Hahien - Từ bài viết của Đỗ Ngọc Bích – xin đừng tạo thêm những vết thương

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, thật vừa buồn lại
vừa tức giận khi đọc phải bài viết của 1 tác giả có tên
là Đỗ Ngọc Bích trên trang BBC tiếng Việt.

Đại đa số mọi người, cũng như tôi, đều cho rằng ĐNB đã
thiếu những kiến thức xã hội sơ đẳng khi kiến giải những
vấn đề lớn liên quan đến lịch sử, dân tộc và quốc gia.
Thiết nghĩ không cần phải nhắc lại điều này ở đây khi mà
những bài viết của rất nhiều bậc trí thức và học giả
có uy tín đã phân tích khá đầy đủ, trong đó có những bài
học chứa đựng những kiến thức về xã hội và lịch sử
tối thiểu mà tác giả là những bậc thầy thực sự đã phải
mất công dạy lại cho một cô học trò đã dốt lại còn ăn
nói liều mạng.

Nhưng tôi không đồng ý với một số người, trong khi phê phán
những quan điểm độc hại của ĐNB lại đưa ra câu hỏi có
tính suy luận rằng Đỗ Ngọc Bích hẳn phải là một người
Hoa xa xứ Trung Quốc hay tác giả là người có dòng máu TQ thì
mới có quan điểm như thế?

Cách suy luận như thế có thể sẽ làm tổn thương rất nhiều
người Hoa đã và đang chọn mảnh đất VN làm nơi sinh ra và
lớn lên trong nhiều đời nay. Tôi biết có rất nhiều người
Hoa ở Việt Nam vẫn luôn tự coi mình là một bộ phận không
thể tách rời của dân tộc Việt Nam, và họ cũng có ý thức
bảo vệ danh dự và chủ quyền quốc gia của Việt Nam. (*)

Sự tổn thương đó của những người Việt gốc Hoa yêu nước
Việt có thể cũng chẳng kém gì so với sự tổn thương mà
hàng triệu người Việt đang tha hương nơi xứ người sau biến
cố xảy ra vào những ngày này cách đây 35 năm cảm thấy khi
họ gặp phải câu hỏi có tính suy diễn rất hỗn láo của bà
ĐNB rằng "không rõ là họ bài xích Việt Nam và Trung Quốc là
do sự thù hằn nội chiến đó (tức là cuộc chiến trước năm
1975 – HH), hay là thực sự muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ
Việt Nam, đau xót uất hận khi thấy Việt Nam "mất
đất"?"

Toát lên từ bài viết của ĐNB, cùng với một loạt những quan
niệm sai trái và ngô nghê về lịch sử và xã hội như rất
nhiều người đã chỉ ra và phê phán, là sự lẫn lộn khái
niệm "dân tộc", theo nghĩa là 1 cộng đồng người cùng
gắn bó với nhau để tạo lập, xây dựng và phát triển nên 1
quốc gia chung, với các khái niệm hẹp hơn là những chủng
tộc hay sắc tộc riêng biệt.

Thực ra cụm từ "dân tộc" trong tiếng Việt (cũng như nation
trong tiếng Anh) cũng dùng đề chỉ 1 quốc gia (country) hoặc đã
bao hàm "nhân dân" nói chung của một nước, mặc dù trong
nhiều ngữ cảnh nó cũng có thể được dùng để nói về
"chủng tộc" (race). Nhưng khi lý giải nhữngvấn đề đang
tồn tại và phát sinh trong quan hệ giữa các nước như quan hệ
Việt Nam – Trung Quốc, khái niệm "dân tộc" có lẽ phải
được hiểu theo phạm trù đầu tiên là "quốc gia" thì
chính xác hơn. Và nếu như đúng là có một thứ gọi là
"anti-China nationalism" (như bà ĐNB đã mở ngoặc là "chủ
nghĩa dân tộc bài Trung") thì nếu nó được diễn giải rõ
hơn (và hẳn như thế thì đúng hơn) như là một thứ "chủ
nghĩa quốc gia" (**) thì có thể đã làm cho chúng ta tỉnh táo
hơn để tránh sa đà vào những chuyện không nhất thiết phải
gắn với việc bảo vệ danh dự hay chủ quyền quốc gia như
chuyện tranh cãi về huyết thống, chủng tộc hay nguồn gốc
của các dân tộc…

Khi nói những điều trên, người viết bài này cũng không có ý
phủ nhận rằng sự khác biệt về chủng tộc là nguy cơ tiềm
tàng của chủ nghĩa ly khai đã phá nát sự toàn vẹn lãnh thổ
của nhiều quốc gia và chúng ta phải hết sức cảnh giác với
nó. Nhưng liệu những tình cảm sắc tộc hay chủng tộc có
biến thành chủ nghĩa ly khai hay không phụ thuộc rất nhiều
vào những liên kết tạo nên nền tảng quốc gia là bền chặt
hay lỏng lẻo, thế nước mạnh hay suy, cái tâm và bản lĩnh
của nhà cầm quyền trước những vấn đề liên quan đến chủ
quyền và danh dự quốc gia, nền tảng giáo dục và ý thức
cộng đồng…, trong đó có nhân tố rất quan trọng là người
ta có quan tâm vun đắp cho sự đoàn kết của đại khối quốc
gia hay chỉ vô tình hay hữu ý kích động những tình cảm phe
nhóm hay khoét sâu thêm những vết thương của dân tộc. Nhưng
đây là cả một câu chuyện dài khác… (***)

Việc bác bỏ những ý kiến không có cơ sở về nguồn gốc
của người Việt Nam và những ý kiến sai lạc khác về chính
trị và lịch sử thể hiện trong bài viết của ĐNB là hết
sức cần thiết. Nhưng nếu chúng ta cũng lại quá sa vào vấn
đề nguồn gốc và huyết thống dân tộc như cách đặt vấn
đề của ĐNB, cho dù để phản bác lại những quan điểm độc
hại của bà ta, thì coi chừng cách tiếp cận vấn đề như
vậy vừa không trúng đích, vừa có nguy cơ cũng mắc sai lầm.
Và sai lầm theo cách này cũng có thể gây tác hại không kém vì
nó có thể gây ra sự chia rẽ không cần thiết trong lòng quốc
gia, tạo ra thêm những vết thương không đáng có trong lòng dân
tộc, nếu như chúng ta vẫn (và hẳn phải là như thế) coi
những người Việt gốc Hoa đã sinh ra, lớn lên và gắn bó máu
thịt với Tổ quốc Việt Nam hàng bao đời nay, cũng như đồng
bào hải ngoại mà trái tim vẫn luôn hướng về đất nước dù
chính kiến có khác nhau, cũng là một bộ phận không thể
thiếu được của đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam.

___________________________________

(*) Xin mời các bạn đọc lại 1 bài viết tâm huyết của 1 nhà
báo gốc Hoa, cựu TBT Báo Lao Động:
http://www.talawas.org/?p=10367

(**) Ví dụ như ông Lý Quang Diệu, một người gốc Hoa đã có
công rất lớn trong việc xây dựng nên 1 cộng đồng quốc gia
bao gồm cả người gốc Hoa và không phải gốc Hoa có cùng
chung 1 ý thức, 1 tinh thần "Singaporean nationalism" rất mạnh.
Xin mời đọc thêm bài viết cũng trên blog này: <a
href="http://hahien.wordpress.com/2009/10/23/toi-khong-ph%E1%BA%A3i-la-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-trung-qu%E1%BB%91c/">Tôi
không phải là người Trung Quốc!</a>

(***) Nhân những ngày cuối tháng Tư lịch sử, mời các bạn
đọc thêm 1 bài viết rất đáng đọc của Nhà văn Dạ Ngân:
<a
href="http://go2.wordpress.com/?id=725X1342&site=hahien.wordpress.com&url=http%3A%2F%2Fsites.google.com%2Fsite%2Fvanhocfamily%2F35-nam-qua-dai&sref=http%3A%2F%2Fhahien.wordpress.com%2F2010%2F04%2F25%2Fd%25e1%25bb%25abng-t%25e1%25ba%25a1o-ra-s%25e1%25bb%25b1-chia-r%25e1%25ba%25bd-dan-t%25e1%25bb%2599c-khong-c%25e1%25ba%25a7n-thi%25e1%25ba%25bft%2F">35
năm quá dài </a>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4792), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét