thế giới thứ ba đã giành thắng lợi trong trận đánh cuối
cùng của một cuộc chiến tranh gian khổ kéo dài, nhờ áp dụng
một chiến lược tấn công hiện đại, dứt khoát và bất
ngờ. Ngày nay, bài học rút ra từ chiến thắng này vẫn thật
đáng nhớ, khi chúng ta đang sống trong một thời đại có khuynh
hướng cậy vào công nghệ hơn là vào tư duy chiến lược và
mặc định rằng các kỹ năng chiến lược của đối phương
cũng lạc hậu như nền kinh tế, cấu trúc xã hội và nền
tảng công nghệ của họ.
Vào ngày mồng 4 tháng 3 năm 1975, Quân đội Nhân dân Việt Nam
(miền Bắc) tiến hành chiến dịch cuối cùng trong cuộc chiến
30 năm của họ bằng một loạt đợt tấn công vào các vị trí
của miền Nam ở đèo Măng Giang, Tây Nguyên. Chiến dịch của
họ - kết thúc thắng lợi hoàn toàn không đầy hai tháng sau
đó - không giống như bất kỳ trận đánh nào trong lịch sử
kéo dài của cuộc chiến tranh.
<div class="boxright320"><img src="/files/u1/sub01/4906223_n.jpg" width="398"
height="304" alt="4906223_n.jpg" /><div class="textholder">Sài Gòn năm
1965 (ảnh tư liệu)</div></div>
Khác biệt là ở chỗ, lần đầu tiên, nghệ thuật làm chiến
dịch của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) không đặt cơ
sở vào ý chí sẵn sàng hy sinh nhiều hơn đối thủ. Ngoài ra,
họ cũng chỉ nhắc một cách chiếu lệ tới học thuyết cũ
về một cuộc toàn dân nổi dậy. Thay vì tất cả những cái
đó, chiến dịch của QĐNDVN dựa vào các kỹ năng đánh lừa,
nghi binh (vu hồi), gây bất ngờ, tiếp cận gián tiếp, đánh
lần lượt từng cụm căn cứ - nói tóm lại, một chiến dịch
rất trí tuệ. QĐNDVN cuối cùng đã vươn tới một chiến dịch
xứng tầm với một lực lượng quân đội chuyên nghiệp, hiện
đại, thứ mà các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã nỗ
lực rất lâu để xây dựng.
Nhiều sử gia vẫn cho rằng trong bối cảnh viện trợ quân sự
của Mỹ cho miền Nam giảm toàn diện sau năm 1973, bất kỳ một
cuộc tấn công lớn nào của cộng sản cũng sẽ thắng lợi.
Tuy vậy, lực lượng đương đầu với QĐNDVN hồi đầu năm
1975 - Quân đội Việt Nam Cộng hòa (QĐVNCH) - không hề là hổ
giấy. Khi QĐVNCH gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về
hậu cần và tinh thần chiến đấu, phần lớn lãnh đạo của
họ kém năng lực, thì những người lính trong QĐVNCH, vốn dày
dạn trận mạc, lại vẫn duy trì được một lượng đạn
dược và trang thiết bị khổng lồ (như đã thể hiện qua số
lượng cực lớn các phương tiện chiến tranh mà quân Bắc
Việt thu được khi chiến tranh kết thúc). Cứ cho rằng sự
sụp đổ của miền Nam Việt Nam là không thể tránh khỏi,
nhưng kết cục có lẽ đã đẫm máu và kéo dài hơn nhiều nếu
những người cộng sản chọn một kế hoạch tấn công khác,
theo kiểu truyền thống hơn (**). Đòn tiêu diệt mạnh nhất
của toàn bộ chiến dịch tổng tiến công thực ra chính là
đòn tâm lý choáng váng mà chiến lược tài ba và đầy bất
ngờ của họ đã nện vào tổng tư lệnh Việt Nam Cộng hòa.
Bài viết sau đây, chủ yếu rút ra từ các nguồn tài liệu
của chính quyền Việt Nam cộng sản, là câu chuyện về sự
hình thành và phát triển chiến dịch Tổng Tiến công của
QĐNDVN. Thật không may là những người cộng sản Việt Nam chưa
mở kho tư liệu về quân sự của họ để cho phép kiểm lại
một cách độc lập các ghi chép thời đó về chiến dịch 1975,
cũng như chưa cho phép các sử gia Tây phương thực hiện phỏng
vấn công khai, thẳng thắn về các bên tham gia trong những sự
kiện này – điều cần thiết để có thể viết sử một cách
công bằng và thật sự đầy đủ. Do đó, câu chuyện này buộc
phải dựa chủ yếu vào lịch sử và ký ức được chính
quyền Việt Nam cộng sản ghi nhận (mặc dù một trong những
nguồn chính yếu là hồi ký của Trung tướng Trần Văn Trà đã
không chỉ bị chính thức phủ nhận mà còn bị tịch thu và
cấm ngay sau khi xuất bản, bởi trong hồi ký đó, ông Trà đã
phê phán gay gắt các sĩ quan miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là
Tổng Tham mưu trưởng QĐND, Tướng Văn Tiến Dũng). Giới nghiên
cứu đang cố gắng lọc bỏ những yếu tố tuyên truyền và
tự mãn hàm chứa trong câu chuyện của những người cộng
sản, cũng như để kiểm lại độ xác thực của những câu
chuyện này, đối chiếu với các tài liệu lịch sử thành văn
hiện có. Trong khi chờ đợi họ, chúng ta phải thừa nhận
rằng một số quan điểm trong tư liệu của miền Bắc Việt Nam
cần được tiếp nhận một cách tỉnh táo.
<h2>Kế hoạch ban đầu</h2>
Những hạt mầm của chiến dịch Tổng Tiến công 1975 của
miền Bắc Việt Nam đã được gieo từ hai hội nghị quân sự
cấp cao tổ chức tại Hà Nội vào tháng ba và tháng tư năm 1974
để đánh giá tình hình chiến sự. Hai hội nghị này đi đến
kết luận rằng QĐNDVN đã giành lại được thế chủ động
ở miền Nam, lần đầu tiên kể từ chiến dịch Quảng Trị
1972. Sau Hiệp định ngừng bắn ký tại Paris tháng giêng năm
1973, QĐNDVN đã mở rộng đáng kể tuyến đường huyết mạch
chuyên chở hậu cần của họ tới miền Nam - Đường Hồ Chí
Minh. Do con đường không còn chịu sự tấn công của không quân
Mỹ, miền Bắc Việt Nam nay đã có thể vận chuyển khối
lượng khổng lồ trang thiết bị và hàng tiếp tế vào Nam:
chỉ riêng trong năm 1973, đã có 80.000 tấn hàng quân sự được
cung cấp, trong đó có 27.000 tấn vũ khí, 6.000 tấn chế phẩm
xăng dầu, và 40.000 tấn gạo. 100.000 quân nhân mới của QĐNDVN
đã hành quân dọc Đường Hồ Chí Minh vào Nam trong suốt năm
1973, và 80.000 người khác lên đường Nam tiến trong nửa đầu
năm 1974. Sức mạnh quân đội của QĐNDVN ở chiến trường
miền Nam, vốn bị mất đi một phần trong chiến dịch Quảng
Trị 1972, giờ đây ở mức hùng hậu nhất trong lịch sử cuộc
chiến tranh: 400.000 lính chính quy. QĐNDVN đã có thể thấy ánh
sáng cuối đường hầm. Vấn đề họ đang đối diện là làm
thế nào để đi tới đoạn cuối đó.
Sau hai hội nghị tháng ba và tháng tư, vào tháng năm, Bộ Tổng
Tham mưu ở Hà Nội hoàn thành dự thảo, "<em>Đề cương sơ
bộ về một kế hoạch giành chiến thắng trong chiến tranh ở
miền Nam</em>". Nghiên cứu này được gửi tới Tổng Tư lệnh
của QĐNDVN, đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, để ông
duyệt. Ngày 18-1-1974, sau khi đánh giá cẩn thận đề cương
này, Tướng Giáp gọi người phó của ông, Tướng Hoàng Văn
Thái, và ra lệnh chuẩn bị cho một kế hoạch chiến dịch
chính thức nhằm vào việc giành thắng lợi hoàn toàn ở miền
Nam muộn nhất trong năm 1976. Quan điểm chung của ông Giáp là
một cuộc tấn công hai giai đoạn, bao gồm một đợt công kích
lớn của quân chủ lực vào Tây Nguyên, sau đó là một cuộc
tấn công dốc toàn lực nhằm vào lực lượng bảo vệ Sài
Gòn. (Nhiều sử gia – những người khẳng định Tướng Giáp
ít hoặc không đóng vai trò nào trong Tổng Tiến công 1975 - cho
rằng tới lúc đó ông đã bị hạn chế đến mức chỉ còn
vị thế bung xung, do sức khỏe kém và do thất bại của ông
trong hai chiến dịch 1968 và 1972. Tuy nhiên, những tư liệu của
chính quyền cộng sản lại mô tả Giáp với tư cách một
người tham gia rất nhiều vào việc lập kế hoạch và chỉ huy
tổng thể chiến dịch từ lúc hình thành ý tưởng cho tới
thắng lợi cuối cùng). Ngày 26-8-1974, sau khi xem lại một số
bản dự thảo trước đó, Bộ Tổng Tham mưu hoàn tất "Kế
hoạch chiến lược 1975-76" và ban hành trong ban lãnh đạo cấp
cao của Đảng cũng như chuyển cho các chỉ huy quân sự cấp cao
để xin ý kiến. Kế hoạch hoàn chỉnh cuối cùng được trình
các lãnh đạo Đảng duyệt tại một phiên họp kéo dài của
Bộ Chính trị vào tháng 10 năm 1974.
Mặc dù QĐNDVN biết họ đã giành được thế chủ động
chiến lược ở miền Nam Việt Nam, kế hoạch ban đầu của Bộ
Tổng Tham mưu vẫn khá thận trọng, bởi họ vẫn đang phải
đương đầu với một số vấn đề nghiêm trọng. Các nỗ lực
của cộng sản nhằm xây dựng lại căn cứ du kích ở vùng
nông thôn Việt Nam đã thất bại trên diện rộng, chỉ đạt
30% trong tổng số mục tiêu sức mạnh quân sự trong kế hoạch
1973-74 của các lực lượng vũ trang địa phương ở miền Nam.
Thêm vào đó, cơ sở chính trị ở nội đô cũng rất yếu, và
quan trọng nhất là, các lực lượng chính quy của QĐNDVN đối
diện với tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về vũ khí
hạng nặng và đạn dược. Thêm nữa, mặc dù giới lãnh đạo
của Bắc Việt tin rằng họ có một cửa cơ hội vài năm có
một để giành chiến thắng trước khi Mỹ phục hồi trở lại
sau những bê bối chính trị trong nước, QĐNDVN tin rằng họ
vẫn phải cảnh giác với sự can thiệp có thể có từ nước
ngoài. Trong các chỉ thị ban đầu của Tướng Giáp, có yêu
cầu các lực lượng quân đội của miền Bắc phải chuẩn bị
cho khả năng cuộc tổng tiến công có thể khiêu khích Mỹ ném
bom trở lại vào miền Bắc hoặc thậm chí đổ bộ vào vịnh
Bắc Bộ. Bộ Tổng Tham mưu quyết định rằng, xét các vấn
đề này, QĐNDVN không thể đi tới một chiến dịch "tổng
tấn công và nổi dậy toàn quốc" kiểu Tết Mậu Thân 1968,
huy động lượng lớn du kích ở nông thôn và thành thị (mà
họ không hề có), cũng như không có các nguồn lực để tiến
hành một cuộc tấn công ồ ạt, trên toàn tuyến, theo kiểu
truyền thống như chiến dịch Quảng Trị 1972.
Sự thiếu hụt về tăng thiết giáp và trọng pháo - điều
kiện cần để tấn công vào các căn cứ ở cấp sư đoàn và
trung đoàn vốn được trang bị rất đầy đủ của VNCH - đè
nặng lên tâm trí những nhà hoạch định chiến lược của Bộ
Tổng Tham mưu QĐNDVN, những người đã lập nên bản kế hoạch
để trình Bộ Chính trị vào tháng 10 năm 1974. Sau này, người
ta chủ yếu tìm hiểu xem tình trạng thiếu đạn trong quân
đội VNCH tác động như thế nào đến sự sụp đổ của Miền
Nam Việt Nam, mà không biết rằng chính QĐNDVN mới chịu thiếu
hụt nghiêm trọng. Viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung
Quốc, đặc biệt ở danh mục "vũ khí tấn công" (xe tăng và
pháo), đã giảm đáng kể từ sau Hiệp định Paris 1973. Những
thiệt hại lớn của QĐNDVN trong chiến dịch Quảng Trị 1972
càng làm trầm trọng thêm vấn nạn thiếu hụt do sự suy giảm
viện trợ này gây ra. Ngoài ra, phần lớn xe tăng và pháo của
QĐNDVN ở trong tình trạng rất tồi tệ, phụ tùng thì thiếu.
Nhiều đơn vị pháo binh của QĐNDVN, nhất là ở miền Nam, vẫn
chỉ được trang bị súng cối hạng nhẹ, súng trường không
giật (DKZ), hoặc ống phóng hỏa tiễn vác vai (B40).
Ở địa bàn hoạt động của Văn phòng Trung ương cục Miền
Nam, tức là nửa phía nam của đất nước, bảy sư đoàn bộ
binh (số 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9) và khung quân đoàn 4 chỉ được
yểm trợ bởi năm tiểu đoàn pháo (hai trong số đó có trang
bị pháo lấy được của Mỹ nhưng còn rất ít đạn) và ba
tiểu đoàn tăng thiết giáp thiếu bộ đội. Khi Quân đoàn 2
của QĐNDVN chiếm Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, họ cũng chỉ có
tổng cộng 89 xe tăng và thiết giáp chở quân, 87 cỗ pháo.
Tuy nhiên, vấn đề gay go nhất là nạn thiếu nghiêm trọng
đạn cho xe tăng và trọng pháo (tức là pháo dã chiến và cối
85mm trở lên). Hồi chiến dịch Quảng Trị 1972, quân đội
miền Bắc đã bắn hơn 220.000 viên đạn xe tăng và trọng pháo,
trong đó 150.000 viên đã được sử dụng chỉ riêng tại mặt
trận Quảng Trị. Cho đến năm 1974, toàn bộ kho đạn pháo và
đạn tăng của QĐNDVN, bao gồm tất cả đạn dược của cả
các đơn vị chiến đấu ở chiến trường lẫn của các kho
dự trữ chiến lược, tổng cộng chỉ được 100.000 viên. Tình
hình đạn dược nghiêm trọng tới mức các chỉ huy pháo binh
phải thay pháo lớn ở một số đơn vị bằng các khẩu pháo
đã lỗi thời 76,2mm và 57mm, lấy từ kho ra.
Vì những vấn đề này, Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN ban hành sắc
lệnh rằng tất cả các vũ khí hạng nặng và đạn dược còn
lại phải được sử dụng thật tiết kiệm, để dành cho một
đòn quyết định, chỉ tiến hành khi trận cuối cùng diễn ra.
Kế hoạch 1975-76 chỉ cho phép dùng hơn 10% kho đạn tăng-pháo
còn lại của QĐNDVN trong cả chiến dịch 1975. 45% được phân
phối cho chiến dịch 1976, phần còn lại để dự trữ.
(còn nữa)
____________________________
<em><strong>Đoan Trang</strong></em> dịch từ nguyên tác North
Vietnam's Final Offensive: Strategic Endgame Nonpareil - "Tổng Tiến
công Mùa Xuân 1975: đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh
có một không hai". Tác giả Merle L. Pribbenow tốt nghiệp Đại
học Washington năm 1968, chuyên ngành khoa học chính trị. Ông là
nhân viên Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) ở Đông Dương,
có 27 năm kinh nghiệm nghiên cứu về Việt Nam, trong đó có 5
năm làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn tính đến
ngày 29/4/1975. Kể từ khi về hưu (năm 1995), ông đã viết ba
bài nghiên cứu lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, và dịch một
cuốn sách của Bộ Quốc phòng Việt Nam sang tiếng Anh, xuất
bản tháng 5/2002 tại Mỹ.
<strong>Ghi chú của người dịch:</strong>
(*) Bài viết này được thực hiện vào năm 1999.
(**) Nguyên văn: conventional attack, nghĩa là một cuộc tấn công
mang tính chất của chiến tranh quy ước. Chiến tranh quy ước
là chiến tranh giữa các binh đoàn chủ lực, hay tác chiến binh
chủng hợp thành.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4739), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét