Chuyện quản lý Nhà nước qua việc lượm lặt trên báo chí về quản lý nhà nước

Hằng ngày, nếu chịu khó bỏ chút thời gian đọc báo chí
đăng ở Việt Nam, ta có thể thấy khá nhiều chuyện đáng bàn.
Những chuyện này thoạt tưởng chỉ là những điều đọc rồi
biết thế, để đấy, nhưng ngẫm kỹ ra thì chúng là phần
nổi của những tảng băng rất lớn, có nguy cơ chọc thủng
cả những vỏ tàu thép cứng...

Xin hãy bắt đầu từ một cuộc phỏng vấn ông
Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đăng tải
mấy tuần trước đây trên các báo điện tử. Trong cuộc
phỏng vấn này, ông cho rằng hệ thống quản lý hộ khẩu của
ta đã vi phạm các quy định của Hiến pháp về quyền tự do
cư trú của công dân. Ông Lộc có lẽ là một trong những quan
chức đầu tiên phát biểu công khai vấn đề hộ khẩu và
kiến nghị có những sửa đổi, bãi bỏ phù hợp với Hiến
pháp. Tuy nhiên, cái mà tôi ngạc nhiên nhất không phải là sự
"phát hiện" ra cái lỗ hổng pháp lý vĩ đại này của ông
Lộc, một chuyện giống thể "con voi chui lọt lỗ kim" trong
lúc dường như không ai biết hoặc để tâm đến. Cái tôi
thấy ngạc nhiên và "ấm ách" nhất là việc ông đâu có
nói gì về chuyện này khi còn đương chức, lãnh đạo cả một
bộ máy tư pháp, ở cái nơi mà lẽ ra với trách nhiệm soạn
thảo, đệ trình phê chuẩn, kiến nghị bổ sung sửa đổi
luật pháp, ông và bộ của ông phải nhìn thấy ngay "con voi"
to đùng này và phải lên tiếng từ lâu rồi mới phải! Tôi
không tin rằng lúc còn đương tại chức ông không biết hoặc
không để tâm đến chuyện này (vì chẳng có lý do gì để mà
tin vậy!). <em><strong>Thế thì tại sao ông không phát biểu về
chuyện này khi còn tại chức, mà chỉ nói khi đã "hạ cánh"
an toàn?</strong></em> Tôi không muốn hồ đồ bình luận về
động cơ của ông, mà chỉ muốn mượn nó để vạch ra một
trong những nguyên nhân làm hệ thống và các chức năng quản
lý nhà nước của ta đôi lúc "có mà như không", hoặc
"không có còn hơn".

Ông Tào Hữu Phùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính,
là một trong những trường hợp khác cũng cần được kể ra
ở đây, khi ông lên tiếng phát biểu trên báo chí
(<em>vnexpress.net, 10.4</em>), phê phán sự yếu kém trong việc
quản lý vốn ODA. Người đọc nếu không biết xuất thân của
ông trước đây thì thấy những lời phát biểu của ông thật
là chí lý và sẽ đồng cảm ngay với sự bức xúc rất đáng
trân trọng của ông về một lỗ hổng pháp lý to đùng khác
nữa mà không một nhà chức trách nào thèm bận tâm cho đến
thời điểm vụ Bùi Tiến Dũng bị phanh phui ra với những bằng
chứng về sự xà xẻo vốn ODA kinh khủng. Nhưng tôi, kẻ không
mấy rành rẽ về những chuyện đại sự, và là kẻ nhớ mang
máng về trọng trách của ông khi còn ở Bộ Tài chính, lại
cứ lẩn thẩn nghĩ tại sao ông "không thèm" phát hiện ra
điều này khi còn tại chức, và không biết trong chuyện này
ông có liên đới tý chút trách nhiệm nào không nhỉ, vì thấy
ông phát biểu hoàn toàn như người đứng ngoài cuộc và vô
can. Cần biết là các tiêu cực liên quan đến vốn ODA đã xảy
ra từ lâu, và Bộ Tài chính cũng là cơ quan hữu trách về
"kiểm tra theo dõi quản lý về mặt tài chính đối với các
dự án ODA". Ở đây tôi cũng không võ đoán tại sao bây giờ
ông mới lên tiếng, mà chỉ muốn than thêm một tiếng
"buồn" cho hệ thống quản lý nhà nước của chúng ta.

Câu chuyện thứ ba liên quan đến cung cách điều hành
"nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa". Có lẽ vì thế mà rất nhiều di sản về cung cách
quản lý của thời kinh tế mệnh lệnh, kế hoạch vẫn còn
được "bảo tồn" và tiếp tục phát huy cho đến nay. Ví
dụ mới nhất là việc quản lý nhập khẩu và sản xuất
đường. Cách làm cho đến nay vẫn là các ngành hữu quan cân
đối cung cầu trong cả nước (tức là dự đoán nhu cầu trong
nước tiêu thụ bao nhiêu tấn đường, năng lực sản xuất
của các nhà máy là bao nhiêu), còn thiếu bao nhiêu thì mới cho
nhập khẩu. Thêm nữa, số lượng nhập khẩu sẽ không được
tung ra thị trường tự do một cách công khai mà sẽ được
phân phối theo kiểu từng này giao cho các nhà máy thuộc bộ
này, từng kia cho các nhà máy của bộ kia (<em>vnexpress.net,
19.4</em>). Lưu ý rằng ngoài ngành đường, ở nhiều ngành sản
xuất khác như ximăng, phân bón, cũng có tình trạng tương tự.

Tóm lại, cơ chế điều hành vĩ mô theo kế hoạch, và
theo kiểu xin- cho, cấp phát vẫn là cách điều hành khá phổ
biến hiện nay. Cơ chế này đã góp phần bảo hộ tuyệt đối
nhiều ngành sản xuất trong nước, bất kể chúng kém hiệu
quả thế nào. Ví dụ trong ngành đường, giá đường trong
nước thường xuyên ở mức trên 10,000đ/kg, trong khi giá
đường nhập về đến cảng sau khi đã cộng đủ loại chi phí
và thuế (riêng thuế lên tới 40%) thì giá mới chỉ là
9,100đ/kg. Tuy ngành đường là ngành rất không hiệu quả ở
Việt Nam, nó tiếp tục được dung dưỡng và bảo hộ chặt
chẽ. Hậu quả là các nhà máy đường đua nhau mọc ra, kể cả
ở những nơi không có vùng nguyên liệu. Chính phủ đã phải
thừa nhận sự thất bại của chương trình mía đường cùng
hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư thành mây khói. Một hậu
quả nữa của cơ chế xin- cho này là nạn nhũng nhiễu hối
lộ, buôn lậu, "chạy chọt" sẽ gia tăng (xin nhớ lại vụ
chạy quota dệt may ở Bộ Thương mại).

Còn rất nhiều câu chuyện khác về quản lý theo kiểu mệnh
lệnh, duy ý chí, bảo hộ, mang nặng tính độc quyền. Trong
trồng trọt thì có giá sàn mua thóc mà các doanh nghiệp thu mua
thóc nhà nước buộc phải chấp hành. Trong chăn nuôi thì mới
đây Cục Chăn nuôi kiến nghị nên tăng giá thu mua sữa lên
5000đ/kg vì giá mua sữa bò tươi ở Việt Nam thấp so với khu
vực (<em>Thời báo kinh tế Việt Nam, 10.4</em>). Trong ngành bia
rượu, nhựa, thép v.v... thì các ông vào hùa với nhau kiến
nghị (và được chấp nhận) không cho nhập khẩu hoặc thành
lập nhà máy mới/cấp phép đầu tư mới với lý do rất
thuyết phục là năng lực sản xuất trong nước đã có thừa.
Trong ngành xăng dầu thì trợ giá xăng dầu ở mức cao, và cơ
quan hữu trách điều chỉnh giá cả ở tầm rất vi mô, không
đúng tầm với một cơ quan quản lý nhà nước về vĩ mô.
Những điều này đã vi phạm nghiêm trọng một nguyên tắc của
kinh tế thị trường là để thị trường tự quyết định
việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm (thông qua tín hiệu giá
cả) nhằm làm tối đa hóa lợi ích của chúng. Việc trợ giá,
bảo hộ, nâng đỡ như trên đã bóp méo giá cả, làm chúng
không phản ánh đúng sự khan hiếm của các nguồn lực, dẫn
đến đầu tư của xã hội bị thiên lệch theo những ngành
không có hiệu quả hoặc không có lợi thế cạnh tranh tương
đối, làm tăng bất bình đẳng trong cạnh tranh.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là chính cơ chế này đã
làm cho các sản phẩm có lợi thế xuất khẩu của ta, ví dụ
thủy sản, da giày, bị các nước kiện bán phá giá vì cho
rằng ta chưa có một nền kinh thế thị trường đúng nghĩa, và
vì các doanh nghiệp xuất khẩu đang được trợ cấp để bán
phá giá. Có nhiều doanh nghiệp và cơ quan chức năng đã lên
tiếng phản đối rằng lợi thế của sản phẩm của ta, ví
dụ giày dép, có được là do công nghệ của ta hiện đại (?!)
và chi phí nhân công ta thấp chứ không có chuyện ta đang trợ
cấp (xem các báo gần đây về việc EU áp đặt mức thuế cao
lên mũ giày của Việt Nam). Cãi thì cứ cãi thế thôi chứ
không làm thay đổi được kết cục, vì EU hoặc Mỹ cũng có
cơ sở của họ, và ta cũng nên nhìn nhận lại mình. Ngoài
chuyện rõ ràng ta chưa có một nền kinh tế thị trường hoàn
chỉnh như nêu ở trên, còn có vô số bằng chứng về việc
các doanh nghiệp đang được hưởng những ưu đãi, trợ cấp
của nhà nước có khả năng dẫn đến cạnh tranh bất bình
đẳng. Đó là trợ cấp xuất khẩu nông sản và sản phẩm phi
nông nghiệp, trợ cấp liên quan đến nội địa hóa, miễn
giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu
(<em>báo Đầu tư, ngày 17.4</em>). Riêng doanh nghiệp nhà nước
còn được thêm các ưu đãi khác như được cấp phát vốn
ngân sách, vay vốn tín dụng ưu đãi, và giữ lại các khoản
thuế phải nộp, ưu đãi về mặt bằng sản xuất và được
độc quyền v.v... (<em>Nhân dân điện tử, 12.5.2005</em>). Tóm
lại là EU, Mỹ hoặc các đối tác khác không hoàn toàn bất
công trong đối xử với hàng xuất khẩu của ta như nhiều
người vẫn quy kết.

Câu chuyện cuối cùng cũng liên quan đến cách quản lý
thừa hưởng từ thời còn nền kinh tế hiện vật. Đó là căn
bệnh thích "hoành tráng" ở các cơ quan quản lý, thể hiện
qua các mục tiêu phát triển. Ở ta hiện nay, hầu như cái gì
cũng có thể biến thành mục tiêu, nào là tăng trưởng xuất
khẩu, GDP, đầu tư nước ngoài, sản lượng điện, than v.v...,
thậm chí có cả mục tiêu về thành lập 500 nghìn doanh nghiệp
đến năm 2010 (<em>Thanh niên, 23.3</em>). Thế nhưng có một loại
mục tiêu cực kỳ quan trọng là hiệu quả thì lại không thấy
đề cập đến mấy khi. Ở thời còn nền kinh tế hiện vật
thì mục tiêu hiện vật là điều đương nhiên, và việc đạt
được mục tiêu (chứ không phải hiệu quả sản xuất) là cơ
sở để đánh giá thành công. Nhưng trong nền kinh tế thị
trường thì điều cần tính trước tiên phải là hiệu quả,
lợi nhuận, chứ không phải là những con số sản lượng và
doanh thu ngoạn mục. Sản lượng tăng nhiều nhưng chi phí tăng
lên cũng nhiều như thế hoặc hơn, hoặc cái giá phải trả cho
những ảnh hưởng đến môi sinh và xã hội cũng tăng lên thì
sự tăng trưởng này không phải là tốt một tí nào cả. Hãy
xem bài học từ Trung Quốc, khi mà nước này vẫn còn kịp
nhận ra rằng tốc độ tăng trưởng 10,2% trong quý I (một con
số đang là mơ ước hướng tới của nhiều cái đầu nóng ở
Việt Nam) không phải là một điều mong muốn. Cái mà họ
hướng tới là "sự phát triển hiệu quả và chất lượng,
phát triển phải gắn liền với bảo vệ nguồn tài nguyên,
bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống người dân"
(trích lời Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đăng trên
<em>Thanh niên, 17.4</em>). Chúng ta lâu nay vẫn học tập người
Trung Quốc trong nhiều chuyện thì cũng nên học họ thêm chuyện
này nữa.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4281), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét