Đào Tuấn - Khổ nạn có tên là Tết

Khảo sát cho thấy từ ngày 20 tháng Chạp, giá cả đã được
điều chỉnh tăng tới 3 lần. Đúng vào ngày 20 tháng chạp,
"giá Tết", một loại giá phi thực tế đến mức gấp nhiều
lần giá thành sản xuất, đắt đỏ gấp nhiều lần ngày
thường, bắt đầu được áp dụng đối với loại hàng hóa
lương thực, thực phẩm với mức tăng bình quân 30%. Ngày 29
Tết, giá tiếp tục tăng, chủ yếu là giá các loại dịch vụ,
với mức tăng thấp nhất 100% và từ mùng 4 tết Canh dần, giá
thực phẩm tăng vọt, ở mức phi mã 200-300%.

Đã từ lâu, trong dân cư, "mớ rau" đã được dân gian hóa để
đo mức độ tăng giá của các loại hàng hóa. Nếu như đợt
tăng giá thứ nhất, giá một mớ rau (muống) tăng từ 5 lên
đến 7-8 ngàn đồng thì từ chiều 29 Tết, cũng mớ rau muống
đó tăng lên tới 10-12 ngàn đồng. Bây giờ, giá một mớ rau
muống đã lên tới 20 ngàn. Người ta có thể thôi rửa một
chiếc xe máy, chiều 29 tết đã tăng 100% lên mức 20 ngàn
đồng, nhưng người ta không thể nhịn cơm, càng không thể
nhịn rau. Mớ rau tăng, dù không hề làm lưng người nông dân
bớt cong, nhưng đã đánh mạnh vào túi tiền người tiêu dùng,
đặc biệt là người nghèo, vốn đã phải chi phí gấp nhiều
lần cho vẫn chỉ một nhu cầu là đảm bảo cuộc sống.

Giá thực phẩm, rau quả tăng được lý giải là do thời tiết,
do "giá cái gì cũng tăng" nhưng thực chất giá tăng là bởi
người bán nhắm vào túi tiền tết của người mua khi những
loại hàng hóa tăng giá nhiều nhất, hay tăng giá nhất, toàn là
những hàng hóa thiết yếu, toàn là những hàng hóa phục vụ
nhu cầu cơ bản của con người. Giá rau tăng, giá vé xe, đã có
dịp bùng nổ dịp trước tết, nay tiếp tục tăng sau tết khi
lượng xe, số tuyến phục vụ không đổi nhưng nhu cầu thì
tăng gấp 5-7 lần ngày thường.

Những kỷ lục về giá dịp tết Canh Dần có thể làm đau tim
những người nghèo. Giá một lần đi WC tại Chùa Hương ngày 6
Tết tăng từ 1 lên đến 2 ngàn đồng, mức tăng 100%. Một kg
hành tươi từ 20 ngàn đồng vào ngày 20 tháng chạp đã lên
tới 100 ngàn đồng vào ngày 8, mức tăng 500%. Giá gửi một
chiếc xe máy trong 3 ngày trước và sau giao thừa tại Văn Miếu-
Quốc Tử Giám, đã tăng từ 2 ngàn, lên tới 20 ngàn, mức tăng
1000%.

Tăng, không phải do biến động, khủng hoảng, không phải do
khan hiếm hàng hóa hay có biến động ở tầm vĩ mô. Giá tăng
chỉ là dể kịp "đón đầu" tiền thưởng tết, có khi chỉ
vài trăm ngàn. Giá tăng trong dịp Tết là bởi nhu cầu mua sắm
tăng, chứ không phải là thiếu hàng. Đáng buồn hơn nữa, mấy
trăm bạc tiền thưởng của một anh công chức vào dịp Tết,
đã làm hại chính anh ta, hại hàng triệu người đang làm việc
không hợp đồng, không một cắc tiền thưởng và hàng chục
triệu nông dân không bao giờ biết một xu thưởng tết.

Chính các cơ quan quản lý nhà nước về giá cả cũng đã phải
thừa nhận "giá Tết", tức là trước và sau dịp tết nguyên
đán, bằng câu cửa miệng "theo quy luật". Nhưng năm nay, bước
chân ra chợ đã thấy cái quy luật này quá phi lý.

Trước Tết, trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng
1-2010, Chính phủ yêu cầu các địa phương quản lý giá cả
các loại hàng hóa, dịch vụ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng
thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá. Theo Bộ
Tài chính, các địa phương đã cho doanh nghiệp vay vốn cung
ứng hàng Tết với số tiền 950 tỷ đồng. Các doanh nghiệp
được tạm ứng hoặc vay vốn ưu đãi đều cam kết giá bán
ổn định, hợp lý hoặc thấp hơn giá thị trường tại thời
điểm Tết khoảng 5%-10%. Tại TP HCM, tổng số tiền mà 13 doanh
nghiệp tham gia bình ổn thị trường Tết đã giải ngân là 416
tỷ đồng. Sở Công Thương thành phố đã công bố 1.504 điểm
bán hàng Tết. Tại Hà Nội, số tiền đã hỗ trợ cho 12 doanh
nghiệp là 251 tỷ đồng, lãi suất 0%. Lượng hàng hóa thiết
yếu cũng đã được công bố bán tại 121 điểm. Tuy nhiên trong
thực tế, người tiêu dùng hầu như không biết đến, không
quan tâm đến chiến dịch bình ổn giá hàng Tết. Việc giá cả
tăng chóng mặt cho thấy chiến dịch bình ổn dường như không
đạt được kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chính, đã
được nhìn thấy trước, là bởi số hàng hóa được tung ra
để bình ổn chỉ như muối bỏ bể, chưa nói tới việc không
rõ liệu người dân có được thụ hưởng từ chính sách bình
ổn này hay không.

Việc giá cả tăng khủng khiếp trong dịp Tết là nó chứng tỏ
những nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc quản lý,
kiềm chế tăng giá chỉ là con số O. Nhưng điều nguy hiểm
nhất của việc tăng giá là sau đó, một mặt bằng giá mới
sẽ hình thành trong khi thu nhập của đại đa số người dân
nói chung không tăng.

Năm Canh Dần cũng đã được bắt đầu bằng một tin không
thể xấu hơn, từ trưa hôm qua, 21-2, dù là vào ngày chủ nhật,
tức mùng 8 Tết, giá xăng đã bất ngờ tăng. Theo thông báo
của Petrolimex, từ 12h trưa 21-2, giá các loại xăng A92 và A95
sẽ đồng loạt tăng thêm 590 đồng mỗi lít. Giá bán lẻ xăng
sẽ là 16.990 17.490 đồng cho mỗi lít. Giá xăng tăng, không
phải chỉ là xăng tăng giá, bởi giá xăng là yếu tố làm tăng
giá thành cho 120 loại hàng hóa khác. Giá xăng tăng, sẽ lại
mở đầu cho một đợt tăng giá mới.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4238), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét