Hòa hợp - Hòa giải: Kinh nghiệm lịch sử của nước Mỹ và nước Đức

<div class="special_quote">Sau khi bài "35 năm quá dài" của nhà
văn Dạ Ngân đưa lên mạng Bauxite Việt Nam (28/4/2010), vài
người bạn thấy trong lời bình có nhắc đến cách đối xử
của quân đội miền Bắc thắng trận với quân đội miền Nam
bại trận trong nội chiến Mỹ, gọi điện đến người viết
đề nghị nói rõ chuyện này. Để cho ngắn gọn, tôi xin trích
dịch một đoạn trong đề mục "American Civil War" (Nội
chiến Mỹ) trong Wikipedia (Lạ một cái, Wikipedia bản tiếng
Việt đề mục này đã bỏ hết phần tương ứng, không hiểu
vì sao? Hay nó cũng là một sản phẩm "lề phải", nên phải
"lờ lớ lơ", vì phần này có những chi tiết rất "nhạy
cảm", cụ thể là rất chạnh lòng người Việt (cả hai phía
trong cuộc chiến Bắc – Nam)

<em>Hoàng Hưng</em>.</div>

<div class="special_quote">Ai cũng biết ông Hồ Chí Minh từng
mượn một đoạn trong Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ nói lên
quyền được sống và quyền tự do của con người để đem
vào Tuyên ngôn độc lập 2-9-1045. Tiếc rằng ông không còn
sống thêm mươi năm nữa để có dịp áp dụng những kinh
nghiệm quý giá của những người con nước Mỹ ưu tú, có tầm
mắt nhìn xa trông rộng, đã chủ trương hòa giải thật lòng
trong cuộc chiến tranh Nam Bắc Mỹ hồi thế kỷ XIX, cho cuộc
giải giáp quân đội Việt Nam Cộng hòa thất trận ngày
30-4-1975. Nếu được thế may ra nỗi đau chia rẽ dằng dặc 35
năm – và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt – của
cộng đồng dân tộc Việt đã có thể rút ngắn, và chắc hẳn
Việt Nam ngày nay đã trở nên một khối hùng mạnh sánh vai
được với Singaporre, Nam Hàn hoặc Thái Lan chứ không trong tình
thế ngổn ngang trăm mối như hiện tại.

Dưới đây, chúng tôi xin đăng bài dịch của bạn Hoàng
Hưng đi kèm với bài bàn về hòa giải hòa hợp giữa người
Việt với nhau của bạn Hồ Thế Y gửi từ Cộng hòa liên bang
Đức.

<em>Bauxite Việt Nam</em></div>

<h2>Hòa hợp hòa giải và bài học lịch sử 145 năm trước:
Ngày toàn thắng của quân đội miền Bắc nước Mỹ trong cuộc
chiến tranh Nam Bắc</h2>

Ngày 9 tháng 4 năm 1865, Tướng Robert E.Lee chỉ huy một cánh quân
chủ lực của Liên bang Mỹ (miền Nam) gửi thư xin hàng đến
Tướng Ulysses S. Grant Tổng tư lệnh quân đội của Hợp chủng
quốc Mỹ (miền Bắc).

<div class="boxright220"><img
src="/files/u1/sub01/americancivilwar-250x241.jpg" width="250" height="241"
alt="americancivilwar-250x241.jpg" /></div>
Grant nhận được thư trong khi đang trên đường công tác ở
tuyến sau, và lập tức chứng nhức nửa đầu của ông tiêu tan
khi ông đọc thư. Ông liền phúc đáp là sẽ lên tuyến trước
để gặp Lee, và để cho viên bại tướng tùy ý chọn địa
điểm gặp gỡ, cũng như địa điểm sẽ diễn ra lễ đầu
hàng.

Lúc 8 giờ sáng, Lee cưỡi ngựa đi gặp Grant, có ba sĩ quan phụ
tá đi cùng, trong lúc mặt trận vẫn còn tiếng súng nổ. Trên
đường, ông nhận được thư của Grant, và hai người trao
đổi điệp văn suốt trong nhiều giờ, trước khi một lệnh
ngừng bắn được thi hành, và Grant nhận được yêu cầu bàn
thảo về các điều khoản đầu hàng.

Vận một bộ quân phục trắng tinh, Lee đợi người chiến
thắng. Grant đến trong bộ quân phục và đôi ủng còn dính
đầy bùn chiến địa, không mang theo vũ khí tùy thân, chỉ có
những tua vai đã xỉn màu cho biết cấp hàm của ông. Đây là
cuộc tái ngộ đầu tiên của hai người sau gần 20 năm. Tướng
Grant bỗng thấy khó khăn khi đi vào việc, nên phải mất một
lúc chuyện trò về cuộc gặp gỡ trước trong cuộc chiến Mỹ
– Mehico rồi chính Lee là người chủ động đưa câu chuyện
trở về mục đích cuộc gặp hôm nay.

Grant đưa ra những điều khoản như ông đã đề nghị trước
đó:

"Hồ sơ của tất cả các sĩ quan và binh sĩ (quân miền Nam –
ND) phải được sao lại, một bộ giao cho viên sĩ quan do tôi
chỉ định, một bộ được giữ lại bởi sĩ quan (hoặc các
sĩ quan) do ông chỉ định. Các sĩ quan phải đích thân tuyên
hứa không cầm vũ khí chống lại Chính phủ HCQ cho đến khi
được chuyển đổi hợp thức, và mỗi viên chỉ huy đại
đội hay trung đoàn phải ký một bản tuyên bố tương tự cho
binh lính dưới quyền. Vũ khí, pháo và tài sản công phải giữ
lại và sắp xếp, và giao cho viên sĩ quan do tôi bổ nhiệm
tiếp nhận. Trong đó không bao gồm vũ khí tùy thân của các sĩ
quan, cũng như ngựa hay hành lý riêng của họ. Sau khi hoàn thành
những việc trên, mọi sĩ quan và binh sĩ sẽ được phép trở
về nhà, không bị sách nhiễu bởi nhà chức trách HCQ chừng
nào họ giữ lời hứa và tôn trọng các luật lệ có hiệu
lực tại nơi cư trú".

Các điều khoản khoan dung hết mức Lee có thể hy vọng. Quân
binh của ông sẽ không bị bỏ tù hay truy tố vì tội làm
phản. Thêm nữa, Grant còn cho phép những kẻ bại trận đem về
nhà số lừa ngựa của họ để kịp trồng cấy vụ xuân, và
cung cấp cho Lee lương thực để cứu đội quân đói khát của
ông ta. Lee nói rằng việc đó tác động rất tích cực đến
người của ông, góp phần lớn vào sự hòa giải đất nước.

Khi Lee ra khỏi nhà và lên ngựa đi, quân binh của Grant reo hò
mừng chiến thắng, nhưng Grant lập tức hạ lệnh cho họ ngừng
lại. Ông nói: "Tôi lập tức gửi lệnh để chấm dứt việc
này. Giờ đây người của Liên bang (miền Nam – ND) là người
cùng một nước, chúng ta không muốn hân hoan trước sự suy
sụp của họ".

Ngày 12/4/1865, lễ đầu hàng chính thức được tổ chức,
Tướng Joshua L. Chamberlain được HCQ (miền Bắc) trao trách
nhiệm chỉ huy lễ. Buổi lễ được ông ghi lại với những chi
tiết cảm động. Ông coi đó "không gì khác hơn là một cuộc
diễu binh".

Đoàn quân "thất trận" được ông miêu tả đầy trân
trọng:

"Trước mặt chúng tôi, trong vẻ khiêm cung tự hào, đứng đó
là hiện thân của tính cách trượng phu: những người đàn ông
mà không nhọc nhằn đau khổ, không chết chóc tai ương hay nỗi
tuyệt vọng nào có thể bẻ cong quyết tâm của họ; giờ đây,
đứng trước mặt chúng tôi, gày gò, tàn tạ, đói khát, nhưng
đứng thẳng, mắt nhìn thẳng vào mắt chúng tôi, đánh thức
những ký ức đã buộc chặt chúng tôi với nhau như không thể
có gì buộc chặt hơn – có thể nào những trượng phu như
thế lại không được hoan nghênh trở về trong lòng HCQ đã
được thử thách và bảo đảm đến vậy?"

Còn thái độ của những người chiến thắng? "Phía chúng
tôi, không thêm một tiếng kèn, hay hồi trống; không reo hò,
không một tiếng nói ra hay thì thầm về niềm vinh quang phù
phiếm… mà chỉ một sự im lặng kính cẩn, nín thở, như trong
một lễ tang!"

Ngày hôm ấy, 27.805 quân binh Liên bang diễu qua và hạ vũ khí
của họ xuống.

<em>HH dịch</em>

________________________


<h2>Hồ Thể Y - Hòa hợp hòa giải?!</h2>


Những lời tâm huyết sau đây của GS Nguyễn Huệ Chi là động
cơ cho tôi viết lên những tâm tình đã chất chứa suốt 35 năm
nay (xin trích):

"<em>Không nói giữa người Mỹ và người Việt Nam mà giữa
người Việt với nhau, biết là cùng ruột rà máu mủ, từ một
bọc mà ra, quan hệ giữa từng con người hay từng nhóm với
nhau thì sau 35 năm tưởng không còn gì ngăn trở, nhưng một
bức tường vô hình vẫn cứ sừng sững khi hai cộng đồng
muốn tìm đến với nhau. Thiết tưởng, ở đây, vẫn chưa có
một lực đẩy để người ta náo nức ùa lên phá tan bức
tường vô hình và vô lối kia đi. Ai tạo nên được lực đẩy
này nếu không là người lèo lái con thuyền đất nước. Nói
như Lão Tử "Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng", xem ra
vẫn rất khó tìm được một bộ sậu nguyên thủ có cái bản
lĩnh tự tri và tự thắng</em>".

Năm 1965 tôi sang CHLB Đức du học, bị "phong trào phản
chiến" của sinh viên, học sinh, trí thức từ Tây Âu đến
Bắc Mỹ lôi cuốn, bắt đầu theo dõi các vấn đề thời cuộc
và các chủ thuyết chính trị! Nhất là tôi quan tâm tới tốc
độ xây dựng đất nước của người Đức sau Chiến tranh
thế giới II. Sự việc làm tôi suy nghĩ rất nhiều là: Chính
sách biên chế của nước Đức (Ent – Nazifizierung) từ tháng
Giêng 1946, sau Hiệp ước Postdam của tứ cường, lưu dụng hầu
như toàn bộ trí thức, chuyên gia, công nhân và cả quân nhân
vào guồng máy xây dựng đất nước. Tôi hiểu tại sao, sau
Thế chiến thứ II hầu như toàn bộ người dân "gốc Đức"
từ Đông Âu di tản sang CHLB Đức!

Lịch sử lặp lại, năm 1990 sau khi thống nhất, nước Đức thi
hành Chính sách biên chế Mật vụ (EntStasifizierung), loại bỏ
toàn bộ những ai đã cộng tác với Cơ quan Mật vụ – Điềm
chỉ ra khỏi các Cơ quan nhà nước, ngoài ra hầu như tất cả
được lưu dụng, đối xử (tương đối) công bằng! Bà Thủ
tướng Angela Merkel là một thí dụ.

Mỗi tối trước khi đi ngủ tôi thường ngâm nga ru mình:

"<em>Trăm năm trong cõi người ta…<br />
Những điều trông thấy ngẫm mà đớn đau…</em>"

Đi đây, đi đó, được sống và trải nghiệm, thấy rằng 35
năm qua tuy ngắn mà vô cùng dài trong vũ đài Olympic: dân giàu,
nước mạnh. "Nẫu lòng" thương cho số phận "dân tộc
Việt Nam" mình long đong, bao nhiêu xương máu đều trôi sông!

30 tháng Tư nay lại đến! Một loạt bài trên blog, trên web kêu
gọi "hòa giải hòa hợp" (chưa nói đến báo chí "lề
phải")! Cuộc sống có bao nhiêu "sự tình cờ" để đàm
tiếu về nhân tình! Câu hỏi "Mình là ai" (Liêu Thái,
http://www.boxitvn.net/bai/3189) cũng là câu tôi đã tự hỏi mình 42
năm về trước!

Hòa giải hòa hợp? Anh phải tử tế với dân tộc của anh
trước đã!!! Bao nhiêu thanh niên phải trải nghiệm cuộc đời
trong lao tù để hiểu được cái ý nghĩa của "Tự do Dân
chủ", tên tuổi tôi không cần phải nêu ra!

Lịch sử đã cuốn phăng cái ngông cuồng của kẻ thắng trận,
của những kẻ điên rồ như Hitler, Stalin, Mao… mặc chiếc áo
chủ nghĩa này nọ, khích động tư tưởng dân tộc cực đoan
để xây dựng chế độ độc tài phe đảng!!! Hành động như
thế nào để thực sự hòa giài hòa hợp, để nức lòng
người Việt khắp năm châu?! Một câu hỏi để các Anh Chị
chúng ta, trong và ngoài nước, mỗi người tự trả lời.

<em>CHLB Đức, tháng 4-2010<br />
H. T. Y.</em>

Mạng Bauxite Việt Nam biên tập


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4838), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét