Nguyễn Thanh Chương - Ai cần dự án quy hoạch?

Mấy hôm trước tôi đọc trên trang nhất của VNexpress một tin
khá nóng, đó là video clip ý tưởng quy hoạch Hà Nội năm 2030
với một cái tên thật hay: "Great Hà Nội". Người Việt Nam,
dù có sống hay không sống ở Hà Nội, dù có biết hay không
biết tiếng Anh, nhưng nhác thấy chữ "Hà Nội vĩ đại" thì
trong lòng cũng đã vui mừng lắm rồi. Là một người con của
Hà Nội đang xa quê hương, tôi cũng không phải là ngoại lệ.

Ngồi xem đi xem lại đoạn video clip với những hình ảnh tuyệt
vời về quy hoạch Hà Nội trong 20 năm nữa, lòng tôi lại ngập
tràn niềm vui khôn tả. Không vui sao được khi chỉ 20 năm nữa
thôi, lúc mà con cháu của tôi vừa mới trưởng thành, chúng
đã được sống trong những căn nhà cao trọc trời tuyệt
đẹp, được đi trên những tuyến phố rộng thênh thang,
được dạo chơi trong những công viên rộng lớn rợp bóng cây,
nhìn những đàn chim bay lượn trong yên bình. Cuộc sống đó,
chẳng phải là thiên đường mà chúng ta bấy lâu nay vẫn đang
mơ ước?

Ngồi tủm tỉm cười một mình, tôi chợt nhớ đến một câu
chuyện liên quan đến quy hoạch Hà Nội từ mấy năm trước,
khi tôi vừa mới tốt nghiệp ngành Kiến trúc. Một giảng viên
dạy khoa Quy hoạch, tôi vẫn thường xưng hô anh em vì anh ấy
chỉ cũng là đồng nghiệp vả lại hơn tôi có vài tuổi, có
mời tôi tham gia vào một dự án quy hoạch một xã, vị trí quy
hoạch cũng ngay gần trung tâm Hà Nội. Hôm ấy là buổi thuyết
trình dự án, chúng tôi là bên tư vấn sẽ có nhiệm vụ trình
bày về dự án trước chủ đầu tư, bao gồm ủy ban xã, đại
diện thành phố và các ban ngành liên quan.

Trước khi buổi thuyết trình dự án diễn ra, anh giảng viên có
đưa tôi khoảng hơn chục cái phong bì, mỗi phong bì đã để
sẵn 20 ngàn đồng (xin lưu ý là 20 ngàn hồi ấy chưa mất giá,
nên cũng tương đương khoảng 50 ngàn bây giờ); ngoài ra còn
thêm vài cái phong bì 50 ngàn nữa. "<em>Mấy cái dày này, em
nhớ là để dành cho ông chủ tịch xã, ông bí thư, và cậu
đại diện cho phòng quy hoạch của thành phố. Cậu ấy đại
diện cho cấp thành phố, nên quan trọng lắm đấy! Em nhớ
đánh dấu phong bì, kẻo lại nhầm!</em>" – anh giảng viên
dặn đi dặn lại tôi mấy lần.

Buổi thuyết trình diễn ra cũng khá suôn sẻ. Bản quy hoạch
vùng cũng được thiết kế khá tốt, với những con đường
mới, những tòa nhà chọc trời, những tiểu khu, những trường
học, nhà trẻ, bể bơi, khu điều dưỡng, khu bảo tồn…, nói
chung là rực rỡ và lung linh như bao thiết kế quy hoạch khác.
Các đại diện cho xã, huyện, thành phố và các thôn ai cũng
lộ vẻ hài long. Chẳng gì thì những cái nhà to đùng kia chẳng
ở ngay cạnh nhà họ bây giờ sao? Những công trình tuyệt vời
kia chẳng phục vụ cho con cái họ sao?

Phần phản biện và góp ý mới là phần căng thẳng nhất. Một
bác trai đã về hưu, nhưng còn khá phong độ đứng lên phát
biểu trước: "<em>Tôi nghĩ con đường thôn mới mở kia nên
chệch về phía phải khoảng 20 mét!</em>". Trong khi đại diện
cho bên tư vấn là tôi còn đang thộn mặt chưa hiểu vì sao thì
ở dưới đã có tiếng xì xào: "<em>Vì cái đường trên bản
đồ ấy nó hơi xa nhà bác ấy, nên cái miếng đất rộng bao la
của bác ấy sẽ bị mất giá</em>".

Anh giảng viên dường như cũng nhận ra cái vẻ ngơ ngác của
tôi, quay sang nói nhỏ: "<em>Em đừng có thắc mắc làm gì, cứ
ghi tất cả các ý kiến vào!</em>". Một bác gái khác lại
đứng lên: "<em>Tôi nghĩ rằng xã chỉ có một cái bể bơi
lại đặt ở xóm X. thế kia là không công bằng. Tôi đề nghị
xóm Y. chúng tôi cũng phải có một cái bể bơi to như thế,
đặt ở chỗ này này…</em>". Nói rồi bác gái bước lên
hẳn bục thuyết trình, trỏ vào tận nơi chỗ bác ấy đề
nghị quy hoạch cái bể bơi.

Lập tức đại diện các xóm khác cũng không kém cạnh, chạy
lên chỉ trỏ vào cái bàn đồ, đề nghị xây dựng công trình
này, nắn lại con đường kia, tất cả đều gần nhà họ,
hoặc ít ra thì gần nhà con cháu họ, hoặc họ hàng nội ngoại
gần xa…; nói chung là làm sao cho chúng được "đặt đúng
vị trí". Tất cả tạo ra không khí cho một buổi đóng góp ý
kiến phản biện rất ồn ào và căng thẳng, không thể chê vào
đâu được!

Sau khi tất cả các ý kiến đóng góp đã được ghi lại cẩn
thận, thì các vị đại biểu lục tục ra về. Tôi không quên
nhiệm vụ cần từng phong bì, kính cẩn đưa từng vị đại
biểu. Trái với cái vẻ lóng ngóng vì lần đầu đưa phong bì
của tôi, các vị đại biểu cầm phong bì rất tự nhiên. Thậm
chí có vị còn bóc phong bì ngay tại đó, móc tiền ra và thản
nhiên cho vào túi. Tôi mãi ghi nhớ những hình ảnh đó, vì nó
đã dạy cho tôi biết những kinh nghiệm đầu tiên của
"<em>văn hóa đưa và nhận phong bì</em>".

Tôi đang lục tục dọn dẹp đồ đạc, cuộn lại các bản vẽ
để chuẩn bị ra về thì chợt nhận ra ông bí thư xã vẫn còn
đang nán lại nói chuyện với anh đồng nghiệp của tôi. Ông
bí thư xã người gầy nhỏ, tuổi chắc cũng sắp đến lúc về
hưu nhưng còn nhanh nhẹn lắm. Tôi mới nhớ ra rằng lúc nãy
cũng ngồi ở dưới bàn đại biểu, nhưng ông chỉ cười chứ
không đưa ra phát biểu hay góp ý gì.

Dường như đọc được câu hỏi trong mắt tôi, ông bí thư
cười to: "<em>Cháu không biết chứ trong kho của xã đang còn
bốn, năm cái bản quy hoạch xã từ mấy chục năm trước; mỗi
cái một khác và chẳng cái nào giống với hiện trạng bây
giờ cả! Bác có đưa ra góp ý thì cũng chẳng có để làm gì,
rốt cuộc cái bản quy hoạch này lại nằm ở trong kho của xã
thôi! Mấy năm nữa sẽ lại có một bản quy hoạch mới toanh
mà!</em>".

Tôi ra về với bao câu hỏi quay cuồng trong đầu. Anh đồng
nghiệp đèo tôi quay lại bảo: "<em>Đúng là chú mới ra
trường có khác! Đây là một dự án quy hoạch mà ai cũng có
lợi: chúng ta là bên tư vấn, tất nhiên có tiền! Bên thành
phố và huyện, xã thì có cái để mà giải ngân và chia chác.
Các vị lãnh đạo thì có thành tích và để lại dấu ấn trong
nhiệm kì của mình; còn người dân thì được hả hê và no
mắt!</em>".

Đó là câu chuyện của những ngày tôi chập chững vào nghề
kiến trúc sư. Trở lại clip về "Hà Nội vĩ đại", tôi
vẫn đang ngồi và hả hê với đoạn video về thành phố thân
yêu của mình 20 năm nữa. Lần trước tôi là bên tư vấn, lần
này tôi lại là người dân; biết đâu 20 năm nữa tôi lại là
lãnh đạo thành phố, tôi hứa sẽ làm một video thật đẹp
về thành phố thân yêu của chúng ta.

Và con cháu chúng ta cũng sẽ hả hê và no mắt về nó! Tôi hứa
như vậy!

(<em>Bài này tác giả đề nghị tôi đăng tải trên blog VMC
và trao toàn quyền cắt cúp, sửa chữa. Tuy nhiên, tôi
đã đăng nguyên văn bản gốc của KTS Nguyễn Thanh Chương.
Xin cảm ơn tác giả)</em>.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4648), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét