Đinh Mạnh Vĩnh - Tôi đi du lịch

1. Tôi là thế hệ sinh sau đẻ muộn. Khi cuộc chiến 1975 chấm
dứt, tôi còn nhỏ xíu, chẳng biết gì. Lớn lên trong môi
trường ăn, học, phụ giúp gia đình kiếm tiền trong những năm
đầu khốn khó về kinh tế sau 1975 - khốn khó không của riêng
ai.

Đứng ở góc độ một người trẻ, tôi không dám gọi ngày ba
mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm là "Cuộc
tổng tấn công và nổi dậy", cũng không dám gọi là "Cuộc
nội chiến Bắc - Nam" và càng không dám gọi "Cuộc chiến về
ý thức hệ" hay một cái tên gì đại loại mang chất chính
trị vì nghĩ mình chỉ là người dân bình thường.

Tôi lớn lên giữa muôn vàn khó khăn của nhân dân cả nước
trong đó có gia đình tôi và dòng họ, bạn bè thân thuộc của
tôi. Ai cũng như ai. Khó khăn chung.

Tối mắt tối mũi kiếm tiền để trang trải cuộc sống làm
tôi đâm ra... lười. Lười suy nghĩ, lười đọc sách báo,
lười tìm hiểu lịch sử, nói chung những gì mà người lớn
hay nói về chúng tôi, tôi thấy cũng đúng. Muốn làm gì thì
làm trước tiên sống cái đã. Muốn sống thì phải có...
tiền! Khi có tiền rồi thì muốn nhiều tiền hơn để nâng
dần mức độ hưởng thụ của mình và cho gia đình mình. Tôi
muốn mua cái máy lạnh, cái tủ lạnh "xịn xịn" một chút cho
ba má tôi trong những ngày hè oi bức. Muốn đổi cái xe cà tàng
cho nhỏ em gái để trong những mùa mưa bão, nó không phải dẫn
bộ dưới trời mưa vì xe chết máy giữa đường. Tôi muốn mua
cái màn hình LCD cho mình v.v... và v.v... nói chung là những cái
bình thường mà tôi nghĩ tôi có quyền mua từ những đồng
tiền tôi kiếm được - tuy ít ỏi nhưng chân chính.

Tôi lười vận động cả thể xác lẫn đầu óc. Chính trị ư?
Xa lạ quá! đâu có dính gì đến tôi. Tôi chỉ đi làm và lãnh
tiền công chủ trả. Tôi hài lòng khi công việc tôi làm xong và
được chủ trả công đúng thỏa thuận. Càng vui hơn khi ông
chủ đánh giá tốt về người làm công trách nhiệm và
thưởng. Tôi may mắn gặp ông chủ tốt. Chắc đó là diễm
phúc của tôi.

Rảnh rỗi tôi cũng cà phê cà pháo, nhậu nhẹt, hát hò với
bạn bè. Xỉn. Về nhà ngủ. Sáng đi làm. Lúc rãnh trong giờ
làm cũng chát chít bạn bè. Thỉnh thoảng cũng đọc tin tức
thời sự nhưng phần lớn là đọc về âm nhạc, thể thao. Tôi
chẳng biết gì nhiều về xã hội đang xoay quanh mình. Cuộc
đời cứ thế ... trôi nhẹ nhàng theo ngày tháng.

Ai mà hỏi tôi về ông vua nào, bà chúa nào của Việt Nam, tôi
mà biết... chết liền, chỉ cùng lắm biết, ờ, thì hình như
có ông Trần Hưng Đạo với trận Bạch Đằng Giang, ông Nguyễn
Huệ với chiến thắng Đống Đa. Vậy thôi. Tôi cũng biết bác
Hồ qua những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, chỉ biết
vậy thôi, cũng chẳng buồn tìm hiểu vì có liên quan gì đến
mình đâu, cốt sao trả bài lịch sử cho cô giáo đủ... là
xong.

2. Theo năm tháng, phải công nhận Việt Nam bây giờ khá lên
nhiều. Lương bổng tôi cũng theo thời gian và tay nghề đi lên
theo đà tăng trưởng của đất nước. Ba má tôi đã có cuộc
sống tạm đủ, tôi đã mua được máy lạnh, tủ lạnh mới cho
ba má, đổi được cái xe cho nhỏ em gái, lợp lại được mái
tôn cho căn nhà môt trệt một lầu (đúc giả) và sửa được
cái bếp cùng cái nhà vệ sinh. Ít tiền rủnh rỉnh trong túi,
tôi suy nghĩ: "Hay là mình đi du lịch?". Đám bạn bè, đồng
nghiệp hay rủ mỗi dịp lễ tết mà cứ khất lần khất hồi
vì không có tiền. Bụng bảo dạ:"Thôi kệ! chơi luôn, lâu lâu
mình tự cho phép mình hưởng thụ chứ. Có gì quá đáng đâu.
Thái Lan thôi mà!". Quyết là làm. Tánh tôi là vậy. Ô kê. Lên
đường thôi.

Mọi thứ đăng ký, vé du lịch cũng xong. Dễ ợt! chẳng cần
visa vi xiết gì cả. Nhanh. Gọn. Nhẹ. Phương châm du lịch của
tôi là vậy. Đi đổi đô la chứ, nghe hướng dẫn viên họp
đoàn báo trước hoặc đổi đô Mỹ hoặc đồng bạt của
Thái, nhưng bạt Thái qua bển đổi cũng được. Tôi hăm hở ra
ngân hàng.

"Anh mới mua đô lần đầu hả?" Cô nhân viên ngân hàng ân cần
hỏi.

"Dạ."

"Anh nên ra chợ đen mua đi, ngân hàng tụi em không có bán" Cô
nhân viên tiếp lời với ánh mắt nhìn tôi ái ngại.

"Tôi nghe nói mua đô có mục đích cụ thể thì ra ngân hàng mua
được mà cô. Báo chí đăng đầy. Tôi đã đưa cô coi vé máy
bay, passport, hóa đơn mua tour rồi mà. Tôi đi du lịch thiệt
mà." Tôi hơi khó chịu.

"Anh thông cảm. Báo nói là ... nói vậy thôi. Em nói thiệt,
hổng riêng ngân hàng em đâu. Nếu anh không tin thì đi thử qua
các ngân hàng khác là biết liền. Hổng phải em làm khó anh
đâu" Cô tha thiết nói.

"Cám ơn cô." Tôi bước ra khỏi cửa.

Về gặp mấy thằng bạn kể tụi nó nghe, tụi nó cười hô
hố:"Sao mày ngu dữ vậy!? Nó (ngân hàng) nói thiệt đó. Ra
ngoài chợ đen mua đi cha nội. Đúng là lần đầu đi nước
ngoài. Ngáo!"

"Thôi, vậy mày mua giùm tao luôn đi" Tôi nằn nì.

"Nhiêu?"

"Ba trăm đô".

Thế là xong.

Đêm nằm mà không ngủ được. Nôn nao khó tả. Dù sao cũng
lần đầu đi nước ngoài. Nghĩ mông lung. Hổng biết Thái Lan ra
sao ta? Chắc là chuyến đi này nhiều kỷ niệm lắm, phải chụp
hình cho đã, đi chơi cho đã. Chìm dần vào giấc ngủ không
mộng mị.

Sáng. Tôi hăm hở kêu chiếc xe taxi (rồi ghé 3 thằng bạn để
chia tiền xe cho đỡ tốn) chở ra chỗ trung tâm du lịch đã
hẹn. Má tôi còn dặn với theo :

"Đi cẩn thận nghe con, nghe nói ở bển cũng đang lộn xộn lắm
đó! hổng yên như bên mình".

"Má yên tâm! cứ làm như con là con nít hổng bằng!".

3. Trời đất ơi! Lần đầu tiên vô sân bay Tân Sơn Nhất cơ
man nào là người. Rộng quá! Đẹp quá! Lớn quá! Hiện đại
quá!

"Vầy thôi chứ đòi gì nữa hén mậy!" Tôi nói với đám bạn.

"Ừm. Cũng tốt rồi, nhưng mày đến Thái Lan rồi thấy, nó cỡ
đâu gấp đôi, gấp ba cái này"

"Dóc. Tao thấy vầy là quá ngon rồi"

"Thằng này! lần đầu đi mà bày đặt cãi!" Nó cao giọng. Tôi
im. Nó nói đúng, dù sao nó cũng đến rồi.

Nó nói đúng thiệt. Sân bay Bangkok lớn thiệt, gấp đôi hay ba
so với Tân Sơn Nhất thì tôi không biết nhưng mà nó lớn
thiệt. Bốn tầng lầu đi rã cả giò mà không hết. Vả lại,
lần đầu đi nên cũng chẳng dám loạng quạng một mình, rủi
lạc thì... bõ mẹ!

Những ngày ở Thái mới tuyệt vời làm sao! lần đầu đi Thái,
tôi cảm nhận người Thái đa số thiệt thà, dễ thương, ân
cần, mua bán đàng hoàng ở các khu du lịch và ở chợ, không
giống người Việt bên mình.

Tôi chơi đủ các trò chơi và xem chương trình văn nghệ mới
thấy quá đã, đặc biệt là nhà hát "Xi Dảm" (hổng biết nhớ
có đúng không nữa, chỉ biết cô hướng dẫn viên nói mà
viết lại theo cách cô đọc). Nó lớn kinh khủng luôn! Tôi mà
là nhà văn mới diễn tả nổi sự hoành tráng, hiện đại và
tuyệt vời của nó. Nó lớn lắm mà đẹp, hiện đại, sạch
sẽ, chứa cỡ đâu vài ngàn người, sân khấu nó còn chứa
được cả voi luôn! Voi thiệt mà voi lớn không phải voi con!
Chương trình rất hay, khán giả thì vô cùng lịch sự.

Chạng vạng về phòng. Thằng nào cũng "xù xì sexy sô".

"Đi hông mậy? hay và lạ lắm" Tụi nó hỏi.

"Mắc hôn?" Tôi hỏi lại.

"Đi hết ba sô thì khoảng triệu ba tiền mình".

"Thôi! mắc quá! thì cũng như phim sex chứ gì. Thôi tao không đi
đâu. Tụi bây đi đi. Tao đi lòng vòng quanh khách sạn thăm thú
Bangkok về đêm".

Bangkok về đêm không sôi động như Sài Gòn cũng không quá tĩnh
lặng. Ngăn nắp. Sạch sẽ. An toàn. Kẹt xe nhưng trật tự
không hỗn loạn như Sài gòn mình. Đó là những cảm nhận của
tôi sau khi cảm nhận về con người thái Lan. Định kêu xe tuk
tuk đi thử cho biết nhưng hổng dám vì sợ lạc, mất công tốn
tiền vả lại tiếng tây tiếng u chỉ vài ba con chữ nói hổng
rành, nghe hổng xong, nên thôi.

Mấy ngày ở Bangkok, Pattaya quá tuyệt vời đối với tôi -
thằng "nhà quê ra tỉnh". Rất thích.

4. Thu dọn hành lý sau bữa ăn sáng để lên xe về lại Việt
Nam. Trưa, cô hướng dẫn viên nói được tự do lòng vòng trong
các Mall muốn mua sắm, ăn uống thì tự túc trước khi ra về.
Tôi cũng mua vài thứ để làm kỷ niệm chuyến đi và ít quà
lạ mắt cho ba má và nhỏ em gái. Tiết kiệm, nên chỉ ăn nhẹ
buổi trưa thôi, ăn theo kiểu mua vé mà Việt Nam mình bây giờ
cũng có đầy.

Ra xe. Làm thủ tục hải quan. Xong. Nhẹ nhàng. Lại lần nữa
được đi lòng vòng trong khu vực shopping mall, ngắm thỏa thuê.
Mỏi giò thì ngồi nghỉ rồi đi tiếp. Bỗng chợt thấy khát
nước quá! Moi túi quần. Chết cha! hết tiền bạt mà cũng
chẳng còn đồng đô nào (vì trước đó tôi đã vét sạch để
mua đồ lưu niệm, với lại tôi nghĩ thôi cũng chẳng còn gì
chi xài, giữ đô hay bạt làm gì cho mất công, về Việt Nam
đổi lại không đáng bao nhiêu mà người ta còn cười mình
"kẹo". Còn vài tờ giấy loại hai chục ngàn, một trăm ngàn và
năm trăm ngàn Việt Nam để xuống sân bay kêu taxi đi về cho
tiện. Nhưng khát quá! Tôi quay qua hỏi mượn thằng bạn ba đô
để mua chai nước. Mua xong trả nó sáu chục ngàn Việt Nam.

Ngồi uống nước mà thừ ra.

"Mầy làm gì ngồi đực ra vậy mậy?" Nó hỏi.

"Sao ba đô mua được chai nước mà ba tờ giấy sáu chục ngàn
Việt Nam, thì mình không thể mua chai nước?! Bây giờ thì tao
mới thấm thía người ta hay nói tiền Việt Nam chẳng có giá
trị gì cả!"

Nó cũng làm thinh ra chiều suy tư lắm!

Tôi cầm tờ giấy bạc năm trăm ngàn đồng mới tinh tươm
ngắm nghía, Bác (trong tờ giấy bạc) hình như đang cười
hiền hậu!. Bác ơi! Bác chỉ có giá trị trong nước thôi, con
đang khát mà Bác chẳng giúp được con dù chỉ là việc cái
kiến, củ khoai!

Bỗng nổi giận trong lòng: "Tiền gì mà như... củ chuối!"

Dù sao cũng phải công nhận tay họa sĩ nào thiết kế tờ giấy
bạc có in hình Bác Hồ rất đẹp, mặt Bác rất hiền với ánh
mắt nhìn nhân từ và bao dung (!). Chỉ tiếc Bác không giúp
được gì cho tôi cả!!

Chợt nghĩ lại cái vụ "sexy sô", tôi bụng bảo dạ: "Lần sau
tao sẽ dành dụm tiền để qua đây 'trả thù dân tộc' bọn
mày! Dám không xài tiền của tao hả? Hãy đợi đấy!"


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4328), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét