Nguyễn Ngọc - Tháng Tư lại đến với dân tộc Việt Nam

"Hòa hợp, hòa giải dân tộc Việt Nam" suốt trong những ngày
qua trở thành chủ đề bàn thảo gây tranh luận và suy tư
nhiều nhất trên hầu hết các trang báo như: BBC, RFA, BauxiteVN,
DânLuận, Talawas, Vietnamnet v.v...

<strong>I. Nhận định khái quát:</strong>

Nhiều ý kiến của các cựu và đương kim quan chức cả hai
phía Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam đều đã được các trang báo đăng tải những suy nghĩ
riêng như của ông Trần Bình Nam, ông Nguyễn Gia Kiểng, ông Bùi
Tín v.v... cho đến các nhà báo phỏng vấn và ghi nhận dưới
nhiều góc độ như ông Nguyễn Đạc Thành (sĩ quan chế độ
Việt Nam Cộng Hòa) rồi ông Trung tướng Nguyễn Văn Thái, Nhà
cựu ngoại giao Võ văn Sung, bà Nguyễn Thị Bình, ông Nguyễn
Minh Triết... và còn rất nhiều các nhân vật kỳ cựu khác
trước đây đã đề cập vấn đề hòa giải dân tộc như ông
Nguyễn Cao Kỳ, ông Võ Văn Kiệt v.v... Có thể nói tất cả các
quan chức của cả hai chế độ trước và sau 1975 đều có chung
một mục đích, một cách nhìn về "hòa giải dân tộc", các lý
giải phân tích mặc dù còn có điểm này, điểm kia có khác
biệt nhỏ nhưng tựu trung vẫn nhìn về một hướng tích cực
và đều mong muốn toàn dân Việt Nam từ trong cho đến ngoài
nước đều xóa bỏ hận thù, đoàn kết vì tương lai Việt Nam,
mặc dù có lúc, có người còn dùng những ngôn từ thiếu tế
nhị (có thể do quán tính đã ăn sâu nên sử dụng ngôn từ
(mà tôi nghĩ) theo phản xạ , không có ác ý), những bức xúc
thao thức của các cựu quan chức hoặc đang đương nhiệm là
điều mà những ai theo dõi thời sự đều nhận thấy rõ: môt
sự đau đáu làm sao cho quá trình hòa hợp, hòa giải dân tộc
diễn ra mang tính khả thi nhất.

Các bài bình luận, phân tích trên các trang mạng của các nhà
báo, nhà văn, nhà chuyên môn về lĩnh vực sử học, kinh tế
học, chính trị học, các nhà quân sự, ngoại giao v.v... cũng
gần như có chung cách nhìn tích cực lạc quan về quá trình hòa
giải cho dân tộc Việt Nam (tôi xin bỏ qua một vài ý kiến
nhìn việc hòa giải ở góc độ bi quan, cố chấp mà những
ngày qua rõ ràng không hề là ý kiến của số đông) để cùng
đi đến mục tiêu đơn giản mà lại là khao khát lớn nhất cho
đến nay của dân tộc Việt Nam; CHUNG TAY XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG.

Những dẫn chứng phân tích của một số cây bút về cuộc
nội chiến của Mỹ cách đây 145 năm về trước, quá trình
thống nhất Tổ quốc của nước Đức, tinh thần tự lực tự
cường, xóa bỏ mặc cảm của người Nhật, các "phương
thuốc" của cây viết Lê Tâm v.v... là những điều bổ ích cho
chúng ta suy ngẫm...

<strong>II. Vai trò của các lĩnh vực trong vần đề "hòa hợp
hòa giải dân tộc":</strong>

Góp thêm vào các ý kiến của mọi người, tôi xin phân tích vai
trò của một số lĩnh vực để cùng nhau bàn luận.

<strong><em>1. Vai trò của lịch sử:</em></strong>

Theo thiển ý của tôi, lịch sử đóng vai trò vô cùng quan
trọng trong việc hòa giải, hòa hợp dân tộc. Cần trả lại
tính khoa học và tính trung thực cho lịch sử Việt Nam, không
"chính trị hóa" lịch sử, không lên gân, thổi phồng những
công trình, những bình luận nghiên cứu lịch sử (ví dụ ngày
30.4 là "Sự thắng lợi vang dội", "là điểm son chói lọi trong
lịch sử hào hùng chống ngoại xâm" v.v...) hoặc cái gì đại
loại mà người ta hay cường điệu lên sẽ làm cho lòng người
trở nên quá khích, vô hình chung lại thành "bệ phóng lý
tưởng" cho sự ngạo nghễ, dương dương tự đắc của người
chiến thắng và "sự bay bổng trong chiến thắng" càng rạt rào
hơn bao giờ hết, bởi lẽ người ta dễ nghĩ rằng có gì còn
ngăn nổi bước chân của người chiến thắng(!) tuy nhiên
người chiến thắng đó lại chưa trang bị đủ cho mình nhãn
quan khách quan lại vô hình đạt được một giá trị cộng
thêm mang danh: vị cứu tinh của dân tộc. Tất nhiên, "Vị cứu
tinh" này mang lại độc lập tự do cho toàn bộ dân tộc VN...
lúc đó, ở góc độ duy lý thì khoa học, pháp luật, tính đa
nguyên, trọng lý v.v... chỉ còn là thứ yếu, hoặc giả ở góc
độ duy tình như : tính quân tử, lòng cao thượng, sự vị tha,
lòng bao dung dễ được người ta bỏ sót trong cái "men chiến
thắng". Tâm lý "phơi phới" của người chiến thắng lên cao bao
nhiêu thì tâm lý tủi nhục, uất hận của kẻ bại trận cũng
dâng cao bấy nhiêu. Đó là trạng thái cân bằng trong mối
tương quan tâm lý xã hội. Tâm lý của người chiến thắng kể
cả của người bại trận mà thiếu tỉnh táo là tâm lý đáng
sợ nhất.

Hãy công nhận cuộc chiến kết thúc vào ngày 30/4/1975 là:
<em>cuộc nội chiến Việt Nam về ý thức hệ</em>. Tên gọi này
sẽ làm cho mọi người dân trong và ngoài nước, từ Bắc chí
Nam đều không cảm thấy bị tổn thương vì cái lẽ "thắng -
thua", song song đó, "Ý thức hệ" luôn được hiểu là sự khác
nhau về nhận thức của một bộ phận dân tộc, nó không hề
sai mà cũng chẳng thể gọi là đúng, "Ý thức hệ" chỉ có phù
hợp hay không phù hợp trong một giai đoạn lịch sử nhất
định mà thôi, bên cạnh đó "ý thức hệ" là một sản phẩm
tinh thần, nó hoàn toàn có thể thay đổi theo tiến trình nhận
thức của xã hội, nó không bao giờ là sự bất di bất dịch.
Đó cũng là một cách nhìn khoa học trong nhận thức: <em>"Vận
động là tuyệt đối, đứng yên là tương đối".</em>

Hãy để các nhà nghiên cứu sử học và các nhà khoa học có
liên quan làm công việc của họ và hãy trả lại đúng tên
gọi của cuộc chiến. Điều này cũng góp phần làm nhẹ gánh
"ân oán".

Hình thức đôi khi quan trọng không kém nội dung của môt sự
việc, cho dù đó là sự việc lớn hay nhỏ, ví dụ như kinh tế
gia Huỳnh Bửu Sơn (*)(trong nhóm Thứ Sáu) khi đề nghị lấy
tên người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước là Thống đốc thì
một vài vị trong Hội đồng Bộ Trưởng lúc bấy giờ cho
rằng: "Nghe sặc mùi đế quốc!". Hình thức - ở đây là tên
gọi cuộc chiến không hề là vấn đề nhỏ mà ngược lại nó
phản ánh khá đầy đủ tư duy và tấm lòng hướng về chân
giá trị sau cuộc chiến của Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ
Nghĩa Việt Nam.

<em><strong>2. Vai trò của tôn giáo và văn hóa:</strong> </em>

Chiến tranh chấm dứt, bên chiến thắng "say men" là điều dễ
hiểu.

Nhìn lại cách "ăn mừng" cuộc chiến sau 30.4.1975, ta dễ dàng
nhận thấy trên các mặt báo, trên các phương tiện truyền
thông, trên đường phố, các điểm du ngoạn, vui chơi v.v...
chỉ toàn là niềm vui và tiếng cười, ẩn sau đó là những
mảnh đời, những uất ức, những đau thương mà lại không có
dịp bộc lộ trước đại chúng, đó hóa ra lại là một vở
tuồng đúng nghĩa "bi, hài, chính kịch" được trộn lẫn của
dân tộc.

Hãy cùng nghe thử (***) bài hát "Đất nước trọn niềm vui"
của nhạc sĩ Hoàng Hà :

<em>"...Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang,
Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam, Tổ quốc anh hùng!
Ôi quê hương dẫu bao lần giặc phá điêu tàn mà vẫn ngoan
cường
Giành một ngày toàn thắng.
Đẹp quá!
Đời rực sáng những ánh mắt lấp lánh,
Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương,
ta muốn ca vang bước chân những người chiến sĩ giải phóng
kiên cường!"
</em>
Bài hát này là một bài tiêu biểu cho tinh thần vui mừng đến
mê muội mà không biết đang góp phần làm cho "men chiến thắng"
được đầy lên đến tột độ, trong sách nhà Phật có câu
:"Cực lạc sinh bi" là vậy.

Hay một niềm đau tê tái trong ca khúc "Sài Gòn niềm nhớ không
tên" của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn:

<em>"Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như giòng sông nước quẩn quanh buồn
như người đi cách mặt xa lòng
ta hỏi thầm em có nhớ không..."</em>

Ứng với điều Bốn của Phật dạy: "Bi ai lớn nhất của
đời người là ghen tị". Trong lời bài hát da diết buồn và
tiếc nuối thấp thoáng vẫn là sự ghen tị với kẻ chiến
thắng của người chiến bại là vậy.

Hai bài hát này, theo tôi là tiêu biểu sau cuộc chiến để
phản ánh nỗi buồn tê tái cũng như niềm vui tột độ của
kết cuộc 30.4.1975 mà như nhà thơ Nguyễn Duy đã nói đại ý:
Ai là kẻ chiến thắng thì cuối cùng người dân cũng là
người thất bại.

Tại đây (ngay sau khi chiến thắng), lẽ ra vai trò của tôn giáo
nên được đặt lên hàng đầu,<em> <em>tôn giáo sẽ làm dịu
</em>lại</em> tất cả những tâm hồn đang quá khích hay đau
đớn, những cái đầu đang nóng hổi hay đang tê tái, những
trái tim đang rung lên rộn ràng nhịp đập của bầu máu nóng
hay những trái tim đang bị bóp nghẹt bởi gần như máu đang
đông lại trước niềm tuyệt vọng.

Lẽ ra những người chiến thắng nhận định đúng và sớm
nhất vai trò của Tôn giáo quan trọng như thế nào ngay sau cuộc
chiến thay vì đi từ sai lầm này (cuộc chiến chưa chấm dứt
bao lâu thì nổ ra sự chống đối bằng súng đạn hẳn hoi của
Nhà thờ Vinh Sơn vào đầu năm 1976 - (đường 3/2 bây giờ)
đến sai lầm khác nghiêm trọng hơn (các sự việc tại Bát
Nhã, Thái Hà, Tam Tòa v.v...), như vậy Nhà nước này đang lún
càng ngày càng sâu vào lòng căm thù triền miên, bất tận. Họ
không đủ khách quan dưới cặp mắt độ lượng để nhìn
nhận vai trò Tôn giáo trong bất kỳ giai đoạn nào của đất
nước? Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam lại có
vẻ thích áp đặt suy nghĩ của họ vào dân tộc, đặc biệt
khi họ tự huyễn hoặc về sự thần phục và biết ơn của
người dân mà họ cho là chắc chắn .

Khi đã đề cập đến những ngôn từ mang tính chất tôn giáo,
có lẽ chúng ta cũng nên nhìn nhận nghiêm túc vai trò của Tôn
giáo sau cuộc chiến. Một vấn đề mà cho đến nay theo kiểm
nghiệm của cá nhân, tôi cho rằng "các bên" chưa đánh giá và
phân tích hết tác động quan trọng của Tôn giáo.

Hãy lắng nghe thử ý kiến mới nhất của ông Nguyễn Đạc
Thành (**) trả lời phóng viên Hà Mi thuộc đài BBC: <em>"Khi tôi
nằm đó, tôi vái Phật Bà, Phật Tổ, và tôi vái những anh em
đã chết, rằng nếu mà cứu tôi được, tôi sống được mà
ra khỏi tù và có cơ hội thì tôi sẽ đưa họ về".</em>

Hay khá xưa, khi ông Tố Hữu khóc ông Hồ Chí Minh trong bài thơ
"Bác ơi!"

Bác đã lên đường theo Tổ tiên
Mác - Lê nin thế giới người hiền.

Chúng ta sẽ thấy ngay vai trò của Tôn giáo như thế nào trước
một người khóc một người đã chết hoặc một người đang
biết mình sắp chết. Thông thường khi người ta tuyệt vọng
nhất, nơi mà người ta bấu víu ngay lập tức để giải thoát
tâm lý tuyệt vọng, đau đớn đó chính là TÔN GIÁO. Dưới góc
nhìn của ông Tố Hữu (khi ông Hồ Chí Minh vừa mất)Mác - Lê
nin là môt thế giới tốt đẹp (không khác gì một thiên
đàng), chắc chắn là vậy, bất chấp đó là một nhà thơ
mệnh danh "cách mạng nhất" có nghĩa tính vô thần (ở góc độ
tâm linh) là điều không một ai có thể nghi ngờ ở ông ấy.
Ở đây, tôi không có ý định đề cao vai trò Tôn giáo (xin
khẳng định tôi là người chưa bao giờ theo một tôn giáo nào
cả, vì tôi là người thuộc<a
href="http://www.zend2.com/Go.php?u=Oi8vZGFubHVhbi5vcmcvbm9kZS80NzQ0&b=5">bên
Năm</a>.

Bây giờ, ta thử cầm đồng dollar của Mỹ mà xem, trên bất
cứ tờ bạc nào cũng có dòng chữ "In God we trust". Một đất
nước mà người thương cũng lắm, kẻ ghét cũng nhiều, một
quốc gia cho đến nay vẫn là "số Một" trên thế giới về
nhiều mặt - họ vẫn xem Tôn giáo là những gì cần phải đánh
giá trân trọng. Tôi cho rằng, không hề là ngẫu nhiên hay ngẫu
hứng khi các nhà thiết kế đồng dollar đặt dòng chữ "In God
We Trust" một cách trang trọng vào tờ giấy bạc. Điều này có
thể làm chúng ta cần suy nghĩ khá nhiều vai trò Tôn giáo nói
riêng trong vấn đề hòa giải dân tộc từ một hình ảnh mang
thuộc tính kinh tế (đồng Dollar).

Khi những thông tin về ông Nguyễn Tấn Dũng đi thăm Vatican,
Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức đàn giải oan cho mọi
người dân chết trong các cuộc chiến mà không phân biệt đó
là ai, ở đâu, ở phía nào v.v... đã làm người dân mong ngóng
và chờ đợi những động thái hòa giải tiếp theo của các
phía thì sự việc Thái Hà, Tam Tòa, Bát Nhã, Đồng Chiêm v.v...
như một gáo nước sôi tạt vào những "vết thương hận thù"
đang cần lắm những bàn tay xoa dịu. Xin nhấn mạnh, các đệ
tử Phật gia, các con chiên của Chúa (Thiên Chúa giáo và Tin
Lành), các tín đồ của Cao Đài, Hòa Hảo v.v... là lực lượng
không nhỏ trong vấn đề hòa giải dân tộc. Nhà nước Cộng
Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam cần nghiêm túc và tận tâm xem
xét lại vai trò Tôn giáo sau cuộc chiến gắn với tinh thần
hòa giải hòa hợp dân tộc, song song đó nên đánh giá trung
thực và khách quan vai trò của Tôn giáo cho các vấn đề khác
như : đạo đức, giáo dục, tính nhân đạo, an ninh xã hội
v.v... thậm chí cả vấn đề kinh tế mà Tôn giáo có thể mang
lại hiệu quả nhất định nào đó. Đặc biệt, trong vấn đề
hòa hợp hòa giải dân tộc, một thuộc tính luôn cần được
nêu cao đó là "TÍNH NHÂN ĐẠO". Nói không quá, chỉ có Tôn
giáo mới đáp ứng đầy đủ thuộc tính này nhất so với các
lĩnh vực khác.

Nhìn lại quá khứ trước 1975, sự thất bại của chế độ
ông Ngô Đình Diệm, ông Nguyễn Văn Thiệu, vẫn thấp thoáng có
tính chất không tôn trọng Tôn giáo trong đó mà chúng ta có
giở lại lịch sử sẽ nhớ lại sư tự thiêu của Hòa thượng
Thích Quảng Đức, đấu tranh cho tự do tôn giáo của Ni Sư
Quỳnh Liên v.v... là những bài học cho bất cứ nhà cầm quyền
nào. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Quảng Độ
là những bậc chân tu kêu gọi tự do tôn giáo và dân chủ hòa
bình từ trước 1975 chứ không chỉ sau này, đó là điều mà
Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam cần đánh giá
một quá trình, không chỉ là một làng Mai ngày nay, một Bát
Nhã ngày nay hay một Thanh Minh Thiền Viện ngày nay để quy tội
cho các Vị ấy là chống đối Nhà nước hiện hành, hoặc một
Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt mà sự ra đi có vẻ như
cận kề của ông đang là một đề tài lớn không những trong
giáo giới mà cả trong suy nghĩ của Nhà nước.

Vai trò Tôn giáo chưa bao giờ là nhỏ bé và hời hợt trong vấn
đề hòa giải hòa hợp dân tộc. Hãy trả lại vị trí quan
trọng của Tôn giáo nói chung mới mong quá trình hòa giải hòa
hợp dân tộc diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, các hệ lụy kéo
theo, đặc biệt trong đó các tài sản của các giáo phái là
điều vô cùng quan trọng mà Nhà nước xử lý không tốt sẽ
chẳng bao giờ đạt được mục tiêu hòa hợp hòa giải dân
tộc.

<em><strong>3 Vai trò của giáo dục:</strong></em>

Khi lịch sử đã được trả lại tính khoa học, trung thực và
Nhà nước phi "chính trị hóa" lịch sử thì giáo dục là nơi
cần phải tính đến ngay, bởi lẽ những gì lớp trẻ đang
học phải chăng đang góp phần làm cho sự hòa giải dân tộc
mà chúng ta đang mong muốn có vẻ như đang giãn ra xa hơn với
một hố sâu ngăn cách ngay giữa lớp trẻ trong nước với nhau
và trong nước với nước ngoài? Những giáo trình giáo dục về
lịch sử là tối quan trọng cho lớp trẻ về tinh thần hòa
hợp hòa giải dân tộc nói chung là điều cần phải làm song
song khi trả lại tính khoa học, trung thực cho lịch sử. Hãy
để lớp trẻ được nhìn thẳng vào những "vết thương cuối
cùng" và những "vết sẹo thời gian" mà thế hệ cha ông đã
gây ra cho nhau để họ thấm thía ý nghĩa :chiến tranh là tội
ác theo cái cách mà người Nhật đã dạy cho thế hệ trẻ của
họ về nước Nhật hoang tàn và đổ nát sau chiến tranh. Giúp
cho lớp trẻ nhìn chiến tranh bằng ánh mắt sợ hãi và tránh xa
chứ không bằng ánh mắt hận thù.

Lớp trẻ là lớp người năng động, dễ chan hòa, dễ tiếp thu
cái mới và luôn thích tiếp thu cái thật. Khi trả lại tính
khoa học và trung thực cho lịch sử, thế hệ trẻ sẽ nhìn
nhận một cách công tâm về các cuộc chiến trước 1975, trong
khi đó lớp trẻ cũng lại là lực lượng đông nhất và tiếp
nối cho việc hòa hợp hòa giải dân tộc nhanh chóng nhất vì
họ là những người ít bị hoặc không bị tổn thương trong
cuộc chiến (kể cả thế hệ sinh từ 1965 đến 1975) dù cho có
thì với thời gian 35 năm cũng đã phai mờ nhiều so với lớp
cha, anh của họ. Hiện nay lớp trẻ sinh từ 1965 trở về sau là
một lực lượng lớn và quan trọng trong mọi lĩnh vực. Cần
biết dùng thế hệ trẻ trở thành một lực lượng quan trọng
cho vấn đề hòa giải hòa hợp dân tộc không thua kém lực
lượng Tôn giáo.

<em><strong>4. Vai trò kinh tế:</strong> </em>

Nhà nước đã có nhiều chính sách kinh tế để phát huy nội
lực trong nước. Cần có một chính sách nhất quán và xuyên
suốt dành cho kiều bào hải ngoại không chỉ riêng việc mua
nhà, kêu gọi về giảng dạy, nghiên cứu, làm việc v.v... mà
cần có một bộ luật ưu đãi những kiều bào có chất xám,
có vốn về đầu tư những lĩnh vực quan trọng mà khó sinh
lời nhanh như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng. Những ưu đãi
này phải đảm bảo nổi trội so với những ưu đãi của bất
cứ đối tượng nào. Đó cũng là một trong các phương thức
góp phần để tiến trình hòa hợp hòa giải dân tộc diễn ra
nhanh hơn.

<strong>III. Kết :</strong>

Dân tộc Việt Nam ta, phần lớn khi có lỗi mà là lỗi nghiêm
trọng thì hành động gián tiếp có vẻ thích hợp với tâm lý
người Việt hơn là lời xin lỗi trực diện, trực tiếp. Vấn
đề còn lại là một sự thật tâm của tất cả các phía,
trong đó vai trò Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam quan trọng nhất để thúc đẩy tiến trình này.

Nguyễn Ngọc

____________________

(*)
http://www.tuanvietnam.net/2010-04-06-tri-thuc-che-do-cu-gop-suc-cai-to-nganh-ngan-hang

(**) http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2010/04/100428_nguyendacthanh.shtml

(***) http://www.nhacso.net/Music/Song/Cach-Mang/2005/10/05F5E51E/

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4846), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét