân tộc.

Cho dù chính quyền Mỹ không được lòng tin hay tín nhiệm của
người dân, cơ cấu bầu cử của Mỹ dành cho người dân
quyền chọn lựa người lãnh đạo. Cứ theo từng nhiệm kỳ mà
người dân có quyền thanh lọc, bầu chọn lãnh đạo mới của
mình, từ chính quyền địa phương cho đến trung ương, những
người đại biểu không được ưa chuộng sẽ bị loại, không
thể ngồi mãi một chỗ để bóc lột hay đàn áp con dân.
Người Việt không có diễm phúc chọn lựa người lãnh đạo
mình, cho nên mối chán ghét ngày càng tăng, đến độ người
dân bỏ mặc chuyện chính trị vì họ không có một tiếng nói
than trách, khiếu kiện hay ảnh hưởng nào.

Trong khi đó, đối với khoảng 3 triệu người Việt sinh sống
ở nước ngoài, chính quyền Việt Nam không có một hành vi
thực tiễn nào nhằm xoa dịu, chuộc lỗi những hành vi ác nhân
thất đức đã đẩy con dân mình vượt biển khơi, bất kể
sống chết, đi tìm lẽ sống. Ít ra, cho đến nay người ra đi
vẫn chờ một ít lương thiện ở lãnh đạo, mong họ cải tổ
đường lối, thôi truy bức những tiếng nói lương tâm ở
nước nhà, hoặc những tham nhũng quá độ để mang lại cho
những người tha hương một nỗi nhục nhằn hổ ngươi, mỗi
khi giới lãnh đạo nhà nước ra nước ngoài. Ngoại trừ Nghị
quyết 36, được coi như là một chiến lược để chiêu dụ
người Việt hải ngoại, chính quyền cộng sản không có một
hành động chính thức nào để đối thoại với "khúc ruột
ngàn dặm" của họ.

Ngược lại, đây có thể là phản ứng của lãnh đạo nhà
nước đối với với một chọn lựa thiển cận, một sự cố
chấp, một sự mị (dân) của một số lãnh đạo cộng đồng
"chống cộng" hải ngoại: không muốn thương lượng hay
thỏa hiệp với cộng sản, tăng tốc theo những áp bức trong
nước, rốt cục cả hai bên đều thi gan cùng tuế nguyệt, ngày
càng đào sâu cái hố chia rẽ dân tộc cho đến ngày tàn lụi
của đất nước?

<h2>Nguyễn Hữu Liêm, anh là ai?</h2>

Tất nhiên, người viết chỉ nói đến vấn đề nổi cộm,
chứ không nói đến những chi tiết phức tạp của mọi
trường hợp. Lấy công minh mà xét, không một ai, ngay cả các
đảng viên cộng sản, lại thích ôm ấp mãi cái chủ thuyết
ngoại lai vô luân này, nhưng vì thiếu tài đức, dũng cảm,
trách nhiệm và lương thiện nên họ muốn ôm ấp cái bổng
lộc đặc quyền, đặc lợi này do sự chuyên chính của độc
đảng mang đến. Trong khi đó, có một thiểu số ngây thơ, xu
nịnh, hoặc những người xem nhẹ, bỏ qua những tai hại chết
người của nhà cầm quyền để manh nha góp sức chuyển hướng
Đảng Cộng sản, giúp họ thực hiện những điều ích lợi, hy
vọng Đảng Cộng sản sẽ dần dà quay về với dân tộc.
Ngoại trừ những kẻ chỉ muốn trục lợi, hưởng ơn mưa móc
cho cá nhân, phần còn lại có phải là những người thức
thời, thấy trước và đi trước mọi người trên lộ trình cam
go, mang đất nước ra khỏi ngõ bí.

Bài toán Việt Nam còn nhiều ẩn số. Tôi không có câu trả
lời, và căn cứ trên những diễn biến đê hèn của nhà nước
đối với Trung Quốc gần đây, người ta gần như hết hy
vọng. Tôi không phải là một trong những người có cơ hội –
hay là người cơ hội – gần gũi hay tiếp cận với lãnh đạo
nên không thể biết được những chuyện như bạn tôi, anh
Nguyễn Hữu Liêm có thể biết, hoặc giả anh cũng chẳng biết
gì hơn vì còn những mặt chìm, nhưng vẫn nuôi hy vọng còn
nước (để tát) cờ (để đánh). Theo ước đoán, anh Liêm có
thể giữ một nước cờ cao hơn những gì tôi biết hay đoán
được ở anh. Hoặc có thể anh cũng chỉ là một người quá
khả quan, quá hoang tưởng về nội lực của mình cũng như hứa
hẹn từ đối tác nhà nước của anh. Và một ngày kia anh sẽ
vỡ mặt – hoặc nở mặt vì thành công.

Như nhiều người, tôi hiểu được cái quá khứ tráo trở khôn
lường của cộng sản, nhưng vì tin tưởng vào những khái
niệm dân chủ như: "Hãy dành cho người khác ý tưởng tốt
thay vì nghi ngờ họ" (give someone the benefits of the doubt), nên
tôi cũng cố dành phần phán đoán cho đến lúc sau cùng khi có
đủ bằng chứng hay dữ kiện. Lại nữa, tôi chỉ quan niệm
rằng không nên dùng thước đo của mình mà đo lường, phán
xét người khác. Những người tranh đấu cho dân chủ nên áp
dụng cho mình một lý tưởng cao hơn những doanh nhân hay nghệ
sĩ, nhưng chính vì vậy họ không nên hà khắc mà áp đặt tiêu
chí của mình lên đường đi hay công việc mưu sinh của người
khác. Gần đây anh Liêm và Hiệp hội Doanh nhân Toàn quốc
(ngoài Hội Doanh nhân California) đã gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng ở Hoa Thịnh Đốn để xúc tác kêu gọi chính thức
hóa, từ đó bảo vệ việc đầu tư của người Việt hải
ngoại ở Việt Nam.

Điều khó xử của phương án này không nằm ở phía người
đầu tư mà nằm ở phía nhà nước và những luật định
chồng chéo của họ. Tôi tin rằng khi những hợp đồng ký kết
giữa người Việt và nhà nước Việt Nam không nằm trong khế
ước quốc tế bao quát hơn như Hiệp ước Song thương (Bilateral
Trade Agreement và WTO) giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thì doanh nhân
Việt vẫn nằm ở thế yếu và bất cập. Nhà nước cộng sản
chỉ đủ can đảm để đương đầu với những giao kèo và
hợp đồng này khi họ tự tin làm như thế sẽ mang lại cho họ
được tín nhiệm để àm ăn lâu dài với quốc tế, do đó họ
bắt buộc phải làm nhiều điều phải hơn trái.

Còn một giả định nữa mà một số người đã nói với tôi:
"Nếu anh Liêm là công cụ của cộng sản, có hại cho bước
tiến chung của đất nước thì Thái Anh sẽ đối phó ra sao,
liệu anh có để tình bạn khỏa lấp và làm cho mình mù
quáng?" Tôi không tin điều này sẽ xảy ra. Nhưng nếu có thì
hành xử quang minh như trong trường hợp sau đây sẽ làm gương
chuẩn cho tôi:

Một hôm, nhân lúc giảng dạy về mối sợ Làn sóng Đỏ sau
Thế chiến thứ Nhất, lớp Sử Hoa Kỳ (United States History)
chúng tôi bàn về mối nghi ngờ bàn tay lông lá của cộng sản
trong những vụ đánh bom khủng bố ở Mỹ vào thời 1920, có
một học sinh nhắc tới Ted Kaczynski, người được FBI mệnh
danh là Unabomber vì mục tiêu đánh bom của ông ta thường nhắm
vào các giáo sư đại học và các công ty hàng không (UNiversity
and Airlines Bomber) vì chán ghét bước tiến ồ ạt của công
nghiệp, lấn chiếm thôn quê hoang dã của thành thị (phải chi
ông là cư dân Hà Nội, thủ đô bành trướng của ngày nay!).
Trên 10 năm, những vụ khủng bố đánh bom (16 vụ) của ông
không bao giờ được FBI tìm ra, tuy đây là trường hợp điều
tra tốn kém nhất của họ. Năm 1995, ông gửi cương lĩnh
"Một xã hội công nghiệp và viễn tượng của nó" đến
tờ New York Times và hứa sẽ thôi khủng bố, nếu họ công bố
cương lĩnh này trên toàn Hoa Kỳ. Rốt cuộc một người anh
của Ted Kaczynski đã nhận ra tuồng chữ và cách hành văn của
em mình và tố cáo ông với FBI. Kết cuộc, Ted Kaczynski bị bắt
và ở tù chung thân vì người anh của ông đã bất chấp tình
gia đình máu mủ, nộp ông cho pháp luật.

Tôi cũng thế – không thể vì tình bạn mà bao che cho cái tai
hại chung của đất nước. Lẽ phải và dân tộc sẽ thắng
thế.

© 2010 Nguyễn-Khoa Thái Anh

© 2010 talawas

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4753), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét