Lễ của Ngài bao trùm cả cái nhẽ sinh tử của cuộc đời.
Hết "sinh" rồi đến "tử". Riêng "Lễ" về "tử"
của Ngài thì chung quy chỉ bốn bài sau đây là gồm hết.
Thứ nhất: Có cái chết là sự tiếp tục của những đạo lý
lớn trong thiên hạ ("Tử vi Thánh nhân" - chết thành Thánh
nhân, như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Văn Vương, Chu công…).
Thứ hai: Có cái chết là sự tiếp tục của một sự nghiệp
trong đời ("Tử vi hiền nhân" - chết thành hiền nhân, như
Cơ Tử, Tỷ Can, Tử Văn, Quản Trọng…)
Thứ ba: Có cái chết đơn giản là sự trở về cõi vĩnh hằng
("Tử vi sa trần"-chết thành cát bụi, lành như cát bụi,
lẽ thường của vạn kiếp sinh linh). Song để đạt được
những điều đó, thì tất cả những người chết đều phải
được người sống đối xử sao cho đúng với "Lễ".
Thuận theo Lễ thì cát (gặp được yên ổn). Nghịch theo Lễ
thì hung (gặp phải hiểm họa), có khi hậu quả không biết
thế nào mà lường được. Cái đó gọi là: "Tử phù đạo
tặc" (cái chết giúp rập cho trộm cướp).
Thứ tư: Có cái chết được con cháu "đời đời nhớ ơn"
nhưng có những cái chết mà gần trăm năm sau dân tộc đó vẫn
còn chết dở sống dở không tài nào ngẩng đầu lên nỗi
("Tử vi… kiệt quốc" – cái này liên quan đến đạo
học). Do nôn nóng nhất thời nên vô tình ngu dân bởi những
điều dối trá, bóng bẩy. Cái này tác hại ghê lắm, chết lâu
rồi nhưng bao đời con cháu sau này do ngu dốt u muội mà làm
lụi tàn một đất nước. Phàm ở đời sự học của một
nước là vô cùng hệ trọng. Ta không biết nói sao cho các
ngươi hiểu được ý nghĩa của câu "Lương Sư Hưng Quốc".
Giảng đến chỗ này, Ngài bỗng trầm ngâm, chưa biết phải
lấy thí dụ thế nào cho các học trò hiểu thì vừa lúc ấy,
gia nhân báo có người muốn xin vào gặp để biếu kinh sách.
Khổng Tử mừng rỡ nói:
"<em>May quá! Kẻ mang cái thí dụ sinh động ấy đến vừa
kịp lúc, vừa kịp lúc</em>".
Học trò nhìn nhau ngơ ngác, chưa hiểu Ngài nói thế là có ý
gì thì thấy một người ôm một chồng sách khệ nệ bước
vào. Cẩn thận đặt những cuốn sách mạ vàng lên một chiếc
đôn, người ấy bước đến trước mặt Khổng Tử vái dài
một cái. Chưa kịp nói gì thì Khổng Tử đã hỏi ngay:
"<em>Tiên sinh từ nước Vệ tới đây có phải không?</em>".
Người ấy giật nảy mình, trợn mắt kinh ngạc, hỏi:
"<em>Cớ sao Phu Tử lại biết tôi là người nước
Vệ?</em>".
Khổng Tử trả lời:
"<em>Kinh Sách là tinh hoa của nhân loại. Muốn sửa một câu
một chữ đã khó huống hồ gì cứ nay chỉnh biên, mai in mới
xoèn xoẹt, làm như thế là u mê, trí trá, đạo học sao mà
phát triển, chỉ ở nước Vệ người ta mới thích cái kiểu
làm như thế</em>".
Kẻ sĩ người nước Vệ tất nhiên chẳng đời nào chịu công
nhận những điều đó. Bèn hướng cặp mắt u tối về phía
Khổng Tử mà cãi:
"<em>Nước Vệ tôi xưa nay rất chú trọng đến việc dạy
dân. Những kẻ sĩ danh giá đi lại ngoài đường, ngoài chợ
đông như rắc trấu, ai ai cũng có thể làm ra văn chương, thi
phú, chính sự được ca tụng hết lời, pháp luật mỗi ngày
mỗi đẻ ra những cái mới. Trăm họ yên ổn làm ăn, không ai
nói ngược lại cái điều mà kẻ bề trên muốn nghe. Lại có
một nền giáo dục hoành tráng, vẫn thường tự đánh giá là
cao nhất nhì thiên hạ. Sao Ngài lại bảo người nước Vệ tôi
u mê, trí trá, không tiếp thu được đạo lý?</em>".
Khổng Tử trả lời người kia mà như muốn nói với cả các
học trò của mình:
"<em>Dạy học mà không hề thấy dạy cách làm người, chỉ
dạy cách làm tiền. Chưa học làm người đã bổ làm quan chỉ
vì chạy chọt hoặc là con ông, cháu cha. Thậm chí khối kẻ
làm quan rồi mới đi học. Lại còn tha hồ mua bán danh hiệu,
quan tước… Thì đó là cái nền giáo dục gì vậy? Kẻ trên
leo lẻo dối trá không biết ngượng mồm, kẻ dưới uốn mình
nịnh hót không biết xấu mặt. Từ đó con người sinh ra thói
đớn hèn, nhất nhất chỉ biết chạy theo của cải, hư danh…
Cái gọi là nền giáo dục ấy càng "hoành tráng" bao nhiêu
thì càng hỏng nặng bấy nhiêu. Làm hỏng một nhà đã phải ăn
năn, sám hối. Đằng này lại làm hỏng cả một nước thì
tội lỗi để đâu cho hết. Thế mà không gọi là u mê, trí
trá thì gọi là cái gì?</em>".
Kẻ sĩ người nước Vệ kia nghe Khổng Tử thuyết liền một
hồi như vậy mà vẫn không cho làm phải, nét mặt vẫn có vẻ
ấm ức, không phục. Quả là sự u mê đã ngấm đến tận
xương tuỷ. Phải cái tội y đang ở vào địa vị là khách,
chẳng lẽ lại cãi nhau mãi với bậc Thánh nhân đã nức tiếng
thiên hạ này. Song nghĩ bụng cũng phải cố vớt vát thêm vài
câu để giữ thể diện quốc gia. Y bèn chỉ vào đống sách
mang theo và nói:
"<em>Phu Tử bảo người nước Vệ tôi hiện toàn những kẻ u
mê, trí trá. Vậy sao lại có thể viết ra những cuốn kinh
sách, những bộ kinh thư mạ vàng như thế này được. Chính
tôi được sai mang sang đây tặng Phu Tử, để Phu Tử bổ sung
vào kho tàng kinh sách của Ngài cho thêm phần phong phú
đấy</em>".
Khổng Tử nghe y nói thì vội vàng dùng một tay kéo vạt áo lên
che mặt, tay kia xua lấy xua để mà bảo:
"<em>Mang về ngay đi. Mang về ngay đi. Những thứ gọi là kinh
sách với lại kinh thư gì đó của nước ngài toàn những sáo
ngữ "một không, hai không, ba không". Nước Lỗ ta từ lâu
đã vứt các thứ đó hết vào sọt rác rồi. Không tin ngài cứ
ra ngoài bãi rác mà bới thử xem. Hãy tìm trong những mớ giấy
lộn ấy, may ra vẫn còn sót một ít đấy</em>".
Kẻ sĩ người nước Vệ đành tiu nghỉu ôm đống kinh sách
của nước mình ra về. Bài giảng của Khổng Tử về "Lễ"
đến đó cũng vừa chấm dứt.
Hôm ấy, trong số các học trò ngồi nghe Khổng Tử nói, có Tử
Lộ (Trọng Do) là người cũng không hẳn tin rằng nước Vệ
lại hỏng đến mức ấy, bèn quyết chí sang bên đó làm quan
một phen xem sao. Tử Lộ những tưởng với đức độ, học
vấn của mình, thì có thể giúp được dân chúng nước Vệ
chăng! Kết quả việc không thành. Tử Lộ chưa kịp thi thố
điều gì thì đã bị trục xuất khỏi nước Vệ. Buồn thay!
Có lẽ từ câu chuyện trên mà về sau, các nhà chép sử
thường ca ngợi nước Lỗ là một nước có "Lễ" sáng sủa
nhất thiên hạ thời bấy giờ chăng?
<em>(Trích Luận Ngữ Tân Thư)</em>
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/3273), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét