Mai Liêm Trực và Dương Phú Hiệp [3] - "Hỏi thật, nghe thật dân mới tin"

<em>Những góp ý thẳng thắn của dân với cái tâm vì đất
nước, vì dân tộc này, vì một sự nghiệp 80 năm vinh quang và
vì mục đích, trách nhiệm của 20 năm, hay 50 năm, 100 năm
tới... thì không có lý do gì những người lãnh đạo không
chấp nhận.</em>

<h2>Đảng PHẢI chân thành với dân [không thì sao?]</h2>

<em><strong>Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:</strong> Chúng ta vừa đề
cập đến cơ chế để lựa chọn lãnh đạo, trong đó có một
nhân tố quan trọng là sự đóng góp ý kiến của dân. Vậy làm
thế nào để chúng ta tập hợp được trí tuệ, khi mới đây,
so sánh đối chiếu bản dự thảo văn kiện chuẩn bị cho ĐH X
đưa ra lấy ý kiến quần chúng và bản chính thức sau khi thông
qua tại ĐH, không khác nhau về bản chất, nội dung, cái khác
nhau chỉ là vài câu chữ. Hẳn nhiều người còn nhớ, mấy
tháng trước Đại hội 10, không khí thảo luận trong dân rất
sôi động, nhiều ý kiến đóng góp đầy tâm huyết gửi đến
Đảng. Liệu chúng ta có tập hợp được trí tuệ dân tộc
nếu lại tiếp tục làm như vậy?</em>

<strong>GS. Dương Phú Hiệp:</strong> Tôi rất chú ý đến hai chữ
"chân thành". Con người sống với nhau phải chân thành, Đảng
đối với dân cũng phải chân thành thì dân mới tin. Từ Đại
hội VI đến nay, khi đưa các dự thảo xuống dân, đã chân
thành chưa, hay là nhằm hai mục đích: một là hình thức và hai
là tuyên truyền rằng đang dân chủ đây?

Trong bài trả lời trên Tuần Việt Nam mới đây, tôi nhấn
mạnh khi đưa ra lấy ý kiến dân đừng hình thức, đừng tuyên
truyền. Thay vào đó, phải nghe thật, hỏi thật.

Khi anh đưa xuống là hỏi thật rồi, nhưng khi tiếp thu các ý
kiến phải có trả lời rõ ràng là chúng tôi rất hoan nghênh,
có những chỗ chúng tôi đã tiếp nhận và có sửa chữa như
thế nào cũng phải trả lời lại cho dân biết. Phải thẳng
thắn, đối thoại rõ ràng. Một khi người ta sôi nổi hưởng
ứng, có tới hàng nghìn hàng vạn ý kiến, thậm chí có người
bỏ công viết hàng chục trang, để rồi không nhận được
hồi âm gì dễ sinh chán nản, mất lòng tin.

<em><strong>Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:</strong> Nhưng thực tế là
có những vấn đề đặt ra tại Đại hội, song vì lý do nào
đó, ở ĐH phải để lại nhưng đến ĐH sau, những vấn đề
đó vẫn không được bàn đến. Vậy phải trả lời người
dân như thế nào?</em>

<strong>TS. Mai Liêm Trực:</strong> Ví dụ trở lại ý kiến của
cố Thủ tưởng Võ văn Kiệt là ngay trong ĐH X, đại hội sẽ
bầu trực tiếp Tổng bí thư, cũng như có rất nhiều ý kiến
đóng góp cho đại hội lần đó. Tôi nhớ là gần đến ĐH X,
một đồng chí có trách nhiệm đã trả lời là nếu làm như
vậy thì sẽ không có đủ thời gian vì phải thay đổi điều
lệ.

Càng có nhiều người để chọn lựa sẽ càng sáng suốt. Để
đại hội trực tiếp bầu chọn chức Tổng bí thư cũng là
nhằm mục tiêu đó. Song rất tiếc vấn đề đó đã không
được bàn trở lại kỳ này.

Nhiều người đã nói, vấn đề là ở chỗ chúng ta có quyết
tâm không. Đại hội hoàn toàn có quyền thay đổi điều lệ
ngay từ những ngày đầu tiên và bầu trực tiếp Tổng bí thư.
Các nước và các tổ chức trên thế giới đều làm như vậy,
điều lệ có thể thay đổi ngay tại chỗ và thực thi, áp
dụng ngay điều khoản đã thay đổi.

Nếu cứ để chậm lại, thì chúng ta sẽ chậm trễ mất. Thời
buổi bây giờ, thời gian, tốc độ là quyết định, cứ
chuyển lại một nhiệm kỳ là mất 5 năm. Mà 10 năm trong thời
đại thế giới phẳng đang phát triển với tốc độ rất nhanh
đủ để quyết định vị thế của một quốc gia. Cứ để
chậm cũng là một việc sai. Sai là mất thời cơ.

<h2>Nên cân nhắc, bàn luận để sửa đổi Cương lĩnh</h2>

<em><strong>Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:</strong> Đúng là việc gì
Đại hội trước đã để lại cho Đại hội sau bàn thì Đại
hội tiếp theo phải mang ra bàn. Đó cũng là việc cần làm để
củng cố niềm tin của nhân dân. Quay trở lại với những vấn
đề trọng đại của đại hội lần này như cương lĩnh (bổ
sung và hoàn thiện, không có chữ sửa đổi - GS. Dương Phú
Hiệp), ông có tin là chúng ta có thể có những bổ sung hợp
lý, đem được hơi thở cuộc sống vào tuyên ngôn chính trị
kỳ này, những vấn đề đặt ra với dân tộc, với đất
nước mà Đảng đang là đại diện, đang chịu trách nhiệm
trước dân tộc không?</em>

<strong>GS. Dương Phú Hiệp:</strong> Bản thân tôi trước đây
đã tham gia soạn thảo cương lĩnh ở ĐH VI, ở cùng tổ với
ông Trường Chinh. Không khí soạn thảo rất tốt, nhưng có
vướng hai vấn đề: thứ nhất, có ý kiến cho rằng không cần
cương lĩnh, vì dựa vào câu của Marx: "Mỗi bước tiến của
phong trào thực tiễn còn giá trị hơn một tá cương lĩnh",
tức là như anh nhấn mạnh thực tiễn mới là quan trọng. Ý
kiến thứ hai lại dựa vào Lênin: "một Đảng không có lý
luận tiền phong hướng dẫn thì Đảng sẽ không làm trọn
được vai trò tiên phong".

Marx và Lênin đều nhấn mạnh vai trò của thực tiễn và cương
lĩnh, Đảng ta đã kết hợp, cả căn cứ vào thực tiễn và lý
luận, nhưng rất tiếc là nhiều vấn đề hơi xa xôi quá, cao xa
quá.

Cương lĩnh lần này mà không có chữ "sửa đối" đã là một
chỉ đạo không hay. Thực tiễn buộc phải thay đổi về lý
luận. Thực tiễn từ 1991 đến giờ đã qua 20 năm với nhiều
thay đổi. Giờ là lúc cần phải sửa đổi? Chỉ hoàn thiện,
chỉ bổ sung có nghĩa là không cơ bản, chỉ sửa câu chữ lại
càng không cơ bản. Sợ gì mà không dám sửa đổi luận điểm
cũ không còn phù hợp? Nếu sửa đổi theo chiều hướng bảo
thủ hơn, giáo điều hơn thì nguy hiểm. Thực tiễn đòi hỏi
lần sửa đổi này phải làm căn bản, theo chiều hướng phục
vụ cho nhân dân, cho đất nước.

Một Đảng mạnh phải mạnh dạn, phải có tranh luận về vấn
đề này.

<h2>Người dân cần thấy thực tế hơn là những điều cao
siêu</h2>

<em><strong>Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:</strong> Nhiều độc giả
gửi câu hỏi thắc mắc: Đất nước đang đặt ra bao nhiêu
vấn đề mới, thực tế cuộc sống là thước đo kiểm nghiệm
chân lý và có nhiều điều nhân dân đang chờ đợi ở Đảng.
Sao không đưa những điều đó vào để mạnh dạn bàn luận,
sao chúng ta phải né tránh?</em>

<strong>GS. Dương Phú Hiệp:</strong> Né tránh ở đây chủ yếu
là những vấn đề lý luận phức tạp, mà phức tạp nhất là
chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ ĐH I cho đến ĐH XI sắp tới, kỳ nào cũng bàn tới, thậm
chí bàn rất nhiều. Nhưng bàn nhiều quá mà trong thực tế lại
khác. Nhiều khi dùng những từ đại ngôn rất hay, ưu việt
nhưng thực tế nhân dân không thấy ưu việt đâu cả. Người
dân cần thấy thực tế hơn là nói những điều cao siêu quá.

Hồi tổng kết 20 năm đổi mới, tôi ở tiểu ban bàn về tổng
kết công tác đối ngoại. Chúng tôi tranh luận rất nhiều,
đặc biệt là vấn đề thời đại. Có ông vẫn kết luận
thời đại của chúng ta là thời đại quá độ từ chủ nghĩa
tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Tôi nói thời đại này khác rồi, không thế nữa, không còn là
thời đại chủ nghĩa tư bản ngày càng suy yếu, chủ nghĩa xã
hội ngày càng lớn mạnh nữa. Tình hình khác rồi mà chúng ta
vẫn tư duy như thế thì làm sao nói chuyện đổi mới tư duy,
chuyện phát triển được.

Nhưng đã trót ghi vào, đã thành cương lĩnh, nghị quyết là
đố anh nào dám nói trái vì sợ bị quy chụp.

Tôi cho rằng, lần này, sau khi lấy ý kiến dân, phải có hai
bản trước và sau để so sánh, xem sửa chữa bổ sung đáng
mừng hay đáng lo thì mới nói được, nói phải có sách, mách
phải có chứng là như thế.

<h2>Chờ thấy đường lối hợp lòng dân (bao lâu nữa?)</h2>

<em><strong>Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:</strong> Một số lão thành
cách mạng phàn nàn, đây đó có tình trạng có người nghĩ
một đằng, nói một nẻo. Vì họ sợ chụp mũ nên không dám
nói thật. Vậy Đảng có nên chủ động vận động thuyết
phục, khích lệ đảng viên nói thật hay không?</em>

<strong>GS. Dương Phú Hiệp:</strong> Tôi không dám nói rộng trong
các phạm vi khác, nhưng trong phạm vi nghiên cứu khoa học,
Đảng nói thế nào thì phải làm như thế. Nghị quyết ĐH IX
nói là thực hiện quy chế dân chủ thì phải ban hành các văn
bản hướng dẫn.

Hồi tôi làm việc với ông Trường Chinh, ông ấy bảo các
đồng chí cứ nói thẳng, tôi sẽ chịu trách nhiệm về vận
mệnh chính trị của các đồng chí.

Chúng ta ở đây không phải bàn nhau để chống đảng, để phá
hay đả kích người nọ người kia, mà ở đây là tinh thần
xây dựng. Có thể tôi với anh Trực nói chưa đúng, nói có
điều hơi quá, chúng tôi sẵn sàng xin lỗi trước tất cả các
bạn. Nhưng chúng tôi chân thành. [Nhưng người ta cứ bảo các
anh không chân thành, các anh có ý đồ chống phá thì làm gì
được nhau?]

Tôi rất thích chữ "chân thành", đảng phải chân thành với
trí thức, với các nhà khoa học. Chân thành là điều tôi mong
muốn, đường lối chủ trương chính sách tôi mong một chữ
thôi, đó là "hợp".

Đường lối, chủ trương hợp lòng dân. Việc hợp lòng dân là
quan trọng, mà đại hội lần này chính là để tham khảo xem
có hợp lòng dân không, họ đọc thấy có khó quá hay xa vời
quá, không có khả năng thực thi không... Cái đó phải tính
hết.

<em><strong>Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:</strong> Theo ông khi người
dân đưa ý kiến lên, liệu lãnh đạo có nghe không?</em>

<strong>GS. Dương Phú Hiệp:</strong> Câu hỏi này rất khó. Nhưng
kinh nghiệm của tôi, thấy nhiều vị lãnh đạo rất chú ý
lắng nghe, thậm chí còn xuống cơ sở để nghe, từ ông Lê
Duẩn, ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng, ông Tố Hữu và
sau này là ông Trần Đức Lương, ông Nông Đức Mạnh, ông Lê
Khả Phiêu..., chả có ai là không xuống với các nhà khoa học
cả, và nghe hẳn một buổi, nói ít nghe nhiều với thái độ
rất tốt. Còn xuống các nơi khác có nghe không thì không biết,
riêng ở phạm vi của tôi thì tôi thấy thế.

<em><strong>Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:</strong> Nhưng ngay cả khi
lãnh đạo lắng nghe thực sự những góp ý thẳng thắn đó thì
liệu có đưa được vào chủ trương chiến lược quyết sách
của Đảng không?</em>

<strong>GS. Dương Phú Hiệp:</strong> Từ việc nghe, đến hiểu,
tiếp thu và quyết định đưa vào các đường lối, chủ
trương lại là vấn đề khác.

Nghe kiểu lấy ý kiến suông, nghe hình thức thì không nên. Cái
đó mất thì giờ, lãng phí, mà phải thực chất. Phải làm
thế nào để mọi việc làm đều thực chất, vì chúng ta ít
thời giờ lắm. Tôi mong chữ thực chất của vấn đề được
quan tâm, cũng giống như dân chủ.

<h2>Không có lý do gì lãnh đạo không chịu nghe điều phải</h2>

<strong>TS. Mai Liêm Trực:</strong> Trở lại thực tế mà GS. Hiệp
nói, mình cũng phải thấy rõ: lãnh đạo của đất nước ta,
lãnh đạo của đảng ta suốt mấy chục năm vừa qua, các thế
hệ trước trong chiến tranh đã hy sinh rất nhiều, và kể cả
những người hiện nay, phần lớn là những người đã qua
chiến tranh, qua thời kỳ gian khổ.

Về cơ bản tôi cho rằng, cái tâm và ý muốn lo cho đất nước
là tốt, họ đều là những con người tốt. Cũng có nhiều
người nói rằng "nói phải thì có cãi cũng phải nghe". Tôi
cũng từng cãi các đồng chí lãnh đạo rất cao, thuyết phục
những công việc rất hệ trọng, ví dụ đưa Internet vào Việt
Nam, trong đàm phán những chuyện rất nhạy cảm, chẳng hạn
như khi có các chỉ đạo về vấn đề viễn thông trong hiệp
định thương mại Việt - Mỹ. Lúc đó chúng ta đang tranh cãi
rất gay gắt về việc có nên mở cửa cạnh tranh trong thị
trường viễn thông hay không. Có những ý kiến cấp cao lo ngại
về an ninh thông tin, về chủ quyền quốc gia...Nhưng cúối cùng
lãnh đạo cũng đã lắng nghe và chấp thuận những thuyết
phục rất thẳng thắn.

Do đó, tôi vẫn có một niềm tin là chúng ta có lãnh đạo là
những người tốt, có tâm, có mong muốn điều tốt đẹp cho
đất nước này. Vấn đề ở chỗ anh có đủ bản lĩnh, đủ
dũng khí để thực hiện điều đó hay không?

Ở ta, truyền thống tập thể lãnh đạo nên cũng có nhiều cái
khó. Nhưng vai trò cá nhân rất quan trọng. Ví dụ, không thể
phủ nhận vai trò của Đặng Tiểu Bình đối với cải cách
mở cửa của Trung Quốc.

Vậy thì trong hoàn cảnh của ta, không chỉ một người mà tôi
cho rằng phải có nhiều người nêu ý kiến, tranh luận, thảo
luận mới tìm ra cái đúng. Có thể có những lúc ý kiến đó
không được lắng nghe, chấp nhận. Chẳng hạn như trường
hợp Bí thư tỉnh uỷ Kim Ngọc từng bị kỷ luật vì cái mới.
Nhưng rồi cùng với thời gian, người ta sẽ nhận ra quyết
định đó là đúng. Chính cố Tổng Bí thư Trường Chinh,
người ra quyết định kỷ luật Kim Ngọc về sau đã phản
tỉnh, nhận thức lại trước Đại hội VI để mà quyết liệt
đổi mới.

Cho nên tôi nghĩ rằng Đại hội lần này, có lo lắng nhưng
vẫn đầy hy vọng. Vấn đề là làm sao tăng cường đối
thoại, nâng bản lĩnh, dũng khí của cả một tập thể, kể
cả những con người bình thường như mỗi chúng ta. Những góp
ý thẳng thắn của đảng viên, của người dân với một
nguyện vọng tha thiết, một cái tâm vì đất nước, vì dân
tộc này, vì một sự nghiệp 80 năm vinh quang và vì mục đích,
trách nhiệm của 20 năm, hay 50 năm, 100 năm tới... thì không có
lý do gì những người lãnh đạo không chấp nhận.

(còn nữa)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4416), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét