Phạm Duy Nghĩa - Tản mạn về xứ vô tình

Khỏi phải nói, người xứ ta thật vô tình, thường cứ cái
gì thấy tiện thì làm. Phố phường đông đúc, giữa năm ngoái
chính quyền thủ đô ra quyết định bịt các ngã tư, biến Hà
Nội thành một đô thị kỳ dị nhất hành tinh. Thì cũng thế,
ở phương Nam, người nước ta tiện thể chữa luôn cái vỉa
hè, giúp xe máy khi cần có thể vọt lên tranh phần đường
của người đi bộ.

<div class="boxright300"><img
src="http://danluan.org/files/u1/sub01/vtc_264929_ketxe.jpg" width="450"
height="300" alt="vtc_264929_ketxe.jpg" /><div class="textholder">Dòng
người này phải chăng mãi mãi chỉ là "ngàn vạn hạt cát, gió
thổi rã rời", mà không thể tạo nên lũy nên thành?</div></div>
Từ nhỏ nhìn ra việc lớn, một quốc gia với hơn 80 triệu dân
mà có tới 63 chính quyền cấp tỉnh với 63 chi nhánh ngân hàng
nhà nước, 63 cơ quan công an, 63 đài truyền hình, những bộ
máy và cách tổ chức hao hao giống nhau. Từng chiếc đũa mỏng
manh dễ bị bẻ gãy, ai sẽ lo giữ mái nhà chung. Các nhà đài
chia nhau tần số, phân tán tài nguyên nhưng thiếu năng lực và
thiết bị. Chẳng ngạc nhiên phim Hàn, phim Trung Quốc và văn
hóa nước ngoài thừa cơ đổ bộ vào nước ta, lặng lẽ và
lan rộng đến mức trẻ con sinh ra có khi được đặt tên tựa
như minh tinh màn bạc nước ngoài.

Chẳng nghĩ ngợi, chúng ta lặng thinh chấp nhận giá sữa, giá
xe cao hơn nhiều lần so với chợ thế giới trong khi chúng ta
nghèo. Ai được ưu đãi kích cầu, ai xuất khẩu mà nắm giữ
hàng tỷ đôla, ai nắm giữ tài nguyên, ai hưởng lương tiền
tỉ mà điều hành các doanh nghiệp quốc doanh lỗ nhiều lãi
ít. Luật pháp nước ta ghi nhận rằng quốc doanh là trụ cột,
rằng người lao động, người tiêu dùng yếu thế sẽ được
bảo vệ. Chỉ có điều luật pháp có đâu đơn giản như công
tắc điện, cứ bật lên thì sáng và tắt đi thì tối. Nếu
không được kiểm soát thì tiền dân vung phí, quốc doanh nắm
giữ độc quyền mà hạn chế dân doanh, lợi dành cho một nhóm
ít người mà hại trải đều cho cả quốc gia. Nếu không yêu
mến cạnh tranh thì chúng ta không thể tấn công độc quyền,
người tiêu dùng trở thành món mồi cho các tập đoàn tư bản
thừa cơ xâu xé.

Công nghiệp và đô thị hóa, nông dân mất đất cắm dùi và
trở nên bơ vơ ở cái nơi một thuở đã là quê cũ của mình.
Lạm phát và tăng giá, ráo mồ hôi hết tiền, công nhân chỉ
còn biết đến ca kíp, ai sẽ chăm lo cho cuộc sống tinh thần
và con em của họ. Con nhà giàu trốn trường Việt Nam tìm đến
các trường quốc tế. Bệnh viện bình dân xưa đã chia thành
hai hạng, hạng dịch vụ mát lạnh dành cho người có tiền và
hạng la liệt còn lại dành cho người nghèo.

Một xứ vô tình, chúng ta tin ở chính quyền, song như người ta
thường bảo chính quyền đâu có phải thánh thần, người giàu
và có cơ hội thường tự lo được cho mình, chính quyền đáng
ra phải lo cho người nghèo. Sốt sắng vì các dự án đầu tư,
có tỉnh nào sốt sắng lo cho người dân bị giải tỏa và di
dời. Người ta bảo chính quyền là của người dân, nhất là
của dân nghèo, thì những người dân ấy phải tham gia và giám
sát tích cực, phải khắt khe hơn với chính quyền. Từ buông
xuôi vô tình vươn tới những công dân giám sát tích cực,
những người dân ấy cần phải học cách tự tổ chức để
nói được lên tiếng nói đa dạng của mình. Vì đâu ở nơi
kia người ta xây nên lũy, nên thành; vì đâu ở những xứ vô
tình ngàn vạn hạt cát, gió thổi rã rời, quyền lực nhân dân
chưa được tập hợp thành sức mạnh giám sát chính quyền.
Tân Xuân, những mong quê ta đừng mãi là một xứ vô tình.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4230), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét