vai trò gì trên thực tế mà đấy là bản năng thương mại
của toàn nhân loại được huy động trong quá trình toàn cầu
hóa, và đừng nhầm lẫn nó là toàn cầu hóa tư bản chủ
nghĩa. Đấy là quan điểm của tôi. Và các dân tộc phải đủ
tự do để con người của nó trở nên thông minh để nhặt
nhạnh các cơ hội và né tránh các rủi ro. Khi tôi đến
trường Harvard, tôi có 40 phút nói chuyện tại một lớp luật,
ở trường đó có một luật lệ rất lạ là đã vào lớp rồi
thì không thể ra ngoài. Tôi có nói đến câu chuyện là làm
thế nào để thế giới chống lại được sự rủi ro do sự
luôn luôn mới: người mới, hàng mới, cách thức mới của
nền kinh tế thế giới xâm nhập vào các vùng khác nhau, nhất
là các vùng chậm phát triển. Và đấy chính là bản chất của
các gọi là nền kinh tế trí thức. Nền kinh tế trí thức là
nền kinh tế mà trí thức trở thành lực lượng giúp xã hội
phân loại giữa cơ hội và rủi ro. Nếu chúng ta cứ tiếp tục
đào sâu cái rãnh mà chúng ta vẫn quen nghĩ thì nó giống như
việc chúng ta đi giữa một cái hào kín, chúng ta không có cách
gì để có thể nhìn ra hai bên được để mà hỗ trợ xã hội
trong việc phân loại và tránh né rủi ro. Cho nên, con người
chỉ có thể phát triển bằng tự do, những nước càng chậm
phát triển bao nhiêu thì càng cần tự do bấy nhiêu, bởi vì anh
phải bù lại cái phần thiếu hụt năng lực vốn có mà lịch
sử đã tạo ra cho mỗi một công dân trong các quốc gia chậm
phát triển. Đấy chính là phi chính trị hóa, phi chính trị hóa
chứ không vô chính trị hóa. Tôi có thể yêu đảng cộng sản,
có thể không, chẳng sao cả. Tôi luôn luôn nghĩ rằng sự đa
dạng về các đặc trưng chính trị là một thực tế của
đời sống chính trị toàn cầu. Nếu gò ép nhân dân để giữ
cho được cái bản sắc nào đấy thì có nghĩa là tự mình phá
hoại mình. Năm 1985, tôi cùng nhà tôi đi dự cuộc họp báo về
việc đổi tiền, người ta nói rằng đáng ra lúc đầu định
đổi 1-1 nhưng in không kịp cho nên đổi 1-10. Nghe xong tôi toát
mồ hôi, tôi bảo, tại sao đối với tài sản của con người
mà người ta vô trách nhiệm đến thế. Năm 1986 chúng ta đổi
mới, người Việt Nam bỗng dưng nở ra, có phải đấy chính là
một bằng chứng rằng, tự do đem lại cho con người sự bùng
nổ sức sống? Ở giai đoạn đầu những năm 80, có lúc tôi
đã trông thấy một vài bà phu nhân ra ngoài chợ giúi mấy tút
thuốc tiêu chuẩn cho mấy con phe ở phố Phủ Doãn hay ở đâu
đó. Các anh các chị khi nhớ lại những hình ảnh như vậy thì
thấy rằng thật là tội nghiệp cho chúng ta khi chúng ta không
tự do.
Chúng ta không hề vô chính trị khi có tự do về chính trị.
Lịch sử yêu nước là lịch sử có thật, chúng ta không tin
vào lịch sử yêu nước cho nên chúng ta buộc phải có những
biện pháp phụ trợ để duy trì nó, xem nó là một thuộc tính
để có thể luôn luôn yên tâm về sự tồn tại của chủ
nghĩa yêu nước trong người Việt. Nhưng tôi không nghĩ thế,
chủ nghĩa yêu nước của người Việt là một thuộc tính tự
nhiên của người Việt, làm mất nó đi khó hơn nhiều so với
việc giữ nó. Tôi thấy chúng ta có những cố gắng trái tự
nhiên một cách kỳ lạ. Tôi có một người bạn, chị ấy đã
mất rồi, chồng chị ấy là sếp của tôi, chị ấy là em gái
anh Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch thành phố Hà Nội. Chị ấy
kể chuyện khi sang Moscow có ông đại sứ người Nghệ An quen
biết nhìn thấy chị ấy trong ga tàu điện ngầm và cứ gọi
ầm lên: "<em>Này Hào ơi! Dừng lại anh bảo</em>" làm chị
ấy ngượng. Tôi hỏi các anh chúng ta duy trì cái bản sắc ấy
để làm gì? Nói to giữa chợ là một bản sắc vì thực ra
bản sắc chính là thói quen. Chúng ta phải thay đổi thói quen
phù hợp để tiếp cận cái mới. Vì bản chất của toàn cầu
hóa là chở đến các ngõ ngách khác nhau của đời sống những
vật phẩm mà thiên hạ có. Tôi là người đưa hãng Coca Cola
vào Việt Nam. Hôm làm lễ ra mắt, trước cửa nhà hát lớn họ
bơm một chai Coca cola bằng nilon đen ngòm cao đến 4-5 thước
đặt ở đấy. Tổng bí thư Đỗ Mười đi qua đấy trông thấy
đã gọi điện phê bình. Sau đấy giám đốc Coca Cola Việt Nam
gọi điện hỏi tôi: ông ấy mắng thế đúng hay sai? Tôi bảo:
mắng là đúng rồi. Cái nhà hát lớn của người ta trang nghiêm
đến như vậy mà các anh ở đâu đến bơm một chai to tướng
đặt ở đấy. Bản thân các anh cũng không có cái lịch sự
thật sự của người phương Tây. Người phương Tây đứng
trước nhà hát lớn thì một mẩu thuốc cũng không dám vứt ra.
Người phương Tây có giáo dục và văn minh thì không làm những
việc kiểu như thế trong nhà hát lớn. Vậy mà bây giờ chúng
ta làm tất. Tôi lấy ví dụ như việc biến cái tầng hầm nhà
hát lớn trở thành quán ăn chẳng hạn. Nhà hát lớn là nơi
người Việt thể hiện trình độ văn minh của mình thì chúng
ta lại biến nó thành quán ăn. Vậy tôi hỏi các anh là chúng ta
giữ gìn cái bản sắc gì? Cái gì đáng nhớ trong cuộc đời
này thì người ta không bao giờ quên được. Có lẽ tôi không
bao giờ quên được những năm tháng chiến tranh. Làm sao mà tôi
có thể quên được. Cái điều mà tôi nói nhiều nhất, nói
một cách say sưa nhất trong bữa cơm với thị trưởng thành
phố Sanfrancisco ở Hoa Kỳ là tôi nói về đường Hồ Chí Minh
mà tôi tham gia xây dựng. Ông thị trưởng bảo: "<em>Tôi rất
muốn ông nói lại câu chuyện này ở câu lạc bộ Commonwelth,
một câu lạc bộ cổ xưa nhất trong lịch sử Hoa Kỳ</em>".
Tôi đồng ý. Khi tôi đến nói câu chuyện ở câu lạc bộ
Commonwelth, ông chủ tịch ở câu lạc bộ ấy bảo: "<em>Chỗ
mà ông đang đứng là chỗ đứng của các danh nhân, của các
nhà chính trị quan trọng nhất thế giới, của các thượng
nghị sĩ quan trọng nhất của nền chính trị Hoa Kỳ, cho nên
ông phải ý thức được cái vinh dự ấy, ông phải nói với
chúng tôi điều A, B, C …</em>". Tôi cười và trả lời rằng:
"<em>Thưa ông chủ tịch, tôi là người nếu xét về phương
diện kiến thức lịch sử thì bằng một công dân được đào
tạo trung bình ở Hoa Kỳ, vì thế tôi biết cái vinh dự mà tôi
được hưởng. Và tôi cũng biết thêm được rằng người Mỹ
các ông khi ra câu hỏi thì đã có sẵn câu trả lời, hôm nay
tôi sẽ nói những vấn đề mà người Mỹ chưa có kinh nghiệm
để đặt câu hỏi</em>". Khi nói về người Mỹ mất tích,
tôi bảo với họ là: "<em>Các ông biết rằng nền văn hóa
của chúng tôi là nền văn hóa của người chết, tất cả các
dấu hiệu văn hóa quan trọng nhất là liên quan đến người
chết và các nhà chính trị của chúng tôi có thể không sợ
các ông nhưng họ không thể không sợ cha ông họ được. Họ
không dám vi phạm các giới hạn văn hóa để dùng xác chết
của lính Mỹ mặc cả chính trị với các ông. Chúng tôi là
một dân tộc không chuyên nghiệp, chúng tôi đánh các ông cũng
không chuyên nghiệp, cho nên trong chiến tranh chúng tôi không
thống kê. Ngay cả người của chúng tôi chúng tôi cũng không
thống kê được. Vì thế khi phải đối mặt với các vấn
đề có tính chuyên nghiệp ở thời kỳ hậu chiến, chính phủ
chúng tôi lúng túng. Và nếu các ông biết rõ rằng họ lúng
túng chứ họ không thiếu thiện chí thì các ông tiếp cận
vấn đề người Mỹ mất tích ở Việt Nam thuận lợi hơn
nhiều</em>". Tôi phải nói thật với các anh chị là nếu
không tự do thì tôi không thể nói được như thế. Lúc bấy
giờ lương của tôi là 650 đồng, tạm gọi là lương cấp vụ,
nếu nói năng không cẩn thận thì có thể mất lương. Đôi lúc
chúng ta cũng phải liều, và nếu như chúng ta cứ nhớ đến
bản sắc thì không nói được. Từ lâu lắm rồi tôi là
người xem việc giữ gìn bản sắc là một khẩu hiệu không
lành mạnh, và có những động cơ không lành mạnh. Người ta
chỉ nói thế thôi chứ cũng không ai chỉ ra nội dung cơ bản
của bản sắc là gì và mỗi người chỉ ra bẳn sắc một
kiểu. Như vậy vô tình việc giữ gìn bản sắc trở thành
việc giữ gìn cái đòi hỏi của một người cụ thể, mà như
vậy thì nó không còn là bản sắc nữa, bởi vì bản sắc là
cái nằm trong máu mỗi người. Người ta nói hòa nhập chứ
không hòa tan, nhưng tan thế nào được. Không có cách gì để
hòa tan người Việt được, muốn cũng không được. Cứ xem
các bài báo của Việt kiều là các anh có thể nhận ra và phân
loại được ngay. Văn phong của một anh Việt kiều ở Đức
khác hẳn với văn phong của anh Việt Kiều ở quận Cam, văn
phong của anh Việt Kiều ở quận Cam khác hẳn với văn phong
của anh Việt Kiều ở Washington DC … Họ vẫn nói xấu những
người cộng sản nhưng nếu được chụp chung ảnh với những
người lãnh đạo cao cấp thì họ vẫn rất sung sướng. Đấy
là sự thật. Bản sắc có cả mặt ấy, vì thế, nếu con
người cứ xăm xăm để giữ cái bản sắc của mình thì con
người sẽ sao nhãng việc phân tích các yếu tố mới và kết
nạp nó vào cộng đồng các yếu tố trong miền tinh thần của
mình. Con người cần phải cởi mở. Cải cách văn hóa theo
định nghiã của tôi là tạo ra một nền văn hóa mở, có năng
lực tiếp nhận mọi dấu hiệu văn hóa tích cực.
Ý thứ tư của anh là cải cách chính trị theo tiêu chuẩn phổ
biến là gì. Đó là dân chủ hóa xã hội. Trong các quyển sách
này cũng như trong nhiều bài viết, nhất là các bài viết về
Hồ Chủ Tịch, tôi có nói rằng "<em>dân chủ hóa xã hội
Việt Nam là món nợ tinh thần của những người cộng sản
đối với dân tộc</em>". Chúng ta đưa ra khái niệm gọi là
thời kỳ quá độ, thậm chí bây giờ người cộng sản Trung
Quốc đã nói thẳng ra rằng thời kỳ quá độ ấy là hàng
trăm năm. Thời kỳ quá độ là một khái niệm được mô tả
bằng một câu nói dân gian ở Việt Nam là: "ngày mai ăn phở
không mất tiền". Nhưng bao giờ mới đến cái ngày mai ấy?
Tại sao chúng ta không biến một quá trình như vậy thành quá
trình xây dựng và tổ chức nền dân chủ? Chúng ta cùng nhau
xác định rằng dân chủ hóa tức là trả lại cho con người
cuộc sống tự nhiên của nó, và chính trị là lãnh đạo con
người chứ không phải là lãnh đạo một con người, cho nên,
phải thừa nhận tính đa dạng của đời sống con người, và
phải lãnh đạo để nó trở nên người hơn chứ không phải
để nó trở thành loại người mà mình muốn. Đấy là quan
điểm của tôi. Tôi không nghĩ rằng dân chủ hóa thì nhân dân
sẽ chống Đảng, ngược lại, có khi nhân dân còn công kênh
Đảng lên. Nếu người ta biết chắc rằng các anh đang tổ
chức và lãnh đạo một tương lai mà ở đó nhân dân tự do
thì nhân dân rất sợ các anh bỏ đi. Các anh không tưởng
tượng được rằng nếu Đảng làm được như thế thì xã
hội rất sợ Đảng bỏ đi. Giữa việc nếu ta đi thì họ níu
và việc bắt họ phải chịu đựng ta thì việc nào hơn? Tôi
thấy các anh không nên ghép những chữ mà bản chất của nó
là những chặng khác nhau hay là những mức độ khác nhau của
một khái niệm với nhau, như đa nguyên – đa đảng mà tôi nói
lúc trước. Đa nguyên là bản chất của cuộc sống còn đa
đảng là đời sống chính trị. Nếu chúng ta chưa có điều
kiện để đa đảng thì chúng ta không vì thế mà tiêu diệt đa
nguyên. Các anh chị ở Học viện là những tinh hoa của đời
sống lý luận, các anh chị còn phân biệt được chứ còn
xuống đến ban tuyên huấn của các tỉnh ủy thì rất khó. Tôi
cho rằng, bản chất của quá trình cải cách chính trị là dân
chủ hóa, và chúng ta phải hiểu rằng dân chủ hóa là một
việc phải làm. Vì con người, vì sự phát triển của đất
nước chúng ta phải làm, chỉ có điều là chúng ta làm cho khéo
để giữ được Đảng. Trong những quyển sách này còn thiếu
một điều rất quan trọng mà tôi không nói được, đó là
những rủi ro mà Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ gặp phải trong
quá trình cải cách chính trị. Chúng tôi không hề có sự bức
xúc gì với Đẳng, với nhà nước, với chính phủ, chúng tôi
là những người đủ khôn ngoan để trong bất kỳ trạng thái
chính trị nào của đất nước chúng tôi cũng tồn tại
được, nhưng những người như chúng tôi rất ít. Cái chính là
phải làm thế nào để những điều kiện có thể tạo ra sự
phát triển như vậy trở nên tương đối phổ biến đối với
nhân dân chúng ta.
Vấn đề thứ năm là vấn đề phi chính trị hóa giáo dục.
Tôi đã đọc rất nhiều bài viết xung quanh vấn đề này. Rất
nhiều người nói do thầy thế này, do sách giáo khoa thế kia.
Gần đây anh Trần Hữu Dũng, giáo sư trường đại học Wright
State, chủ trang web "Diễn đàn", về đây trả lời phỏng
vấn của báo chí đã nhận xét rằng: giáo dục Việt Nam loay
hoay tìm cách phát minh lại cái bánh xe. Kể cả những nhà giáo
dục rất có uy tín cũng vẫn quanh quẩn xung quanh những chi
tiết, những chương trình này khác mà quên mất rằng cải cách
giáo dục là cuộc cải cách đau đớn nhất mà Đảng ta phải
chịu đựng nếu định làm, đó là phi chính trị hóa nhà
trường. Nếu không phi chính trị hóa nhà trường thì không
thể có được nền giáo dục tiên tiến. Các anh chị biết
rằng xét về mặt phân tâm học thì năng lực tiếp nhận của
trẻ con vào những lứa tuổi khác nhau thích hợp với những
loại kiến thức khác nhau. Tại sao trẻ con Châu Âu nói chuyện
triết học, nói chuyện Kant, Hegel… một cách rất nhẹ nhàng?
Bởi vì lúc các em chưa kịp có định kiến thì các em tiếp
cận một cách vô thức. Và về mặt phương pháp luận nhận
thức mà nói thì kẻ nào vào sớm nhất trong miền tiềm thức
cuả một con người thì kẻ đó trở thành chủ của bộ não
và cái còn lại là sự lựa chọn của chính kẻ đó. Chúng ta
để cho trẻ con làm quen sớm với một số khái niệm rất hạn
chế, và do đó, trẻ con của chúng ta dù có chương trình tốt
đến mấy thì khả năng tiếp cận của chúng cũng rất thấp.
Nếu làm toán, học sinh chúng ta làm rất tốt, nhưng suy tưởng
toán học thì không tốt. Cho nên, về cơ bản chúng ta không có
nhà toán học, nhiều lắm là chỉ có nhà dạy toán. Vì thế
phải nói thật với các anh chị là nếu không làm cho các
trường đại học, các cơ sở giáo dục tự do hơn đối với
chính trị, đối với các tiêu chuẩn bắt buộc phải có về
nhận thức mà hiện nay chúng ta đang phổ biến trong xã hội
thì phải nói rằng mọi ý đồ, mọi khát vọng về cải cách
giáo dục đều là vô ích, và chúng ta có đào tạo được
20.000 tiến sĩ thì cũng không có giáo trị gì. Chúng ta sẽ có
những kẻ nói một cách chuẩn hơn về thuật ngữ, chúng ta có
thể có một số lực lượng có khả năng diễn đạt một
cách trôi chảy cái cũ nhưng để tìm ra cái mới thì rất khó,
mà nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra cái mới chứ không phải
diễn đạt trôi chảy cái cũ. Hiện tượng diễn đạt trôi
chảy những cái cũ đã trở thành phong cách của giới tri thức
Việt Nam từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay. Khi Liên hiệp các
Hội khoa học kỹ thuật VN tổ chức tiếp giáo sư Francois
Jullien, tôi thấy cơ sở vật chất nghèo nàn, lễ tân không có,
tôi rất buồn. Tôi đã mời ông ấy ăn cơm ở một khách sạn
rất sang. Tôi nói với ông ấy là: " Tôi phải nói thật với
giáo sư là tôi đang chữa ngượng cho người Việt, bởi vì
đáng ra với một người như giáo sư thì Thủ tướng hoặc các
nhà lãnh đạo chúng tôi phải tiếp. Nhưng bởi vì các đồng
nghiệp của Giáo sư không ý thức được tầm quan trọng của
chính người bạn của mình, cho nên làm cho Thủ tướng của
chúng tôi không biết ngài. Vì thế tôi đành phải làm việc
này để chữa ngượng. Cũng phải nói với các anh chị là càng
ngày tôi càng hiểu ra rằng với sự loay hoay của người Việt
xung quanh cải cách giáo dục như thế này thì rất khó mà đáp
ứng được. Chúng ta có cải cách gì đi nữa, cải cách chính
chính trị rất cấp tiến đi chăng nữa, cải cách kinh tế một
cách hùng hổ thế nào đi chăng nữa thì với nền giáo dục và
đào tạo hiện nay, người Việt không có năng lực tiếp nhận
và tiếp ứng với mọi sự phát triển. Tôi là người sử
dụng lao động, ở đây chúng tôi không có những người lao
động đơn giản, tất cả những người lái xe của chúng tôi
đều là cử nhân kinh tế hoặc luật học. Ở đây chúng tôi
không cho phép tồn tại những người không tốt nghiệp đại
học. có một anh lái xe hỏi tôi rằng: em là lái xe, anh bắt em
đi học để làm gì? Tôi hỏi: cậu có vợ, có con không? Cậu
có sợ con cậu xấu hổ vì bố nó là một kẻ vô học không?
Học và kiếm ăn bằng sự học của mình là hai việc khác nhau.
Tất cả lái xe, bảo vệ của chúng tôi đều tốt nghiệp cử
nhân luật, kinh tế cả. Tôi động viên họ học với quan
điểm là con người càng đến gần học vấn bao nhiều càng
dễ phát triển bấy nhiêu. Hôm nọ anh em Vietnamnet có đến đây
phỏng vấn tôi về sự khủng hoảng của nền giáo dục VN, tôi
trả lời rằng nền giáo dục VN không khủng hoảng. Đây là
cuộc khủng hoảng của những người có trách nhiệm tổ chức
ra nền giáo dục chứ không phải khủng hoảng nền giáo dục.
Xã hội vẫn lặng lẽ bổ sung những sự thiếu hụt mà những
người có trách nhiệm tổ chức ra nền giáo dục không làm
được. Người Việt không để cho nền giáo dục của mình
khủng hoảng.
<strong>Ông Phạm Huy Đức:</strong> <em>Tôi thấy các cuốn sách
của anh có hai cảm hứng chủ đạo, cảm hứng thứ nhất là
cảm hứng tự do, cảm hứng thứ hai là cảm hứng dân chủ,
những cái đó thì giới trí thức VN đang thiếu, anh đã thổi
hồn vào trong đời sống chung. Tôi thấy cách diễn đạt của
anh cũng lạ, khiến cho người đọc tò mò, đọc rồi có thể
có rất nhiều chia sẻ. Cách hiểu có thể khác nhau nhưng bản
chất thì không khác nhau. Ví dụ, anh đồng nhất bản sắc của
dân tộc với cái yếu kém của dân tộc, cái đấy nhiều
người đã nói. Nhưng tôi cho rằng không nên đồng nhất bản
sắc chỉ là những cái xấu. Nếu như anh đã tôn trọng sự đa
dạng tinh thần thì anh cũng phải thừa nhận có các sắc thái
văn hóa có nhấn mạnh đến việc con người phải biết tự
bảo vệ mình và giữ được cái trạng thái của mình trong xu
thế hội nhập. Tất nhiên cái bản sắc không loại trừ cái
hội nhập, cái đổi mới và anh phải đổi mới thì anh mới
giữ được bản sắc. Những trò chơi ngôn ngữ đôi khi làm cho
người ta hiểu lầm nhau, nhưng tôi tin rằng về bản chất thì
anh cũng không phê phán quan điểm như vậy.</em>
<strong>Ông Nguyễn Trần Bạt:</strong> Tôi không đồng nhất bản
sắc với những cái xấu, bởi vì tôi không xem là có khái
niệm bản sắc, và tôi cũng không hề phê phán quan điểm đa
dạng văn hóa như anh nói. Tôi cho rằng con người thì phải đa
dạng, đa dạng về quan điểm, đa dạng về tư tưởng, đa
dạng về phong cách. Ngôn ngữ cũng thể hiện phong cách. Năm
1948 khi anh Nguyễn Đình Thi bắt đầu viết tập Những bài ca
Hắc Hải thì anh Tố Hữu đưa ra phê phán là không có tính
nhân dân. Nói thật là khi nghiên cứu những chuyện như vậy
thì tôi ngạc nhiên vì một nhà lãnh đạo cao cấp như thế
đáng ra phải đứng trên những sự khác biệt như vậy để
khuyến khích. Con trai tôi học ở nước ngoài được 10 năm, khi
về nước nó vớ được tập thơ của anh Trần Dần, nó đọc
xong thì hỏi tôi: " những bài này ông ấy viết từ bao giờ
hả bố?" Tôi trả lời: " từ năm 1955 con ạ". Nó bảo: "
một đất nước có một người đã viết từ năm 1955 những
tác phẩm thế này mà không nổi tiếng thế giới thì rất
đáng tủi thân. Cái này Châu Âu mới bắt đầu xem là đại
trà". Tôi không hề dị ứng với sự khác biệt. Có lần tôi
đến Hannover để dự một hội thảo quốc tế, sau đó chúng
tôi đi xe buýt để lên Berlin . Tôi ngồi trên xe buýt và ngủ,
đến lúc tôi nghe thấy những tiếng ô tô kêu to hơn thì tôi
hỏi cậu thư ký bên cạnh: " đến Đông Đức rồi phải
không?" Cậu ấy bảo: " Đúng rồi anh ạ". Bản sắc là
không thể trộn được. Đến bây giờ người ta vẫn không
trộn được Đông Đức và Tây Đức mặc dù đã tiêu tốn
hàng nghìn tỷ Deutsche Mark. Có những người nói rằng chủ
nghĩa cộng sản không để lại đóng góp văn hóa nào, nhưng
họ nhầm to. Tôi đang định viết một quyển sách về nền văn
hóa vô sản và nguyên một chữ " đồng chí" thôi đã là
một đóng góp của nền văn hóa vô sản mà chúng ta phải phân
tích một cách rất cẩn thận. Tôi là người thừa nhận sự
khác biệt và phải nói rằng đau khổ lớn nhất của con
người là sự giống nhau.
<strong>Ông Bùi Đình Phong:</strong> <em>Tôi đồng ý với những
vấn đề mà anh trình bày. Tôi chỉ muốn hỏi theo dự đoán
của anh thì đến bao giờ VN mới có thể có những điều như
anh nói?</em>
<strong>Ông Nguyễn Trần Bạt:</strong> Nếu khóa XI này Đảng
thừa nhận và bắt đầu tổ chức quá trình cải cách chính
trị theo hướng dân chủ hóa xã hội thì sau 10-15 năm nữa, VN
sẽ phát triển một cách không ai ngăn chặn được. Và phải
nói rằng, chúng ta ở cạnh nước CHND Trung Hoa, cách duy nhất
để chúng ta đối phó với sự lấn át của một nước lớn
là chúng ta phải trở thành một quốc gia phát triển. Mà không
phải chỉ có chúng ta mới có tâm trạng ấy. Nếu các anh chị
mà nói chuyện với một người Newzeland thì sẽ thấy ngay rằng
anh ta rất ghét nước Úc. Tất cả những kẻ bé đều ghét kẻ
lớn ở bên cạnh mình. Tâm lý đó là hoàn toàn phổ biến.
Nước bé ở cạnh nước lớn, nước nghèo ở cạnh nước giàu
bao giờ cũng có tâm lý ấy. Tôi rất sung sướng thấy rằng
người Trung Quốc tỏ ra rất khiêm tốn đối với người Nhật
Bản. Ông Fukuda vừa mất chức, người phát ngôn Bộ ngoại giao
Trung Hoa đã phải lập tức lên ti vi ngay để nói rằng: chúng
tôi hy vọng rằng sự từ chức của thủ tướng Fukuda không
ảnh hưởng gì đến quan hệ Trung – Nhật. Tôi kể cho các anh
chị nghe câu chuyện rất thú vị, năm 1987 tôi có gặp ông chủ
tịch tập đoàn Kolon của Hàn Quốc, lúc ấy ông ấy vừa mới
trúng cử nghị sĩ. Khi tôi ăn cơm với ông ấy ở khách sạn
Caraven Sài Gòn, ông ấy bảo: với tư cách là chủ tịch Kolon
thì tháng nào tôi cũng đến đây một lần, nhưng bây giờ tôi
muốn nhờ ông bố trí cho tôi một lời mời của bất kỳ một
nghị sĩ nào của VN, mời tôi đến thăm với tư cách là một
nghị sĩ. Sang năm tôi là chủ tịch quốc hội Hàn Quốc, tôi
đưa ra một lời hứa với ông để ông thuyết phục các nghị
sĩ VN là ngay lập tức tôi sẽ bình thường hóa quan hệ với
VN. Tôi mất hai tháng lặn lội gặp tất cả các nghị sĩ VN,
từ giáo sư này đến giáo sư khác, tất cả đều từ chối.
Tôi cực kỳ đau khổ. Hai năm sau đó Hàn Quốc bình thường
hóa với Trung Quốc, và hai năm sau nữa Hàn Quốc mới bình
thường hóa với VN. Đáng ra chúng ta có thể làm việc ấy
trước TQ hai năm. Tôi kể câu chuyện đó để nói với các anh
rằng, đôi lúc sự thiếu tự do kìm hãm các cơ hội quan trọng
của đất nước.
Ông Phạm Huy Đức: Hiện nay mình đang đào tạo ra những con
người của cơ chế chứ chưa phải là các chính khách.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Để minh họa thêm về điều mà anh
nói, tôi xin kể một câu chuyện nữa. Năm 1989 tôi đến Úc,
tôi rất nhiều bạn bè ở Úc, họ bố trí cho tôi tiếp xúc
với một số nhà chính trị quan trọng ở Úc, trong đó có một
người là thượng nghị sĩ Kim Beazley, chủ tịch Công Đảng
Úc, và lúc bấy giờ Công Đảng đang cầm quyền. Đúng giờ
hẹn tôi đến phòng ông ấy. Ông ấy mời tôi ngồi và bảo:
" Với tư cách là một thương nhân thì ông gặp tôi có
chuyện gì?" Tôi bảo: " Tôi được giới thiệu rằng
thượng nghị sĩ là một nhà chính trị thông minh nhất nước
Úc. Tôi cũng nói chuyện với nhiều nhà chính trị của Úc,
nhưng tôi dành những điều tôi sắp nói để nói với ông.
Nếu ông thích nghe thì tôi nói, còn nếu không thì tôi xin lỗi,
tôi về". Ông ấy bảo: " Ông có 15 phút". Tôi nói rằng:
" Thế giới trong thời đại toàn cầu đang co cụm lại từng
khu vực, nước Úc với tư cách là một quốc gia Châu Âu về
mặt chủng tộc, là một quốc gia Châu Á về mặt địa lý,
vậy nước Úc ở đâu trong xu thế khu vực hóa ấy?" Ông ấy
sáng mắt lên và bảo: " Xin lỗi ông, chuyện này quan trọng
lắm, tôi không nghe một mình được". Và thê là ông ấy kéo
tôi sang một phòng khách lớn và mời 1/3 nội các đến. Tôi
đã nói chuyện với 1/3 nội các, trong đó có Bộ trưởng quốc
phòng, Bộ trưởng tài chính, Bộ trưởng giáo dục … đủ
hết và cả mười mấy thượng nghị sĩ nữa. Cuộc nói chuyện
ấy kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Và sau đó tôi đã kéo
được ngân hàng ANZ vào đây, và tôi cũng là người tuyển
chị Vi Lê ( sau này trở thành vợ của đại sứ Mỹ Pete
Peterson) vào VN theo ủy quyền của chủ tịch ngân hàng ANZ.
Phải nói thật với các anh rằng, tự do đem lại cho con người
những phút thăng hoa khủng khiếp và nó tạo ra những sáng tạo
mà ở những trạng thái bình thường chúng ta không làm được.
Cho nên, với tư cách là mọt người viết, một người suy
ngẫm, tôi không dám nói là một người viết hàn lâm chuyên
nghiệp hay một người suy ngẫm chuyên nghiệp, tôi có một câu
là: " tài năng là một thứ mà người sở hữu nó là người
cuối cùng biết về nó". Có những lúc vì yêu nước, vì cái
nọ cái kia, bỗng nhiên mình liều mạng. Bộ trưởng quốc
phòng Úc đã hỏi tôi thế này: " bây giờ chúng tôi phải
hội nhập vào Châu Á, vào Đông Nam Á, theo ông khu vực nào
của Đông Nam Á thuận lợi cho chúng tôi?" Tôi trả lời: "
Đông Dương. Đông Dương là khâu yếu nhất trong quá trình hội
nhập. Ví dụ tôi thấy tướng Louis Loridon là tư lệnh quân
Untac ở Phnom Penh , tại sao tư lệnh Phnom Penh không phải là
người Úc?" Hai tháng sau họ đã vận động thay tướng Louis
Loridon bằng tướng John Sanderson. Đông Dương là điểm mà
người Úc phải tập kết đến đấy. Tôi với một thượng
nghị sĩ Úc đồng thời là Chủ tịch viện hàn lâm Úc là ông
Narole Rale đã tranh luận với nhau ba buổi. Ông ấy nói: "nếu
người Việt hy vọng người Úc trở thành cầu nối của mình
với Hoa Kỳ là người Việt ảo tưởng và sai". Tôi bảo
rằng: "nếu ngài nghĩ chúng tôi sai thì ngài sai. Nước Úc là
một quốc gia về mặt tâm lý được hình thành giống với quy
luật của người Việt. Chúng ta đều đi tìm tự do. Các ngài
đi tìm tự do của mình bằng những nhân tố có tính chất bị
lưu đày cách đây 200 năm. Còn chúng tôi là kẻ đi tìm đất
nước của mình trong xu thế săn đuổi chạy xuống phương Nam .
Về mặt tâm lý thì hai dân tộc giống nhau. Tôi nghĩ rằng các
ngài chơi với chúng tôi dễ hơn chơi với bất kỳ nước nào
ở Đông Nam Á, và cái giá phải trả cho việc các ngài chơi
với VN rẻ hơn nhiều so với việc các ngài chơi với người
Indonesia , người Papua Ne Guinea". Đến khi Công đảng sụp đổ
do tham nhũng thì đảng bảo thủ lên thay. Đảng bảo thủ cử
một quan chức cỡ thứ trưởng sang VN gặp tôi chỉ để nói
một câu: "Chính phủ công đảng cam kết với VN rất nhiều
thứ, chúng tôi không đủ tiền để thỏa mãn tất cả những
yêu cầu này nhưng chúng tôi ý thức rất rõ rằng lời khuyên
của ông đối với những người tiền bối của chúng tôi là
phải duy trì mối quan hệ tốt với VN. Vậy theo ông nên cắt
đi cái gì và giữ lại cái gì để vẫn giữ được quan hệ
tốt với VN?". Tôi trả lời: "các ông cắt đi cái gì thì
là tùy các ông, nhưng theo tôi, các ông phải giữ được hai
thứ, đó là trợ giúp giáo dục và dự án cầu Mỹ Thuận.
Bởi vì hơn 100 năm người Pháp không làm nổi, 50 năm người
Mỹ không làm nổi, nếu các ông làm được thì đấy là biểu
tượng thiện chí của các ông ở những vùng đất nhạy cảm
như chúng tôi. Khi người ta khánh thành cây cầu ấy, Đại sứ
Úc hỏi tôi: " Ban tổ chức có mời ông không?". Tôi bảo
không. Như vậy cái dự án ấy có được bằng một lời
khuyên, đó là lời khuyên của tôi. Các anh thử nghĩ xem, với
tư cách một công dân bình thường mà nếu tuân thủ những
tiêu chí chính trị được áp đặt một cách lâu dài như vậy
ở VN thì làm sao tôi có thể nói những điều có ích cho đất
nước được? Khi các anh đã nói đến tự do chính trị mà
không nói một cách đầy đủ thì sẽ làm người ta sợ. Hầu
hết chúng ta đều sợ những khái niệm nhạy cảm, và sợ
những khái niệm ấy chính là biểu hiện của sự nhát nhúa
bộ máy trí tuệ của dân tộc chúng ta. Trong bản thảo "Tự
do" tôi có một chương phân tích về miền tinh thần của con
người, có lẽ trong lịch sử nghiên cứu về tự do người ta
chưa phân tích tự do theo kiểu như thế này. Đó là chương nói
về "Không gian tinh thần". Ở đấy tôi chia miền tinh thần
con người thành ba tầng: tầng thứ nhất là tầng thực dụng,
tầng thứ hai là tầng trí tuệ, tầng thứ ba là tầng siêu tinh
thần tức là tầng lý tưởng. Ở trong đó tôi định nghĩa tự
do bên trong của một con người chính là sự dịch chuyển một
cách thoải mái trên ba miền này. Ví dụ ngày xưa đàn ông là
không rửa bát, đàn ông rửa bát là hàng xóm chê còn vợ thì
thấy áy náy, hay không ai có thể tưởng tượng nổi một giáo
sư lại đi đạp xích lô để kiếm thêm. Đấy là thiếu tự
do. Tôi quan niệm rằng, ngay lập tức con người có thể tự do
dịch chuyển sự chú ý của mình, năng lực của mình đến
miền nào mà ở đấy người ta thấy các đòi hỏi được
thỏa mãn. Tôi là nhà kinh doanh, nhưng tôi làm khoa học, tôi
chứng minh rằng tôi tự do trong chính bản thân mình. Hàng ngày
tôi cũng phải mặc cả, cũng phải duyệt chi tiêu, cũng phải
căn vặn cấp dưới của mình tại sao lại lãng phí, tại sao
lại chi những khoản không cần thiết. Những việc ấy không
giống như việc nghe nhạc Beethoven hay Mozart, nó không lãng mạn
gì cả nhưng tôi buộc phải làm. Tuy nhiên, ngay lập tức đến
buổi ăn cơm trưa là tôi nói chuyện với anh em về Hayek. Đấy
là tự do. Tự do cho phép mình hiện hình thành con người này,
thành con người kia để phù hợp với đòi hỏi hàng ngày của
đời sống. Nếu chưa có cái tự do thể chế mà tôi gọi là
điều kiện tự do khách quan thì chúng ta phải bảo tồn cái
tự do bên trong của mình.
<strong>Ông Phạm Ngọc Quang:</strong> <em>Thưa anh Bạt và các anh
chị em trong Học viện. Chúng ta đã nghe anh Bạt trình bày một
số ý trong những ý tưởng của anh ấy liên quan đến một số
vấn đề hết sức nhạy cảm với một tinh thần hết sức
cởi mở. Tôi tin rằng đây chưa phải là tất cả và anh Bạt
còn nhiều điểm có thể trình bày nữa. Chúng tôi hy vọng sẽ
có những buổi khác để trao đổi thêm với các anh. Mong anh
tích cực giúp đỡ chúng tôi. Xin thay mặt tất cả anh em trong
học viện chúng tôi xin cảm ơn các anh đã bố trí buổi gặp
gỡ này.</em>
<strong>Ông Nguyễn Trần Bạt:</strong> Thưa các anh chị. Tôi hết
sức cảm động vì được tiếp xúc với những nhà nghiên cứu
chuyên nghiệp của Đảng, phải nói rằng đối với tôi đó là
một vinh dự tinh thần. Tôi rất sẵn sàng cộng tác với tất
cả các anh. Chúng tôi được biết rằng việc các anh đến
đây có sự phê chuẩn của giáo sư Lê Hữu Nghĩa, thay mặt anh
em trong công ty, chúng tôi nhờ anh chuyển lời cảm ơn sự tín
nhiệm và sự cởi mở của giáo sư Lê Hữu Nghĩa và Ban lãnh
đạo Học viện. Tôi nghĩ rằng xã hội có nghĩa vụ phục vụ
các anh trong những chuyện như thế này. Lý do rất đơn giản
là các anh mà không phát triển thì trí khôn của hệ thống
chính trị cũng không phát triển. Mà xã hội thì sống bằng
trí khôn của hệ thống chính trị.
<strong>Ông Phạm Ngọc Quang:</strong> <em>Cảm ơn anh đã gửi gắm
sự tin tưởng của anh với chúng tôi. Chúng tôi sẽ có những
nỗ lực để có thể đáp ứng được phần nào đó. Nhưng
để đạt được điều đó thì phải có sự kết hợp chặt
chẽ giữa chúng tôi và những người làm thực tiễn mà anh làm
một trong những người như vậy.</em>
______________________
<h2>Ghi chú:</h2> Muốn đọc thêm các tài liệu của Nguyễn Trần
Bạt có thể vào địa chỉ sau:
http://www.chungta.net/Desktop.aspx/Tac-gia/Tac-gia/Nguyen_Tran_Bat/
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4566), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét