Truyện ngắn cuối tuần - Nguyễn Quang Huy: Con Gấu

(Giải ba cuộc thi truyện ngắn 1992 -1994 Tạp chí Văn nghệ quân
đội)

<strong>Dân Luận:</strong> <em>Mở đầu cho mục <strong>Truyện
ngắn cuối tuần</strong> năm 2015 Dân Luận xin giới thiệu bạn
đọc một truyện ngắn nói về chủ đề "cái thiện cái ác"
trong xã hội Việt Nam hiện đại.</em>

Nàng là một cô gái ngoại thành, con nhà trồng hoa. Từ ngày
lên thành phố ở, nàng không trồng hoa nữa, nhưng vẫn rất
yêu hoa. Hình như mỗi một loài hoa, đều mang một phần cái
hồn trinh nữ của nàng, mong manh, e ấp, mộc mạc, thấm đẫm
hương đồng nội. Nàng hay đi chợ và mua hoa lúc chín, mười
giờ sáng, lúc ấy mới có hoa tươi vừa cắt ở vườn, chứ
còn đi sớm quá, có khi lại là hoa từ chiều qua. Nàng chẳng
lầm giữa hoa tươi và hoa cũ, nhưng nàng không muốn nhìn thấy
vẻ rầu rĩ của những bông hoa hái qua đêm. Còn những bông hoa
mới cắt xong, ngay hít thở cái mùi hương dịu lành của nó,
cũng thấy thơm mát vào tận da, và nước từ cuống hoa rịn ra
nơi vết dao cắt, cũng thoáng làm nàng chạnh nhớ một thời
trinh bạch đã qua…

Nàng đang vừa mải chọn hoa, vừa nghĩ, thì cảm thấy có một
cái gì mềm mại cọ cọ dưới chân mình. Nàng nhìn xuống, và
mừng rỡ thốt lên:

- Gấu! Sao mày lại ở đây hả?

Con chó – Gấu là tên nó – ngước cái mõm đen mượt hít hít
tay nàng, và nàng cảm thấy cái lưỡi mềm ấm của nó rụt
rè, chứ không vồn vã như mọi khi.

- Sao lâu lắm rồi, mày không đến chỗ chị? Thôi nào, đợi
chị chọn mấy bông hoa nữa, rồi thì về…

Nàng vỗ nhẹ mấy cái lên đầu nó, rồi chọn tiếp. Con Gấu
quanh quẩn đi theo.
Nó là một con chó Mẹo to, đậm. ức nở, cổ lực lưỡng, vai
tròn, xuôi xuống phía lưng. Mõm ngắn, hàm khỏe, với hàm răng
sắc, nhọn và đều. Mắt nó mầu đen, giống như mầu cánh
của con bọ sừng, có cái nhìn lung linh mầu hổ phách. Đuôi nó
cụt ngủn, toàn thân phù hợp với lớp lông đen dày, vừa
cứng vừa mềm mại. Trông nó hệt như một con gấu và có bản
lĩnh của một con gấu: những cử động từ tốn và điềm
tĩnh, chắc chắn và uyển chuyển.

Nàng đã chọn xong hoa, bảo:

- Về đi, Gấu ơi!

Con chó đi cách nàng vài bước, lững thững chứ không có vẻ
tung tẩy, ra chiều đang nghĩ một điều gì đó.

Đến một tòa nhà to, ở tách biệt, nàng mở cổng, rồi mở
cửa bước vào. Con chó đứng ngoài cửa, không vào theo. Nàng
lắc đầu, bảo:

- Vào đi, Gấu! Không có ai đâu! Đây này…

Và nàng mở toang cửa chính, cửa sổ, rồi ngồi xuống một
chiếc ghế bọc đệm nhung mầu mận chín. Con Gấu chậm rãi đi
đến cạnh nàng, ngồi xuống, áp cái mõm của nó lên đùi
nàng, mắt lim dim.

Nàng đưa bàn tay mềm mại, thơm tho kê dưới mõm nó.

- Chủ mày có khỏe không? Sao lâu nay không thấy mày đến chơi
với chị? Chị buồn lắm, Gấu ơi!

Hình như cái giọng nghèn nghẹn của nàng làm con Gấu chợt run
rẩy. Nó thè lưỡi liếm lòng tay nàng, ngọ nguậy cái mõm.

- Mày thương chị, phải không, Gấu? Sao dạo này mày gầy vậy?
Chắc chủ mày vất vả lắm phải không?

Con Gấu vẫn nhắm mắt, chỉ có cái tai hơi động đậy, và
thỉnh thoảng nó lại thoáng rùng mình nhè nhẹ.

- Thôi, để chị đi lấy cái gì cho Gấu ăn nhé! Ngồi đây!

Nàng đứng dậy, xuống bếp, mang lên một cái bát to cơm, canh
và mấy miếng thịt quay – cái món mà Gấu thích. Nhưng, Gấu
không ăn ngay. Nó cứ ngồi như thế, ngước mắt nhìn nàng.

- Gấu cũng nhớ chị à? Hay muốn nói điều gì với chị? Thôi
nào ăn đi đã…
Con Gấu nhởn nha ăn. Hai chỗ hõm ở hông nó phập phùng. Nàng
thích cách ăn của con Gấu, biết rằng nó ít khi được ăn
ngon. Bàn tay mềm mại của nàng đang vuốt dọc lưng con vật,
bỗng dừng lại. Một nỗi buồn cứ từ từ dâng lên, đầy
ắp trong nàng, rồi những giọt nước mắt cứ lần lượt ứa
ra, nhỏ xuống bát cơm của con Gấu… Con Gấu làm nàng nghĩ
đến chủ của nó, và thân phận của mình. Cứ thế, nàng
lặng lẽ khóc…

*
Chủ của con Gấu, một anh giáo trường làng, mồ côi bố, ở
với mẹ bệnh tật. Và nàng, một cô con gái nhà trồng hoa
ngoại thành, xinh đẹp nết na, thi không đỗ đại học. Đã có
một thời, họ sống thật hạnh phúc với nhau dưới mái nhà
vá víu bằng đủ mọi thứ vật liệu. Chàng dạy học trường
làng, nàng trồng hoa. Một mảnh đất nhỏ thôi, nhưng cũng đủ
cho một gia đình sống đơn giản và ấm cúng. Sáng sáng, nàng
dậy sớm, cắt hoa mang đi chợ bán. Con Gấu đưa chân nàng
đến tận đầu làng, mãi khi nàng bảo:

- Thôi Gấu, đi về trông nhà đi!

Con Gấu dừng lại, đứng nhìn theo mãi cái dáng đi mềm mại
của cô chủ, đến khi nó chỉ còn là cái bóng mờ mờ, rồi
phi một mạch về nhà. Cũng đôi lần, nó lặng lẽ theo nàng
đến tận chợ. Nàng mua cho nó mấy miếng dồi lợn, gói bằng
một nửa tàu sen. Nó nằm, thong thả nhai từng miếng vẻ khoái
trá, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn cô chủ nó đang bán hoa cho
khách…

Cuộc sống của nàng, có lẽ cứ lặng lẽ trôi đi, nếu bàn
tay của tạo hóa không bày ra những trò cay nghiệt để thử
lòng dạ con người. Đầu tiên, là lấy nhau hai năm rồi, nàng
vẫn chưa có một mụn con. Theo lời thầy thuốc ở bệnh viện,
thì lỗi ấy do chồng nàng. Họ nội của chàng, ba bốn đời
chỉ có một con trai. Thôi thì, có một con trai hay một con gái
cũng được! Nàng an ủi chồng vậy. Chút tiền bán hoa ít ỏi,
đắp cả vào việc nuôi mẹ chồng và chạy chữa cho chồng,
nàng cũng chẳng hề kêu ca. Nhưng, hình như trời không thương
nàng, cố tình phụ công nàng. Đã có lúc, chồng nàng bảo:

- Ở với tôi, mình khổ đã đành, lại uổng một đời con
gái. Hay là…

Nàng hốt hoảng:

- Hay là… sao… ?

- Hay là… mình kiếm lấy một đứa con để nuôi. Là con của
mình… Người ta nói con gái có thì…

- Anh bạc lắm! Nàng khóc.

Nhưng cái thực tế phũ phàng, cay nghiệt kia, nàng đã lờ mờ
cảm thấy, song từ lâu, nàng cố coi như không có nó. Nay cả
chồng và mẹ chồng đều nhắc đến, thì nó lại hiện diện,
rõ rệt, tàn nhẫn, lý trí yếu ớt của nàng làm sao chống
lại nổi. Và, nàng mặc cho nó dày vò mình. Nàng sống như một
người chết đuối vớ phải một mảng bèo, liền bám lấy nó
và để mặc cho dòng nước dữ cuốn đến đâu thì cuốn. Thôi
thì, trăm sự nhờ vào may rủi…

Cho đến một hôm, nàng đi chợ bán hoa như mọi sáng…

- Hoa tươi quá… Chỉ tiếc người hơi héo! Có bán cả không
em?

Nàng chợt ngẩng lên, toan mắng người ấy, thì nhận ra người
làng.

- Tưởng ai, ra anh!

Rồi nàng nhoẻn cười. Một bên má lúm đồng tiền.

- Sao lâu rồi, không thấy anh về làng?

- Còn ai nữa mà về! Còn em, thì em… Dạo này, sao em khác quá!

- Vừa già, vừa xấu… ?

- Cũng có gầy đi, trông vất vả hơn. Còn xấu thì… Em vẫn
đẹp như trước, có khi còn duyên hơn…

Thoáng chút hồng trên má nàng. Nàng hơi cúi mặt xuống, cắn
cắn môi dưới.

- Nhà anh gần đây, em đến chơi! Tiện thể, chọn cho anh một
ít hoa và cắm bình hộ anh!

- Em còn phải bán nốt, kẻo héo mất.

- Nhanh thôi mà. Em đến cho biết nhà… Đưa anh gánh cho.

Nàng không có lý do để lưỡng lự, gánh hoa đi theo người
đàn ông ấy. Mà, nàng đã đến cái nhà mà bây giờ nàng đang
ở. Còn người đàn ông ấy, chính là chồng nàng bây giờ.

Cho đến bây giờ, nàng cũng không hiểu ma đưa lối, quỷ đưa
đường như thế nào, mà nàng lại rơi vào cái nhà này, lại
chấp nhận làm vợ anh ta. Anh ta không gài bẫy nàng. Anh ta chỉ
nói thẳng với nàng những đề nghị của mình, với sự tính
toán trần trụi, chính xác và chí lý. Em còn trẻ, lại đẹp,
lại nết na. Em lấy anh giáo làng, nghèo kiết xác, lại mẹ
già, đau ốm luôn, không hy vọng gì ở đường con cái. Bây
giờ, thì em còn có thể chịu đựng được. Nhưng dăm ba năm
nữa, ở hoàn cảnh ấy, em sẽ già rất mau. Em sẽ xấu xí, sẽ
nhăn nheo như một bà cụ già, người sẽ héo quắt đi. Như
vậy, có ích gì cho em, và cũng chẳng ích gì cho mẹ con người
ta. Rồi cuộc sống túng quẫn liệu có giữ mãi được cái
tươi vui của gia đình hay không? Còn em ở với anh, nhà này là
của em, của các con em. Tiền anh kiếm được cũng là của em,
em toàn quyền quản lý, chi tiêu. Em sẽ chẳng phải làm gì cả,
chỉ đi chợ cơm nước, quán xuyến nhà cửa giúp anh…

Không phải anh ta nói một lúc tất cả những điều ấy trong
lần đầu tiên nàng đến nhà anh ta, mà là nói dần dà trong
những lần sau, mỗi khi nàng đi chợ bán hoa và anh lại mời
nàng đến nhà. Anh ta cứ nhẩn nha, ung dung, tự tin mà đi đến
cái đích của mình. Giống như đêm tân hôn, người đàn ông
cứ từ từ lột từng thứ quần áo trên người đàn bà. Dù
người đàn bà có yêu người đàn ông ấy hay không, nhưng mặc
nhiên cam chịu, hoặc thích thú. Sự e lệ, trinh bạch lúc ấy
chỉ còn là một trò giả vờ cố ý… Nàng cũng vậy. Những
lời nói của anh ta, lần lượt tước bỏ dần những dằn
vặt, cái băn khoăn của nàng lần lượt dồn nàng vào cái thế
phải chấp nhận. Nó không hẳn là tự nguyện, nhưng nàng lại
không thể làm khác. Nó đúng, nhưng tàn nhẫn, khốc liệt và
man rợ. Ngay cả khi anh ta ôm nàng, ghì riết thân hình nàng bởi
một vòng tay mạnh mẽ, phả vào mặt nàng cái hơi thở hầm
hập, gây gây của một giống đực, thì nàng cũng không còn
một chút ý chí nào để chống cự. Cả người nàng mềm lả.
Nàng nhắm mắt, chấp nhận cuộc hành quyết, để mặc cho cái
cảm giác đau đớn, tủi hổ tràn vào, lấp đầy con người
nàng với cường độ của những cơn xoáy lũ. Nàng hoàn toàn
đầu hàng số phận. Nàng chấp nhận cái chết của kiếp sống
này, để đổi lấy một kiếp sống khác, mà cũng chẳng cần
biết nó sẽ như thế nào, mà giống như một sự giải thoát
nhục nhã.

Nàng đổi kiếp sống mà không gặp phải sự ngăn trở gì
nhiều nơi gia đình chồng cũ. Người làng có trách móc, thì
nàng có bao giờ về đâu mà nghe. Đến mẹ anh giáo mất, nàng
cũng không dám về, dẫu nàng biết là nghĩa tử là nghĩa tận,
và biết nếu vậy thì nàng là một con đàn bà khốn nạn. Nàng
không đủ can đảm. Nàng chỉ khóc rấm rích và tự xỉ vả
mình suốt những đêm sau đó. Sợi dây duy nhất nối nàng với
quá khứ là con Gấu. Những ngày mới lìa bỏ ngôi nhà dột nát
của anh giáo, nàng sợ gặp người làng, nhưng vẫn không thể
không đi chợ mua hoa. Những đóa hoa tươi làm lòng nàng dịu
lại. Nhưng một nỗi đau không tên cứ âm ỉ thiêu đốt nàng,
mỗi khi nàng bước chân đến cái chợ quen thuộc. Rồi sự
gặp gỡ với con Gấu. Nó ngạc nhiên lắm, khi nàng là người
mua hoa chứ không phải là cô chủ bán hoa của nó. Chắc nó tìm
nàng mấy hôm rồi, hôm nay mới gặp. Nàng bảo nó về nhà. ấy
là lần đầu, nó bước vào cái ngôi nhà đồ sộ kia. Chắc nó
ngạc nhiên tại sao cô chủ nó lại ở cái nhà này. Nó cứ
ngồi im mà quan sát tất cả mọi đồ vật trong ngôi nhà với
vẻ cảnh giác, sẵn sàng bỏ chạy hoặc tự vệ. Chỉ có thái
độ của cô chủ cũ làm nó hơi yên tâm. Khi cô cho nó ăn xong,
đang nói chuyện với nó, thì người chồng mới của cô chủ
bước vào. Anh ta giật mình, lùi lại một bước:

- Con chó nhà ai đấy? Sao lại đưa nó vào nhà! Cẩn thận
đấy!

Nàng vỗ vỗ con Gấu:

- Chó nhà em đấy mà! à… Nhà trước. Không sao đâu, nó hiền
lắm…

Con Gấu yên lặng quan sát anh ta, không tỏ thái độ gì. Nhưng
khi anh ta vừa bước một bước đến phía nàng, nó liền nhếch
mép, để lộ một khóe hàm răng trắng ởn. Nàng phải đưa tay
ôm lấy đầu nó:

- Gấu, ngoan nào…

- Tốt nhất là tống ngay nó đi… !

Nàng nhíu mày, nhưng cũng đứng dậy, kéo con Gấu đi theo. Nàng
mở cổng, ngồi xuống, nâng đầu con Gấu lên, nhìn sâu vào
mắt nó:

- Thôi, Gấu về đi, về đi! Từ nay đừng tìm chị nữa! Nhớ
chưa?

Cái động tác lắc lắc đầu của nàng và ánh mắt nàng chắc
con Gấu hiểu. Nó đưa lưỡi liếm liếm, hít hít bàn tay nàng,
rồi phóng thật nhanh ra cổng…

Sau cái lần ấy, nàng không mua hoa ở cái chợ ấy nữa, mà đi
chợ khác, xa hơn. Và con Gấu cũng không đến nhà tìm nàng.
Không hiểu sao, hôm nay, nàng lại trở lại cái chợ cũ, và
gặp con Gấu ở đấy…

Con Gấu cọ cọ cái mõm đen mượt của nó vào lòng tay nàng,
làm nàng sực tỉnh. Nàng biết, giờ này chồng nàng sắp về.
Nàng không muốn để anh ta gặp con Gấu, và chắc con Gấu cũng
không muốn gặp anh ta. Nàng lý giải vẻ bồn chồn của con
Gấu như vậy. Nó cứ định đứng lên, rồi lại thôi, hết
nhìn ra cổng, lại nhìn nàng, và trong đôi mắt nó, cái ngọn
lửa mầu hổ phách cứ lung linh, lung linh.

Nàng đứng dậy, lấy một chiếc dép của chồng, đưa vào mũi
Gấu, và bảo:

- Nào, về thôi, Gấu! Kẻo họ sắp về rồi đấy!

Con Gấu, sau khi hít hít cái dép, như hiểu, đứng dậy theo nàng
ra ngõ. Nó lủi thủi đi sau, cái đầu cúi thấp.

- Đừng giận chị nhé, đừng trách chị, Gấu nhé!

Và nàng mở cổng. Con Gấu nhìn nàng, tru lên một tiếng, rồi
phóng đi.

Nàng đóng cổng, ngồi thừ một lúc trên chiếc ghế bọc nhung,
rồi uể oải đứng dậy nấu cơm trưa, vừa làm, nàng vừa
nghĩ miên man. Và, cái cảm nhận cuối cùng, là nàng vừa tự
trách mình, vừa tự thương thân. Ở với người chồng mới,
nàng là một người làm công, một con ở, một kẻ tù giam
lỏng hơn là một người vợ. Công việc của nàng: Là quét
dọn, giặt giũ, đi chợ, cơm nước, coi nhà và những công
việc khác để hầu hạ chồng – Ông chủ. Ngay tiền đi chợ,
anh ta cũng khoán cho nàng từng ngày, nếu cần thì phải xin,
trừ cái dây chuyền hai chỉ và một cái nhẫn một chỉ anh ta
mua tặng nàng hôm cưới. Nàng hiểu, ngay cả những thứ đó,
cũng không phải của mình, bởi anh ta để mắt đến chúng
luôn. Những người giàu có thường ích kỷ và keo kiệt, hay
chính vì ích kỷ và keo kiệt mà họ giàu có? Nàng không muốn
nghĩ nhiều đến điều này, bởi dẫu sao thì cuộc đời nàng
cũng đã như thế rồi…

*
Sáng sớm hôm sau, con Gấu lại đến nhà tìm nàng.

Mõm nó tha một chiếc dép đứt quai. Thấy cổng còn đóng, nó
lấy hai chân trước giật giật vòng xích khóa. Không có nàng ra
mở cửa, nó bỏ chiếc dép xuống, chõ vào trong nhà sủa. Nghe
tiếng con Gấu, nàng vội vã chạy ra, không giấu nổi vẻ mừng
rỡ:

- Gấu đấy à? Đợi chị mở cổng cho mày ngay đây!

Con Gấu tha chiếc dép chạy vào trước. Đến thềm nhà, nó bỏ
chiếc dép xuống, rồi đợi nàng và tru lên mấy tiếng thảm
thiết. Nàng nhận ra chiếc dép nhựa cũ của anh giáo, và chợt
hiểu:

- Thì ra vậy đấy! Chủ mày ốm phải không, Gấu?

Nàng vừa nhặt chiếc dép lên, dứ dứ vào mũi con Gấu, vừa
nói vậy. Con Gấu lặng lẽ nhìn nàng, như cầu khẩn, rồi
đứng dậy, cắn gấu quần nàng, lôi ra phía cổng.

Nàng ngồi xuống đưa hai tay giữ nó lại:

- Không được đâu, Gấu ạ! Chị không đi được!…

Nàng lắc đầu, và kéo con Gấu vào phòng:

- Thôi, phải ngồi đây! Để chị đi lấy cái gì cho mà ăn,
rồi về…

Con Gấu không động đến bát cơm. Nó cứ quanh quẩn bên nàng,
tru từng tiếng ngắn trong cổ họng. Nàng bối rối và bất
lực. Chợt nàng "à" một tiếng, và đi xuống bếp. Lần
này, con Gấu đi theo nàng. Nàng mở chạn, lấy một cái bánh
giò mà nàng mua ăn sáng, một miếng chả to, hai quả cam và nửa
cân đường. Nàng gói các thứ vào một túi nilon rồi bỏ vào
một cái túi vải có quai. Xong xuôi, nàng bảo:

- Thế là được rồi! Nào Gấu, chịu khó một tí nhé! Không
nặng lắm đâu!

Nàng quàng cái túi vải vào cổ con Gấu, dẫn nó ra cổng:

- Bây giờ, thì Gấu về ngay đi! Đi đi! Mai lại đến nhé…

Gấu co cẳng một mạch, quên cả từ biệt nàng. Nàng biết là
anh giáo đang ốm nặng. Nàng cứ bần thần, bởi một ý nghĩ:
anh giáo sẽ biết những thứ con Gấu mang về là của nàng, anh
sẽ không thèm động đến. Tự nhiên, nước mắt nàng ứa ra,
những giọt nước mắt tủi hổ của một người vợ trót bội
bạc. Nhưng không, chắc anh ấy sẽ ăn. Anh ấy đang ốm mà.
Nếu anh ấy không ăn, thì con Gấu cũng sẽ không ăn. Nó không
bao giờ ăn trước chủ. Mà anh ấy thì quý con Gấu, thương con
Gấu lắm. Bây giờ anh ấy chỉ có một mình nó…

Sáng hôm sau con Gấu lại đến, tha theo cái túi vải. Nhìn thấy
cái túi, nàng mở ra nhẹ nhõm. Anh ấy hiểu mình và anh ấy
vẫn còn thương mình. Một nỗi đau cứ thế nhói lên, làm nàng
không chịu nổi. Nàng ghì đầu con Gấu vào ngực mình:

- Chủ mày không giận chị à? Chủ mày vẫn còn thương chị à?

Rồi nàng lại vội vã bỏ các thứ vào túi vải, quàng lên cổ
con Gấu, những thứ mà sớm nay, nàng đã kịp đi chợ mua.
*
Cứ như vậy, con Gấu đến nhà nàng, ba, bốn lần sau đó,
đều trót lọt, chồng nàng không hay biết.

Rồi một tối, khi ăn cơm, anh ta hỏi:

- Cái con chó nhà cô nó vẫn đến đây phải không?

Nàng đang gắp thức ăn, dừng đũa, không dám ngẩng lên ngay:

- Đâu có, chắc anh nhìn nhầm con chó nhà ai đấy!

- Ờ… cũng có thể! Nhưng cô vẫn cứ cẩn thận. Nó thả rông
thế, dễ mắc bệnh dại lắm! Nó mà cắn tôi, thì cô cứ
liệu!

- Nhưng mà em khóa cổng kia mà…

- Cô mới học đâu cái kiểu cãi giả chồng thế hả! Tôi nói
thế thì phải biết im đi mà nghe!

Nàng nín lặng, cố nuốt nốt miếng cơm. Chiều hôm sau, anh ta
về sớm, quăng gói giấy báo cái "bịch":

- Cô không thích ăn thịt quay, nên mua miếng thịt cũng chẳng ra
hồn. Từ nay, cô cứ để tôi khi nào thích ăn thì mua…

Nàng lẳng lặng mang gói thịt xuống bếp thái. Miếng thịt to,
nàng bớt lại một phần, để sáng mai cho con Gấu mang về.
Nàng cất miếng thịt trong chạn, úp một cái bát lên trên, yên
tâm vì biết anh ta chẳng bao giờ thèm ngó ngàng đến bếp núc.

Sáng sớm hôm sau, con Gấu đến. Nàng mở chạn, lấy miếng
thịt quay gói lại cho vào túi vải, cùng với những thứ khác,
vội vã giục nó về ngay. Nàng sợ chồng bắt gặp con Gấu.

Buổi chiều, nàng cảm thấy ruột gan cứ bồn chồn không yên.
Cái tâm trạng ấy, khiến nàng như mất hồn, hết đứng lại
ngồi, đi ra lại đi vào. Không phải vì chiều nay, chồng nàng
ở nhà. Anh ta cũng chẳng quan tâm đến trạng thái ấy của
nàng, cứ nửa nằm nửa ngồi trên đi văng, vừa nghe nhạc,
vừa đọc chưởng.
Bỗng có tiếng tru thảm thiết của con Gấu ở ngoài cổng.
Nàng run bắn người, linh cảm thấy có một tai họa khủng
khiếp. Nàng không đủ sức đứng lên mở cổng nữa. Chồng
nàng hỏi:

- Cái con chó đen nhà cô phải không? Nó chưa chết à?

Nàng tái mặt lắp bắp:

- Anh… anh… bảo… bảo… ai… Ch… chết?

- Con chó nhà cô ấy. Nó không ăn cái miếng thịt quay ấy à?
Tôi đã tẩm thuốc độc vào đấy đấy!

Nàng ngã khuỵu xuống, như một cây chuối thối gốc:

- Giời ơi là giời… Anh giết anh ấy rồi…

Nàng khóc và ngất đi. Chồng nàng hoảng sợ, vội vớ lấy
dầu bạc hà xoa cho nàng, lay gọi nàng:

- Cô nói làm sao? Ai chết? Tôi giết ai? Cô điên rồi à?

Nàng dần dần tỉnh lại, cũng với tiếng hờ khóc càng to hơn:

- Giời ơi là giời… Anh giết anh ấy rồi… Anh ấy ốm… Tôi
lấy miếng thịt bảo con chó mang về cho anh ấy… Đồ độc
ác… Đồ dã man!…

Anh ta cho nàng một cái tát, hai cái tát. Nàng choáng váng, nín
bặt, nhìn trừng trừng:

- Mày đánh nữa đi! Mày giết nốt tao đi! Tao có cần sống
đâu mà… Quân giết người!

Anh ta dằn từng tiếng:

- Này! Cô nghe đây! Tôi định giết là giết con chó. Tôi ghét
vì nó cứ lui tới đây tìm cô. Cô tưởng cô giấu tôi cho nó
mà lọt à! Tôi biết hết! Nhưng tôi lại không ngờ anh ta lại
ăn tranh của chó. Chính cô mới là người giết chết anh ta!

Nàng giận bắn người, miệng há hốc, mắt trợn trừng. Nàng
ghê sợ cái suy nghĩ, cái cách nói trần trụi, tàn nhẫn của
con người đó, nàng lảo đảo đứng dậy, xiêu vẹo đi ra phía
cổng, nơi con Gấu đang đu người lên mà tru từng hồi. Anh ta
quát to:

- Cô không được mở cổng! Tôi cấm cô!

Nàng không thèm nghe. Nàng đang ở vào cái trạng thái không
biết sợ một cái gì – kể cả cái chết. Nàng mở toang cửa,
ôm lấy đầu con Gấu mà khóc không thành tiếng. Nước mắt
của con Gấu cũng ướt cả tay nàng. Rồi nó toài ra, ngoạm tay
nàng kéo đi. Nàng đắn đo giây lát, rồi bảo:

- Gấu, ở đây nhé. Đợi chị.

Nàng ấn con Gấu ngồi bên góc cổng, rồi rảo bước vào nhà.
Nàng nói với chồng, nhỏ nhưng quyết liệt:

- Tôi phải đi! Anh có cấm, tôi cũng đi! Nếu anh cấm tôi, tôi
sẽ tố cáo anh. Rồi ra sao thì ra.

Anh ta nhìn vẻ mặt nàng, nhìn ánh mắt điên dại của nàng,
nghĩ một lát, rồi gằn giọng:

- Thôi được cô cứ đi, nếu cô thích. Nhưng tôi nói để cô
biết, cái mặt cô cũng chẳng đẹp đẽ gì, nên cứ liệu
đấy mà phơi ra…

Nàng không thèm trả miếng, hấp tấp quay ra cổng, con Gấu vẫn
đứng đấy, vội vã vượt lên trước, cứ một quãng, nó lại
đứng đợi, vẻ bồn chồn. Mãi đến khi đi một quãng xa, nàng
mới sực nhớ ra mình chẳng có một đồng nào cả. Nàng gọi:

- Gấu lại đây đã!

Và nàng đi đến một tiệm vàng. Nàng tháo chiếc dây chuyền,
cái nhẫn, chủ tiệm nhìn vẻ mặt nàng, không hỏi, đem đi
cân, thử, và nói giá, tính tiền, đếm tiền. Nàng lặng lẽ
cầm bọc tiền và lặng lẽ ra khỏi tiệm.

Trên đường đi, cho đến lúc này, nàng mới nhớ lại tình
cảm của mình. Và, những lời nói của chồng, làm nàng phải
cân nhắc: "Có nên đến thẳng chỗ anh ấy không?"

Nàng hình dung ra căn nhà tồi tàn không khí lạnh lẽo của nó,
vẻ mặt khổ não và ảm đạm của người quá cố, ánh mắt
của người làng… Nàng thoáng rùng mình và do dự. Nàng thấy
tốt nhất là hãy cứ sang nhà bên cạnh xem sao đã. Hai vợ
chồng ông lão hàng xóm vốn phúc hậu, rất quý nàng, khi nàng
còn là vợ anh giáo. Vả lại, trời cũng đã nhá nhem, ít
người nhận ra nàng…

Đến gần ngôi nhà cũ, nàng thấy người vào ra thì đông mà
tiếng khóc thì thưa thớt, nàng thấy mình có tội với anh ấy,
thấy mình chẳng còn mặt mũi nào mà bước vào ngôi nhà đó,
nhìn mặt người chồng cũ lần cuối. Nàng vội vã rẽ vào nhà
bên cạnh, lén lút như một con ăn cắp. Gặp bà cụ, nàng òa
khóc:

- Anh ấy đi rồi à, bà ơi?

- Tội nghiệp… sao chị biết mà về?

- Con Gấu nó đến báo cho cháu…

- Lạy giời Phật! Thảo nào… vừa mới trưa, nó sang nhà tôi.
Ông lão nhà tôi đang nghỉ. Nó cứ vừa tru, vừa ngoạm tay ông
lão lôi dậy. Sang, thì anh giáo đã đi rồi. Người ta bảo là
do ốm sẵn mà ngộ độc thức ăn… Đồ nóng anh giáo không ăn
mà chỉ ăn đồ nguội. à… à… ra con Gấu nó đến báo cho
chị đấy… !

Những lời của bà già làm nàng buốt nhói đến tận ruột gan.
Nàng muốn nói "Bà ơi! Chính cháu đã giết anh ấy!", mà
không dám. Một cơn ớn lạnh làm nàng rùng mình, nàng vội giở
bọc tiền, dúi vào tay bà lão, mếu máo:

- Bà ơi… cháu có lỗi với anh ấy… Cháu chẳng còn mặt mũi
nào mà nhìn anh ấy nữa. Số tiền này, cháu dành dụm được,
nhờ ông bà với hàng xóm láng giềng lo cho anh ấy. Thôi thì,
trăm sự nhờ cả ông bà…

Bà lão, thấy nàng như vậy, cũng mủi lòng:

- Chị nghĩ vậy, là phải! Để tôi đi gọi ông lão về!

Nàng vội níu tay bà cụ:

-Thôi bà ạ! Cháu xin phép bà, cháu phải về ngay đây!

Nàng nấc lên, vội vã đi như chạy ra khỏi cái ngõ hẹp nhà
bà cụ. Và cứ thế, nàng lầm lũi đi. Con Gấu không biết nàng
về. Nó bỏ nàng ngay từ lúc nàng đến gần nhà. Nó làm thế
là đúng thôi. Chỉ có nàng mới là kẻ phụ bạc.

Đêm! Trăng suông. Con đường vắng. Những ngọn gió hoang thỉnh
thoảng lại cồn lên, nàng có cảm giác đó là âm hồn đang đi
lang thang…

Có tiếng chân chạy phía sau, làm nàng giật bắn người. Một
bóng đen vụt qua, rồi đứng khựng lại. Con Gấu, nàng mừng
rỡ, ngồi thụp xuống, ôm lấy đầu nó và cảm thấy trống
ngực vẫn đập thình thình.

Con Gấu đi cùng nàng đến đoạn đường sáng đèn phố, thì
dừng lại. Nó để yên cho nàng vuốt ve một lúc, rồi vùng
chạy ngược về nơi mà nàng đã từ bỏ.

Tháng 3-1993

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20150102/truyen-ngan-cuoi-tuan-nguyen-quang-huy-con-gau),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét