Victor Hugo - Tử tù Claude Gueux (1)

<strong>Lời giới thiệu của người dịch:</strong> <em>Có thể
nói dấu hiệu trung thực nhất của một hệ thống luật pháp
đã bị tha hóa là tử tội hoàn toàn thản nhiên trước cái
chết do luật pháp thi hành. Nhưng dấu hiệu đó cũng cho thấy
một tín hiệu tích cực: lý trí và phẩm cách của xã hội đó
chưa hoàn toàn cúi đầu trước tử thần hay sự tha hóa của
luật pháp. Sự tích cực đó sẽ còn tích cực hơn nếu thái
độ khinh thường "công lý" như thế đánh động được dư
luận xã hội cho những cải cách có thể về hệ thống luật
pháp/chế độ chính trị. Vì vậy, có thể nói <em>công lý</em>
là cha và cũng là con của <em>luật pháp</em>. Và cả hai thứ
đó đều là con và đồng thời cũng gần như là cha của <em>con
người</em>.</em>

<div class="boxleft300"><img
src="http://www.procontra.asia/wp-content/uploads/2014/12/Victor-Hugo-Claude-Gueux-Cover.jpg"
/><div class="textholder"></div></div><em><em>Claude Gueux,</em> sáng tác
văn học của Victor Hugo năm 1834, đã đề cập mối quan hệ tay
ba phức tạp, tương hỗ vừa nói qua một câu chuyện cụ thể
dựa trên một sự kiện có thật: Tháng 11 năm 1831 trong một
nhà tù lớn tại Troyes, vùng gần Paris, một tù nhân đã giết
chết một cai tù trước sự tán đồng, hả hê của đám đông
bạn tù. Kẻ sát nhân tù nhân đó, cố nhiên không thể thoát
được cơn thịnh nộ của nhà chức trách, đã bị luật pháp
kết án tử hình và bị hành quyết gần như ngay lập tức.
Nhưng Victor Hugo không nhìn vụ việc bằng con mắt lạnh lùng
của luật pháp đương thời, <em>Claude Gueux </em>đã đặt lại
vụ việc trên những bình diện lớn hơn: trách nhiệm xã hội,
bản thể con người, đạo đức, giáo dục, luật pháp và cả
niềm tin tôn giáo.</em>

<em><em>Claude Gueux</em>, về lượng chữ, là một tác phẩm rất
mỏng so với hai tác phẩm đồ sộ nổi tiếng khác của Victor
Hugo, <em>Nhà thờ Đức Bà Paris</em> (Notre Dame de Paris) và
<em>Những người khốn khổ </em>(Les Misérables). Nhưng về triết
lý nhân sinh, ý nghĩa xã hội, tâm lý nhân vật, cũng như tinh
thần nhân văn cao cả, <em>Claude Gueux</em> chưa hẳn đã mỏng
hơn hai tác phẩm đồ sộ kia, nếu không muốn nói chính
<em>Claude Gueux</em> (Claude Khốn Cùng) là bà đỡ cho <em>Les
Misérables</em> (Những người khốn khổ) ra đời gần 30 năm
sau.</em>

<em> Có lẽ linh hồn, nếu ta tin là có linh hồn, của nhân vật
chính trong <em>Claude Gueux</em> sẽ thanh thản hơn, siêu thoát hơn
nếu độc giả hôm nay, thay vì ngậm ngùi hay rơi nước mắt
trong khi đọc tác phẩm, nhận được rõ hơn nguyên nhân của
những bất cập, bất nhân trong hệ thống pháp luật hiện tại
và, cũng không im lặng hay cúi đầu khuất phục.</em>

<center>_______</center>

Cách đây chừng bảy hoặc tám năm, ở Paris có một gã thợ
nghèo tên là Claude Gueux. Gã sống cùng một cô gái, cũng là
người hầu, và một đứa bé con của cô ta. Tôi sẽ kể lại
các việc như chúng đã xảy ra rồi độc giả thu lấy những
đạo đức đã được gieo trên đường đi của chúng. Claude là
một thợ giỏi, hoạt bát, lanh trí, bị nền giáo dục khinh
miệt nhưng được tự nhiên ưu ái, không biết đọc nhưng rất
biết nghĩ. Một mùa đông buốt giá, mất việc, trong hốc trọ
thuê áp mái của gã hết sạch cả lửa lẫn bánh. Gã ta, cô
gái và đứa trẻ co ro trong đói, rét. Claude đi ăn trộm. Tôi
không biết gã đã trộm gì và trộm ở đâu, chỉ biết vụ
trộm đã mang lại bánh mỳ cùng lửa ấm cho người đàn bà và
đứa bé trong ba ngày, và năm năm tù cho gã.

Gã bị đưa tới nhà tù trung tâm Clairvaux để thi hành án.
Clairvaux nguyên là một tu viện cổ đã được cải thành ngục
thất, những buồng nguyện thành hầm giam người, còn bàn thờ
thành cột trói bêu tù.

Khi chúng ta nói về tiến bộ nghĩa là khi đó chỉ có một số
người hiểu và thực thi điều này mà thôi. Chính đó là cái
bị ẩn giấu trong ngôn từ của chúng ta.

Xin tiếp tục.

Tới nơi, ban đêm Claude bị đưa vào ca-sô <a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftn1">[1]</a>,
ban ngày đưa vào xưởng. Nhưng xưởng không phải là cái tôi
phàn nàn.

Claude Gueux, gã thợ ngay thật đã thành tên trộm, là một
người nghiêm túc, trọng liêm sỉ. Gã có cái trán cao với
những nếp nhăn trước tuổi, có những ánh bạc lấp ló trong
mái tóc đen, đôi mắt hiền, mạnh mẽ ẩn sâu dưới cung mày
đẹp, hai lỗ mũi rộng khoáng đạt, chiếc cằm kiêu hãnh nhô
về trước với đôi môi ngạo nghễ ở trên. Một cái đầu
đẹp. Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy xã hội đối xử ra sao với
tướng mạo đẹp đẽ này.

Gã ít nói, thường dùng cử chỉ nhiều hơn, nhưng con người
gã có một cái gì đó đầy uy lực khiến người khác phải
tuân phục. Gã có cái vẻ trầm tư của nghiêm nghị hơn là đau
khổ. Gã còn là một kẻ giỏi chịu đựng.

Nơi Claude Gueux bị giam cầm có một giám quản xưởng tù, một
loài công chức dành riêng cho nhà tù. Loại người này có phẩm
chất của cả cai tù lẫn chủ xưởng, vừa thúc được thợ
vừa hăm được tù, vừa đặt được vào tay bạn cái cưa và
cúi xuống luồn cho hai chân bạn đôi xiềng. Giám xưởng của
Claude Gueux còn là một biến dị của loài công chức đó. Cộc
lốc, độc đoán, bảo thủ, luôn luôn áp chế. Tuy nhiên, đôi
lúc ông ta cũng tỏ ra gần gũi, thân thiện, thậm chí còn vui
vẻ, bông đùa. Con người ông ta có chất nhẫn tâm nhiều hơn
chất thô cứng. Đặc biệt ông ta không thích lý luận, tranh
cãi với ai, kể cả với bản thân. Ông ta là một người cha,
người chồng tử tế theo cái nghĩa trách nhiệm, không phải
theo nghĩa phẩm hạnh. Ngắn gọn, ông ta không ác nhưng tồi.
Ông ta thuộc dạng người không có gì có thể rung động, co
giãn. Một con người được cấu tạo bằng những phân tử
bất động, trơ ỳ trước mọi ngôn từ, tình cảm. Là loại
người có những cơn giận băng giá, có những mối hận u uất,
những phẫn nộ vô cảm, khiến cho lửa căm hờn bùng lên mà
không tỏa hơi nóng giận, có thể ví với một thanh gỗ dày
một đầu đã cháy rực mà đầu kia vẫn lạnh ngắt. Tất cả
mọi nẻo chính, phụ trong bản đồ tính khí của ông ta đều
tiến tới một điểm: chai lỳ. Ông ta tự hào về điểm ấy
và có ý tự sánh mình với Napoléon. Đó chỉ là một ảo
tưởng quang học, như nhiều người đôi lúc đã nhầm chai lỳ
với nghị lực, hay đã tin một ngọn nến là một vì sao. Mỗi
khi con người này định làm một chuyện vô lý mà ông ta gọi
là <em>ý chí</em>, ông ta sẽ ngẩng cao đầu đạp qua mọi ngáng
trở để đi tới cùng sự vô lý. Kiên định không trí lực,
sự ngu dại nối thêm ngu dốt phụng sự ông ta. Và phụng sự
đắc lực. Nhưng nói chung, khi một thảm họa, dù công hay tư,
đổ xuống đầu chúng ta, nếu quan sát kỹ đống đổ nát và
soi xét kỹ quá trình diễn ra, ta sẽ gần như luôn thấy thủ
phạm là một kẻ có trí óc bình thường nhưng ương ngạnh,
kẻ rất tự tin và tự phụ. Thế gian vẫn có những cái đầu
đặc ngang bướng như thế nhưng tự tưởng là thiên tài.

Đó là tất cả những gì thuộc về bản tính lão giám xưởng
tại nhà tù trung tâm Clairvaux. Đó cũng là cách xã hội đều
đặn chà đạp lên tù nhân làm phát ra những tia lửa nhỏ căm
hờn. Tia lửa của nhiều viên đá lửa giống nhau cọ vào
những viên sỏi giống nhau thường làm thành đám cháy.

Khi tới Clairvaux, Claude Gueux được đánh số ngay rồi được
đưa vào xưởng giao việc. Giám xưởng tới gặp Claude, nhận
ngay ra gã là một tay thợ cừ và xử sự tử tế với gã.
Thậm chí có một lần nhân lúc trong người dễ chịu và lại
trông thấy Claude quá buồn, vì gã luôn nhớ tới người đàn
bà gã vẫn gọi là <em>vợ</em>, lão giám kể cho Claude nghe, vừa
để cho khuây khỏa thời gian vừa để vỗ về Claude, rằng cái
ả bất hạnh đó đã đi làm điếm rồi. Claude im lặng, lạnh
lùng hỏi về đứa trẻ, lão giám nói không biết.

Sau vài tháng, Claude quen dần với nhà tù và có vẻ không còn
nghĩ ngợi thương nhớ điều gì nữa. Thay vào đó là một sự
thâm trầm nghiêm nghị rất riêng biệt.

Rồi thêm một thời gian nữa, Claude trở thành một người có
uy thế đặc biệt đối với tất cả các tù của xưởng. Như
có một cam kết ngầm mà không ai biết vì sao, kể cả Claude,
tất cả thường hỏi ý kiến gã, lắng nghe gã, khâm phục và
làm theo ý gã – cấp độ cuối cùng của ngưỡng phục. Đây
không phải là loại tuân phục bình thường từ những con
người cùng có bản năng bất phục. Đối với Claude, cái đế
chế đó là một bất ngờ. Nhưng thật ra nó đã nằm ngay trong
ánh mắt khi gã nhìn mọi người. Mắt chính là cửa sổ để
người khác trông thấy những suy tư, hiểu được những ý
định trong đầu của một người.

Để một người luôn tràn trề ý kiến, tư tưởng trong đầu
cùng sống với những người không có gì trong đầu, sau một
thời gian và do qui luật hấp dẫn, những cái đầu tăm tối
cũng sẽ dần dần, một cách khiêm nhường và quí trọng, châu
quanh cái trí não tỏa sáng. Đã có những con người là sắt
thì cũng có những con người là nam châm. Claude là một thanh nam
châm mạnh.

Chưa tới ba tháng Claude đã trở thành linh hồn, luật pháp và
thành người ấn định trật tự cho cả xưởng. Mọi việc,
mọi người đều răm rắp hành động nhịp nhàng theo chỉ
đạo của gã. Có lúc gã còn không chắc gã đang là vua hay là
tù nữa. Tình trạng đó giống như kiểu một giáo chủ bị giam
cầm cùng cả tăng đoàn. Nhưng đương nhiên, được tù yêu thì
phải bị cai tù ghét, sự song hành tất yếu. Luôn luôn thế.
Nổi tiếng không bao giờ không sánh cùng bài bác. Vị ngọt
thương yêu từ người nô lệ luôn phải kèm thêm chất đắng
ác cảm của chủ nô.

Một trong những cấu tạo đặc biệt của cơ thể Claude là gã
rất phàm ăn. Khẩu phần hàng ngày của hai người đàn ông có
sức vóc bình thường chỉ vừa vừa đủ cho cái dạ dày của
gã hoạt động cầm chừng trong ngày. Đối với người sung túc
ăn khỏe là cơ hội để rót thêm vui sướng cho đời, nhưng ăn
khỏe là nỗi khổ của đám thợ nghèo, là điều bất hạnh cho
lũ tù nhân.

Khi còn ở ngoài, Claude quần quật suốt ngày, kiếm được
mỗi ngày đến 2 cân bánh mỳ, Claude xơi hết. Trong tù, cũng
quần quật cả ngày nhưng khẩu phần cho tù chỉ được chừng
8 lạng bánh và khoảng 1 lạng thịt. Đã là khẩu phần thì
không thể thay đổi.

Claude thường xuyên đói trong nhà tù Clairvaux. Gã đói và đói,
thế thôi. Claude không nói gì. Tính gã thế.

Một hôm, vừa ngấu nghiến xong hết phần ăn của mình Claude
ngồi ngay vào làm việc hòng đánh lừa cái đói, trong khi các
tù khác vẫn còn rộn rã ăn uống. Bỗng một thanh niên trắng
trẻo, thanh mảnh, tay cầm phần ăn vẫn còn nguyên và con dao
ăn, đến gần Claude. Cậu thanh niên cứ đứng im cạnh Claude,
nửa muốn nói điều gì, nửa không dám. Chàng trai, chiếc bánh,
và miếng thịt làm Claude không chịu nổi.

"Cậu muốn gì?"

"Tôi muốn anh giúp tôi một việc." Cậu thanh niên rụt rè
trả lời.

"Việc gì?"

"Giúp tôi cùng ăn suất này. Đối với tôi nhiều quá."

Một giọt nước tràn qua trong con mắt kiêu hãnh của Claude. Gã
cầm lấy dao, chia đôi suất ăn ra làm hai phần bằng nhau, cầm
lấy một phần rồi ăn.

"Cám ơn", cậu tù trẻ nói. "Nếu anh muốn, chúng ta hàng
ngày sẽ chia nhau như thế này."

"Cậu tên gì?" Claude lên tiếng.

"Trắng."

"Sao cậu lại ở đây?"

"Tôi đã ăn trộm."

"À, tớ cũng vậy."

Bọn họ từ đó cùng chia nhau như thế mỗi ngày. Claude 36
tuổi nhưng nhiều lúc có cái vẻ của người đã 50 vì gã lúc
nào trông cũng suy tư, nghiêm túc. Trắng mới có hai mươi nhưng
mọi người lại nghĩ chỉ mới mười bảy vì tay ăn trộm này
có cái nhìn trông quá thơ ngây. Quan hệ giữa hai người đàn
ông trở nên thắm thiết. Nhưng sự thắm thiết kiểu tình cha
con hơn là tình bạn, vì Trắng vẫn tươi trẻ như một cậu bé
mà Claude lại nom như một ông già.

Hai người cùng làm trong một xưởng, cùng ngủ dưới một mái
vòm, cùng đi với nhau mỗi khi được đi dạo và cùng ngoạm
chung một chiếc bánh. Cả hai say nhau đến mức có cảm tưởng
kẻ này là thế giới của kẻ kia. Cả hai ngập tràn hạnh
phúc.

Ở trên chúng ta đã nói tới lão giám xưởng, người luôn xét
nét tù nhưng lại hay phải nhờ đến Claude mỗi khi muốn tù
vâng lời. Đã hơn một lần Claude phải cho giám xưởng mượn
cái uy của gã để ngăn không cho rối loạn hay bạo loạn xảy
ra. Đúng ra thì phải nói 10 lời của Claude có trọng lượng
bằng 10 ông cẩm. Nhiều lần Claude đã phải lên tiếng giúp
lão giám. Nhưng trong thâm tâm lão giám xưởng không ưa Claude,
lão rất khó chịu với cái cách Claude giúp lão. Lão ghen với
tay ăn trộm. Sâu trong tim lão giám đã mọc ra một mối căm thù
âm thầm, kình địch không nguôi với Claude. Đó là lòng ghen
hận của kẻ có quyền nhưng thiếu uy với một người không
có quyền nhưng đầy uy tín. Đó cũng là kiểu hiềm tị của
kẻ chỉ có sức mạnh cơ bắp với người sở hữu nhiều uy
lực tinh thần.

Những thù hằn đó thuộc hạng thù hằn tai hại nhất của con
người.

Nhưng Claude yêu Trắng nhiều chừng nào thì lại thờ ơ với
lão giám chừng ấy. Một hôm vào buổi sáng lúc tù nhân xếp
hàng từng đôi đi từ chỗ ngủ sang chỗ làm, Trắng đang
đứng cạnh Claude thì bị gọi tên ra ngoài để gặp giám
xưởng.

"Họ cần gì em?" Claude hỏi.

"Em không biết."

Trực buồng đưa Trắng đi.

Buổi sáng đã trôi hết, Trắng không thấy về. Đến giờ ăn,
Claude hí hửng sẽ gặp Trắng ở trong sân nghỉ. Trắng không
có ở đó. Vào lúc tất cả quay lại xưởng cũng không thấy
Trắng trong xưởng. Một ngày đã trôi qua. Tối đến, khi mọi
người đã vào hết khu ngủ, Claude dò tìm đôi mắt Trắng.
Không thấy. Có lẽ đó là lúc khó khăn nhất với Claude, gã
không thể chịu đựng được thêm và cất lời hỏi người
trực buồng ở ngoài, điều gã chưa bao giờ làm:

"Trắng bị ốm à?"

"Không." Người trực trả lời.

"Sao hôm nay không về?"

"À, bị chuyển khu khác rồi." Tiếng trả lời hờ hững.

Những người chứng kiến cảnh hỏi đáp này về sau đã nói
rằng ngay sau câu trả lời đó cây nến nhỏ trên tay Claude rung
lên nhè nhẹ. Gã bình thản hỏi thêm:

"Ai đã ra lệnh chuyển?"

Người trực đáp: "M.D."

M.D. là tên của giám xưởng.

Cả ngày hôm sau trôi đi cũng giống ngày hôm trước, không có
Trắng.

Tối đến, khi việc sản xuất đã dừng, giám xưởng M.D. bắt
đầu đi tuần vòng kiểm tra quanh xưởng như thường lệ. Khi
thấy giám xưởng từ xa, Claude bỏ cái mũ len trên đầu xuống,
đóng lại các cúc chiếc áo khoác tù màu xám đúng theo qui
định khi gặp cai tù, rồi mũ cầm tay đứng thẳng lên ngay
lối vào bệ của gã. Giám xưởng vừa đi tới.

"Thưa ông!"

Lão giám dừng lại, nghiêng người.

"Thưa ông", Claude nói tiếp, "có đúng là Trắng đã bị
chuyển khu rồi phải không?"

"Đúng."

"Ông ơi, tôi cần Trắng để có thể sống được ông ạ."
Claude nói theo, và thêm: "Ông biết là suất ăn của trại
không đủ cho tôi, Trắng đã nhường một phần của cậu ấy
cho tôi mà ông."

"Đó là chuyện của nó." Giám xưởng nói.

"Ông ơi, không có cách nào chuyển lại Trắng về khu này hở
ông?"

"Không được. Quyết rồi."

"Ai quyết?"

"Tao."

"Thưa ông D., đây là chuyện sống chết của tôi, tất cả
phụ thuộc vào ông đấy. Xin ông xem lại."

"Tao không bao giờ xem lại những cái tao đã quyết."

"Tôi đã làm điều gì không phải với ông sao?"

"Không!"

"Vậy sao ông lại tách tôi và Trắng ra?"

"Vì."

Lão giám xưởng chỉ nói thế và đi. Claude gục đầu xuống,
im lặng. Đúng là "hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn"<a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftn2">[2]</a>.

Chúng tôi phải nói để quí bạn biết là nỗi buồn chia ly
này không hề làm cho thói phàm ăn của Claude trở thành tồi
tệ. Gã không thể hiện có một sự thay đổi lớn nào cả. Gã
còn không nói với bất kỳ người bạn nào về Trắng. Gã vẫn
đi bộ một mình trong sân vào giờ nghỉ và đói. Không có gì
hơn.

Tuy nhiên những người gần và hiểu gã nhận thấy một cái
gì đó gở gở, u ám cứ hiện dần lên trên khuôn mặt gã mỗi
ngày. Ngoài điều đó ra, gã lại có vẻ dễ thương hơn bao
giờ hết.

Nhiều người muốn chia suất ăn cho gã nhưng gã từ chối.

Nhưng kể từ lúc nhận được lời giải thích của giám
xưởng, tối nào cũng thế Claude đều có một hành động kỳ
cục làm tất cả phải ngạc nhiên vì điều đó lại xuất
hiện từ một con người rất nghiêm túc. Cứ vào lúc cai
xưởng đi tuần qua ngay trước bệ của Claude, Claude đều
ngước mắt lên nhìn chằm chằm vào giám xưởng rồi, với
một giọng vừa bồn chồn vừa tức giận như kiểu vừa cầu
khẩn vừa dọa dẫm, nói chỉ hai từ: <em>Thế Trắng?</em> Lão
giám đều giả như không nghe thấy gì hoặc chỉ nhún vai đi
thẳng.

Giám xưởng đã phạm sai lầm lớn khi nhún vai, vì tất cả
những khán giả xem những cảnh tái diễn kỳ lạ ấy đều
thấy rõ trong con người Claude đã có một điều gì được xác
quyết rồi. Cả nhà tù đều hồi hộp chờ xem kết cục của
cuộc đấu, cuộc đấu giữa chai lỳ với quyết đoán.

Một lần Claude còn nói với giám xưởng:

"Ông ơi, xin ông hãy nghe tôi. Hãy trả lại tôi người bạn,
rồi ông sẽ được tốt đẹp, tôi đảm bảo với ông đấy.
Hãy ghi nhận cho tôi là tôi đã nói thế rồi ông nhé."

Một lần khác, ngày Chủ nhật, Claude hai tay ôm trán chống
gối, ngồi bất động trên một tảng đá trong sân suốt mấy
giờ liền, một bạn tù đến gần vừa cười vừa nói ầm
lên:

"Quỉ ơi, làm gì ở đây thế, Claude?"

Claude từ từ ngẩng đầu lên nặng nề:

"<em>Tôi đang xử một người</em>."

Buổi tối ngày 25/10/1831, vào đúng lúc giám xưởng đi tuần
vòng, Claude lấy chân giậm vỡ một mặt kính đồng hồ gã
nhặt được ở ngoài hành lang lúc sáng. Tiếng kính vỡ nghiến
rờn rợn. Giám xưởng gắt: "Tiếng gì đâu đấy?"

"Không có gì đâu, tôi đấy", Claude đáp lời. "Ông giám
ơi, trả lại tôi Trắng đi, hãy trả lại bạn cho tôi."

"Không thể được."

"Nhưng cần phải thế ông ạ", giọng Claude nhẹ nhàng nhưng
quả quyết. Claude nhìn thẳng vào mặt giám xưởng, nói thêm:

"Hãy nghĩ kỹ thêm đi ông ơi. Hôm nay là ngày 25 tháng Mười.
Tôi cho ông đến mồng 4 tháng Mười Một đấy."

Người trực bên ngoài nhắc M.D. rằng Claude đã có ý đe dọa,
cần cho gã vào ca-sô ngay.

"Không, không cần", cai xưởng nhếch mép cười. "Vẫn
cần tử tế với loại người đó."

Hôm sau, lúc Claude đang đi dạo một mình vẻ suy nghĩ quên hết
cả những tù khác đang vui đùa dưới mảnh nắng nhỏ ở một
góc gần đấy, một bạn tù khác đi đến gần:

"Này, Claude, anh đang nghĩ gì đấy? Trông buồn thế."

"<em>Tao sợ là sắp có điều gì không hay đang đến với lão
M.D. tử tế này mất</em>."

Trong suốt chín ngày đầy từ 25 tháng Mười đến 4 tháng
Mười Một, không ngày nào Claude không nhắc giám xưởng về
nỗi đau ngày càng đau của gã do mất Trắng. Quá mệt vì
những lời van nài giống như thúc lệnh, lão giám xưởng một
lần cũng phải tống Claude vào ca-sô trong 24 giờ. Nhưng tất
cả chỉ có thế.

Ngày 4 tháng Mười Một đã tới. Sáng ra mọi người thấy
Claude trở dậy với một vẻ mặt thanh thản đặc biệt chưa
bao giờ thấy kể từ ngày giám xưởng <em>quyết định </em>chia
ly gã với người bạn. Vừa dậy, Claude lục ngay chiếc hòm gỗ
mộc đựng đồ dưới chỗ ngủ. Gã lôi ra một cái kéo may và
một cuốn <em>Emile </em><a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftn3">[3]</a>
sờn cũ. Đó là những kỷ vật duy nhất còn lại từ người
đàn bà yêu thương của gã, người mẹ của con gã và của cái
hốc trọ đầm ấm trước đây. Nhưng cả hai vật đều vô
dụng đối với Claude. Kéo chỉ dùng cho phụ nữ, sách cho kẻ
biết đọc. Claude không biết vá may cũng không biết đọc.

Lúc đi qua khu vực từng là nơi cầu nguyện nay đã bị quét
vôi trắng và chuyển thành khu đi dạo cho tù vào mùa đông,
Claude đến gần một bạn tù đang nhìn chằm chằm vào những
song sắt to tướng ở chiếc cửa kính trên cao, gã chìa chiếc
kéo nhỏ ra cho người bạn nhìn thấy rồi nói:

"Tối nay tao sẽ cắt những chấn song đó bằng chiếc kéo
này."

Người bạn ngớ người ra rồi phá ra cười. Claude cũng cười
phá theo.

Sáng hôm đó Claude làm việc hăng hơn ngày thường. Chưa bao
giờ gã lại làm nhanh và chuẩn đến thế. Gã như phải bằng
mọi giá hoàn thành cho bằng được ngay trong buổi sáng chiếc
mũ rơm mà người khách giàu có và tử tế đã trả tiền
trước cho gã. <a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftn4">[4]</a>
Trước giờ nghỉ trưa, Claude lấy cớ và đi xuống xưởng mộc
ở ngay phía dưới. Đó cũng là nơi gã được mọi người yêu
quí như những nơi khác nhưng gã ít khi lui tới.

"Này, Claude đến này."

Mọi người chạy tới xúm quanh Claude, chuyện trò râm ran như
hội. Claude đảo nhanh mắt một vòng, không thấy một bóng cai
tù cảnh giới.

"Ai có rìu thì cho tôi mượn nào." Claude nói.

"Làm gì thế?"

Gã nói: "Tối nay giết giám xưởng."

Mọi người xúm đến đưa đủ loại rìu ra cho Claude chọn.
Cuối cùng, gã lấy cái nhỏ nhất có lưỡi rất bén, giấu vào
trong quần và đi ngay. Ở đó có tất cả 27 tù. Gã không nói
với ai phải bí mật, nhưng tất cả đều giữ kín.

Họ thậm chí còn không nói gì về chuyện đó với nhau nữa.

Ai cũng tự chờ cái sẽ đến. Ghê rợn, thẳng thắn và đơn
giản. Sẽ không thể có trục trặc. Claude không phải là
người có thể khuyên nhủ hay chê trách được.

Một giờ sau, gã đi đến chỗ một bạn tù trẻ mới có 16
tuổi đang ngồi ngáp trong khu đi dạo và nói cậu ta nên học
chữ đi. Cũng lúc đó, một bạn tù khác tiến sát vào Claude
hỏi giấu cái quỉ gì trong quần đấy, Claude nói:

"Rìu để giết M.D. tối nay. Lộ à?"

"Hơi thôi."

Mọi việc khác đều diễn ra giống như mọi khi. Đúng 7h tối,
các tù bị nhốt lại trong mỗi khu ứng với một xưởng. Các
cai tù giám sát cánh thợ tù cũng phải đi ra ngoài cho tới khi
giám xưởng đi tuần xong một vòng.

Thành ra Claude Gueux với các bạn tù khác cùng nghề đều bị
nhốt chung lại trong cùng một xưởng.

Trong cái xưởng đó đã xảy ra một cảnh dị thường, vừa
trang nghiêm vừa kinh hãi, một cảnh hi hữu chưa có trong sử
sách.

Ở đó, như cáo trạng đã tuyên trước đây, có tất cả 82
kẻ ăn trộm, kể cả Claude.

Khi các cai tù vừa ra ngoài để mặc tù nhân ở lại với nhau,
Claude đứng thẳng lên trên bệ của mình, thông báo cho cả
phòng biết gã có điều cần nói. Tất cả im phăng phắc. Claude
lên giọng:

"Tất cả anh em đều biết Trắng là em tôi. Suất ăn của
trại không đủ cho tôi ăn. Kể cả số tiền tôi kiếm được
chỉ để mua thêm bánh, cũng không đủ. Trắng đã chia bớt
suất của cậu ấy cho tôi. Tôi yêu quí cậu ấy trước hết
là vì cậu ấy đã nuôi tôi và sau nữa là do tình cảm của
cậu ấy đối với tôi. Lão giám xưởng M.D. đã chia li chúng
tôi. Lão làm điều đó chỉ vì chúng tôi đã quyến luyến nhau.
Đó là một con người ác độc, hả hê khi làm kẻ khác đau
khổ. Tôi đã xin lão nhiều lần trả lại Trắng cho tôi. Anh em
thấy không? Lão không muốn điều đó. Tôi đã để hạn cho
lão tới ngày 4 tháng Mười Một lão phải đem Trắng về đây.
Nhưng lão lại cho tôi vào ca-sô. Còn tôi, trong chín ngày đó
tôi đã dành để xét xử lão và đã kết án: tử hình. <a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftn5">[5]</a>*
Hôm nay 4 tháng Mười Một. Hai giờ nữa lão sẽ tới. Tôi xin
báo để mọi anh em biết tôi sẽ giết lão. Anh em thấy thế
nào?"

Tất cả nín lặng.

Claude tiếp tục nói với sự rung động, thuyết phục một
cách tự nhiên đặc biệt. Gã nói gã biết rõ gã sắp thực
hiện một hành động bạo tàn nhưng gã không tin là gã sai. Gã
đang tự thẩm tra với lương tâm của 81 kẻ ăn trộm.

Phải chăng gã đang cực đoan một cách thô thiển?

Người ta phải tự định đoạt lấy công lý mỗi khi bị lâm
vào đường cùng?

Không thể lấy đi mạng sống của lão giám nếu không phải
tự trả bằng sinh mạng của mình, nhưng rất nên đổi sinh
mạng của gã để lấy một sự công bằng?

Gã đã nghĩ thật chín trong hai tháng qua chưa?

Gã có chắc gã đã không để lòng hận thù xui khiến và nếu
là như thế gã đã khẩn cầu mọi người hãy ngăn chặn gã?

Gã đã thành thật để những người công chính quanh gã biết
rõ suy nghĩ của gã?

Gã quyết giết M.D. nhưng nếu có người phản đối, gã sẽ
lắng nghe?

Chỉ có một người lên tiếng nói rằng trước khi hành động
cần phải thử thêm một lần cuối, nói lại với giám xưởng
để lão nghĩ lại xem sao.

"Đúng vậy, tôi sẽ làm như thế", Claude đáp.

Chiếc đồng hồ lớn đánh tám tiếng. Giám xưởng sẽ tới
lúc 9h.

Sau khi cái tòa phá án <a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftn6">[6]</a>
đặc biệt đó phê chuẩn xong bản án gã đã tuyên, Claude lại
có một vẻ hoàn toàn thanh thản. Gã đặt lên chiếc bàn nhỏ
tất cả những đồ đạc khốn khổ của mình rồi chia hết cho
từng người theo thứ tự tình yêu thương gã xếp sau Trắng.
Gã chỉ giữ lại cho mình cây kéo may nhỏ nhắn.

Rồi gã ôm hôn từng người. Một vài người bật khóc, gã
mỉm cười nhìn họ.

Trong những khoảnh khắc của giờ cuối cùng gã còn làm cho
cả buồng nhiều lúc phải lặng đi và nhiều lúc lại náo
nhiệt, làm nhiều người âm thầm hy vọng, như họ từng nghĩ,
có thể gã sẽ thôi cái quyết định ghê gớm ấy. Có lúc gã
còn đùa cợt bằng cách dùng lỗ mũi to tướng của mình thổi
tắt phụt một ngọn nến trong cái buồng vốn đã tối om. Sự
giáo dục kém cỏi đôi khi cũng gây phiền toái cho phẩm cách
trong sáng của gã. Không gì có thể làm cho con người đường
phố của gã mất hết ngay được những mùi vị của phố xá.

Thoáng thấy một người trẻ yếu ớt đang run rẩy nhìn dán
vào gã vì sợ những gì sắp xảy ra.

"Nào, can đảm lên, người bạn trẻ. Nhanh thôi mà, chỉ một
loáng thôi." Claude trấn an.

Khi chia xong tất cả đồ vật, gã chia tay, bắt tay từng
người, gã nói với mọi người không được lo lắng gì nữa
và yêu cầu tất cả trở lại như bình thường. Sự tuân thủ
lẳng lặng được thực thi.

(Còn 1 kì)

<strong>Nguồn</strong>: Dịch từ nguyên bản tiếng Pháp:
<em>Claude Gueux</em>, Le livre de Poche, Libretti, Paris 2012. Các chú
thích của người dịch có tham khảo chú thích của sách vừa
dẫn. Độc giả có thể xem bản tiếng Pháp điện tử: <em><a
href="http://fr.wikisource.org/wiki/Claude_Gueux">Claude Gueux</a></em>

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Hồng Sơn &amp; pro&amp;contra

<hr width="33%" > <a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftnref1">[1]</a>
Nơi giam đặc biệt, diện tích rất nhỏ thường chỉ đủ một
người nằm, đóng kín, ngột ngạt, tối tăm và ẩm thấp, có
thể ở dưới lòng đất. Nguyên văn: "<em>cachot</em>".

<a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftnref2">[2]</a>
Nguyên văn "<em>Pauvre lion en cage à qui l'on ôtait son
chien</em>" (con sư tử tội nghiệp ở trong cũi bị người ta
lấy đi con chó của nó).

<a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftnref3">[3]</a>
<em>Emile</em> – tên tác phẩm nổi tiếng của Jean-Jacques Rousseau
ra mắt năm 1762, bàn về phương pháp giáo dục mới mang tính
phổ thông, nhân đạo, quan tâm, không cưỡng ép, hòa đồng
với thiên nhiên.

<a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftnref4">[4]</a>
Trong các nhà tù Pháp đương thời, thu nhập từ các sản phẩm
do tù nhân làm ra được chia làm ba phần bằng nhau: một phần
cho nhà tù, một phần cho tù nhân sử dụng ngay, một phần giữ
lại để giao cho tù nhân lúc được trả lại tự do.

<a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftnref5">[5]</a>*
Đúng theo văn bản. (Ghi chú của Victor Hugo)

<a
href="file:///C:/Users/Nam.NamPC/Documents/Blog/Fertig/2014-12-04-T%E1%BB%AD%20t%C3%B9-Ph%E1%BA%A7n%201.doc#_ftnref6">[6]</a>
<em>La cour de cassation</em>: theo hệ thống tư pháp của Pháp, đây
là một trong những cấp tòa có thẩm quyền cao nhất về tư
pháp nhằm thẩm tra lại mọi phán quyết của các tòa trước
đó, nhưng chỉ xem xét về phương diện áp dụng luật
đúng/sai, không xem xét lại tình tiết, sự kiện (<em>faits;
facts</em>). Tòa này được lập năm 1790, thời Cách mạng Pháp.
Nhưng <em>la cour de cassation</em>, không giống với một số
<em>supreme court </em>(pháp viện tối cao) theo hệ thống <em>common
law </em>(thông luật), chỉ có thẩm quyền tối cao đối với
các vụ việc dân sự (civil) và hình sự (criminel/criminal) nghĩa
là việc xem xét tối hậu (appel final/final appeal) cho các vụ
việc hành chính (administrative) thuộc một thiết chế khác là
Conseil d'Etat (Hội đồng Nhà nước) và xem xét tính hợp hiến
thuộc Conseil Constitutionel (Hội đồng Hiến pháp).




***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141205/victor-hugo-tu-tu-claude-gueux-1),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét